Nỗi khổ nông dân: lúa nhiều nhưng giá thấp
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2012-04-18
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long lo âu vì còn nhiều lúa mà giá thấp khó bán, dù Hiệp hội Lương thực Việt Nam loan báo tình trạng xuất khẩu gạo được cải thiện.
Kế hoạch mua tạm trữ của VFA có thực sự giúp nông dân
Đông xuân theo lẽ thường là vụ lúa trông đợi của nông dân đồng bằng sông Cửu Long, lý do là năng suất cao và thời tiết thuận lợi do thu hoạch trong mùa khô. Thế nhưng đông xuân 2011-2012, lúa vẫn được mùa năng suất rất cao nhưng giá cả lại tệ hại đến mức độ nông dân không thể có lãi dù chỉ ở mức 30% giá thành. Bản thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay từ những năm 2009-2010 luôn chủ trương nông dân phải có lãi từ 40% trở lên.
Trong khi đó, kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo tương đương 2 triệu tấn lúa của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) bị chuyên gia và báo chí cho là, không giúp vực dậy giá lúa và người hưởng lợi chương trình này không phải là nông dân.
Lúa còn cũng khá nhiều, một số người vì giá thấp quá trữ lại nhà đến nay vẫn không bán được. Giá có lên một chút nhưng vẫn còn thấp lắm, hiện nay không có thương lái đi mua, nếu có ai mua thì giá thấp lắm.Nông dân, Kiên Giang
Một người trồng lúa ở Kiên Giang nói với chúng tôi là cho đến ngày 17/4 lúa vẫn còn nhiều vì giá không như trông đợi và thương lái cũng hạn chế mua:
“Lúa còn cũng khá nhiều, một số người vì giá thấp quá trữ lại nhà đến nay vẫn không bán được. Giá có lên một chút nhưng vẫn còn thấp lắm, hiện nay không có thương lái đi mua, nếu có ai mua thì giá thấp lắm. Giá hôm nay lúa khô 50404 thì được 5.000/kg, bây giờ còn lúa khô vì là trữ lại, lúa hạt dài được 5.300đ-5.400đ tính ra cũng còn quá thấp. Có một số người nợ nần, thì bán một phần để chi trả ngân hàng, tiền nhân công, những người khác thì vựa lại, nhưng tình hình giá thì không tăng mấy.”
Báo Dân Việt điện tử ngày 12/4 trích lời TS Lê Văn Bảnh Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long nói rằng, vụ lúa đông xuân trong vùng thu hoạch hơn 11 triệu tấn lúa, trừ khối lượng người dân để lại để ăn và làm giống thì sẽ còn ít nhất 7-8 triệu tấn lúa hàng hóa dành cho xuất khẩu. Theo lời TS Bảnh vụ mua tạm trữ đặt ra mục tiêu mua 1 triệu tấn gạo, tương đương 2 triệu tấn lúa. Như thế, khối lượng lúa tồn trong nhà dân ở đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn khoảng 5-6 triệu tấn, tương đương 3-4 triệu tấn gạo. Điều này khác biệt với công bố của VFA là sau khi mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, đồng bằng sông Cửu Long chỉ tồn đọng 1,5 triệu tấn gạo tương đương 3 triệu tấn lúa hàng hóa. TS Bảnh nói như thế với hy vọng doanh nghiệp sau kế hoạch tạm trữ vẫn tiếp tục mua lúa cho nông dân.
...vụ mua tạm trữ đặt ra mục tiêu mua 1 triệu tấn gạo, tương đương 2 triệu tấn lúa. Như thế, khối lượng lúa tồn trong nhà dân ở đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn khoảng 5-6 triệu tấn, tương đương 3-4 triệu tấn gạo. Điều này khác biệt với công bố của VFATS Lê Văn Bảnh
Đối với sự kiện lúa tồn đọng lớn, nông dân cần thận trọng phơi sấy trước khi trữ lại chờ giá tốt hơn, TS Lê Văn Bảnh giải thích với chúng tôi:
“Nếu phơi sấy cho đảm bảo độ ẩm dưới 14% thì có thể tồn trữ trên 6 tháng, nếu 16% thì chỉ giữ được từ 3 tháng tới 6 tháng thôi. Do vậy bà con nông dân nên phơi sấy đúng độ ẩm, nếu không có bồ chứa thì cũng nên có giải pháp để chất vào kho được đảm bảo. Nếu mùa mưa tới chưa giải quyết được nó hút ẩm, lúa hồi ẩm sẽ bị hư hỏng. Một mặt là như vậy, mặt thứ hai tôi nghĩ rằng sắp tới đây sau khi mua hết 1 triệu tấn gạo tạm trữ mà nếu còn trong dân nhiều, thì tôi nghĩ rằng nhà nước sẽ có giải pháp tiếp theo.”
Nông dân tha hồ làm gạo VFA tha hồ làm giá
Vào khi chương trình mua gạo tạm trữ vụ đông xuân đồng bằng sông Cửu Long kết thúc vào giữa tháng 4, nông dân cũng nghe báo đài cho biết là VFA đã ký được hợp đồng xuất khẩu 3,6 triệu tấn gạo và khuynh hướng thị trường tốt dần lên. Sự kiện này khác với những dự báo u ám mà từ đó chính phủ phải trợ cấp toàn bộ lãi suất vốn vay ngân hàng cho doanh nghiệp thành viên VFA thực hiện mua gạo tạm trữ. Người nông dân đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:
Hiệp hội xuất khẩu với giá cao từ gạo mua tạm trữ giá thấp được hưởng lợi nhuận nhiều. Thời điểm người ta mua là giá thấp, tới khi giá xuất khẩu cao họ bán ra, nông dân vào vụ đông ken thương lái ép giá, đường nào nông dân cũng chết cũng khó thở. Mình làm ra lúa nhưng giá bán không do mình quyết địnhNông dân ĐBSCL
“Thông tin trong tháng tư này hình như xuất khẩu gạo tốt giá gạo cũng tốt nhưng mà sao thực tế nghịch lý giá lúa mua quá thấp. Khi giá xuất khẩu tốt doanh nghiệp bán lượng gạo đã mua tạm trữ từ trước trong khi nông dân lúa ế vẫn còn nhiều và thương lái mặc tình ép giá. Hiệp hội xuất khẩu với giá cao từ gạo mua tạm trữ giá thấp được hưởng lợi nhuận nhiều. Thời điểm người ta mua là giá thấp, tới khi giá xuất khẩu cao họ bán ra, nông dân vào vụ đông ken thương lái ép giá, đường nào nông dân cũng chết cũng khó thở. Mình làm ra lúa nhưng giá bán không do mình quyết định.”
Theo lời TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long nói với báo chí, căn cứ trên sự tính toán của Bộ Tài chính, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra mức giá gạo tương đương giá lúa tối thiểu không dưới 5.000đ/kg, bảo đảm nông dân có lãi 30% trở lên. Thực chất doanh nghiệp mua gạo nhập tại kho của mình tức là mua gạo qua thương lái, còn nông dân bán lúa tươi ngay tại ruộng cho thương lái, cho nên mức lãi của nông dân rất thấp không như chủ trương của chính phủ.
Người trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long nói lên câu chuyện của mình qua đợt mua tạm trữ vừa qua của VFA và mức lãi kỳ vọng 30% so với giá thành.
...đa số không thể lãi 30%, còn những người đi thuê đất để làm thì bị lỗ nặng luôn, hầu như không ai có lãi. Một số huyện cũng có những điểm mua tạm trữ nói là theo chương trình của CP nhưng mà chở tới đó chỉ bán được 4.400đ-4.500đ/kg, nói là mua giá tốt cho nông dân trên 5.000đ/kg nhưng thực tế thì không cóNgười trồng lúa
“Một số ít những người có cánh đồng tương đối lớn, năng suất khá cao thì có thể được. Theo tôi tính kỹ, đa số không thể lãi 30%, còn những người đi thuê đất để làm thì bị lỗ nặng luôn, hầu như không ai có lãi. Một số huyện cũng có những điểm mua tạm trữ nói là theo chương trình của chính phủ nhưng mà chở tới đó chỉ bán được 4.400đ-4.500đ/kg, nói là mua giá tốt cho nông dân trên 5.000đ/kg nhưng thực tế thì không có.”
Hiện nay, ở đồng bằng sông Cửu Long vụ lúa đông xuân cơ bản đã thu họach xong, dù một số nơi vẫn trong những ngày gặt cuối cùng. Những nơi làm hè thu sớm thì cây lúa đã được hơn 1 tháng. Thông thường người nông dân lấy phần thu nhập cao của vụ đông xuân để bù đắp mức lãi ít của vụ hè thu hầu trang trải cuộc sống. Tuy vậy năm nay người trồng lúa lại nhen nhúm hy vọng ngược lại, khi mà họ nghe theo khuyến cáo của VFA giã từ giống lúa ngang 50404 và tập trung cho lúa hạt dài chất lượng cao trong vụ hè thu sắp tới.
Theo dòng thời sự:
- Phía sau việc VFA sớm ngừng mua gạo tạm trữ
- Mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo ai được lợi?
- 20 năm nữa nông dân trồng lúa mới khá
- Đồng bằng Cửu Long trăn trở vụ đông xuân
- Giá lúa gạo nhảy vọt, tiền vào túi ai?
- Giá gạo xuất khẩu tăng hai lần trong tháng 8
- Kiểm tra, theo dõi sát tình hình thị trường gạo ĐBSCL
- Quên đi chuyện bảo đảm giá lúa lãi 30%
- Ngân hàng nhà nước VN chỉ đạo cho vay mua tạm trữ lúa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét