10 tháng 4, 2012

Làm sao mà tôi không khóc cho được?


Làm sao mà tôi không khóc cho được?

Vũ Thị Phương Anh - Tôi đang muốn khóc. Không, nói đúng hơn, tôi đang khóc. Khóc âm thầm, nước mắt không tuôn ra bên ngoài, mà chảy vào bên trong nên không ai thấy, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không khóc.

Làm sao mà khóc, hử? Có chồng con đề huề, có nhà cửa và việc làm ổn định, lại có cả xe cộ để đi lại – 3 người trưởng thành mỗi người một chiếc xe máy, còn con bé 15 tuổi thì một chiếc xe đạp – tóm lại là mọi thứ đều có cả rồi, mắc mớ chi mà (muốn) khóc? Ông xã tôi gằn giọng, hỏi tôi như thế. 

Trời ơi, “làm sao mà tôi không khóc cho được?” Cái câu cửa miệng của tôi, vốn lấy ra từ câu chuyện “Cáo, thỏ và gà trống” của trẻ em mẫu giáo, trước giờ chỉ để đùa vui, nhưng bây giờ bỗng trở thành sự thực, một sự thực làm quặn thắt lòng tôi. 

Ừ, làm sao mà tôi không khóc cho được cơ chứ, khi một người yêu nước như tôi, mà bây giờ lại bị người ta tước mất cái quyền đóng góp cho đất nước như thế này? 

Cái gì, ai, đứa nào đã tước đi của em cái quyền đóng góp cho đất nước? Ông xã tôi bảo. Nhưng, em có nói ra thì anh cũng có thay đổi được gì đâu? Thì cứ nói ra xem đã nào, ông xã tôi gắt. Ừ, thôi thì nói vậy. 

Là như thế này. Mới đây ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT có đưa ra kế hoạch thu phí ô tô, xe máy. Theo đó, mọi người sử dụng đường xá để đi lại thì rõ ràng cần phải đóng góp vào là lẽ đương nhiên, thế mà hiện nay người ta lại chưa thu hết, mà chỉ mới thu phí ở một số tuyến đường thôi. Nên bây giờ phải tiếp tục tận thu, cho đủ. Ai sử dụng đường xá cũng phải đóng cả. 

Đúng quá, phải không. Nhưng dân ta, vốn quen thói sử dụng chùa mọi thứ, ví dụ như … không khí để thở, và tất nhiên là … đường xá để đi lại (trừ những đoạn có thu phí, nhưng mà ít lắm, mà nếu muốn tránh thì hoàn toàn có thể đi đường khác), mới nghe đến chuyện đóng phí là đã la ầm lên, không chịu. Dân gì mà hư thế không biết. 

Vì dân chưa đồng thuận, nên Bộ trưởng đã giãn kế hoạch ra, chưa thu ngay tất cả, mà chỉ mới định thu phí xe ô tô thôi. Số lượng người có xe ô tô sắp phải đóng phí, theo tính toán của Bộ trưởng, là cỡ 600,000 người. Sáu trăm ngàn người, nghe cho rõ nhé, trên một đất nước gần chín mươi triệu dân. Tức là chưa đến 1%. Quá ít, vì một trăm người vẫn chưa có nổi một người, chẳng thấm vào đâu cả. Và tất nhiên, tôi không nằm trong số sáu trăm ngàn người đó. 

Thế thì sao, không phải đóng phí chứ gì, vậy có gì mà khóc? Ối trời ơi anh ơi, làm sao mà em không khóc cho được? Anh không nghe Bộ trưởng nói kia à, ông tin rằng những người dân (được đóng phí) sẽ tự hào, hạnh phúc khi đóng phí, vì đó là đóng góp cho đất nước cơ mà. Đóng vào, để nhà nước ta có tiền mà cải thiện hệ thống đường xá, hạ tầng giao thông của đất nước chứ. Để tệ hại như hiện nay thì coi sao được? Quá đúng. 

Đấy, thế mà tôi, một người cũng sử dụng phương tiện giao thông hàng ngày, không những thế còn đi rất xa, trước đây là chạy tít lên Thủ Đức (gần Bình Dương, xa hơn Suối Tiên) đi làm hàng ngày, nay lại chạy xuống tận cầu Tham Lương (quận 12) cũng hàng ngày, mà lại không phải đóng phí gì cả, là sao? Hóa ra là tôi đang xài chùa, ăn bám vào nhà nước? Mà chỉ là do tôi không có đủ tiền để mua xe ô tô thôi, nên không có được niềm tự hào, hạnh phúc được đóng góp? 

Lẩn thẩn, tôi tự hỏi, tại làm sao mà tôi không có tiền để mua xe ô tô nhỉ? Ừ thì tôi học xong thì được giữ lại trường, hãnh diện lắm, rồi làm miết, làm miết tới giờ (chính xác là tới tháng 8 năm ngoái), bao lần có cơ hội làm bên ngoài, làm cho công ty nước ngoài hoặc tư nhân, lương khá hơn gấp cả chục lần, nhưng tôi lại cứ kiên trì bám vào khu vực công. Vì tôi nghĩ như thế mới là yêu nước, là đóng góp. 

Mà đã làm cho nhà nước thì làm sao mà có tiền mua ô tô riêng được nhỉ, tôi tự hỏi (mặc dù vẫn thấy có nhiều người làm cho nhà nước nhưng giàu lắm). Ví dụ như trường hợp của tôi, cho đến khi tôi nghỉ nhà nước cách đây gần 1 năm là tôi đã làm được 28 năm liên tục, và mức lương của tôi khi nghỉ, đã cộng tất cả các khoản trợ cấp vv, là … chưa đến 10 triệu. Tất nhiên, đó đã là mức phải đóng thuế thu nhập rồi, và tôi luôn đóng rất chăm chỉ, chưa bao giờ trốn, kể cả những thu nhập lắt nhắt như lâu lâu có dạy thêm chỗ này, chỗ khác, hoặc viết bài báo được vài trăm ngàn đồng. 

Trong khi đó, bạn bè tôi, những đứa nhanh chân bỏ nhà nước vào thời mới mở cửa để đi làm cho tư bản nước ngoài, hừm, cái bọn bóc lột ấy mà, hoặc bỏ nghề đi làm kinh doanh, buôn bán, giờ thì đứa nào đứa nấy đều có xe hơi cả rồi. Tức là lọt vào trong cái số 600,000 người sắp được quyền tự hào và hạnh phúc vì được đóng phí để góp phần nâng cao chất lượng của hạ tầng giao thông của đất nước, vốn cũng là bộ mặt của nước VN, và là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế gì gì đấy. Trời ơi, tại sao trong số 600,000 người ấy lại không có tôi, một người thiết tha yêu nước? Tại sao, tại sao, tại sao???? 

Cho nên mới hỏi, “làm sao mà tôi không khóc cho được?” Vì ông xã tôi nghe đến đấy thì … cũng im luôn rồi, không nói thêm được gì nữa. 

Làm sao mà tôi không khóc cho được, cơ chứ?


1 Ý kiến:

Lưu Ý :


- Những phản hồi sử dụng "Nặc danh/Ẩn danh"sẽ không được xuất hiện. Các bạn có thể chọn một nickname cho mình khi phản hồi bằng cách sử dụng các chức năng : "Tên/Url", hoặc bằng tài khoản Google

- Nếu nội dung phản hồi quá dài sẽ bị máy chủ BlogSpot hiểu lầm là Spam (không cho hiện lên), xin bạn vui lòng chia nội dung thành nhiều phần, hoặc chờ Dân Làm Báo cho xuất hiện lại phản hồi 

- Phản hồi sẽ bị xóa nếu : viết chữ Việt không dấu, hoặc sử dụng quá nhiều chữ IN HOA 
  1. Cù Huy Hà BãoApr 10, 2012 07:19 PM
    nhận xét khá lắm Vũ Thị Phương Anh à

    công ty nhà nước thường thua lỗ
    giám đốc lại giầu biếu cấp trên
    tiền thuế đầu tư ăn lại quả
    tài nguyên vét cạn lỗ triền miên

    cứ làm giám đốc dốc tiền dân
    vào túi chia nhau để tiến thân
    lỗ lã em xin làm kiểm điểm
    đảng ta lại chuyển cấp cao dần
    anh thăng ơ vét ở ngành điện
    lo lót anh lên cấp bộ mần
    yêu nước đưa tiền đi nộp thuế
    nộp còn chia chác của nhân dân
    Trả lời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét