19 tháng 4, 2012

Khả năng động đất tại Việt Nam


Khả năng động đất tại Việt Nam

2012-04-18
Tương lai Việt Nam có xảy động đất hay không và khả năng ứng phó động đất ở Việt Nam như thế trong tình hình hiện tại?

AFP photo
Các quan chức của nhà tù Banda Aceh, Indonesia tại các bức tường bị sụp một ngày sau khi một trận động đất mạnh lên bờ biển phía tây của Indonesia vào ngày 12/4/2012. Ảnh minh họa.

Còn nhiều bàn cãi

Hồi đầu tháng này, dư chấn động đất ngoài khơi đảo Sumatra, Indonesia làm rung lắc các tòa nhà cao tầng tại Sài Gòn và Hà Nội khiến nhiều người làm việc ở đây hoảng loạn bỏ chạy. Chúng tôi có trình bày quan ngại này cùng Tiến sỹ Kiến trúc sư Trương Văn Quảng, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Bộ Xây dựng thì được cho biết: 
"Nhà cao tầng, theo nguyên tắc, người ta quan tâm rất nhiều đến vấn đề động đất. Khi xảy ra dư chấn động đất, tòa nhà có độ rung lắc. Mình cứ theo trục phương đứng, có thể có tòa nhà nó lắc đến vài ba phân. Hiện tượng rung lắc đó không có vấn đề gì. Có những tính toán kết cấu quy trình, đảm bảo có độ khớp các thứ." 
Khó có thể khẳng định một cách dứt khoát về những biến động lớn trong lòng đất. Chẳng hạn trước khi xảy ra trận động đất mạnh năm 2004 ở khu vực Sumatra, thì các chuyên gia xác định động đất vùng này rất yếu. Hay trước năm 2005, vùng ven biển Nam Trung bộ gần như không quan trắc thấy động đất. Nhưng sau thời gian này, đã xuất hiện nhiều rung chuyển không nhỏ ở địa bàn này. Đi sâu vào khả năng thực sự xảy ra động đất, cụ thể như thành phố Sài Gòn. Theo Phó Giáo sư Tiến sỹ Cao Đình Triều, phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Địa Vật lý Việt Nam thì:
"Chúng tôi đánh giá đứt gãy sông Sài Gòn chảy qua thành phố, đứt gãy đó có biểu hiện hoạt động nhưng động đất yếu. Tối đa là khoảng 5 độ richter. Nhưng ảnh hưởng động đất của Sài Gòn, người ta xác định là các đới gãy bên cạnh, nó lan truyền chấn động vào là chính. 
Ví dụ đới Thuận Hải-Minh Hải sát bờ biển Vũng Tàu và các vùng ngoài. Các động đất vùng ngoài thì mạnh hơn, tầm hơn 6 độ richter. Thậm chí có những người cho là có thể đến 7 độ richter."  
Bây giờ ở Việt Nam, mức độ đánh giá động đất lớn nhất ở mỗi vùng của các nhà khoa học đang nằm trong tình trạng không giống nhau hoàn toàn.
TS. Cao Đình Triều
Đến nay, các nghiên cứu khoa học xác định mức động đất mạnh nhất tại Việt Nam vẫn còn nhiều bàn luận. Như Tiến sỹ Cao Đình Triều từng đưa ra cảnh báo cần xem xét lại mức động đất cực đại. Theo ông:
"Bây giờ ở Việt Nam, mức độ đánh giá động đất lớn nhất ở mỗi vùng của các nhà khoa học đang nằm trong tình trạng không giống nhau hoàn toàn. Ngay cả chuyên gia của người Việt mình thôi, vì phụ thuộc vào tài liệu của các nhà nghiên cứu và phương pháp đánh giá, cuối cùng lại chạy ra những kết quả khác nhau.  
Theo đánh giá vừa rồi chung nhất của các chuyên gia địa chấn Việt Nam cho rằng, mạnh nhất vẫn là khu vực Tây bắc Việt Nam. Với động đất có thể cực đại bằng 7, còn các vùng khác thì thấp hơn. Nhưng mà theo chúng tôi, muốn đánh giá được mức chính xác hơn thì mình phải tìm hiểu động đất lịch sử, cổ động đất."

Chỉ chú trọng những công trình lớn?

000_Hkg7173403-200.jpg
Một nhân viên bảo vệ kiểm tra thiệt hại cho một tòa nhà một ngày sau khi một trận động đất mạnh lên bờ biển phía tây của Indonesia hôm 12/4/2012. AFP
Trong quá trình khảo sát cổ động đất, nghi ngờ từng có động đất mạnh đến 8 độ richter trên đứt gãy Lai Châu. Cũng như từng có sóng thần từ 10-15m tại vùng ven biển Nghệ An, xảy ra cách đây khoảng 4.000 năm.
Mạng lưới trạm quan trắc Việt Nam mới hình thành sau năm 1975. Do hệ thống trạm quan trắc ra đời trễ, nên số liệu tích lũy liên quan động đất ít, trong khi chu kỳ động đất ở Việt Nam có thời kỳ yên tĩnh rất dài. Nhược điểm của dự báo trung hạn là chỉ dự báo được trong một khoảng thời gian dài và trong một vùng tương đối rộng. Không đưa ra được địa điểm chính xác. Còn dự báo ngắn hạn trong vòng 1 năm thì chính xác hơn về vị trí, nhưng theo Tiến sỹ Cao Đình Triều:
"Các nhà địa chấn của Việt Nam chưa đặt vấn đề nghiên cứu ngắn hạn. Vì mình không có thiết bị, không có điều kiện để quan trắc, nghiên cứu ngắn hạn. Người ta phải có hệ thống những trạm quan trắc. Việt Nam chỉ có một trạm thì chẳng có giá trị gì trong nghiên cứu dự báo ngắn hạn cả."  
Tuy nhiên, trước vấn đề động đất, các nhà thiết kế xây dựng tỏ ra lạc quan hơn. Có lẽ một phần do loại thiên tai này chưa từng xảy ra ở Việt Nam. Chúng tôi tiếp tục trao đổi với Tiến sỹ Trương Văn Quảng, thì được biết như sau:
"Nhà nước mình có quy định cấp loại công trình nào đấy thì mới áp dụng tiêu chuẩn liên quan đến động đất. Còn những công trình bình thường thì đôi khi mình cũng cho phép không cần thiết lắm. Bởi vì thực ra, vấn đề động đất nước mình không như các nước khác.
Những công trình lớn người ta cũng chú trọng, còn những công trình vừa phải thì ít để ý. Thực ra tiêu chuẩn kháng chấn cũng có, nhưng không ai giám sát. 
TS. Cao Đình Triều
Những công trình lớn, đôi khi nhà thiết kế để an toàn thì người ta có thể nâng hệ số tối đa theo quy định thông thường. Thành ra, nếu mà đưa công trình của mình cho tư vấn nước ngoài thẩm định lại thì chi phí chắc thấp hơn. Vì tính an toàn của họ không như mình. Mình đôi khi tính cái ngưỡng tối đa nhất."
Những nhà cao tầng chất lượng kém, không thiết kế kháng chấn rất dễ bị ảnh hưởng nếu động đất xảy ra. Nguy hiểm hơn, các chung cư cũ ở Sài Gòn và Hà Nội đã xuống cấp nhiều năm nhưng vẫn đang sử dụng. Từ góc độ nghiên cứu địa chấn, tiến sỹ Cao Đình Triều có nhận xét như sau:
"Những công trình lớn người ta cũng chú trọng, còn những công trình vừa phải thì ít để ý. Người Trung quốc và rất nhiều nước, người ta có một Luật về động đất. Nhưng Việt Nam thì chưa có luật. Áp dụng các quy định trong xây dựng chưa chặt chẽ những yêu cầu về động đất. Thực ra tiêu chuẩn kháng chấn cũng có, nhưng không ai giám sát." 
Trong thực tế, có không ít chủ đầu tư không tính đến việc áp dụng các tiêu chuẩn ứng phó động đất, bởi chi phí vật liệu xây dựng sẽ tăng lên gần 1/4 lần so với không áp dụng biện pháp kháng chấn. 
Hiện nay khi xảy ra hiện tượng rung chuyển ở các tòa nhà cao tầng, phần lớn cư dân hoảng loạn bỏ chạy. Cộng đồng ở đây ít hoặc không hề biết cách ứng phó trường hợp xảy ra động đất. Trong xã hội, chương trình giáo dục kỹ năng khi gặp thiên tai vẫn còn chưa được quan tâm.
Tuy không nằm trong vành đai lửa của những khu vực có động đất mạnh trên thế giới, nhưng Việt Nam không là ngoại lệ. Khả năng ít bị động đất chẳng đồng nghĩa với việc không xảy ra động đất. Động đất là một thiên tai diễn ra bất ngờ. Yêu cầu xây dựng một chiến lược phòng tránh và giảm nhẹ hậu quả động đất ở Việt Nam là cần thiết.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét