Các mâu thuẫn trong ngành mía đường
Nhân Khánh, thông tín viên RFA
2012-04-08
Hiện nay, sản xuất đường vẫn là ngành công nghiệp được Nhà nước bảo hộ. Đâu là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu ổn định trong ngành mía đường trong nhiều năm qua?
Thông tín viên Nhân Khánh có bài tường trình như sau:
Trong nhiều năm, những cuộc gặp đôi bên giữa nhà máy sản xuất cùng doanh nghiệp tiêu thụ đường vẫn diễn ra đều đặn. Giá đường vẫn trồi sụt bất thường trong sự xung đột giữa các nhóm lợi ích.
Có nên xuất khẩu?
Năm nay, vụ mía bội thu, các nhà máy tồn kho hơn 400 ngàn tấn đường. Với lý do lượng đường tồn kho quá lớn, ông Trần Thanh Thọ, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty Mía Đường Cần Thơ cho chúng tôi biết về quyết định giảm giá thu mua mía như sau:
“Là một hệ thống liền với nhau. Nó ảnh hưởng đầu ra thì đầu vào nó chắc chắn có ảnh hưởng ít nhiều, tùy theo doanh nghiệp thôi. Thời điểm bây giờ, hiện tại công ty có 3 đợt giảm giá. Mỗi đợt là 50 đồng, thực hiện 3 kỳ như vậy rồi.
Chúng tôi có lộ trình, có thông báo giá đàng hoàng, có gởi ban ngành luôn. Mỗi một lần là 50 đồng/kg.”
Hoạt động của ngành sản xuất đường phụ thuộc vào thời vụ thu hoạch mía. Thời gian làm việc của các nhà máy đường chỉ kéo dài khoảng 7-8 tháng trong một năm. Cho nên hiện tượng đường sản xuất ra tồn kho nhiều vào cuối chu kỳ sản xuất như hiện nay, để cung ứng cho thị trường vào những tháng không sản xuất chẳng phải là chuyện bất thường. Vậy liệu quyết định cho xuất khẩu 30.000 tấn đường vừa qua là có hợp lý không?
Nhập khẩu rẻ hơn
Nhận xét về tình trạng không ổn định trong cung cầu của ngành mía đường trong vài năm gần đây, Chuyên gia Nguyễn Đình Bích của Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:
“Cung cầu của ngành mía đường, theo tôi, hiện nay ở trong trạng thái: năng lực sản xuất của các nhà máy thì rất lớn, trong khi mía thì vẫn không đủ. Mà cái nguyên nhân quan trọng nhất của Việt Nam, theo tôi, là năng suất mía vẫn còn quá thấp. Thấp khoảng độ gần 10 tấn/hecta so với bình quân của thế giới. Do cái lượng mía không đủ, cho nên giá thành sản xuất đường của mình cũng rất cao. Bởi vì so với công suất của các nhà máy thì Việt Nam vẫn rất thiếu mía nguyên liệu.
Có thể còn một nguyên nhân nữa là chất lượng mía của Việt Nam cũng không được tốt lắm, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.”
Do cái lượng mía không đủ, cho nên giá thành sản xuất đường của mình cũng rất cao.Chuyên gia Nguyễn Đình Bích
Sản phẩm đường của Việt Nam có giá thành luôn cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới từ 15 – 20%. Các doanh nghiệp tiêu thụ vẫn đang đề nghị Bộ Công Thương cho nhập hơn 200 ngàn tấn đường, vì không muốn mua đường sản xuất trong nước với giá quá cao. Họ cho rằng không nên vì lợi ích cục bộ của vài chục doanh nghiệp mía đường mà ảnh hưởng tới hàng trăm doanh nghiệp tiêu thụ đường và người tiêu dùng.
Trong khi đó các công ty sản xuất đường, một mặt thừa nhận giá đường nhập khẩu rẻ hơn giá trong nước, mặt khác cho rằng các doanh nghiệp tiêu thụ xin nhập khẩu chẳng qua chỉ nhằm phục vụ lợi ích riêng của họ. Quan điểm của Hiệp hội Mía đường trong các cuộc tranh luận luôn viện dẫn đến lợi ích của người nông dân. Song về tình cảnh người trồng mía hiện nay, ông Trần Thanh Thọ phát biểu rằng:
“Người dân hiện tại giờ, họ cũng rất là điêu đứng vấn đề này, rất khó đó. Mía trong dân, có vùng thì vẫn còn nhiều. Nhưng họ bán thì doanh nghiệp cũng không có khả năng để mua, bởi đường tồn quá nhiều rồi. Thành ra mua nữa, thì chúng tôi càng nợ nữa. Nên chúng tôi không dám ôm cái đó.”
Thực tế cho thấy lợi ích của nhà máy đường xem ra không khớp cùng quyền lợi của người trồng mía. Vì không bán được, mía chặt ra rồi bỏ khô trên đồng, có nguy cơ thành củi. Mía chưa chặt để qua tháng 4 âm lịch gặp mưa giông đổ xuống, mía trổ cờ lên thì chỉ còn nửa giá. Riêng Bộ Công thương, đại diện là Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên lại nhận xét rằng, ý kiến của nhà sản xuất và nhà tiêu thụ đường đều có lý nếu xét trên khía cạnh mỗi doanh nghiệp đang kinh doanh.
Nhiều nhà máy nhưng không hiệu quả
Để thực hiện một bước phát triển chiến lược trong ngành mía đường là không đơn giản. Bởi căn nguyên gây ra tình trạng bất ổn trong ngành này, có lẽ phát sinh từ một phong trào triển khai vào cuối thế kỷ trước. Chương trình 1 triệu tấn đường dưới thời Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Công Tạn, được khởi động bằng một tốc độ chưa từng có trên thế giới. Từ 10 nhà máy đường, chỉ trong vòng 4 năm, con số nhà máy đã tăng gấp 4 lần. Đa phần các nhà máy đường hiện nay ra đời từ phong trào này.Chẳng hạn, qua ông Trần Thanh Thọ, thính giả Đài Á Châu Tự do có thể biết về công nghệ mà nhà máy Công ty Mía Đường Cần Thơ đang sử dụng là như sau:
“Chúng tôi có 2 nhà máy. Một là nhà máy công nghệ của Trung quốc, cái thứ hai là công nghệ của Ấn Độ.”
Thậm chí, từng xảy ra hiện tượng có đến 3 nhà máy mua thiết bị đã ngừng sản xuất nhiều năm của Trung quốc. Tuy có nhiều nhà máy, nhưng lại rất ít đơn vị đủ năng lực cạnh tranh. Theo như bà Dương Thị Tô Châu, Giám đốc Thương mại Công ty đường Bourbon Tây Ninh thừa nhận, hiện nay cả nước mới chỉ có 5 nhà máy sản xuất được đường tinh luyện (RE), còn lại chủ yếu làm ra đường thường (RS). Đa số các doanh nghiệp tiêu thụ đường lại cần đường tinh luyện.
Dự báo hướng phát triển của ngành mía đường trong tương lai ngắn hạn, chuyên gia Nguyễn Đình Bích có ý kiến sau:
“Ngành sản xuất đường phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nếu như 2 năm rồi, thời tiết có mưa nhiều là mình chịu tác động của La Nina. Đấy là một yếu tố dẫn đến năng suất mía tăng. Nếu như là El Nino, khu vực châu Á nói chung bị khô hạn nhiều, năng suất mía sẽ giảm.”
Thực trạng của ngành mía đường trong nhiều năm qua cho thấy, vì sự tồn tại của các nhà máy đường, các chính sách thực hiện không ngừng giẫm chân lên nhau. Tiến hành cấp phép nhập khẩu đường trong khi vẫn cho xuất khẩu, đồng thời vẫn chi tiền mua đường tạm trữ.
Vấn nạn này chỉ được giải quyết tận gốc, khi để các nhà máy đường phải cạnh tranh bằng chính năng lực doanh nghiệp. Qua hết tháng 5 là kết thúc mùa mía, nhưng những gút mắc trong ngành đường thì chẳng ai dự báo được đến tháng nào mới giải quyết xong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét