Bệnh mất trí nhớ không chỉ là một vấn đề tại các quốc gia có thu nhập cao. Một phúc trình của Tổ chức Y tế Thế giới, WHO, và Hội Nghiên cứu về Alzheimer Quốc tế cho biết bệnh mất trí nhớ ảnh hưởng đến dân chúng tại mọi quốc gia, trong đó có hơn một nửa đang sống tại những nước có thu nhập trung bình và thấp. Hai tổ chức này còn cho biết vào năm 2050, con số này sẽ tăng hơn 70%.

Ông Marc Wortmann, Giám đốc Điều hành Hội Nghiên cứu về Alzheimer Quốc tế nói con số thống kê này thật đáng sợ:

“Hiện nay trên thế giới cứ mỗi 4 giây có một trường hợp mắc bệnh mất trí nhớ mới. Chỉ cách đây 10 năm, phải 7 giây mới có một người bị bệnh này , do đó con số này gia tăng nhanh chóng. Và nếu nhìn vào viễn ảnh tương lai  vào năm 2050, mỗi một giây đồng hồ sẽ có một người mắc bệnh  này. Do đó chúng ta cần phải hành động. Chúng ta cần làm điều gì đó để ngăn chặn dịch bệnh này.”

Bệnh mất trí nhớ gia tăng vì con người có tuổi thọ dài hơn. 

Tuy nhiên phúc trình mới công bố cho biết bệnh mất trí nhớ không phải là chuyện bình thường của người già. Hầu hết người già không có tình trạng này.

Các chuyên viên nói rằng bệnh mất trí nhớ là một sự rối loạn của não bộ bắt nguồn một số các bệnh khác nhau của não. Bệnh này ảnh hưởng đến trí nhớ, lối suy nghĩ và năng lực thực hiện những hành động sinh hoạt thường ngày.

Bác sĩ Shekhar Saxena, Giám đốc Bệnh Tâm thần và Lạm dụng Thuốc của WHO nói bệnh Alzheimer chiếm 70% các trường hợp mất trí nhớ:

“Bệnh mất trí nhớ thường không được nhận ra. Bệnh này thường bị nhận xét sai lầm là một sự suy giảm hoạt động của trí óc do tuổi già gây nên, vì bệnh này có thể trùng hợp với những vấn đề của tuổi già, và tiến triển của bệnh cũng chập chạm. Ngay cả tại các quốc gia có thu nhập cao, chỉ có từ 1/5 đến một nửa các trường hợp mất trí nhớ được nhận ra trong những lần kiểm tra định kỳ. Tỉ lệ phần trăm này rõ ràng là thấp hơn nhiều so với các nước có thu nhập trung bình và thấp.”

Giáo sư Martin Prince chuyên về Tâm lý Dịch bệnh tại trường đại học Kings ở London nói với Đài VOA là có nhận thức sai lầm cho rằng bệnh mất trí nhớ không phải là một vấn đề của những nước nghèo. Ông nói:

“Tại châu Phi, tương đối ít có thông tin về bệnh này. Có một vài cuộc nghiên cứu được thực hiện gần đây tại Tây Phi, và tôi nghĩ đã không nói sự thực khi bảo rằng bệnh Alzheimer rất hiếm xảy ra đối với người dân châu Phi. Tại khu vực này có ít người già và tuổi thọ ở đây ngắn hơn, nhất là khu vực này có nhiều người chết vì HIV/AIDS. Tuy nhiên trong số những người sống lâu còn lại, tỷ lệ người bệnh mất trí nhớ hầu như tương tự như tại các quốc gia có thu nhập cao.”

Mất trí nhớ chưa phải là một vấn đề to lớn tại các quốc gia nghèo, đó là vì số người sống trên 75 tuổi rất ít. Hiện tượng này sẽ thay đổi vì dân số gia tăng và vấn đề y tế được cải thiện.

WHO cho biết có hơn 600 tỉ đô la được chi tiêu mỗi năm để chữa trị và chăm sóc cho những người mắc bệnh mất trí nhớ và con số này sẽ tăng khủng khiếp.

Các giới chức Y tế gọi bệnh mất trí nhớ là một quả bom nổ chậm, nhưng chỉ có 8 quốc gia có chiến lược ngăn ngừa và chữa trị bệnh này.

Phúc trình của WHO khuyến cáo các quốc gia thiết lập những chương trình chú trọng đến việc khám phá ra bệnh sớm sủa, nâng cao nhận thức của công chúng về bệnh này, và giảm thiểu những mặc cảm xấu hổ về bệnh, chăm sóc tốt hơn và giúp đỡ nhiều hơn cho những người hoạt động trong ngành chăm sóc sức khỏe.

Không có thuốc chữa dứt bệnh mất trí nhớ nhưng các giới chức y tế nói có thể làm được nhiều việc để giúp đỡ và cải tiến cuộc sống của những người bị bệnh mất trí nhớ, gia đình họ và những người chăm sóc họ.