1000 trường hợp bạo hành xâm hại trẻ em
Đỗ Hiếu, RFA
2012-02-24
Con số những trẻ em bị bạo hành, xâm hại thể xác và tinh thần vẫn không ngừng gia tăng tại Việt Nam từ mấy năm nay, theo số liệu do cơ quan chức năng của Việt Nam phổ biến. Câu hỏi được đặt ra là công tác bảo vệ trẻ em có được nhà nước quan tâm, giải quyết hay không, kết quả đạt đến đâu?
Hoàn cảnh gia đình
con số trẻ bị xâm hại là trên 700 vụ trong năm 2005, đến năm 2010 con số đó đã tăng hơn gấp đôi. Báo chí cho biết, tình hình trẻ em bị bạo hành, xâm hại có diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng đáng kể so với giai đoạn trước.
Trẻ em, nam nữ, bị xâm hại dưới nhiều hình thức như bị đánh đập, hành hạ thể xác, bóc lột sức lao động, buôn bán người, xâm hại tình dục. Năm 2010, tại Việt Nam có gần 1000 em bị xâm hại tình dục, trong đó có hơn 65% trẻ bị hiếp dâm.
Báo Đại Đòan Kết cho biết những nguyên nhân dẫn tới tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em phần lớn tập trung từ những gia đình gặp khó khăn về kinh tế, sống cảnh ly hôn , ly thân, cha mẹ hay xung đột nhau, khiến trẻ phải thường xuyên chứng kiến những cảnh bạo hành bằng hành động và lời nói khiếm nhã.
Trong những trường hợp khác, vì mải bận chạy theo cuộc sống gay go, cha mẹ bỏ bê con cái nhỏ, các em ở nhà một mình, hoặc lang thang ngoài đường, nên dễ bị lạm dụng, xâm hại tình dục. Ngoài ra, cũng có những trường hợp người thân trong gia đình xâm hại tình dục trẻ em, đánh đập, hành hạ trẻ em, hầu như hàng ngày.
Lên tiếng mới đây trước phiên họp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh rằng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là sự nghiệp hàng đầu, là trách nhiệm của đảng, nhà nước và nhân dân mà trực tiếp là các gia đình.
Ông nói rằng trong những năm qua công tác bảo vệ trẻ em, can thiệp, trợ giúp, phòng ngừa trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại được nhà nước chú trọng hơn. Tuy nhiên, ông Chủ tịch Quốc hội cũng nhìn nhận tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn còn nghiêm trọng, với nhiều diễn biến phức tạp, chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.
Theo đánh giá của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thuộc Quốc hội thì công tác quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em còn nhiều yếu kém, công tác giáo dục, truyền thông chưa hiệu quả, dịch vụ bảo vệ trẻ em còn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng, việc xây dựng môi trường an tòan cho trẻ em còn nhiều khó khăn và chưa đồng bộ.
Qua câu chuyện với RFA, ông Trần Hồng Quân, cựu Bộ trưởng Giáo dục, Đào tạo, xem tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em là một nỗi đau của xã hội Việt Nam:
“Đó là chuyện đau lòng. Ở đây có vấn đề văn hóa, vấn đề xâm nhập với các phương tiện nghe, nhìn …ảnh hưởng đến dân cư, đó là điều đáng tiếc. Đứng về phía nhà nước thì đây là vấn đề được hết sức quan tâm, chẳng những về luật pháp mà cả về giáo dục, từ các đoàn thể, các cộng đồng, mọi người đều rất quan tâm chuyện này. Chỉ có điều là mình chưa làm giảm được hiện tựơng đáng tiếc này, đó là điều xót xa hiện nay của rất nhiều người”
Đạo đức suy thoái
Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, góp thêm ý kiến về hiện tượng xâm hại trẻ em:
“Xã hội Việt Nam trong những năm gần đây liên tục bị xuống cấp toàn diện, từ đạo đức, ứng xử, suy thoái tư tưởng, như nghị quyết Trung ương 4 có nói. Kể cả những người ở cấp cao nhất cũng suy thoái, tham ô, hối lộ tràn lan. Tình trạng đó tác động đến toàn bộ xã hội, thì người ta thờ ơ trước những cái bạo hành, gây tội ác, đó cũng là sự xuống cấp. Trước đây cũng đã xảy ra tình trạng đó, giữa thủ đô Hà Nội người ta cũng nhắc lại và hỏi là các đoàn thể đâu, chỗ nào cũng có đoàn Thanh niên, hội Phụ nữ, tổ chức Mặt trận. Đáng lẽ những nơi đó phải phát hiện từ trước, nhưng rồi cũng vô hiệu, kém tác dụng. Đó là dấu hiệu của sự xuống cấp trong xã hội Việt Nam những năm gần đây”
Là một chuyên gia phục vụ lâu năm trong ngành giáo dục, đào tạo, giáo sư Trần Hồng Quân cũng nhắc đến bạo lực học đường, một hiện tượng mới nổi lên gây quan ngại cho công luận, vì đó cũng là một hình thức xâm hại thân thể người khác xảy ra dưới mái trường, cần phải sớm chấm dứt:
“Nguyên nhân cũng không khác nhau lắm. Đây không hòan tòan thuộc về trách nhiệm của nhà trường, mà còn thuộc về xã hội, nhưng đương nhiên là nhà trường phải có trách nhiệm trước hết. Bạo lực học đường, ngay cả số nữ cũng có, đó là điều xót xa của hệ thống giáo dục chúng ta, và nói chung là một vấn đề của xã hội”
Trả lời câu hỏi liệu hiện tượng bạo lực, xâm hại trẻ em ở Việt Nam sẽ được xóa bỏ dần hay không, giáo sư Trần Hồng Quân bày tỏ kỳ vọng:
“Thế nào rồi cũng sẽ phải có giải pháp, một giải pháp của toàn bộ cộng đồng cũng như giải pháp của nhà nước,thì hiện tượng này sẽ giảm đi, chắc chắn là như vậy. Chỉ có điều là các tốc độ giảm có chậm khiến chúng ta đau lòng, hiện tượng này không thể nào tiếp diễn mãi được. Báo chí đã nói đến chuyện này rất nhiều và có những người tuy không nói ra nhưng trong lòng họ cũng lên án về vấn đề này. Dư luận xã hội cùng với pháp luật, sẽ giúp cho tình hình này dần dần giảm xuống”
Về phương cách chặn đứng tình trạng bạo lực, xâm hại con trẻ, luật sư Trần Quốc Thuận nhấn mạnh:
“Từng vụ, từng vụ thì người ta cũng đang giải quyết, như khởi tố vụ án, bắt khẩn cấp, nhưng họ làm theo tình trạng chữa cháy, trong khi nhà nước này cần phải làm trên bình diện tổng thể xã hội, tức là các tổ chức, đoàn thể phải có trách nhiệm. Xã hội này là toàn trị, nếu những tổ chức đó không nắm được tình hình trong mỗi gia đình, phát hiện cho sớm, xây dựng lòng tin giữa con người với con người cho tốt. Ở đây, không phải là vấn đề trừng trị, đó chỉ là sự răn đe thôi, mà phải là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đoàn thể nhà nước, ăn lương của nhân dân phải làm việc sao cho có hiệu lực, hiệu quả”
Xã hội "xuống cấp"
Trên trang mạng molisa.gov của nhà nước Việt Nam có bài viết mang tựa đề “Xâm hại trẻ em thể hiện sự xuống cấp đạo đức xã hội”. Bài nhắc lại phát biểu của ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng, cho rằng hiện tượng bạo lực, xâm hại trẻ em rất đa dạng, điều đó nói lên sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận dân cư trong xã hội. Các vụ bạo hành, ngược đãi, bóc lột, xâm hại trẻ em ít được cộng đồng, hàng xóm, phát hiện, cấp báo mà phần lớn là do các phương tiện truyền thông phát hiện và tố giác trước công luận.
Theo báo chí do nhà nước quản lý thì trong cuộc hội thảo “Thúc đẩy hợp tác phòng chống xâm hại trẻ em ở Việt Nam”, với sự tham gia của đại diện các bộ ngành, diễn ra tuần trước ở Hà Nội, thì cần sớm làm rõ những vấn đề còn bất cập về mặt chính sách, luật pháp, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan, chánh quyền địa phương hầu thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại, trong thời gian tới.
Dư luận mong rằng, qua những phát biểu, nhận định, đánh giá đó, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ở Việt Nam sẽ sớm chấm dứt, không tiếp tục gia tăng như những năm trước, mà số liệu đáng ngại đã được báo chí nhà nước nhìn nhận và báo động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét