15 tháng 12, 2011



Yên Bái 10/2/1930  

Trich tu Dan Chu -  Hà Nhân
Hôm nay 10 tháng 2 dương lịch, đúng 74 năm sau cuộc tổng khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng chống lại chế độ Thực Dân Pháp. Như ai nấy đều biết, cuộc tổng khởi nghĩa ấy đã thất bại không lật đổ được chính quyền của giặc Pháp nhưng đã tạo ra một tác động to lớn trong lịch sử Việt Nam và thế giới.

Sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ nghĩa quân VNQDĐ là tấm gương chung của cả dân tộc mà dù có soi lại hàng trăm lần cũng không thấy nhàm chán, nhất là vào lúc này cuộc đối đầu giữa những người yêu nước quốc gia với chế độ CSVN đang ngày một gay go có thể dẫn đến những biến chuyển quan trọng bất ngờ.
Xét về tương quan lực lượng thì hồi ấy số đảng viên VNQDĐ gồm hàng ngàn chi bộ dân sự, khoảng 400 chi bộ binh lính thuộc địa. Đó là mốt số người đông đảo nhưng thiếu thốn trang bị, nên số chiến sĩ có thể chiến đấu hữu hiệu chỉ là một nhóm nhỏ để đối phó với các trung đoàn bộ binh thuộc địa trang bị mạnh chưa kể các đại đội lính địa phương thường gọi là lính Khố Xanh cấp tỉnh và các trung đội lính cơ trấn giữ các quận huyện.
Nghĩa quân chỉ có một số vũ khí mua lậu hoặc lấy lén được từ nhà kho các đơn vị lính thuộc địa, gồm đủ loại và chỉ có ít đạn dược. Lực lượng cách mạng phải mở xưởng chế tạo lựu đạn vỏ bằng xi măng và đinh nhọn rất thô sơ với số lượng rất hạn chế. Ngoài ra thì giáo mác, cung tên được trang bị cho những chiến sĩ không có súng. Như vậy nghĩa quân đã ở thế lấy trứng chọi đá.
Tuy nhiên bằng tinh thần hy sinh cực kỳ mạnh mẽ của mình để bù lại những thua kém về vũ khí, các đội nghĩa quân cũng đã làm cho giặc Pháp lâm cảnh lúng túng, ảnh hưởng đến chính sách của Pháp. Thành công lớn nhất là tại thị xã Yên Bái (có khi viết là Yên Báy) khi nghĩa quân chiếm được thị xã và một trong hai đồn Pháp suốt một đêm, giết nhiều sĩ quan Pháp.
Tại các nơi khác thuộc Bắc Kỳ như Hưng Hóa, Lâm Thao, Phú Thọ, Sơn Tây, Hải Phòng, Kiến An, Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phả Lại đều là mục tiêu tấn công. Nhưng ở phần lớn các nơi nghĩa quân đều không chiếm được mục tiêu. Thực Dân Pháp điên rồ trả thù, điển hình là làng Cổ Am một nơi tập trung của nghĩa quân bị phi cơ nhẹ của Pháp thả bom gây chết chóc cho nhiều thường dân.
Ngày ấy phương tiện thông tin eo hẹp và hiếm hoi. Vì không thông tin kịp thời nên nghĩa quân đã không tấn công đồng loạt, làm mất yếu tố bất ngờ khiến các chiến công bị giới hạn. Phải chi hồi đó có sự giúp đỡ ít nhiều của chế độ Trung Hoa Dân Quốc do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo thì cuộc tổng khởi nghĩa đã tạo ra những tác động mạnh hơn nữa đối với giặc Pháp, dù không tức thời đánh đổ được chế độ của chúng.
Ngoài ra, còn vì tin tức bị tiết lộ, mật thám Pháp và binh đội của chúng đã phần nào đề phòng. Đặc biệt là trước ngày 10/2/1930 đảng CSVN đã rải truyền đơn ngầm tố cáo mưu định cho Pháp biết là VNQDĐ đang chuẩn bị khởi nghĩa.
Đọc kỹ những sử liệu về cuộc tranh đấu của VNQDĐ, hầu như ai cũng hiểu rõ con người những nhân vật trong biến cố trọng đại Yên Bái 1930. Họ là những người có được một số quần chúng tại địa phương tín nhiệm và nghe lời, giác ngộ cách mạng cao độ. Các vị lãnh đạo này không những sáng suốt, can đảm, mưu lược nhưng cũng rất phục thiện, có kỷ luật và đoàn kết chặt chẽ trước các mưu lược vừa đàn áp vừa vuốt ve gay chia rẽ của chế độ Thực Dân Pháp.
Cuộc khởi nghĩa Yên Bái 1930 được một hội nghị khẩn cấp của ban chấp hành trung ương VNQDĐ họp mật ngày 26/1/1930 tại làng Võng La quyết định theo đa số. Quan điểm của đại đa số đại biểu nhận định rằng lực lượng VNQDĐ đang ở vào tình trạng nguy cấp. Sau khi một vài xưởng bí mật chế lựu đạn bị nổ vì sơ suất, và vụ Đội Dương phản bội khai báo cho mật thám Pháp nhiều cơ sở VNQDĐ, chính quyền thuộc địa đã càn quét bắt bớ nhiều đảng viên.
Cuộc càn quét quy mô có cơ lan rộng hơn nữa, dẫn đến nguy cơ đảng sẽ bị tiêu diệt. Trước tình hình ấy, các đại biểu dự hội nghị không tìm cách ẩn lánh. Họ vẫn còn nhiều cơ hội trốn tránh vì đường sang Trung Hoa không mấy khó khăn và số đảng viên mà Pháp chưa biết hành tung còn tương đối đông đảo.
Nhưng hội nghị đã quyết định tổng khởi nghĩa dù rằng các đại biểu đều dư biết sẽ thất bại nghĩa là họ sẽ chết trước lằn đạn hay máy chém của giặc, ít lắm cũng chịu tù đày ở những trại tù ghê rợn từ Sơn La đến Lao Bảo, Côn Sơn... Họ chấp nhận hy sinh tính mạng để làm một việc đáng làm dù "Không Thành Công Thì Thành Nhân," theo quan điểm của người anh hùng Nguyễn Thái Học.
Các chiến sĩ VNQDĐ đã không thành công trong việc giải phóng đất nước khỏi ách Thực Dân Pháp nhưng đã gây được tiếng vang lớn trên thế giới. Dư luận thế giới nhất là các nước thuộc địa đã nhận ra rằng một dân tộc nhỏ yếu nhưng nếu có tinh thần hy sinh và quyết tâm, có thể đứng lên đòi độc lập tự do bằng máu của mình. Đế quốc Pháp rung động vì vụ khởi nghĩa và những vụ đàn áp tiếp theo sau đó.
Trong nước, tác động của cuộc khởi nghĩa vang động, cảnh tỉnh những người chủ bại cho rằng sức mạnh của Thực Dân Pháp không thể bị lay chuyển. Tác động ấy cũng làm cho những người yêu nước nức lòng, thêm tin tưởng rằng với lòng hy sinh và ý chí, cách mạng dân tộc sẽ thành công.
Về phía Cộng Sản, họ vội vàng tổ chức cuộc chống đối Sô Viết Nghệ An đúng hai tháng sau đó, tuy kéo dài hàng tháng nhưng kém cường độ và tác động, không có tiếng vang lớn trong và ngoài nước như cuộc khởi nghĩa Yên Bái.
Riêng các chiến sĩ VNQDĐ nhờ vụ khởi nghĩa mà được un đúc tinh thần hy sinh thấy việc có chính nghĩa là tận lực làm theo, bất chấp thành bại. Tinh thần ấy đã thúc giục hàng hàng lớp lớp thanh niên thiếu nữ hăng hái gia nhập các đảng phái chống Pháp, kể cả đảng CSVN (lúc ấy còn giương cao chiêu bài yêu nước). Hàng ngàn người đã noi gương các chiến sĩ VNQDĐ biểu lộ tinh thần yêu nước anh hùng khi ra tòa án của Thực Dân Pháp cũng như khi bị kềm kẹp trong nhà tù.
Báo chí, sách vở của CSVN không dám phủ nhận giá trị lịch sử của cuộc khởi nghĩa Yên Bái tuy rằng họ mạc sát không tiếc lời các tổ chức và lãnh tụ Việt Quốc sau 1930. Báo Lao Động của CSVN ngày 31/12/2003 có bài ca tụng Nguyễn Thái Học và các liệt sĩ Yên Bái hết lời. Đặc biệt trong bài này biên tập viên Đỗ Văn của tờ báo nhắc lại một huyền thoại: Hồ nước trước nơi Nguyễn Thái Học an nghỉ không bao giờ cạn nước dù ở vào những năm hạn hán nặng nhất. Do đó người Yên Bái gọi nơi này là "Hồ Nước Mắt Cô Giang."
Dĩ nhiên đây còn là trò nước mắt cá sấu nhắm vận động “hòa giải” trong chính sách tuyên vận nhắm vào Việt Kiều và tuyên truyền quốc ngoại của Hà Nội. Nhưng dầu sao đó cũng là dấu hiệu cho thấy Hà Nôi không thể nói láo mãi mãi.
Đến giai đoạn bị CSVN ám hại nhất là sau ngày 19/8/1945, nhờ tinh thần Yên Bái mà các chiến sĩ VNQDĐ đã anh dũng chống trả các âm mưu đen tối của kẻ nội thù và binh lực của ngoại xâm khi bị CSVN cùng với Pháp tấn công hai mặt. Tuy bị tan đàn xẩy nghé, mỗi chiến sĩ Việt Quốc vẫn giữ dược khí thế anh hùng trước cả hai kẻ thù.
Tập họp lực lượng tại vùng Pháp chiếm đóng để tạm thời bảo toàn nguồn nhân lực, sau đó là ở Miền Nam, các chiến sĩ VNQDĐ tiếp tục đóng vai trò đối lập, tiếp tục hy sinh trong công cuộc chiến đấu bảo vệ Miền Nam Tự Do mà điển hình nhất là các vùng thuộc Quảng Trị, Thừa Thiên, Nam Ngãi.
Quan trọng hơn cả là sự hiện hữu của thế hệ con em các gia đình chiến sĩ Việt Quốc, hay chịu ảnh hưởng của truyền thống yêu nước của VNQDĐ. Tầng lớp này đã có nhiều người là anh hùng trong quân lực VNCH, là những quân nhân hay nhân viên chính quyền liêm chính hết lòng phục vụ đất nước. Có thể nói tinh thần Yên Bái 1930 đã đóng góp một phần quan trọng trong mặt trận chống CSVN và xây dựng dân chủ tự do ở Việt Nam.
Cộng đồng người Việt chống CSVN ở hải ngoại cũng như trong nước cần khôi phục lại tinh thần Yên Bái 1930, hy sinh vì đại nghĩa bất chấp thế mạnh nhất thời của CSVN. Nếu lúc này chúng ta không đạp đổ được chế độ CSVN, nhưng những gì chúng ta làm hôm nay với thành tâm và ý chí, sẽ tạo những “nhân” tốt cho tương lai để thế hệ tới có thể chiến thắng. Ngày chế độ CSVN bị giải thể chắc chắn sẽ đến dù lâu hay mau, và tinh thần Yên Bái 1930 sẽ là công cụ tốt nhất để giải nọc độc cộng sản và tái thiết nước ta.
Không ai phủ nhận rằng trước khi muốn làm một việc đội đá vá trời như vậy, điều kiện bắt buộc là phải có đoàn kết. Ngày nào còn chia rẽ như hiện nay, chưa thể nói đến điều gì to tát hơn là biểu tình, kiến nghị, tuyên cáo... Mặc dù cộng đồng chống Cộng hải ngoại có sức mạnh được tạm coi là đáng kể đối với chính quyền các nước đang cư ngụ, đáng lẽ chúng ta phải đạt nhiều thắng lợi lớn lao mới phải, vậy mà...
Riêng về VNQDĐ ngày nay còn bị chia ba xẻ bốn vì sao thì ai cũng biết. Đáng lẽ các thế hệ VNQDĐ sau Nguyễn Thái Học phải thống nhất, phải đem sức mạnh truyền thống đi đầu trong mặt trận chống CSVN mới không phụ công lao tranh đấu và hy sinh của các vị tiên liệt.
Điều duy nhất mà các đảng viên và con em các gia đình Việt Quốc nên cầu xin các liệt sĩ VNQDĐ nhân kỷ niệm tổng khởi nghĩa Yên Bái 1930: Hãy đem ánh sáng yêu nước soi rọi vào tâm trí các phần tử chủ chốt gây chia rẽ để cảm hóa họ và để công cuộc đoàn kết từ đảng đến cộng đồng mau chóng thành đạt.
Hà Nhân
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét