3 tháng 12, 2011

Viết cho thương phế binh QLVNCH

Viết cho thương phế binh QLVNCH

SmileTác giả/Nhân vật: Phan Xuân Sinh |25-08-2011| 430 lần xem | |
Năm 1972 giữa Thành Phố Ðà Nẵng xẩy ra một chuyện rất thương tâm. Tại Trung Tâm I Hồi Lực có hai phế binh, một người mù mắt và người kia thì cụt cả chân tay. Họ thấy cuộc sống của họ trên đời nầy sẽ làm khổ cho vợ con, nên ho quyết định phải tự sát…
Thế nhưng họ phải tính toán như thế nào mà vợ con họ được lãnh tiền tử tuất, được lãnh thêm một số tiền bồi thường lớn để có phương tiện sinh sống. Như vậy họ phải nhào ra đường cho xe cán, nhưng phải là xe của Mỹ thì số tiền mới hy vọng khấm khá.
Người mù đẩy người cụt lao vào xe GMC của Mỹ và hai thân người dẹp nát. Tất cả các Thương Phế Binh tại Trung Tâm Hồi Lực chạy ra vây xe Mỹ và đòi bồi thường tại chỗ. Vì họ nghĩ rằng chết như vậy sẽ đưa ra kiện tụng và chưa chắc được bồi thường. Những thân người què, cụt, mù nằm la liệt trên đường gây một thảm cảnh và một xúc động mạnh, làm cho cơ quan quân sự Mỹ nhượng bộ. Số tiền họ bồi thường cho hai phế binh đó rất lớn. Chuyện đáng nói không phải bồi thường mà chính là chuyện lao đầu vào xe. Ðộng lực nào đẩy họ tìm đến cái chết mà không một chút do dự, một chút sợ hãi. Chính là họ nghĩ tới cái đau khổ triền miên mà họ phải gánh chịu, thà rằng họ chết thì sự đau đớn chỉ nhất thời, còn nếu họ sống thì gia đình phải chịu đau đớn dai dẳng. Trước khi chết, họ còn tính toán chết như thế nào cho thân nhân được lợi, chết đi còn tìm cách giúp đỡ cho người ở lại, họ coi nhẹ thân xác vì nghĩ rằng họ có sống thì cũng vô dụng. Chiến tranh đã đưa con người đến tận cùng bờ tuyệt vọng mà không còn chỗ thoát.
Qua câu chuyện trên ta thấy, một sự vật qua những cái nhìn khác nhau, qua những nhận xét khác nhau. Vật thể ấy sẽ biến dạng theo cá tính, theo quan niệm của người nhìn. Sự mô tả khác nhau của từng người khiến ta rối rắm và nhiều khi đưa tới tình trạng thiếu trung thực. Thế nhưng có một cái nhìn về những hình tượng mà mọi người phải đồng lòng, phải rơi nước mắt, phải nhất trí với nhau đó là cái nhìn về những người đã bao lần vào sinh ra tử, đã hiến cả một phần thân thể cho đất nước. Sau cuộc chiến họ trở về với đôi nạn gỗ, với xe lăn, với chiếc gậy mò mẫm đường đi vì đôi mắt mù lòa. Cái nhìn của chúng ta về họ cùng có một sự xúc động như nhau, cùng thương cảm và lặng người. Tại sao chúng ta lại đồng cảm với nhau như vậy? Bởi vì họ là những con người có những hệ lụy mật thiết với chúng ta, họ là những viên gạch lót đường làm nền móng cho chúng ta tiến bước. Một phần thân thể và máu của họ đã thấm xuống mạch đất, đã ăn sâu vào gốc rễ để cho chúng ta tồn tại. Chúng ta trân quý họ bao nhiêu thì kẻ thù lại khinh bỉ và hành hạ họ bấy nhiêu, chúng ta ghi ơn họ bao nhiêu thì kẻ thù lại đẩy họ vào đường cùng không lối thoát. Họ đang gánh chịu sự đày đọa trên thân thể, lại thiếu ăn thiếu mặc. Ai ra tay giúp họ?
Nghĩ lại cho cùng chính chiến tranh đã gây ra biết bao nhiêu nghịch cảnh. Họ là những người lính, nhiệm vụ của họ là ngăn cản quân thù xâm lăng. Họ gánh chịu tất cả những đau thương đứng trước cảnh đầu sóng ngọn gió, họ lãnh đủ trên người những lằn tên mũi đạn, thập tử nhất sinh. Những người ra đi vĩnh viễn, những người trở về nhưng thân tàn ma dại, không còn hình hài nguyên vẹn. Có người mang danh nghĩa là con người nhưng quả thật chỉ còn một đống thịt, vì bản năng sinh tồn họ khó nhọc lê tấm thân trên đường phố để kiếm ăn. Ai chịu trách nhiệm về sự đau thương nầy? Xã hội đã làm ngơ, vì cái xã hội mà họ đang sống do kẻ thù điều khiển, không đoái hoài tới họ.
Chiến hữu tránh mặt, vì chính ngay bản thân sống trên đất nước quá khó khăn thì làm sao cưu mang nổi những người bạn tật nguyền nầy. Thôi thì cứ mệt nhọc lê thân trên hè phố kiếm ăn qua những tấm lòng độ lượng bố thí của thập phương. Chúng ta đã từng thấy trên đường phố, bến xe, bến đò, chợ búa thì không lạ gì những con người tật nguyền nầy. Chúng ta cũng không thể ngờ # những con người trước đây cùng trong hàng ngũ với chúng ta, chiến đấu cùng chiến tuyến với chúng ta và cũng có những người là cấp chỉ huy của chúng ta. Bây giờ họ thuộc loại đầu đường xó chợ, bị người đời khinh khi, thiếu ăn thiếu mặc, sống giở chết giở vì họ không còn khả năng làm việc, trên thân thể họ chỉ còn trái tim thoi thóp thở, chỉ còn chút ít mạch sống. Vì ai họ ra nông nỗi nầy? Có phải chăng vì sự tồn vong dân tộc, vì lý tưởng cao đẹp của cuộc sống mà họ phải xả thân bảo vệ, vì sự an nguy của toàn dân mà họ liều mình hiến dâng.
Sống trên đất Mỹ, chúng ta không thấy được những nghịch cảnh nầy. Những thương phế binh của Mỹ đã từng chiến đấu ở Việt Nam, họ được chính phủ của họ trợ cấp đầy đủ, không thấy cảnh ăn xin. Hằng năm đến ngày “Veteran day” chúng ta nhìn thấy họ hãnh diện diễn hành, dân chúng Mỹ trân trọng cúi đầu khi họ đi qua, vì biết rằng sự hy sinh to lớn của họ nước Mỹ không thể nào bồi đắp được. Mang thân Phế Binh đã khổ rồi, mà mang thân phế binh của kẻ chiến bại thì mức độ khổ sở gấp ngàn lần. Từ tinh thần đến vật chất, từ suy nghĩ đến cuộc sống họ không còn trông nhờ vào ai được, họ ê chề thất vọng, họ chỉ còn ngóng đợi sự giúp đỡ của chúng ta. Ðã hơn 20 năm từ khi làn sóng tỵ nạn ồ ạt định cư trên đất nước tự do, chúng ta đã thành lập biết bao nhiêu Hội Ðoàn, Ðảng Phái. Chúng ta đã tổ chức gây Quỹ biết bao nhiêu lần để củng cố những cơ sở chính trị, hướng dẫn các thế hệ đàn em luôn luôn hướng về quê hương. Chúng ta đã trở thành những trưởng giả, những bậc phú ông, nên chúng ta phải tìm vui trong những khung cảnh sang trọng. Có ai còn nhớ lại cuộc chiến đấu trước đây đã bao nhiêu người nằm xuống, đã biết bao nhiêu phế binh đang ngoi ngáp bên quê nhà, mà thân thể của họ đã từng lót đường cho chúng ta trốn thoát chéâ độ sát nhân trong nước. Có ai nhỏ giùm cho họ những giọt lệ thương sót, cho cuộc đời bất hạnh của những anh em đã từng cầm súng gìn giữ quê hương, để chúng ta có dịp đặt chân trên đất nước tự do. Hơn hai triệu người tha phương chỉ có một vài người đơn độc gióng lên tiếng chuông kêu gọi lòng nhân đạo của mọi người, hãy nghĩ về những anh em thương tật bên quê nhà. Tiếng kêu thất thanh của họ cũng chỉ có một số ít người hưởng ứng, lòng hy sinh của họ cũng mỏi mòn. Chúng ta vong ân bội nghĩa như vậy sao? Không, Chúng tôi tin rằng chúng ta là những con người trọng tình trọng nghĩa, không dễ gì một sớm một chiều mà quên đi những con người sa cơ thất thế nầy, những người một thời vùng vẫy trên chiến trường để bảo vệ cuộc sống thanh bình của toàn dân. Cái nhìn của chúng ta về những anh chị em Phế Binh nầy cũng khác, chúng ta bao giờ cũng tri ân họ, bao giờ chúng ta cũng cho họ là những con người vĩ đại. Cái nhìn của chúng ta về họ với đôi mắt dịu dàng thán phục, với đôi mắt rực sáng kính nể. Cái nhìn của chúng ta đã được sự đồng tình của nhiều người.

Có lẽ độc giả sẽ hỏi rằng tôi là ai mà có những lời “bênh vực” cho Thương Phế Binh và kêu gọi mọi người thương tình giúp đỡ cho họ đang lây lất sống tại quê nhà. Xin thưa, tôi cũng là một thương phế binh, tôi gửi lại một bàn chân phải trên quê hương trong mùa chinh chiến khốc liệt nhất, đó là Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Vì vậy tôi hiểu tâm trạng của anh chị em vì tôi đã từng đau với cái đau của họ. Có một điều tôi hơn được họ bởi vì tôi may mắn là tôi đang sống trên đất Mỹ. Nếu tôi ở quê nhà tôi cũng lê tấm thân trên đường phố, chống đôi nạn gỗ và ngữa cái nón cời xin ăn từng bữa. Tôi cũng sẽ trông chờ tấm lòng thương mến của quý vị.
Lời vang xin của tôi, thay mặt cho anh em nói lên lời cám ơn chung đến quý vị.
PHAN XUÂN SINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét