Về đất mẹ tìm nguồn cội
TT - 35 tuổi, Kim Browne đã có hơn 25 năm lặn lội đi tìm gia đình máu mủ mà cô đã bị thất lạc thuở lọt lòng. Không chỉ tìm kiếm cho riêng mình, cô còn đứng ra kết nối những người đồng cảnh ngộ, đưa họ trở về đất mẹ sau 35 năm xa cách.
Kim Browne là một trong số hơn 3.000 đứa trẻ bị đưa khỏi VN khi chiến tranh sắp kết thúc trong chiến dịch “Babylift”. Câu chuyện của Kim cũng tương tự bao câu chuyện của những “trẻ babylift” khác. Một ngày năm 1975, Kim được tiếp nhận tại trại mồ côi Gò Vấp (nay là Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp, TP.HCM). Dù mọi người cố gắng tìm kiếm tung tích nhưng vẫn không có được manh mối để biết cha mẹ ruột của bé là ai.
Kim ngày đó ốm yếu, bệnh tật liên miên nên được chăm sóc và điều trị đặc biệt cùng với hơn 100 trẻ sơ sinh tại đây. Một đôi vợ chồng trẻ người Anh là Maureen Browne và Desmond Browne đã quyết định nhận nuôi Kim. Cô được đưa đi cùng nhiều đứa trẻ khác trong chuyến bay cuối cùng rời VN đúng vào ngày đất nước thống nhất: 30-4-1975.
Nỗi khát khao mang tên Việt Nam
Hơn 100 “trẻ babylift” trở về VN Mấy ngày nay Kim đang tất bật tại TP.HCM để chuẩn bị cho cuộc đoàn tụ mang tên “Hành trình trở về sau 35 năm lưu lạc nơi đất khách” do chính cô khởi xướng. Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 16-4 tại VN với sự tham gia của hơn 100 “trẻ babylift” từ các nước khác nhau trên thế giới (phần lớn ở Anh, Mỹ). Các thành viên sẽ đi thăm và giúp đỡ các trung tâm mồ côi, khuyết tật, nơi họ từng được nuôi dưỡng trước khi ra đi. Trong hành trình lần đầu trở lại quê hương, họ cũng sẽ tranh thủ lần theo các manh mối để tìm kiếm cha mẹ ruột và gia đình VN của mình. |
Nơi Kim sống và lớn lên là xứ sở sương mù, quanh cô chỉ toàn những con người không cùng màu da nước tóc. Lên 9 tuổi, Kim bắt đầu nhận ra sự khác biệt giữa mình với mọi người xung quanh. Khi sự thật dần được hé mở, Kim thấy nuối tiếc vì không nói được tiếng Việt, không biết gì về món ăn Việt.
“Tôi muốn được nhìn ngắm VN vì ở đó có những con người đầy thú vị đến kinh ngạc! Với tôi, đất mẹ đẹp lạ lùng. Tôi cảm nhận được một sở thích đang lớn dần trong tôi, đó là được sống trong cộng đồng người Việt. Vì sao ư? Vì trong tia mắt họ, tôi được nhìn thấy rõ những nét tương đồng với gương mặt mình” - Kim sau này hớn hở kể lại.
Khi trưởng thành, Kim phát hiện ngoài cô vẫn còn có nhiều người VN sống ở Anh. Kim tìm cách kết bạn với họ, hăm hở tìm hiểu từ họ những thông tin về VN. Đổi lại, cô dạy tiếng Anh cho cộng đồng người Việt ở đó. Hoài bão được quay trở về nơi mình sinh ra ngày một lớn dần. Kim trở nên bối rối khi không biết chính xác mình đang thuộc về mảnh đất nào. “Tôi biết cuộc sống của mình ở Anh nhưng vẫn cố tưởng tượng nếu còn ở VN, mình sẽ sống như thế nào”.
Lần đầu tiên Kim đã mơ thấy cha mẹ ruột tìm đến thăm mình. Kim cũng đã cảm nhận được nỗi đau từ đó. Ước mơ từ thời thơ ấu càng lớn dần thêm khi Kim ngày càng khao khát được kết hôn với một người VN, để có thể sống như một người VN thực thụ.
Hành trình kết nối
Năm 2001, giấc mơ của Kim đã thành hiện thực khi cha mẹ nuôi sắp xếp cho cô một chuyến trở về VN. “Suốt đêm trên máy bay, tôi không tài nào chợp mắt được” - Kim cười khi kể lại. Những ấn tượng đặc biệt về cảnh giao thông ồn ào, đông đúc mà phương tiện di chuyển chính của người dân VN là xe gắn máy đã cho cô thấy một nét rất riêng của quê mình. Áo dài VN với Kim là một tài sản vô giá và cô đã mang đi khoe với bạn bè khắp thế giới. “Tuy buồn vì không tìm được cha mẹ ruột, nhưng tôi vẫn thấy rất hạnh phúc khi được trở lại quê hương của mình. Cảm giác gần gũi, thiêng liêng lắm!”.
Kim mang ước mơ mỗi ngày của mình vào đời sống của những đứa trẻ VN mồ côi có số phận như cô. Niềm an ủi của cô trong những chuyến “về quê” là khi được dành thời gian tặng quà, vui chơi với các bé tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp. Ở các bé, cô có thể tìm lại hình ảnh của chính mình ngày xưa. Để làm thiện nguyện, Kim tiết kiệm các khoản lương của mình, vận động sự đóng góp của Công ty Dannon nơi cô đang làm việc cũng như bạn bè khắp thế giới.
Năm năm trước, Kim chính thức tìm hiểu làm sao để kết nối những đứa con nuôi gốc Việt toàn cầu. Thông qua AVI, VAN và Operation Reunite Groups (Các nhóm phẫu thuật từ thiện mà Kim là một thành viên), cô tiếp cận được với Hội con nuôi ở Garden Grove, Nam California và thường xuyên họp mặt vào dịp tết cổ truyền của dân tộc. Năm 2007, Kim thành lập Mạng lưới tình nguyện VN (Vietnam Volunteer Network) bao gồm hầu hết “trẻ babylift” khắp nơi trên thế giới hoạt động để giúp đỡ VN.
Trong phần lớn cuộc gặp gỡ với mọi người, thông điệp của Kim chỉ được số ít người hưởng ứng, dù mọi người vẫn hướng đến văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ Việt trên đất Mỹ. Nhưng Kim không bỏ cuộc. “Hầu hết những người đồng cảnh ngộ với tôi bây giờ đều rất thành đạt và sống hạnh phúc, sung túc. Họ đều bằng lòng với cuộc sống thực tại, vì ngay từ nhỏ họ đã trở nên thân thuộc với con người và mảnh đất nơi họ lớn lên. Nhưng tôi vẫn tin vào tình yêu lớn lao của đất mẹ, đó sẽ là điều cộng hưởng và mang họ trở về, để làm điều gì đó có ý nghĩa cho đất nước mình” - Kim bày tỏ.
Bên cạnh đó, Kim còn đảm nhận sứ mệnh kết nối các tổ chức tình nguyện làm việc tại các làng trẻ mồ côi VN. Cô mong một ngày nào đó nó sẽ trở thành một hệ thống toàn cầu, sẵn sàng hỗ trợ các đối tượng đang cần được giúp đỡ mọi lúc, mọi nơi. “Đó sẽ là nhóm tình nguyện quốc tế dành cho những người từng tham gia hoạt động thiện nguyện hoặc có mong muốn giúp đỡ VN ở mọi khía cạnh, nhất là về lĩnh vực y tế, giáo dục và cả xây dựng, điều hành các mái ấm, các làng trẻ mồ côi” - Kim cho biết.
Bà Maureen Browne, mẹ nuôi của Kim, dù đã cao tuổi nhưng vẫn theo chân con gái trở về đất mẹ. Bà nói bằng giọng run run: “Tôi yêu Kim nhiều lắm. Đó là đứa con gái tôi yêu nhất và không bao giờ muốn rời xa. Tôi hưởng ứng tất cả những gì con bé đang làm và sẽ cầu nguyện cho nó sớm thành công”.
MINH HUỲNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét