4 tháng 12, 2011

Tướng Trịnh Minh Thế của chế độ Sài Gòn: Cái chết bí ẩn

Tướng Trịnh Minh Thế của chế độ Sài Gòn: Cái chết bí ẩn
11:00, 19/08/2008




Trên bàn cờ chính trị ở miền Nam nước ta trong những năm giữa thế kỷ XX có một viên tướng trẻ nhưng đã ghi dấu ấn khá đặc biệt vào những rối lẫn mịt mù của thời cuộc để rồi rốt cục đã phải bỏ mạng trong tình huống mà cho tới hôm nay vẫn còn khó hiểu. Đó là tướng Trịnh Minh Thế, sinh năm 1922 và chết năm 1955, khi mới 33 tuổi.
Có môt câu danh ngôn là để làm nên nghiệp, cần phải bí hiểm ngay từ tiểu sử. Trịnh Minh Thế quả thực cũng đã không rõ ràng ngay từ thành phần xuất thân.
Một số tài liệu cho rằng bố ông ta là tín đồ Cao Đài bình dân, nhà nghèo, nhưng theo tài liệu của Phòng Nhì Pháp, bố Trịnh Minh Thế là một giáo chức trong đạo Cao Đài, làm nghề kinh doanh cực kỳ phát đạt. Dòng họ Trịnh Minh Thế là di cư vào Nam Bộ từ Bình Định vài trăm năm trước. Để tránh sự trả thù của triều đình nhà Nguyễn đối với những người xuất thân từ đất thang mộc của triều đình Tây Sơn nên gia tộc này đã đổi từ họ Trịnh sang họ Trình (vì thế một số nguồn tư liệu ghi rằng tướng Thế họ Trình).


Là công tử trong một gia tộc có của ăn của để, Trịnh Minh Thế ngay từ nhỏ đã được dạy dỗ khá công phu. Tuy nhiên, do tính tình ngang ngạnh bướng bỉnh nên chỉ tốt nghiệp được bậc tiểu học (Certificate of Primary Education) thì bị đuổi ra khỏi trường Pháp. Có lẽ đây cũng là một trong những yếu tố khiến về sau, khi lớn lên, Trịnh Minh Thế không mấy ưa những đại diện thực dân trực trị ở Nam Kỳ.
Trịnh Minh Thế bước vào tuổi trưởng thành khi âm hưởng dữ dội của chiến tranh thế giới lần thứ hai đã lan sang tận Đông Dương. Đầu những năm 40 của thế kỷ trước, quân đội phát xít Nhật đã tiến vào Đông Dương, khiến cho các đầu lĩnh thực dân ở Việt Nam bối rối đến phẫn chí, gia tăng thêm các hành động đàn áp phong trào chống Pháp từ phía những người dân Việt theo những xu hướng chính trị khác nhau.
Trong đội ngũ những người Việt Nam chống Pháp lúc đó có cả các tín đồ Cao Đài. Toàn quyền Đông Dương, Đô đốc Decoux đã buộc phải ra tay đàn áp, thoạt đầu ra lệnh đóng cửa một số nơi thờ tự bình dân của Cao Đài, rồi tới ngày 26/8/1940 đã cho đóng cửa luôn cả Tòa thánh Tây Ninh. Tới ngày 27/7/1941, Decoux còn cho bắt nhiều lãnh đạo của Cao Đài, kể cả Hộ Pháp Phạm Công Tắc…
Hành động của Đô đốc Decoux như dầu đổ thêm vào lò lửa bất mãn với các thế lực thực dân trong cộng đồng tín đồ Cao Đài nói riêng và người dân Việt mang nặng tinh thần dân tộc nói chung. Và phải nói rằng, lực lượng Nhật đồn trú ở Việt Nam khi đó đã rất biết tận dụng tình huống khách quan đó để chiêu mộ những tổ chức người Việt theo khuynh hướng quốc gia sát cánh cùng mình chống Pháp. Quân Nhật đã bắt liên lạc và hỗ trợ cho các tổ chức có khuynh hướng dân tộc người Việt, trong đó có giáo phái Cao Đài.
Tháng 2/1943, Nhật giúp vị Phối sư Cao Đài là Trần Quang Vinh mở lại thánh thất Cao Đài tại Sài Gòn. Và Nhật đã nhận được sự đáp lễ hậu hĩnh khi Phối sư Trần Quang Vinh kêu gọi các tín đồ Cao Đài gia nhập lực lượng quân sự ủng hộ các đồng minh đến từ xứ sở Phù Tang. Khi đó đã có khoảng 10.000 giáo dân Cao Đài làm việc cho quân Nhật ở Nam Kỳ, đáng kể nhất là tại xưởng đóng tàu Nitian. Và không chỉ đơn thuần thực hiện các chức trách dân sự, những người này sau giờ hành chính còn được các cố vấn Nhật huấn luyện quân sự.
Trịnh Minh Thế cũng ở trong nhóm người Việt chịu sự huấn luyện quân sự của các viên sĩ quan Nhật. Hơn thế nữa, Trịnh Minh Thế còn được tu nghiệp trong trường sỹ quan của Hiến binh Nhật (Kempetai), khi Nhật bắt đầu sử dụng lực lượng vũ trang Cao Đài vào những việc cụ thể ở Nam Kỳ. Tới năm 1945, Trịnh Minh Thế đã nghiễm nhiên trở thành một sĩ quan  sáng giá của lực lượng quân sự Cao Đài và rất tích cực hợp tác với quân Nhật…
Thế nhưng, vốn không có những tư tưởng chính trị rõ rệt, tính khí lại thất thường, khó lường, thậm chí rất đồng bóng, nên sau năm 1945, Trịnh Minh Thế lại quay ngoắt thái độ và trở nên thân thiện với lực lượng viễn chinh Pháp trong một thời gian.
Khoảng tháng 11/1946, Trịnh Minh Thế cùng với lực lượng Cao Đài đã vào hùa với thực dân Pháp chống lại các lực lượng kháng chiến ở Nam Bộ. Dĩ nhiên là quan thầy Pháp đã rất biết cách tận dụng lực lượng quân sự tôn giáo này vào các mục đích thực dân của chúng và rất trọng một người có khả năng quân sự không hề kém cỏi chút nào như Trịnh Minh Thế. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ năm 1946 đến năm 1948, Trịnh Minh Thế đã leo từ chức Trưởng phòng Tác chiến khu vực Bến Cầu trở thành Tổng chỉ huy khu miền Đông rồi Tham mưu trưởng quân đội Cao Đài.
Tuy nhiên, do phong cách ứng xử ngẫu hứng, tiền hậu bất nhất nên Trịnh Minh Thế ít khi được yên ổn, dù đứng trong bất cứ đội ngũ nào. Ngay cả  các chiến hữu đồng đạo  cũng cảm thấy rất khó chiều ông ta. Thành ra rất nhiều mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ lực lượng vũ trang Cao Đài mà vụ việc nào cũng có dính líu tới Trịnh Minh Thế. Tới tháng 6/1951, Trịnh Minh Thế đã chính thức rời khỏi hàng ngũ giáo phẩm Cao Đài và mang khoảng 2.000 quân đi thành lập lực lượng quân sự riêng có tên là Liên Minh, chống cả Việt Minh và Pháp. Bắt đầu giai đoạn "chọc trời khuấy nước" của Trịnh Minh Thế với hàng loạt các vụ đánh bom khủng bố tại Sài Gòn từ năm 1951 tới năm 1953. Có tư liệu cho rằng, Liên Minh của Trịnh Minh Thế đã gây nên vụ ám sát tướng Chanson tại Sa Đéc năm 1951…
Thực dân Pháp mặc dầu rất vất vả để đối phó với hoạt động của Việt Minh nhưng cũng không thể không bận tâm với Liên Minh của Trịnh Thế. Tháng 8/1953, Pháp sử dụng một tiểu đoàn sơn cước người Nùng tinh nhuệ tấn công căn cứ của Trịnh Minh Thế ở các hang động trong núi Bà Đen. Núng thế, Trịnh Minh Thế phải rút sở chỉ huy về núi Heo và dần dà củng cố lại lực lượng. Tới năm 1954, Liên Minh đã mở rộng địa bàn hoạt động tới tận sông Cửu Long, biên chế đến cả chục tiểu đoàn với quân số khoảng 2.500 tên…
Sau năm 1854, khi quân Pháp bại trận ở Việt Nam, thái độ một mình chống lại tất cả của Trịnh Minh Thế đã tạo cho ông ta một hào quang hấp dẫn đối với những cơ quan tình báo Mỹ đang muốn gây dựng một lực lượng thứ ba nào đó để xúc tiến ván bài mới ở Việt Nam.
Cố vấn quân sự Mỹ Edward Lansdale, người chịu trách nhiệm dựng lên chế độ Ngô Đình Diệm đã tới đàm phán để lôi kéo lực lượng quân sự của Trịnh Minh Thế đứng về phía về mình. 5 triệu quan là món tiền đầu tiên mà Liên Minh nhận được để đổi lấy câu cam kết trung thành với chế độ Ngô Đình Diệm và cái gọi là quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Rất ngang tàng nhưng cũng khá khôn ngoan, Trịnh Minh Thế không từ chối số "quả thực" hậu hĩnh đó nhưng thực ra cũng không làm gì nhiều để hỗ trợ cho Ngô Đình Diệm trong bối cảnh chính trường Sài Gòn hỗn độn lúc đó. Ông ta đã chọn thái độ "tọa sơn quan hổ đấu" khi nhiều phe nhóm vũ trang tuyên bố chống lại chính phủ Ngô Đình Diệm và thi nhau tổ chức đảo chính. Chỉ khi đích thân Lansdale lên tiếng kêu gọi thì Trịnh Minh Thế mới cho lực lượng Liên Minh tiến vào Sài Gòn để hỗ trợ cho chế độ Ngô Đình Diệm.
Tất nhiên, Trịnh Minh Thế đã không làm không công việc này. Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn cũng như Ngô Đình Diệm còn phải tốn khá nhiều tiền nữa mới dụ được Trịnh Minh Thế ngày 13/2/1955 sáp nhập Liên Minh vào cái gọi là Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Cũng từ ngày đó, Trịnh Minh Thế được  phong hàm thiếu tướng.
Năm 1955 là thời gian gay cấn đối với chính trường Sài Gòn. Những phe nhóm chính trị và quân sự ở đây bị cuốn vào vòng rối lẫn thầy thợ nên đã đụng độ với nhau rất căng thẳng, đặc biệt là giữa phe chính phủ Ngô Đình Diệm và liên minh lực lượng vũ trang giáo phái với lực lượng Bình Xuyên. Để củng cố ngôi vị của mình, Ngô Đình Diệm lúc đó còn là Thủ tướng trong chính phủ do Bảo Đại cầm đầu, đã thẳng tay sát phạt các lực lượng vũ trang đối lập.
Về phần mình, lực lượng Bình Xuyên nhờ vẫn được quan thầy cũ là thực dân Pháp hà hơi tiếp sức nên cũng không chịu nín nhịn. Tuy nhiên, thời thế đã xoay vần và Ngô Đình Diệm, với sự ủng hộ ngấm ngầm nhưng khá mạnh mẽ của Mỹ, đã giành lấy thế thượng phong với 3 tiểu đoàn lính Nùng, 2 tiểu đoàn dù dưới quyền Đại tá Đỗ Cao Trí cộng vào số lính của tướng Trịnh Minh Thế (Cao Đài), Đại tá Nguyễn Văn Huê (Hòa Hảo) và Thiếu tá Nguyễn Văn Đày (Hòa Hảo)… Với quân số đông hơn hẳn, Ngô Đình Diệm tới cuối tháng 4/1955 đã đánh bại được đội quân 4.000 - 5.000 lính của lực lượng  Bình Xuyên ra khỏi vùng Sài Gòn - Chợ Lớn.
Những tưởng khi đó chính là giờ phút vinh hiển của tướng Trịnh Minh Thế. Tuy nhiên, việc dữ đã xảy ra  lúc 18h ngày 3/5/1955. Theo một số nguồn tư liệu, trong lúc đang ngồi trên xe jeep chỉ huy tiến quân qua cầu Tân Thuận để truy quét tàn quân Bình Xuyên, bất ngờ Trịnh Minh Thế đã bị một viên đạn carbin bắn tỉa bắn vào sau gáy.
Còn theo con trai của Trịnh Minh Thế là Trịnh Minh Sơn sau này kể lại, tướng Thế thực ra đã bị hai phát đạn súng lục bắn vào gáy ở Dinh Độc lập rồi xác được chở ra cầu Tân Thuận để đánh lạc hướng. Vợ tướng Thế cũng kể lại rằng chính bà đã thấy hai vết đạn trên xác chồng mình, một vết "từ ót trổ ra miệng", còn vết thứ hai "từ lỗ tai phải trổ ra mắt trái, tròng mắt bay mất, mí mắt lõm xuống và còn nguyên vẹn không rách". Vợ tướng Thế nói rằng, chồng bà đã "bị ám sát chứ không chết trận được vì hai lỗ đạn rất nhỏ, nhỏ như đầu chiếc đũa và không phá rộng…".
Chính quyền Sài Gòn khi đó đã tổ chức quốc tang cho Trịnh Minh Thế nhưng đã không (không muốn?) tìm ra thủ phạm giết tướng Thế. Và cho tới bây giờ vẫn không có thông tin xác thực về những kẻ chủ mưu gây ra cái chết bất đắc kỳ tử này của một trong những viên tướng trẻ được coi là có tài của chính trường Sài Gòn.
Có tư liệu cho rằng, chính Ngô Đình Nhu đã ra lệnh ám sát tướng Thế để trừ hậu họa. Một nguồn tư liệu khác lại cho rằng, Thiếu tá tình báo Pháp Savani ngồi trên chiến thuyền nhỏ dưới sông đã nã súng lên hạ sát tướng Thế để trả thù cho vụ quân Liên Minh giết tướng Chanson cũng như những vụ việc chống Pháp khác...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét