Tự do dân chủ có hay không qua từng thời kỳ?
Phạm Trần - Người Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần vung tay quá trán đến khi làm hỏng thì đỗ lỗi cho đủ thứ, ngoại trừ lỗi của chính mình. Họ cũng thích nói những điều không có mà còn vẽ cho to ra gấp vạn lần để hù họa người nhẹ dạ.
Bằng chứng như lời Bà Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Nước viết trên báo Nhân Dân ngày 05-11-011 rằng: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, biết kế thừa những tinh hoa dân chủ của các Nhà nước pháp quyền trong lịch sử và đã, đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản, nhưng chưa tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu đúng về dân chủ đi liền với kỷ cương nên một số người đã cố tình lợi dụng dân chủ để gây rối, chia rẽ làm tác động xấu đến trật tự, an toàn xã hội.”
Như vậy thì khi đã “khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản” thì chắc chắn phải cao hơn nền dân chủ ở các nước theo Tư bản chủ nghĩa, trong đó có cả Hoa Kỳ và các nước dân chủ tự do khác trên thế giới.
Biện luận như thế là Bà Doan đã nói dối mình, nhất là trong cương vị Phó Chủ tịch Nước.
Chẳng nhẽ Bà không biết người dân Việt Nam chưa bao giờ được hưởng đầy đủ các quyền tự do ghi trong 4 bản Hiến pháp từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho đến các bản sữa đổi kết tiếp 1959, 1980 và 1992, hay là Bà biết rất rõ mà cứ nói hoang cho phù hợp với chủ trương “nói dối càng nhiều càng tốt” của đảng?
Chỉ tiếc rằng tính nói hoang tưởng, bốc đồng, bất chấp đúng, sai của Bà Doan lại là sản phẩm của quan điểm lệch lạc, không đúng với tình hình thực tế của Tổng Bí thư đảng Khóa X, Nông Đức Mạnh nói trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đảng XI, tháng 01/2011: "Chúng ta một lần nữa khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho dân tộc ta có độc lập, tự do thực sự, đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.”
Giống như câu nói khống của Bà Doan, Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng đã “phóng đại tô mầu” cho những chiếc bánh vẽ: “tự do”, “phồn vinh”, “ấm no” và “hạnh phúc”.
Ngay đến “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (Bổ sung, phát triển năm 2011) cũng viễn vông viết rằng: “Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.”
Hoặc Cương lĩnh đã đặt điều, nhét chữ vào mồm dân để nói: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.”
Lạ chưa? Ai bảo người dân đã khát khao “đi lên chủ nghĩa xã hội”, và mọi người đã biểu thị đồng tình bằng cách nào mới được chứ?
Chẳng những thế, Cương lĩnh còn tự khoe: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ... có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện... có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo...”
MẶT TRÁI
Tính chung “những điểm son” này theo thời gian từ ngày có chủ trương được gọi là “Đổi Mới” năm 1986 thì Việt Nam đã “mới” được 25 năm. Nhưng sao đồng bào ta còn nghèo khổ quá? Đất nước còn chậm tiến đì đẹt sau nhiều nước láng giềng trong khu vực?
Như vậy thì làm sao đến năm 2020, Việt Nam có thể “Trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.” (Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020)
Với cái ruột trống không của đảng và miệng lưỡi huyênh hoang của lãnh tụ không nói chuyện được với nhau nên nhiều thứ bất cập, hụt hẫng đã hiện ra như tại sao người dân Việt Nam bây giờ vẫn còn đòi các quyền dân chủ và tự do đã viết trong 4 bản Hiến pháp, trong đó có hai quyền được lập hội và biểu tình đã liên tiếp quy định trong 3 Hiến pháp 1959,1980 và 1992?
Đơn giản vì từ lâu đảng và Nhà nước chỉ nói mà không làm. Nhà nước cũng thích khoe có tự do, dân chủ hơn nhiều nước khác, nhưng lại kiên quyết không cho dân được hưởng các quyền Hiến định.
Về phía người dân thì vì bị sống trong một xã hội không có thượng tôn luật pháp nên lớp bị trị trở thành bất lực ngay cả với việc đòi nhà nước trả lại quyền cho mình.
Nhưng nay, trước hiểm họa mất đất, mất biển vào tay Trung Cộng, người dân đã đòi có quyền biểu tình.
Bởi vì Hiến pháp năm 1959 đã viết tại Điều 25: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó.”
21 năm sau, Hiến pháp năm 1980 xác định lại trong Điều 67: “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân.
Nhà nước tạo điều kiện vật chất cần thiết để công dân sử dụng các quyền đó.
Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước và của nhân dân.”
Đến Hiến pháp sửa đổi năm 1992, Điều 69 cũng ghi nguyên văn: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”
TẠI SAO THAY ĐỔI?
Như vậy tại sao trong suốt 52 năm (1959-2011) mà các quyền Hiến định này đã bị Nhà nước quên đi? Cũng không thấy có Đại biểu Quốc hội nào dám thắc mắc cho đến khi bùng lên 8 Cuộc biểu tình tự phát của người dân tại Sài Gòn và Hà Nội chống âm mưu Tầu xâm lược và kêu gọi tòan dân đứng lên bảo vệ chủ quyền biển đảo, khởi đầu từ năm 2007 rồi bùng trở lại trong 2 tháng 8 và 9 năm 2011.
Nhà nước phản ứng bằng hành động xua công an, cảnh sát chìm nổi dẹp biều tình và bắt tù người xuống đường.
Nhiều công an đã đánh dân. Có anh còn đạp vào mặt dân yêu nước chỉ vì đã tham gia biểu tình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Báo chí Nhà nước không những tự lấy tay che mặt trước biến cố lịch sử này, coi như không có chuyện biểu tình mà còn nhận lệnh viết bài xuyên tạc, vu khống và mạ lỵ ngưồi yêu nước, trong số này có các Nhà Trí thức khoa bảng và Lão thành cách mạng nổi tiếng.
Người biểu tình đã bị chụp mũ mắc mưu các “thế lực thù địch” sách động và lợi dụng xuống đường để chống đảng!
Một làn sóng bất bình trong dân nổi lên khiến Chính phủ lúng túng như lời giải thích tại sao cần có Luật biểu tình trước Quốc hội ngày 25/11 (2011) của Thủ tướng Nguyễn Tấ Dũng:“Thứ nhất, thực hiện Hiến pháp. Hiến pháp điều 69 quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật. Nhưng chúng ta chưa có luật biểu tình. Như vậy chúng ta nên bắt tay nghiên cứu xây dựng luật biểu tình. Tôi muốn nói ngắn gọn là căn cứ thực hiện Hiến pháp.
Thứ hai, trên thực tế, các vị đại biểu Quốc hội ngồi đây đều chắc thấy rõ một thực tế trong cuộc sống của chúng ta đã có nhiều cuộc đồng bào ta tụ tập đông người, biểu tình, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với chính quyền. Có thực tế như thế. Nhưng chúng ta chưa có luật để quản lý, điều chỉnh vấn đề này. Do đó, cũng khó cho người dân khi thực hiện quyền mà được Hiến pháp quy định và cũng khó cho quản lý của chính quyền. Đã khó như vậy sẽ nảy sinh những lúng túng trong quản lý, từ đó xuất hiện những biểu hiện mất an ninh trật tự, đã xuất hiện những việc lợi dụng để kích động xuyên tạc gây phương hại xã hội.”
Như vậy phải chăng yếu tố cần có sự ủng hộ của người dân trong kế hoạch phòng chống ngoại xâm, dù kẻ thù là bạn “đồng chí anh em” Trung Hoa, mà chính Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ đã muốn “kiến nghị Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng Luật Biểu tình”?
Nhưng để bảo đảm cho bộ Luật không bị lợi dụng khi người dân biểu tình, Dũng đã ủy thác cho Bộ Công an chủ trì việc soạn dự Luật này. Cũng có ý kiến trong nước muốn chính phủ mời các chuyên viên Luật pháp và Trí thức tham gia chương trình soạn bộ Luật “nhậy cảm” này.
THỜI VIỆT NAM CỘNG HÒA
Nếu đem việc đòi quyền Hiến định của dân và thái độ đối xử với dân của nhà nước thời Cộng sản bây giờ so với các quyền của dân thời Việt Nam Cộng hòa (miền Nam) được hai bản Hiến pháp năm 1956 và 1967 bảo vệ thì nhân dân miền Nam được hưởng các quyền tự do và dân chủ hơn gấp triệu lần người dân của thời Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa.
Bằng chứng người dân miền Nam, dù trong thời chiến tranh và bị miền Bắc Cộng sản xua quân vào phá họai, vẫn có Báo tư nhân, vẫn tự do biểu tình ủng hộ hay chống Chính phủ, vẫn có quyền lập hội, lập đảng chính trị và hội họp.
Ba quyền phân lập của VNCH: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp không bao giờ chồng tréo, dẫm chân lên nhau hay đảng cầm quyền lại có quyền trên cả Hiến pháp và Luật pháp như thời Cộng sản.
Và mặc dù cả 2 Hiến pháp (1956 và 1967) đều không đề cập gì đến quyền ‘biểu tình” của công dân, nhưng dân có toàn quyền tự do biểu tình để bảo vệ quyền lợi của mình vì các nhà lập pháp và chính phủ thời Việt Nam Cộng hòa đã coi quyền đường nhiên này thuộc phạm vi “tự do tư tưởng”.
Tiêu biểu như vài Điều đã quy định trong Hiến pháp năm 1956:
Điều 15
Mọi người dân đều có quyền tự do tư tưởng và trong khuôn khổ luật định, có quyền tự do hội họp và lập hội.
Điều 16
Mọi người dân có quyền tự do ngôn luận. Quyền này không được dùng để vu cáo, phỉ báng, xâm phạm đến nền đạo lý công cộng, hô hào nổi loạn, hoặc lật đổ chính thể Cộng hòa.
Mọi người dân đều được hưởng quyền tự do báo chí để tạo thành một dư luận xác thực và xây dựng mà Quốc gia có nhiệm vụ bảo vệ chống lại mọi hành vi xuyên tạc sự thực.
Điều 17
Mọi người dân đều có quyền tự do tín ngưỡng, tự do hành giáo, và tự do truyền giáo, miễn là sử dụng quyền ấy không trái với luân lý và thuần phong mỹ tục.
Hiến pháp năm 1967 cũng nói rõ:
ĐIỀU 9
1- Quốc Gia tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do truyền giáo và hành đạo của mọi công dân miễn là không xâm phạm đến quyền lợi quốc gia, không phương hại đến an ninh, trật tự công cộng và không trái với thuần phong mỹ tục.
ĐIỀU 12
1- Quốc Gia tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, báo chí và xuất bản, miễn là sự hành xử các quyền này không phương hại đến danh dự cá nhân, an ninh quốc phòng hay thuần phong mỹ tục.
2- Chế độ kiểm duyệt không được chấp nhận, ngoại trừ các bộ môn điện ảnh và kịch trường.
3- Một đạo luật sẽ ấn định qui chế báo chí.
ĐIỀU 13
1- Mọi công dân đều có quyền tự do hội họp và lập hội trong phạm vi luật định.
2- Mọi công dân đều có quyền bầu cử, ứng cử và tham gia công vụ trên căn bản bình đẳng theo điều kiện và thể thức luật định.
3- Quốc Gia tôn trọng các quyền chính trị của mọi công dân kể cả quyền tự do thỉnh nguyện, quyền đối lập công khai bất bạo động và hợp pháp.
ĐIỀU 16
Quyền tự do nghiệp đoàn và quyền đình công được tôn trọng trong phạm vi và thể thức luật định.
Trong khi đó các Hiến pháp của Chính quyền CSVN cũng có những điều tương tự nhưng Chính quyền này chỉ viết ra để “làm cảnh” cho đẹp mặt với dân và để khoe với Thế giới.
Chính quyền do đảng CSVN chi phối ban đầu (2-9-1945) cho đến các Chính phủ về sau (từ Chính phủ liên hiệp kháng chiến 02-03-1946 cho đến 2011), đã chứng minh là một nhà nước độc tài và độc quyền đảng trị; không chấp nhận đa nguyên đa đảng; không cho tư nhân ra báo; không cho lập hội đứng ngòai Tổ chức ngọai vi của đảng là Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Các tổ chức Tôn giáo chỉ được hoạt động công khai, không bị kìm kẹp,xách nhiễu, phá họai nếu gia nhập vào Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.
Quyền biểu tình bị tuyệt đối cấm và Nhà nước này cũng chiếm độc quyền thông tin, báo chí. Người làm báo phải phục vụ đảng và viết theo chỉ thị của tổ chức.
Vậy mà Chính quyền này vẫn huyênh hoang như đã viết trong các Hiến pháp:
(Hiến pháp 1946):
Điều thứ 10:
Công dân Việt Nam có quyền:
- Tự do ngôn luận
- Tự do xuất bản
- Tự do tổ chức và hội họp
- Tự do tín ngưỡng
- Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài
(Hiến pháp 1959):
Điều 25:
Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó.
Điều 26
Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có các quyền tự do tín ngưỡng, hoặc không theo một tôn giáo nào.
(Hiến pháp 1980)
Điều 67:
Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân.
Nhà nước tạo điều kiện vật chất cần thiết để công dân sử dụng các quyền đó.
Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước và của nhân dân.
Điều 68:
Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.
(Hiến pháp1992):
Điều 68:
Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật.
Điều 69:
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.
Điều 70:
Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.
Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.
Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.
Như vậy các điểm khác nhau quan trọng nhất giữa Chính phủ “Việt Nam Cộng Hòa “ ở miền Nam trước năm 1975 và Nhà nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa” ở miền Bắc trước năm 1975 và bây giờ là “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” là ở chỗ:
Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã nghiêm chỉnh tôn trọng các quyền của công dân ghi trong Hiến pháp và biết thượng tôn pháp luật. Ngược lại Chính phủ Cộng sản đã coi các quyền Hiến định của công dân không bằng quyết định của đảng cấm quyến, dù những quyết định này có chà đạp lên Hiến pháp hay phản bội lại chính phương châm “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân”!
(12/011)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét