3 tháng 12, 2011

Truyện về người tù cải tạo vượt ngục

Truyện về người tù cải tạo vượt ngục

Tác giả/Nhân vật: Trần Ngọc Bình |18-03-2011| 360 lần xem | |
Đã hai ngày rồi, người mang rau cho nhà bếp của trại tù Phong Quang là anh đội phó chứ không phải là anh đội trưởng Rau Xanh như mọi ngày (anh em tù chúng tôi phải tự cải thiện đời sống bằng cách tự trồng rau.)… Không kềm nổi sự tò mò, tôi dọ dẫm khi anh đội phó đến giao rau lần thứ ba:

-Bộ anh C. đau hay sao mà anh đi thay thế vậy kìa!
Tuy mới chỉ sống với chế độ “người dò xét người” có 3 năm thôi, nhưng anh đội phó quả là nhạy bén vì đã tạo được thói quen như người dân miền Bắc khi phải sống trong cái xã hội “đỉnh cao của sự người dò xét người” trong đó mỗi người dân trước khi nói điều gì đều phải trông trước trông sau xem có người thứ ba nào đó ở gần hay không vì sợ người thứ ba quá “tiến bộ” sẽ đi báo cáo mình thì phiền, nên khi thấy không ai ở gần bèn nói nhỏ vừa đủ cho tôi nghe:
- C. trốn trại rồi.
Nghe đến đây, tự nhiên tôi mường tượng đến đôi cách chim tung trời tim đường đến tự do mà lòng thầm mơ ước mình cũng có dịp may như người bạn tù của mình nay đã vỗ cánh bay cao, bay xa tít về cuối chân trời, thoát ly được gông cùm xiềng xích nơi ngục tù tăm tối. Vì tự ngàn xưa và chắc chắn là cho đến ngàn sau thì cái chân lý rất đơn giản mà ai ai cũng phải công nhận là đúng, là không sai chạy dù một ly, đã được diễn tả trong câu “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” (Một ngày trong tù thì bằng cả ngàn năm ở ngoài).
Kể từ hôm đó, những anh em tù chúng tôi sau khi bị xúc động về việc này, có bàn ra tán vào thì cũng chỉ rỉ tai nhau rồi đâu lại vào đấy, lại lao động triền miên cho đến mệt lử, chiều về ăn chén cơm tù độn khoai, hay sắn hoặc cái “chuông xe đạp mỏng teng” (đây là chữ anh em dùng để chỉ chiếc bánh mì luộc) rồi lên “chuồng” cố dỗ giấc ngủ cho qua cơn đói để rồi sáng mai lại trở lại kiếp tù lao động khổ sai không án nên chẳng biết ngày nào “tung cách chim tìm về tổ ấm” để gặp lại những người thân trong gia đình để “cho bõ lúc sầu xa cách nhớ”.
Kiếp tù đầy cứ lặng lẽ trôi qua và lời của bản nhạc ngày xưa tự nhiên lại trở về trong ký ức trong đêm trường nỉ non tiếng côn trùng:
Ngày nào gặp nhau, yêu nhau rồi sống bên nhau
Những tưởng dài lâu như trăng như sao cho đến bạc đầu
Nào ngờ giờ đây ta ly tan giữa cơn lạc loài
Giữa chốn u mê đêm đêm một người nhớ thương một người

Phải chăng “giữa chốn u mê” mà tác giả muốn nói tới ở đây hay là đã “tiên tri” được đó là chốn lao tù, mà quả thật thế, chốn lao tù cho dù đã được ngụy trang là “Trại Cải Tạo” thì bản chất vẫn không thay đổi, đâu có đánh lừa được ai, ngay cả đến con nít cũng thắc mắc khi được mẹ cho biết là: “Ba đi học tập” thì bé đã hỏi lại mẹ: “Ủa, sao đi học lâu quá vậy, sao không về nhà?”. Vào thời kỳ đó và ngay cả cho đến bây giờ, dù cho ở “trong” hay “ngoài” thì chỉ khác nhau ở chỗ tù lớn hay tù nhỏ mà thôi. Chả thế mà ca sĩ kiêm nhạc sĩ TVT đã chẳng phát biểu khi vượt thoát đến được bến bờ tự do: “Ở trong nước cái cột đèn, nếu nó đi được, nó cũng đi.” để nói về tâm trạng của người dân Miền Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 75 đó sao.
Một thời gian sau đó, một cán bộ trong trại răn đe:
-Các anh đừng tưởng trốn trại mà không bị bắt lại là lầm to.
Thế nhưng sau lời răn đe đó, chúng tôi thấy anh C. vẫn là “bóng chim tăm cá” và ai ai trong đám anh em tù cũng cho là Trại chỉ hăm he để chúng tôi khỏi noi theo tấm gương vĩ đại của anh C. mà thôi chứ anh C. đã thật sự tung cánh về miền tự do rồi.
Nhưng, lại chữ “nhưng” quái ác vẫn thường trở lại làm tiêu tan giấc mộng đẹp trong đời sống bình thường của chúng tôi, riêng tôi cứ mở to mắt nhìn mà cứ tưởng như mình ngủ mê vì trong đám tù chúng tôi di chuyển về Trại Nam Hà vào cuối năm 78, hôm đó có anh C. bị “mợ Tám” khóa chặt một tay còn tay kia thì bị còng dính vào tay của một anh nữa, mà tôi không biết tên, anh này thì một cánh tay còn bị băng bột có lẽ bị gẫy hay sao đó, nghĩa là cứ hai người chung nhau một còng để mà hưởng cái hạnh phúc không độc lập mà cũng chẳng có tự do của người tù khốn khổ mỗi khi chuyển trại. Mãi về sau này, chúng tôi mới biết lý do sự chuyển trại là do Tàu sắp tấn công và xâm lăng Việt Nam như cha ông họ đã làm đối với dân tộc ta từ ngàn xưa vì đó là giấc mộng Đại Hán mà dân tộc họ luôn ấp ủ trong tâm khảm.
Trại tù nào cũng giống trại tù nào, khi đến trại mới lại “học tập” đường lối, chính sách của Đảng và Nhà Nước, lại khai lý lịch và anh em chúng tôi không ai bảo ai, người nào cũng có một mẫu khai dự phòng nên lại lấy mẫu khai này rồi điền vào “ chỗ trống cho hợp nghĩa” thế là xong.
Một hôm, tại khu A ở trại tù Nam Hà, chúng tôi bị tập trung ra sân để nghe nói chuyện, người nói không xưng tên, chức vụ, đây vẫn là thói quen làm việc “ban đêm”, thói quen giấu diếm của những người làm những việc tự thấy là không chính trực mà thói quen này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, mà điển hình là khi họ ký hiệp ước dâng một phần “máu thịt” của mẹ Việt Nam cho kẻ thù truyền kiếp mà không dám công khai cho toàn dân biết và các thói quen này cũng đã nói lên cái bản chất coi thường, khinh rẻ người “chủ” của chế độ như Cộng Sản vẫn luôn luôn rêu rao để mị dân. Hắn ta chỉ nói là: Tàu xâm lăng Việt Nam và chúng ta đã bị thua đậm, thế thôi và nhấn mạnh, nếu cần, sẽ sử dụng khả năng sẵn có của “các anh” tức là của đám tù khốn khổ chúng tôi để “bảo vệ quê hương”. Cay đắng cho tụi tôi chưa, bị kết án đủ thứ tội nhưng không dám đưa chúng tôi ra xử công khai và giờ đây sau 4 năm tù thì được “người ta” cho biết là chúng tôi vẫn còn có một quê hương để mà bảo vệ.
Đọc đến đây chắc quý bạn đọc thân mến sẽ tự hỏi: “Ô hay cái ông này, chẳng thấy đâu là câu chuyện tù vượt trại gì hết, cứ thấy ông nói lòng nói vòng hoài à!”
Vâng, thưa quý vị, hình như càng lớn tuổi thì người ta càng tin vào thuyết định mệnh an bài mà ông Trời đã dành cho mỗi người:
Ngẫm hay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần, phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao

Kiều.
Tôi, như trong câu Kiều nói trên, đã phải chịu “phong trần” từ năm 1979 là năm tôi biết được phần đầu của câu chuyện và mãi cho tới năm 1985 tức là 6 năm sau, khi có cái may mắn thoát chết vì bệnh phù thũng để rồi qua bao lần chuyển trại và có lẽ do định mệnh hay do ông Trời sắp xếp nên đã được nằm cạnh anh C. và mừng hết lớn, tôi không quên hỏi anh về câu chuyện trốn khỏi trại tù hồi đó.
Khi được hỏi, anh ra hiệu cho tôi ra khỏi buồng tù và sau đây là lời kể chuyện của anh.
Lúc ở trại Phong Quang, nơi đội Rau Xanh trồng rau thì lại gần lò gạch do tù hình sự đảm trách. Trong những lúc giải lao, thì tụi này thường hay ngồi cùng với mấy anh em tù hình sự, mới đầu thì hai bên còn giữ ý, sau một thời gian thì điếu thuốc qua, bi thuốc lào lại nên đã dần dần thu hẹp lại khoảng cách biệt và từ đó trong câu chuyện đã có sự thân mật dẫn đến sự trao đổi tâm tình.
Tù hình sự phần đông là những người nghèo khổ, giáo dục gia đình hầu như không nên đa số ăn nói lỗ mãng, mở miệng là các loại “ hỏa tiễn made in North Viet Nam” như đ…m…, đ….b… bay ra ầm ầm, làm choáng váng người nghe, phải nói như vậy là để thấy sự sa đọa về giáo dục, về con người của “xã hội chủ nghĩa Miền Bắc”; vì khi bị giam chung với tù hình sự Miền Nam ở Long Giao những anh em tù này tuy là hình sự nhưng tôi không bao giờ thấy các anh em này sử dụng các loại “hỏa tiễn” nói trên. Câu nói của họ khi tiếp xúc với chúng tôi luôn luôn tỏ ra có sự trân trọng và tỏ ra rất lễ độ, và mỗi lần trông thấy anh em chúng tôi ở phía xa xa là không ai bảo, họ đều chào to bằng câu là “Đại bàng gẫy cánh se sẻ cụt đuôi” và trong cung cách vẫn tỏ ra có sự thương mến tụi tôi tuy rằng chúng tôi là những người thất thế.
Các cán bộ Cộng Sản, khi thuyết giảng vẫn thường rêu rao là Miền Nam đồi trụy có tới 300,000 đĩ điếm và trộm cắp đầy rẫy, cứ làm như là trong thiên đường của Cộng Sản là thiên đường thật sự nên không có tù hình sự ! Thế thì các trại tù như Phong Quang, Nam Hà và còn biết bao nhiêu nữa ở Miền Bắc chắc là để nhốt muỗi hay sao đây!
Trong số các anh em tù hình sự đó, tôi để ý thấy một anh rất ít nói, nét mặt lúc nào cũng đăm chiêu, tư lự, lân la tôi làm quen, ngay từ lời nói đầu tiên, tôi giật mình vì nhận ra anh ấy là người Quãng Ngãi, cùng quê với tôi, và cứ mỗi ngày một chút dần dần hai chúng tôi hiểu nhau nhiều hơn và một khám phá nữa càng làm tôi giật mình hơn nữa, không những cùng tỉnh mà còn cùng làng nữa, vì khi nhắc đến những bậc vai vế trong làng thì cả anh ấy và tôi đều cùng biết rõ như là bàn tay có 5 ngón!
Cho đến một hôm, khi tình bạn đã đậm nét thì chúng tôi lại khám phá thêm ra là chúng tôi còn có họ hàng xa nữa. Đến đây thì, anh TTB, ta cứ gọi tắt là B. cho tiện, mới tiết lộ:
“Trung Quốc và Việt Nam không thuận, có muốn vượt trại không?”
Tôi hỏi lại B:
“Vượt trại thì được rồi nhưng còn gia đình B thì sao?”
Đến đây B. mới cho biết, trước khi bị tù, anh ta làm ở Đại Sứ Quán Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Đông Đức, mỗi khi có cuộc họp báo hay biến cố quan trọng nào ở Tây Bá Linh thì đều phải tham dự và viết báo cáo gởi về Việt Na. Đi cùng có 2 người nữa, và mỗi người đều có một khẩu súng lục với chỉ thị nếu ai định đào tị sang Thế Giới Tự Do thì khẩu súng sẽ làm nhiệm vụ của nó, nói nôm na là phải thanh toán, phải giết người vì người đó đã bị “nọc độc của chế độ tư bản” làm hư hỏng và lần nào cũng vậy, cả ba phải canh chừng lẫn nhau, dĩ nhiên trong 3 người thì B là chính còn 2 người kia là “cai tù” tuy rằng điều này không ai nói cho biết.
Cho đến một hôm, Tòa Đại Sứ nhận được công điện của Bộ Ngoại Giao trao tặng cho B. một huân chương vì những thành quả đạt được và triệu hồi B. về nước để nhận, dĩ nhiên Ông Đại Sứ rất mừng và cho làm tiệc tiễn hành một nhân viên xuất sắc dưới quyền khiến ông được thơm lây theo như phong tục của người Việt ta.
Khi về tới nơi, anh ta mới bật ngửa vì chỉ thấy Công An “dàn chào” cẩn thận không cho gặp mặt vợ con dù chỉ là 1 phút và đưa vào trại tù ngay lập tức với lý do trong những bài viết gởi về, “người ta” đã khám phá ra là B. đã manh nha những tư tưởng phản động, chỉ “manh nha” thôi, chứ không có bằng chứng gì là phạm tội đâu nhé mà đã bị kết án rồi, không cần tòa án xét xử dù cho chỉ có hình thức thôi, vì tòa án cũng là của Đảng mà.
Tới đây thì mình mới hiểu thật rõ câu “độc tài Đảng trị” ghê gớm như thế nào, vì nếu có cách gì mà Đảng “nắm” được không khí thì chắc chắn là Đảng sẽ chẳng ngại ngần gì mà không phân phối để nắm chặt thêm quyền thống trị hơn nữa như là Đảng đã từng làm với chế độ tem phiếu. Bị tù rồi, thì mới thấy ở nước ta trong chế độ Cộng Sản, dù đêm hay ngày thì người “chủ” chỉ thấy có ban đêm mà thôi mà là đêm không cùng, chừng nào mà cái chế độ tàn ác này còn tồn tại, trong khi đó thì “tớ” mới có cả ngày lẫn đêm để tìm tòi, suy nghĩ tùy nghi sử dụng bàn tay sinh sát của mình để làm tình làm tội và bóc lột “chủ”, xua “chủ” đi giải phóng miền Nam để chết thay cho “tớ”!
“Còn vợ của tôi ư, hiện nay bà ấy đang dạy học ở Đại Học Tổng Hợp Hà Nội, thế nhưng bị kết tội như tôi, nhất là tội về “tư tưởng”, thì kể như tiêu tán đường rồi và mình nên kiếm chước “tẩu vi thượng sách” là hơn và cứ coi như mình hay vợ mình đã chết thì mình mới dễ dàng quyết định. Đây là dịp để mình thử thời vận như các cụ ta vẫn thường nói: “Được ăn cả, ngã về không”, vả lại, đời tôi kể như bỏ rồi!”
Kế đến anh nói một câu gở miệng:
“Đằng nào cũng chết, không chết trước thì cũng chết sau mà”.
Rồi như một thi sĩ chính hiệu con nai vàng ngơ ngác, B. , tằng hắng lấy giọng rồi ngâm khe khẽ:
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tới
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.”

Như vậy, đối với B. thì đã xong, ngoài ra tôi còn rủ thêm được người bạn thân của tôi là Th. T/N. cùng tôi trốn trại nữa, N. là bạn thân của tôi từ hồi nào đến giờ. Là người trầm tĩnh, kín đáo, N. rất dè dặt từng lời nói do đó mới có thể bảo mật được kế hoạch trốn trại vì người Pháp đã chẳng có câu: “Sự bí mật của hai người là sự bí mật của tất cả mọi người” đó sao và đúng như sự đánh giá của tôi, N. quả thật đã không phụ sự kỳ vọng mà tôi tin tưởng nơi anh.
Việc nhín chút cơm, chút muối thì B. lo, cho đến ngày đã định, chúng tôi kiếm cớ vào rừng lấy củi về nấu nước cho anh em rồi dông một mạch. Vì tù đông nên mỗi đội khoảng từ 35 đến 40 người được cấp phát một đôi thùng để nấu nước uống phát cho anh em ngay tại hiện trường lao động, còn nhà bếp của Trại chỉ lo việc ẩm thực mà thôi.
Cứ ngày nghỉ đêm đi, vì nếu đi ban ngày dân thấy thì bị lộ, chẳng bao lâu thì đã đến con sông phân chia ranh giới hai nước vì trại tù Phong Quang chỉ cách Trung Quốc có 16 cây số đường chim bay mà thôi.
Tới được nơi đây thì cả ba đã quá mệt mỏi, nên sau khi thảo luận tất cả đều đồng ý là hãy nghỉ cho khỏe rồi lúc mát trời vào lúc xế chiều sẽ đốn chuối làm bè qua sông, tự do đã ở trong tầm tay chỉ với ra là nắm, là bắt được liền vì nhìn qua phía bờ bên kia chúng tôi đã thấy một vài người Hoa đang làm ruộng đầu đội nón rộng vành ờ phía xa xa, và đó là sơ sót thật là đáng trách khiến về sau này chúng tôi cứ ân hận mãi. Thật là không có cái dại nào giống cái dại nào, cơ hội đã đến lại để vuột mất, y chang cái túi khôn của người Tây Phương đã được diễn tả trong câu: “Thời gian và cơ hội không chờ đợi ai cả”.
Sau khi đã quyết định như vậy rồi, chúng tôi mỗi người tìm một bụi cây rồi chui và ngủ, và vì quá mệt mỏi nên cả ba đều ngủ quên đến khi nghe tiếng chó sủa thì lúc đó trời đã tối đen, B. vội lao mình xuống sông nhưng không kịp nữa rồi, một tràng AK vang lên trong đêm trường tịch mịch và tiếp theo đó là một tràng AK nữa khi Th.TN. lao mình tiếp theo cùng với B. Riêng phần tôi, một con chó berger Đức ở đâu gầm gừ lao tới mõm đớp chặt ống quần khiến tôi không cục cựa gì được, một tên Công An chĩa súng AK vào ngay mặt tôi, miệng quát lên:
“Động đậy ông bắn chết bây giờ.”
Sau đó là màn đòn thù liên tiếp giáng xuống, khỏi cần nói cũng biết là thê thảm đến như thế nào rồi, riêng B. vì đạn trúng tim nên chết tại chỗ, còn N. thì đạn trúng cánh tay phải nên bị gẫy tay. Khi về đến trạm Công An biên phòng lại một trận đòn thù còn thê thảm hơn thế nữa khi họ khám phá ra là chúng tôi là tù trốn trại chứ không phải là những người buôn lậu.
Cuộc trốn trại không thành công nhưng tôi vẫn tự hào là tôi và những người cùng tham gia đã giữ được bí mật đến phút chót, đã qua mặt được đám cai tù chỉ có một điều ân hận là không biết cái chết của anh B. có được thông báo cho gia đình anh ấy không, chắc chắn là nếu có, thì họ cũng giấu nhẹm lý do anh ấy bị chết, vì đó là bản chất của họ.
Tôi tự an ủi là phần tinh anh của con người không bao giờ chết, chả thế mà trong Kiều có câu:
“Thác là thể phách, còn là tinh anh.”
Và chắc chắn là anh B. khi qua bên kia thế giới vĩnh hằng anh đã không còn điều gì ân hận vì phần tinh anh của anh giúp anh biết được là anh đã chết và chết như một con người tự do.
Sao Nam Trần Ngọc Bình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét