10 tháng 12, 2011

Trước Vận Nước, Phải Có Sách Lược Chungsaptedul


Trước Vận Nước, Phải Có Sách Lược Chung


Ts. Nguyễn Đình Thắng
Trước hiểm hoạ Bắc thuộc, mọi người Việt có tấm lòng với dân tộc và có ý thức về tổ quốc nhất thiết phải hành động để bảo vệ chủ quyền đất nước bằng mọi cách có thể được. Muốn vậy, trước tiên chúng ta phải nhận diện “mọi cách có thể được” để rồi phân công nhau, trong và ngoài nước, trong một sách lược liên hoàn và tổng hợp sao cho phù hợp với nội tình đất nước và cục diện quốc tế trong từng thời kỳ.

Cho đến nay, các hành động của người Việt trong và ngoài nước có thể quy thành ba cách. Cách thứ nhất là biểu tình chống Trung Cộng và lên án Việt Cộng. Cách thứ hai là tẩy chay hàng hoá của Trung Cộng. Cách thứ ba là dẫn chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền về đất, đảo và biển. Đây là những hoạt động rất cần thiết, nhưng liệu có đủ không?
Trước ý đồ xâm lấn của Trung Quốc đã kéo dài cả ngàn năm lịch sử, liệu những cuộc biểu tình sẽ đạt hiệu quả nào? Trước thế lực hung hãn của kẻ ngoại xâm, tẩy chay hàng hoá sẽ ảnh hưởng bao nhiêu? Trước thái độ nhượng bộ của nhà cầm quyền đương thời ở Việt Nam thì dẫn chứng lịch sử xa xưa có hiệu lực ra sao? Còn có những cách nào khác nữa mà chúng ta phải tính đến?
Chúng ta phải cùng nhau đi tìm tất cả những con đường, những phương cách, những biện pháp khả thi để đẩy lùi hiểm hoạ Bắc thuộc. Bước khởi đầu là một diễn đàn về giải pháp chiến lược để mọi người cùng góp trí tuệ dựa trên ba nguyên tắc sau đây.
(1)   Mỗi biện pháp đề nghị phải đi kèm với mục tiêu cụ thể, lộ trình mạch lạc, và những mốc điểm có thể đo lường cho từng giai đoạn hành động. Chẳng hạn, có người đề nghị dân chủ hoá để bảo đảm quyền lợi của dân tộc nhưng lại không hướng dẫn những bước cụ thể để dân chủ hoá thì mới chỉ là nói lên ý hướng chứ chưa phải là đưa ra biện pháp. Đối với mỗi biện pháp đề nghị, mọi người thành tâm thiện chí sẽ cùng nhau phân tích tính khả thi và so sánh tác dụng giữa các biện pháp khác nhau. Giải pháp cho một đại nạn thường là tổng hợp của nhiều biện pháp có khi thực hiện song hành và có khi gối đầu nhau.
(2)   Nguyên tắc thứ hai là thường xuyên đo lường hiệu quả của từng biện pháp. Cứ mỗi ba tháng hay sáu tháng, chúng ta lại phải đối chiếu thành quả của công việc với những mốc điểm đã dự phóng từ trước. Nếu sau nhiều lần phối kiểm mà kết quả không như dự tính thì chúng ta phải điều chỉnh lộ trình hoặc có khi phải loại bỏ biện pháp ấy vì thiếu thực tế hay đã “hết thời”. Cũng vậy, chúng ta phải định kỳ kiểm định sự hữu hiệu của giải pháp tổng hợp và chuyển hướng khi cần thiết.
(3)   Nguyên tắc thứ ba là phải có thành tâm thiện chí. Chúng ta phải hết sức khắt khe với chính mình và với nhau để cân nhắc thiệt hơn của mỗi biện pháp đề nghị, cần cọ xát tư duy để làm sáng mọi khía cạnh của giải pháp tổng hợp, và cần khách quan trong việc lượng định thành quả và rà xét lại lộ trình. Nhưng chúng ta tuyệt đối không biến diễn đàn thành đấu trường về tư tưởng hay lập trường.  
Ứng dụng các nguyên tắc trên vào những biện pháp đang thực hiện, chúng ta phải cùng nhau, trong tinh thần khách quan và xây dựng, phân tích tác dụng của các hoạt động biểu tình trước tình thế hiện nay, dự phóng những thành quả cụ thể sẽ đạt được trong 3 tháng, 6, tháng, 9 tháng… và rồi phối kiểm thành quả một cách định kỳ. Chúng ta phải làm tương tự đối với các hoạt động tẩy chay và dẫn chứng lịch sử.
Khi phân tích đến nơi đến chốn, chúng ta sẽ thấy rằng cả ba biện pháp kể trên là cần nhưng không đủ. Chúng ta còn phải đổ công tìm thêm nhiều biện pháp khác nữa để làm sao ráp lại thành một giải pháp tổng hợp, vừa để đối phó khẩn cấp với nguy cơ trước mắt vừa để giải trừ mầm hoạ lâu dài.
Khi có một giải pháp chiến lược chung thì đại khối dân tộc cả trong lẫn ngoài nước mới có thể phân công mỗi người, mỗi nhóm một trọng tâm để thực hiện đến kỳ cùng và đồng thời phân bổ tài nguyên và nhân sự nhằm chu toàn mọi trọng tâm chiến lược đã vạch ra cho từng giai đoạn. Ít ra mỗi năm một lần, chúng ta lại phải cùng nhau rà xét lại các yếu tố nội tại và ngoại lai, trong và ngoài nước, để cùng nhau tái phối trí trọng tâm, nhân sự và tài nguyên cho phù hợp với thời cuộc. 
Trước tình hình ngặt nghèo của tổ quốc và dân tộc, mọi con dân nước Việt cần lấy lòng yêu nước nồng nàn của mỗi cá nhân làm động lực để cất bước và vận dụng trí tuệ minh mẫn của tập thể làm kim chỉ nam vạch phương hướng cho hành trình. Và bước khởi đầu cần thiết và gấp rút là nghiêm chỉnh và thấu đáo kiểm kê tất cả các biện pháp khả thi để kết hợp lại thành một sách lược chung nhằm chủ động giải trừ hiểm hoạ Bắc thuộc.
Đó là truyền thống quốc gia hung vong, thất phu hữu trách. Đó là khởi điểm của Hội Nghị Diên Hồng của thế kỷ 21.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét