15 tháng 12, 2011

Tranh chấp chủ quyền trên Biển Hoa Đông khuấy động bang giao Trung - Hàn


Tranh chấp chủ quyền trên Biển Hoa Đông khuấy động bang giao Trung - Hàn

Phẫn nỗ trước việc một lính bảo vệ bờ biển bị ngư phủ Trung Quốc đâm chết, người dân Hàn Quốc biểu tình xé cờ Trung Quốc tại Seoul hôm 14/12/2011
Phẫn nỗ trước việc một lính bảo vệ bờ biển bị ngư phủ Trung Quốc đâm chết, người dân Hàn Quốc biểu tình xé cờ Trung Quốc tại Seoul hôm 14/12/2011
REUTERS/Lee Jae-Won

Trọng Nghĩa
Bang giao giữa Bắc Kinh và Seoul hiếm khi căng thẳng như hiện nay. Sau vụ một sĩ quan tuần duyên Hàn Quốc bị một ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trộm đâm chết, công luận Hàn Quốc đã càng lúc càng phẫn nộ. Vấn đề này chưa giải quyết xong, thì mới đây, Bắc Kinh như đã đổ thêm dầu vào lửa khi phái chiếc tàu hải giám lớn nhất của họ đến vùng biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền với Hàn Quốc.

Khi loan báo việc điều chiếc Hải Giám 50 đến tuần tra tại vùng Biển Hoa Đông, chỉ huy trưởng hạm đội Đông Hải của lực lượng hải giám Trung Quốc đã cho biết là chiếc tàu này sẽ ghé các khu vực như các bãi đá Nhật Hướng Tiều (Rixiang Rock), Tô Nham Tiều (Suyan Rock), hai mỏ khí đốt Xuân Hiểu (Chunxiao) và Bình Hồ (Pinghu) của Trung Quốc …
Vấn đề được các quan sát viên Hàn Quốc ghi nhận, là trong danh mục các địa bàn hoạt động của tàu hải giám Trung Quốc, có hai bãi đá ngầm Rixiang Rock và Suyan Rock mà Seoul xác định thuộc chủ quyền của mình, và gọi là Ieodo và Parangdo. Thậm chí Hàn Quốc đã từng cho đặt trên đảo Ieodo một trạm nghiên cứu đại dương, bên trên có cả một sân bay trực thăng. Ngay từ năm 2003, Bắc Kinh đã phản đối Seoul về việc xây dựng công trình này. Ngoài ra, tại vùng Biển Hoa Đông, có những nơi mà vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Hàn Quốc chồng chéo với Trung Quốc.
Trong bối cảnh quan hệ hòa dịu, sự kiện tàu hải giám Trung Quốc thâm nhập vào các vùng mà Hàn Quốc xác định chủ quyền có thể sẽ không kéo theo sự cố nào đáng tiếc. Thế nhưng, trong tình hình căng thẳng hiện nay, khi công luận Hàn Quốc đang hết sức bất bình trước hành vi của ngư dân Trung Quốc, bị họ gọi là ‘cướp của giết người’, một cuộc đối đầu dù nhỏ, giữa tàu của hai bên tại vùng Biển Hoa Đông, cũng có nguy cơ trở thành nghiêm trọng.
Khả năng nói trên không phải là không thể xẩy ra vì lẽ Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak vào hôm qua, đã yêu cầu các cơ quan chức năng Hàn Quốc có các biện pháp "mạnh" để bảo vệ lính tuần duyên trong các chiến dịch bài trừ tệ nạn đánh bắt trái phép do các tàu cá Trung Quốc tiến hành.
Điều đó có nghĩa là trang thiết bị và nhân lực dùng để tuần tra vùng biển Hàn Quốc sẽ được tăng cường, với hệ quả tất yếu là các chiến dịch tuần tra cũng sẽ được nhân lên. Mặt khác, lưc lượng tuần duyên của Hàn Quốc có thể sẽ được phép có những phản ứng cứng rắn hơn. Tất cả những yếu tố này khiến cho tình hình dễ dàng xấu đi trong trường hợp tàu của hai bên trực diện với nhau tại vùng biển tranh chấp.
Phải nói là riêng trong lãnh vực ngư nghiệp, dư luận Hàn Quốc hiện nay quy trách nhiệm hoàn toàn cho phía Trung Quốc về hiện tượng ngày càng có đông ngư dân Trung Quốc qua đánh bất trái phép tại các vùng biển của Hàn Quốc. Đối vói người Hàn Quốc, chính tệ nạn ô nhiễm nặng nề và đánh bắt quá đáng đã làm tiêu hao nguồn cá tại Trung Quốc khiến cho ngư dân Trung Quốc phải xâm nhập vào Hàn Quốc và Nhật Bản để đánh bắt trộm.
Trong tình hình đó, bản thân chính quyền Trung Quốc cũng không nỗ lực ngăn chặn và để cho hàng ngàn tàu thuyền đánh cá của họ xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, nhất là khi ở một số nơi có tranh chấp, Bắc Kinh luôn lên tiếng khẳng định đó là vùng thuộc chủ quyền của họ.
TAGS: CHÂU Á - CHỦ QUYỀN - HÀN QUỐC - PHÂN TÍCH - TRUNG QUỐC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét