4 tháng 12, 2011

Tinh thần dân tộc chống Trung Quốc: Động lực thay đổi tại Miến Điện

Tinh thần dân tộc chống Trung Quốc: Động lực thay đổi tại Miến Điện

Ngô Nhân Dụng / Trọng Nghĩa – Trong những tháng gần đây, chính quyền Miến Điện đã có những thay đổi bất ngờ, cả trong lãnh vực đối nội – cho người dân nhiều quyền tự do dân chủ hơn – lẫn đối ngoại – mở cửa hướng về Ấn Độ hay phương Tây, đặc biệt là về phía Mỹ. Một biện pháp mang ý nghĩa biểu tượng là quyết định đình hoãn công trình thủy điện Myitsone do Trung Quốc tiến hành.

Theo ông Ngô Nhân Dụng, bình luận gia báo Người Việt tại California (Hoa Kỳ), có rất nhiều nguyên nhân thúc đẩy chính quyền của Tổng thống Miến Điện Thein Sein thay đổi, nhưng quan trọng nhất là tác động của dân chúng trong nước đòi tự do dân chủ và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Trong thời gian qua người dân Miến Điện đã đứng lên rất nhiều lần phản đối chính sách của chính phủ, đòi tự do dân chủ. Phong trào phản đối mạnh nhất, được nhiều người ủng hộ nhất là việc chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, vào Miến Điện khai thác tài nguyên. Tình trạng Trung Quốc bành trướng tại Miến Điện xảy ra từ hàng chục năm nay, từ khi nước này bị cô lập vì phải dựa vào Bắc Kinh sau khi bị các nước phương Tây tẩy chay.
Phong trào dân chúng phản đối đó có lẽ là giọt nước mạnh nhất để cuối cùng làm tràn ly, khiến chính quyền Miến Điện phải thay đổi chính sách ngoại giao của họ. Không thể dựa dẫm vào Trung Quốc nhiều quá.
Họ đã phải bắt đầu hướng về những nước khác, như Ấn Độ và các nước Tây Phương. Nhưng các nước như Mỹ, châu Âu hay Ấn Độ, luôn luôn đặt điều kiện là chỉ có thể thân thiện nếu chính phủ Miến Điện cải tổ để người dân được tự do nhiều hơn. Chính do các áp lực đó một phần, mà chính phủ Miến Điện, khi muốn thân hơn với phương Tây thì phải thay đổi cả guồng máy chính trị của họ.
Chúng ta cũng có thể nói rằng giới lãnh đạo mới của Miến Điện, từ khi ông Thein Sein lên làm Quốc trưởng, thì ông cũng đã có xu hướng muốn cải tổ, cho nên sau cuộc bầu cử Quốc hội năm ngoái, Miến Điện đã lập chính phủ dân sự thay vì để cho một vị tướng cầm quyền.
Thì đấy là những dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ rằng những vị tướng lãnh già trong hàng ngũ quân phiệt ở Miến Điện đã thấy rằng họ không thể nào tiếp tục duy trì chế độ lỗi thời của họ, và cần phải cho người dân tham dự vào chính quyền nhiều hơn.
Tất cả những yếu tố – áp lực từ ngoại quốc, khát vọng của dân chúng, và sự tỉnh thức của giới lãnh đạo quân nhân – đã làm cho Miến Điện bắt đầu thay đổi. Một trong những dấu hiệu thay đổi lớn nhất là họ đã trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, người bị giam cầm từ 15 năm nay”.
Áp lực từ bối cảnh chống Trung Quốc ở vùng Đông Nam Á
Chuyện chính quyền Miến Điện thay đổi do áp lực bên ngoài, nên được đặt vào khung cảnh toàn thể vùng Đông Nam Á. Trong thời gian vừa qua cả Đông Nam Á đã sôi động, vì những áp lực của Trung Quốc trên các nước láng giềng, đặc biệt là trên vấn đề Biển Đông.
Áp lực của Trung Quốc đã gây ra phản ứng chống đối từ phía các nước Đông Nam Á. Khi các nước Đông Nam Á họp lại, họ cảm thấy mạnh hơn, và có thể là chính quyền Miến Điện bắt đầu cảm thấy họ cũng có thể cứng rắn đối với Trung Quốc, một phần vì họ nghĩ rằng như vậy họ tham dự vào một phong trào chung của các nước Đông Nam Á.
Ngoài ra chúng ta cũng phải công nhận là chính sách ngoại giao của chính phủ Mỹ trong 2 năm vừa qua đã thay đổi, qua đó ảnh hưởng đến chính quyền Miến Điện. Từ năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao của Mỹ đều đã lên tiếng xác định là nước Mỹ trở lại vùng Thái Bình Dương.
Năm nay, từ Hội nghị ở Honolulu cho đến Bali, Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh là nước Mỹ sẽ trở lại thường trực có mặt ở Á Châu và Thái Bình Dương. Nhũng cái tín hiệu đó khiến cho tất cả những nước Đông Nam Á cảm thấy vững tâm hơn khi phải đối đầu với Trung Quốc. Tất cả những tin tức đó thế nào cũng lọt vào tai các nhà lãnh đạo ở Miến Điện.
Ngoài áp lực của dân chúng đòi phải tỏ ra độc lập hơn với Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Miến Điện cũng có thể chiụ ảnh hưởng của chính sách ngoại giao của Mỹ quay trở lại Á Châu. Cho nên họ mới tìm cách mở cửa ra dón tiếp ngoại trưởng Mỹ đến Miến Điện trong mấy ngày qua.
Tất cả những phong trào thế giới đó, chắc chắn là có ảnh hưởng đến cái quyết định dân chủ hóa của chính quyền Miến Điện”.
Đập thủy điện Trung Quốc trên sông Irrawaddy: Giọt nước tràn ly
Vụ đập thủy điện Myitsone chỉ là giọt nước làm tràn ly thôi vì trong vòng 20 năm qua, Trung Quốc đã lợi dụng tình trạng Miến Điện bị cô lập, để xâm lấn vào nước này một cách rất mạnh mẽ.
Về phương diện kinh tế họ sang khai thác tài nguyên: gỗ, rừng, khoáng sản, ngọc thạch, rồi sau đó đến tài nguyên về thủy điện. Ở Miến Điện có một nguồn tài nguyên khác mà Trung Quốc rất thèm: đó là dầu lửa và khí đốt.
Không những khai thác dầu lửa và khí đốt ở Miến Điện, Trung Quốc còn ép để đặt đường ống dẫn khí từ bờ biển Miến Điện, phía Vịnh Bengale dẫn về tỉnh Vân Nam. Đấy là một đường tiếp tế giúp cho Bắc Kinh có thể chuyển dầu khí nhập từ Iran hay Trung Đông, đi qua Ấn Độ Dương, rồi từ đó vào thẳng Trung Quốc, không cần qua Biển Đông. Đó là hành động có tính chất chiến lược của Trung Quốc.
Cùng với việc lập ống dẫn dầu khí đó, Trung Quốc còn xây dựng những hải cảng quân sự cho Miến Điện ở vùng Vịnh Bengale. Những hải cảng đó, Trung Quốc có quyền sử dụng. Cái đó gây mâu thuẫn với Ấn Độ vì các quân cảng này nhắm vào bờ biển miền Đông Ấn Độ.
Trung Quốc đã lạm dụng tình trạng mà chính quyền Miến Điện phải lệ thuộc vào họ, để khai thác, không những tài nguyên mà cả vị trí địa dư của nước này để củng cố cho Trung Quốc.
Trong thời gian trước đây, từ thời ông Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã ủng hộ những nhóm thiểu số ở Miến Điện, trong vùng những tỉnh như Kachin, hay là Shan, là những tỉnh giáp giới với Vân Nam. Những người cộng sản Miến Điện do Trung Quốc bảo trợ đã nổi lên chống chính phủ Miến Điện.
Từ khi Trung Quốc giao thiệp với chính phủ quân nhân Miến Điện, thì họ dẹp các đám nổi loạn đó đi, nhưng những người thiểu số trong hai tỉnh đó, phần lớn là những người gốc từ Vân Nam qua, và họ tiếp tục có những giao dịch thương mại với Vân Nam. Hiện nay, người từ Vân Nam sang Miến Điện khai thác về thương mại, về kỹ nghệ trong hai tỉnh này rất mạnh mẽ.
Tất cả những hành động đó làm cho không những người thành thị, người trí thức Miến Điện lo sợ và oán giận, mà ngay cả những người lãnh đạo quân nhân trong chính quyền Miến Điện cũng quan ngại, tinh thần dân tộc của họ nổi dậy và họ cũng lo sợ trước ảnh hưởng của Trung Quốc.
Thành ra việc chính quyền Miến Điện cho ngưng đập trên sông Irrawaddy, là một hành động có thể coi là có tính cách tượng trưng mạnh nhất, để cho thấy rằng Miến Điện muốn thay đổi.
Nhưng Miến Điện bây giờ có khi phải mất hàng chục năm hay nhiều hơn mới thoát được khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, bởi vì ảnh hưởng đó hiện giờ rất mạnh. Nước buôn bán với Miến Điện nhiều nhất là Trung Quốc.
Tóm lại, Miến Điện mạnh tay với Trung Quốc có thể do một phần là dân chúng đòi hỏi, một phần khác là do tinh thần các nước Đông Nam Á bây giờ đang lên, và có một cái phong trào chung cả vùng Đông Nam Á đề phòng sự bành trướng của Trung Quốc.
Nhưng mà có lẽ chính những người quân nhân ở Miến Điện, lòng ái quốc của họ đã nổi lên, và họ nhìn thấy rằng phải thay đổi để thoát khỏi ảnh hưởng Trung Quốc. Ngoài ra, còn có việc các nước Tây Phương vẫn đòi hỏi Miến Điện là chỉ giao thiệp với họ nếu có dân chủ hóa, và điều kiện đó đã giúp chính quyền Miến Điện mạnh dạn bước vào con đường trả lại tự do cho dân chúng.
Đây là dấu hiệu rất tốt và chúng ta hy vọng là chính quyền Miến Điện trong vòng một thế hệ tới sẽ dần dần ngày càng được dân chủ tự do hơn”.
N. N. D. / T. N.
Nguồn: Viet.rfi.fr

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét