15 tháng 12, 2011

Sông Mêkông : Cửa ngõ cho Trung Quốc can thiệp võ trang vào Đông Nam Á


Sông Mêkông : Cửa ngõ cho Trung Quốc can thiệp võ trang vào Đông Nam Á

Cảnh sát võ trang Trung Quốc chuẩn bị chuyến tuần tra chung đầu tiên trên sông Mêkông, cảng Quan Lũy, khu tự trị Tây Song bản nạp, Vân Nam, 09/12/2011
Cảnh sát võ trang Trung Quốc chuẩn bị chuyến tuần tra chung đầu tiên trên sông Mêkông, cảng Quan Lũy, khu tự trị Tây Song bản nạp, Vân Nam, 09/12/2011
REUTERS

Trọng Nghĩa
Bắt đầu từ hôm qua, 10/12/2011, công an võ trang của Trung Quốc bắt đầu được quyền xuôi dòng Mêkông, đi qua Miến Điện và Lào để đến tận miền Bắc Thái Lan. Trên danh nghĩa, đây là một chiến dịch tuần tra hỗn hợp giữa bốn nước, nhằm bảo đảm an ninh cho tàu buôn qua lại trên tuyến giao thương này.

Tuy nhiên, khi chiều theo sức ép của Trung Quốc, nước chủ trương chiến dịch tuần tra chung, ba nước Đông Nam Á tham gia thỏa thuận đã mặc nhiên công nhận quyền can thiệp võ trang của Bắc Kinh vào lãnh thổ của mình.
Nhận định về việc Trung Quốc phát động chiến dịch tuần tra chung trên sông Mêkông vào hôm qua, phóng viên hãng tin Mỹ AP đã nêu bật tính chất khác thường của sự kiện này khi nhấn mạnh rằng : “Từ lâu nay, Trung Quốc đã từng cung cấp cảnh sát cho các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở hải ngoại, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên mà nước này hoạt động trên lãnh thổ một quốc gia khác mà không theo sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc”.
Đối với AP, chiến dịch tuần tra được tiến hành, đã phản ánh thực tế là ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc luôn đi kèm theo sự xâm nhập kinh tế của họ vào khu vực, đặc biệt là vào các nước nghèo như Lào và Miến Điện. Theo nhiều nguồn tin trùng hợp, sau khi 13 thủy thủ Trung Quốc bị thảm sát trên sông Mêkông, Bắc Kinh đã gây sức ép để cả ba nước, Miến Điện, Lào và Thái Lan, phải đồng ý ký thỏa thuận về tuần tra hỗn hợp.
Tuy nhiên, theo AP, cho dù vậy, việc công an võ trang Trung Quốc được quyền hoạt động trên lãnh thổ các láng giềng Đông Nam Á không phải là không hàm chứa rủi ro chính trị đối với Bắc Kinh, với nhiều quốc gia trong vùng vốn rất cảnh giác đối với sự thống trị của Trung Quốc.
Bắc Kinh như đã ý thức được điều này. Phát biểu vào hôm qua, thứ trưởng Công An Trung Quốc Mạnh Hoành Vĩ đã khuyến cáo lực lượng tuần giang Trung Quốc trên sông Mêkông là cần phải tôn trọng và quan tâm tới các tập tục quốc tế, cũng như tranh thủ sự ủng hộ của các tàu buôn hay những người dân sống dọc theo hai bên bờ sông.
Nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp
Tuyên bố trấn an của quan chức Trung Quốc kể trên được đưa ra vào lúc nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động của công an võ trang Trung Quốc tại ba nước Đông Nam Á có liên can chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Cho đến nay, chính quyền Bắc Kinh chưa cho biết thông tin về cách thức phối hợp giữa lực lượng công an võ trang Trung Quốc với các đồng nghiệp tại ba nước còn lại, liệu các bên có tuần tra chung với nhau hay không, hay là mạnh bên nào bên ấy làm.
Quy mô của chiến dịch tuần tra sẽ đến mức nào ? Đó cũng vẫn là ẩn số, cũng như là giới hạn địa lý của chiến dịch tuần tra, có nghĩa là công an Trung Quốc sẽ được quyền xuôi dòng Mêkông đến tận chỗ nào ở phía Nam ?
Một câu hỏi rất nhạy cảm cũng chưa có lời giải đáp thỏa đáng : Đó là liệu lực lượng an ninh của nước này sẽ có thể tiến hành bắt giữ nghi phạm tại vùng sông của nước khác hay không ? Và khi bị tấn công, có quyền đổ bộ lên lãnh thổ nước khác để phản công hoặc truy đuổi hay không ?
Dẫu sao thì theo một bài báo trên tạp chí The Economist hồi trung tuần tháng 11 vừa qua, một số thông tin từ Trung Quốc cho biết là Bắc Kinh có thể tung đến 1000 người vào chiến dịch tuần tra trên sông Mêkông, một lực lượng võ trang lớn chưa từng thấy được triển khai ngoài biên giới Trung Quốc.
Tuần báo Anh Quốc ghi nhận : Dư luận tại một số nước Đông Nam Á đang lo ngại rằng chủ quyền đất nước họ có nguy cơ bị thương tổn một khi công an Trung Quốc được quyền can thiệp ở bên ngoài biên giới Trung Quốc. Một doanh nhân Thái Lan nghi ngờ rằng thỏa thuận tuần tra chung sẽ cho phép Bắc Kinh gửi lực lượng an ninh riêng của họ ra nước ngoài để bảo vệ lợi ích cục bộ Trung Quốc.
Dẫu sao thì với thỏa thuận đã ký kết với Lào, Thái Lan và Miến Điện, kể từ nay Trung Quốc đã có quyền đưa lực lượng võ trang vào trong lãnh thố ba láng giềng Đông Nam Á. Trên danh nghĩa, công an biên phòng chỉ là một lực lượng bán quân sự, nhưng cho đến nay, Bắc Kinh nổi tiếng là hay dùng danh nghĩa của các lực lượng bán quân sự can thiệp chống các nước khác. Hành động của lực lượng hải giám hay ngư chính của Trung Quốc ngoài Biển Đông là ví dụ điển hình.
TAGS: CHÂU Á - MÊKÔNG - PHÂN TÍCH - QUÂN SỰ - TRUNG QUỐC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét