Giao tranh ác liệt giữa binh sĩ chính phủ và các quân nhân bỏ ngũ trong tỉnh Idlib ở miền bắc gây ra nhiều thương vong trong số 23 người chết hôm thứ Bảy. 

Những người có mặt tại chỗ nói tiếng súng ngày càng dữ dội vì ngày càng có nhiều quân nhân bỏ ngũ.

Trả lời chuyện Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết lên án Syria về những vụ vi phạm nhân quyền “tàn bạo” và “có hệ thống” trong khi đàn áp biểu tình, truyền thông nhà nước Syria tố giác hội đồng này đã làm ngơ trước những bằng chứng mà Syria đã nạp để làm sáng tỏ chuyện này.

Bộ Ngoại giao Syria tố giác Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một nghị quyết đã bị “chính trị hóa.”

Tại Basrat al-Sham, bên ngoài thủ đô Damascus, người đi dự đám tang của một thanh niên bị bắn chết hôm thứ Sáu hô to các khẩu hiệu chống chính phủ. 

Các cuộc biểu tình chống chính phủ khác cũng diễn ra tại nhiều thành phố, bất kể cuộc đàn áp của chính quyền.

Tại Istanbul, trong khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, Phó Tổng thống Mỹ Biden ca ngợi Thổ Nhĩ Kỳ đã có những biện pháp để chấm dứt đàn áp ở Syria. Ông cũng góp thêm tiếng nói của quốc tế để đòi Tổng thống Assad từ chức.

Ông nói: “Hoa Kỳ đứng cạnh Thổ Nhĩ Kỳ và hàng loạt quốc gia kêu gọi Tổng thống Assad từ bỏ quyền lực.”

Ông Khattar Abou Diab, giáo sư  môn chính trị học tại Trường đại học Paris nhận xét:

“Một trong những khó khăn lớn trong nỗ lực kết hợp sức mạnh của Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc và châu Âu để giúp đỡ nhân dân Syria là sự chống đối của Nga. Nước Nga muốn cho người ta cái cảm tưởng là họ vẫn còn là một nước lớn trên sân khấu thế giới, và cũng muốn bảo vệ các lợi ích thương mại và chiến lược chống lại các nước phương Tây mà Nga cho rằng đã đánh lừa Nga tại Libya.”

Giáo sư Abou Diab cũng tin rằng Iran đang đóng một vai quan trọng giúp đỡ chế độ Syria chống lại nhân dân mình. 

Bằng chứng là các nhóm biểu tình Syria đã tố giác lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran, và hai nhóm tay chân của Iran – là nhóm Hezbollah ở Libăng và nhóm Muqtada al-Sadr ở Iraq – đã gửi người sang chiến đấu bên cạnh quân chính phủ Syria.