Phiên họp thứ 2 của ban chỉ đạo cải cách tư pháp: lộ rõ mặt yếu kém
Trịnh Viên Phương (bạn đọc danlambao) - Khi mà đảng cầm quyền hiện nay một mình tự biên tự diễn mọi thú thì đừng vẽ vời CCTP mị dân làm gì. Với cách làm hiện nay thì kết hết năm 2020 ngành tư pháp XHCN Việt Nam cũng chỉ đứng yên một chỗ với những bản án viết sẵn gây bao oan khiên ngút ngàn mà thế giới văn minh bên ngoài nhận định là "Luật rừng lệnh miệng"...
*
Ngày 4.12.2011 tại Hà Nội đã diễn ra phiên họp thứ 2 của ban chỉ đạo trung ương về cải cách tư pháp. Qua phiên họp thứ 2 này thì xuất hiện nhiều yếu kém chẳng những của ngành tư pháp Việt Nam mà còn bộc lộ được những lượm thượm ngay trong ban chỉ đạo trung ương cải cách tư pháp.
Đã đến phiên thứ 2 rồi mới thành lập văn phòng ban chỉ đạo và quyết định bổ nhiệm các ủy viên chuyên trách. Gọi là ban chỉ đạo trung ương nhưng cũng bị khống chế bởi quy chế làm việc do nghị quyết của trung ương đảng đưa ra. Tức là chạy trời cũng không thoát khỏi cái bóng quyền lợi và sự tồn vong của đảng trong chuyện cải cách tư pháp lần này. Nghĩa là trải qua các phiên họp lần thứ 1 và các quyết định hao công tốn sức đến phiên họp này thì các cơ cấu và cách thức của ban chỉ đạo trung ương về cải cách tư pháp (CCTP) mới được định hình. Đúng chính xác là đã được ĐỊNH HƯỚNG có lợi cho đảng.
Về phương diện nhận định ngưỡng của nền tư pháp XHCN Việt Nam thì ở phiên họp này thừa nhận Việt Nam có một nền tư pháp quá yếu kém. Bây giờ mới họp bàn về: "hoàn thiện chính sách pháp luật về hình sự, dân sự và tố tụng tư pháp, hoàn thiện chức năng và nhiệm vụ thẩm quyền tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp". Nghĩa là xưa nay các vụ án hình hình sự, dân sự cách làm việc của các cơ quan tiến hành tố tụng là "chưa hòan thiện". Nói thì hoa mỹ như vậy nhưng nhìn vào cách xử án hình sự thì theo luật rừng. Luật quy định luật sư được tham gia ngay giai đọan điều tra nhưng đến hiện nay việc này cũng ở trên giấy. Còn các án dân sự thì theo ông Trịnh Hồng Dương, cựu chánh án Tòa án tối cao tuyên bố "Luật Việt Nam xử sao cũng được".
Đi thẳng vào vấn đề thực tế của CCTP chính là sửa luật. Nếu chúng ta biết là một bộ luật cần sửa đổi bổ sung đưa ra Quốc hội họp biểu quyết phải có 2/3 số đại biểu đồng ý thì mới có thể được sửa đổi. Rồi từ khi quốc hội thông qua cho đến khi thi hành cũng qua một lộ trình nhiều khê. Đó là chưa kể trình độ của các đại biểu quốc hội hiện nay thì đang ở mức so sánh đĩa rau muống ở Thượng hải rẻ hơn đĩa rau ở Hà Nội, có đại biểu thì yêu cầu có luật bảo vệ riêng tư (bà Hòang Yến trong vụ ly hôn bị nhà báo Hòang Hùng phanh phui), hay ông tiến sĩ tâm lý mãi mê chuyện làm Luật nhà văn, bôi bác nhất là ông giáo sư anh văn phản bác chuyện ra Luật biểu tình vì theo ông biểu là chống chính phủ. Thực tế thì quốc hội chỉ bù nhìn và mỗi phiên họp chỉ để "đồng thuận" với các nghị quyết trung ương đảng mà thôi.
Vấn đề con người cũng được nêu ra trong phiên họp thứ 2 của ban chỉ đạo trung ương về CCTP. Nhất là cán bộ ngành tư pháp từ tòa án đến viện kiểm sát. Đặc biệt lần này thì nêu rõ là "Liên quan đến đào tạo các chức danh tư pháp, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị cần mở trường đào tạo trình độ cử nhân về kiểm sát để bổ sung đội ngũ cán bộ tư pháp". Nghĩa là xưa nay đa phần các kiểm sát viên là dưới ngưỡng CỬ NHÂN. Chúng ta không lạ lùng gì những phiên tòa mà kiểm sát viên giữ quyền công tố cãi không lại luật sư thì đập bàn chụp mũ "đồ dốt luật về nhà học tiếp đi". Luật sư cũng chẳng vừa đốp vào mặt "người cần học là các kiểm sát viên chứ luật sư thì am hiểu luật hơn". Như vậy qua cái phiên họp thứ 2 của ban chỉ đạo CCTP thì chứng minh rõ ràng là các kiểm sát viên xưa nay mới dưới ngưỡng cử nhân và họ cần học thêm nữa.
Nhưng quan sát kỹ toàn phiên họp thứ 2 của ban chỉ đạo CCTP về con người thì mới thấy cải cách tư pháp là chuyện thay chiếc áo mới chứ còn bản chất thì vẫn không thay đổi. Ban chỉ đạo trung ương về CCTP cho là: "xây dựng cơ chế chính sách đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp có phẩm chất chính trị vững vàng". Nghĩa là xây dựng một bộ máy mới chủ yếu là "làm nhiệm vụ chính trị" chứ không phải lo chuyện tư pháp. Và sự độc lập của cơ quan tư pháp, của những nhân viên ngành tư pháp luôn bị khống chế và phải đặt nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của đảnglà nhiệm vụ đầu tiên của họ. Riêng ông Uông Chu Lưu thì đặt nặng vai trò của Học Viện Tư Pháp, nơi hiện nay độc quyền đào tạo các chức danh tư pháp như thẩm phán, kiểm sát viên, thư ký tòa án và luật sư. Nhưng trình độ của các giảng viên của Học Viện Tư Pháp này cũng chỉ ở mức dưới ngưỡng bình thường cần phải cải cách cả học viện. Các giảng viên của Học Viện Tư Pháp hiện nay chủ yếu là từ các giảng viên của đại học luật và các luật sư tên tuổi sang dạy. Học Viện Tư Pháp hiện nay cũng chỉ là bán cái bằng và thẩm tra lý lịch tư pháp của các học viên mà thôi
CCTP thực sự khi mà ngành tư pháp được độc lập thóat khỏi cái bóng của đảng cầm quyền hiện nay. Muốn vậy thì bắt đầu chính là cải cách chính trị trước rồi mới nghĩ chuyện cải cách tư pháp sau. Khi mà đảng cầm quyền hiện nay một mình tự biên tự diễn mọi thú thì đừng vẽ vời CCTP mị dân làm gì. Với cách làm hiện nay thì kết hết năm 2020 ngành tư pháp XHCN Việt Nam cũng chỉ đứng yên một chỗ với những bản án viết sẵn gây bao oan khiên ngút ngàn mà thế giới văn minh bên ngoài nhận định là "Luật rừng lệnh miệng".
*
Tham khảo tin về Phiên họp thứ 2 ban chỉ đạo trung ương về CCTP: Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp họp phiên thứ 2
04/12/2011
(Chinhphu.vn) - Ngày 4/12, Ban Chỉ đạo cách tư pháp Trung ương đã họp phiên thứ 2, thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có chương trình cải cách tư pháp giai đoạn 2011- 2016.
Ảnh: Chinhphu.vn - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ giai đoạn 2011-2016 là giai đoạn khởi đầu thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2010-2020 và các văn kiện Đại hội XI của Đảng, khẳng định tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Bên cạnh kiện toàn tổ chức, cần bám sát nội dung Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó tập trung làm tốt các nhiệm vụ: hoàn thiện chính sách pháp luật về hình sự, dân sự và tố tụng tư pháp, hoàn thiện chức năng và nhiệm vụ thẩm quyền tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp.
Chủ tịch nước khẳng định cùng với khẩn trương xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động các cơ quan bổ trợ tư pháp, các cơ quan ban ngành tham gia cần tích cực xây dựng cơ chế chính sách đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu các thành viên cần sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1992 để trình Bộ Chính trị quyết định.
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận các nội dung trọng tâm về định hướng phân công trách nhiệm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ tư pháp; chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2011-2016; chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo năm 2012, thông qua quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; nghe công bố quyết định thành lập Văn phòng Ban chỉ đạo và quyết định bổ nhiệm ủy viên chuyên trách.
Về quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cho rằng quy chế cần có quy định chung về Ban Chỉ đạo và đề cao trách nhiệm của từng thành viên.
Liên quan đến đào tạo các chức danh tư pháp, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị cần mở trường đào tạo trình độ cử nhân về kiểm sát để bổ sung đội ngũ cán bộ tư pháp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và một số ý kiến cho rằng Học viện Tư pháp đang tập trung đào tạo các chức danh tư pháp là phù hợp, tuy nhiên để tăng cường nhân lực hơn cho ngành kiểm sát, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đặc biệt là Bộ Tư pháp, Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Thành Chung
. Bookmark the permalink.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét