Đổi mới chính trị: cần nhìn nhận đối lập dân chủ
Việt Hoàng “…Một đặc tính (mang đậm tính truyền thống Khổng Giáo) của trí thức Việt Nam là họ muốn làm người trung lập, người phản biện với chính quyền chứ không muốn làm người đối lập với chính quyền…”
Tình hình kinh tế chính trị và xã hội Việt Nam đang đứng trước những thử thách lớn, nhu cầu thay đổi đang là đòi hỏi cấp bách của mọi tầng lớp nhân dân. Chính quyền Việt Nam cũng đã nhận ra được sự nghiêm trọng của vấn đề, một cuộc ‘đổi mới kinh tế lần thứ 2’ được đảng cộng sản Việt Nam thông qua tại Hội nghị Trung ương 3 bằng quyết định ‘tái cấu trúc nền kinh tế’.
Đổi mới kinh tế lần hai hay ‘tái cấu trúc nền kinh tế’ lần này đòi hỏi phải đổi mới về chính trị. Chiếc áo ‘thể chế chính trị’ rõ ràng là quá chật chội cho cơ thể kinh tế ngày càng lớn mạnh. Để làm được việc đổi mới kinh tế lần hai không phải đơn giản vì sẽ gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của các sứ quân kinh tế, tức các nhóm lợi ích, mà sức mạnh của nó là rất lớn vì có hậu thuẫn chính trị, cho nên muốn có đổi mới kinh tế thì đầu tiên phải có cải cách thể chế chính trị.
Tất cả những gì mà chúng ta đang chứng kiến bây giờ trong xã hội Việt Nam không phải là chuyện tự nhiên và mới phát sinh mà là sự tích lũy của cả khoảng thời gian dài do sự quản lý kém cỏi của chính phủ và mô hình nhà nước dựa vào một thứ chủ nghĩa lỗi thời đã bị cả thế giới từ bỏ. Vì sự thiếu tự tin mà chính quyền Việt Nam vẫn không chịu thay đổi về hướng dân chủ như nhiều nước đã làm. Bây giờ cũng vậy, nếu đảng cộng sản vẫn không dứt khoát từ bỏ sự ràng buộc vào chủ nghĩa Mac-Lênin và ‘con đường đi lên xã hội chủ nghĩa’ thì không thể nào đổi mới được thể chế chính trị và như vậy sẽ không thể nào đổi mới được kinh tế. Chúng ta phải đồng thuận với nhau trên một nguyên tắc căn bản của mọi cuộc cải cách rằng: ‘Chính trị là quyết định tất cả’. Phải thay đổi chính trị sau đó mới có những thay đổi về kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế…Thực tế Việt Nam đã chứng minh cho chúng ta thấy điều đó. Mọi kêu gọi, cố gắng đều nhanh chóng rơi vào quên lãng và mọi chuyện vẫn đâu vào đấy, không hề có một sự thay đổi nào đáng để nói, trong bất cứ lãnh vực nào.
Thay đổi chính trị bằng cách nào? Nhất là khi đảng cộng sản khăng khăng không chấp nhận chuyện đa nguyên, đa đảng? Thật ra mà nói thì chính quyền Việt Nam quá thiếu tự tin, nếu có đa đảng thì trong thời gian dài trước mắt cũng không có đảng nào vượt qua được đảng cộng sản. Singapore là một ví dụ, đảng Nhân Dân Hành Động đã cầm quyền từ năm 1959 đến tận bây giờ. Hay tại Đài Loan, Quốc Dân Đảng đã cải cách chính trị từ một nhà nước độc tài, độc đảng chuyển hóa thành một nước dân chủ đa đảng. Và cả Singapore lẫn Đài Loan đã trở thành những nước phát triển cao không những trong khu vực mà còn trên cả phạm vi toàn thế giới. Tại sao Việt Nam không mạnh dạn đi theo con đường này?
Nếu Việt Nam muốn cải cách chính trị theo hướng dân chủ thì việc đầu tiên phải làm đó là không được lấy ‘chủ nghĩa Mac-Lênin’, mộ thứ chủ nghĩa lỗi thời, viễn vông làm bình phong cho chế độ. Phải chấm dứt việc mị dân bằng cách hô hào tiến lên ‘chủ nghĩa cộng sản’ và ‘kiên định với chủ nghĩa Mác-Lenin’. Tiếp sau đó, đảng cộng sản cần nhìn nhận sự đa nguyên đa đảng tại Việt Nam, tức là chính quyền phải thừa nhận lực lượng ‘đối lập dân chủ’ Việt Nam. Chừng nào chưa có mặt của ‘đối lập chính trị’ trên chính trường thì mọi màu sắc dân chủ chỉ là giả tạo và dối trá. Sự ‘đối lập’ với chính quyền không riêng gì ở Việt Nam, mà nó hiện hữu ở bất cứ nơi nào trên trái đất này, nó như là lẽ tự nhiên của tạo hóa chứ không phải do người dân muốn hay không muốn, thích hợp hay không thích hợp. Sự ‘cầm quyền’ và ‘đối lập’ luôn là hai mặt của cuộc sống, tương phản nhưng gắn bó mật thiết với nhau như là nước với lửa, như âm với dương, như ánh sáng với bóng tối…
Vì sao chính quyền phải nhìn nhận đối lập dân chủ? Bởi vì:
Vì sao chính quyền phải nhìn nhận đối lập dân chủ? Bởi vì:
-Cuộc sống vốn đa nguyên, Việt Nam với 87 triệu dân và 54 dân tộc anh em khác nhau nên khuynh hướng chính trị khác nhau. Không thể có chuyện cùng mặc ‘đồng phục tư tưởng’ cho tất cả mọi người. Sự áp đặt này trước sau rồi cũng thất bại vì nó đi ngược lại với qui luật của tự nhiên, qui luật của tạo hóa.
-Nếu không có đối lập dân chủ thì tự bản thân đảng cộng sản không thể nào tự thay đổi được. Không có cạnh tranh thì sẽ không có phát triển, không có sức ép từ đối lập dân chủ thì đảng cộng sản không thể nào trừng phạt được những cán bộ kém phẩm chất và sai phạm vì tất cả là đồng chí với nhau. Chuyện ‘giơ cao đánh khẽ’ là đương nhiên. Chính sự có mặt của đối lập dân chủ khiến đảng cầm quyền kiện toàn được tổ chức của mình khiến nó mạnh mẽ, trong sạch và có phẩm chất hơn vì đã loại bỏ được những kẻ không ra gì trong nội bộ đảng.
-Không có đối lập dân chủ thì một mình đảng cộng sản không thể kêu gọi đoàn kết và hòa giải hòa hợp dân tộc, nhất là trong những giai đoạn khó khăn, rất cần sự chung sức chung lòng của cả toàn dân. Do quyền lực của đảng không được kiểm soát suốt thời gian dài nên nó đã bị tha hóa trầm trọng, hậu quả là niềm tin của người dân mất đi, giờ muốn lấy lại nó không phải dễ, lời nói suông càng không thể. Phải có những hành động cụ thể và dứt khoát như việc nhìn nhận đối lập dân chủ mới có thể mở ra cánh cửa đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa nhà nước và nhân dân. Chính đối lập dân chủ sẽ làm ‘tấm đệm’ để hạn chế đến mức thấp nhất sự đổ vỡ và tức giận của những thành phần dân chúng bất mãn cao trong xã hội Việt Nam. Đối lập sẽ cùng với đảng cầm quyền tìm ra lối đi cho dân tộc, tránh các cuộc ‘cách mạng đường phố’ có thể xảy ra trong tương lai…
Để làm được việc cải cách chính trị như trên thì ai có thể đảm nhận được sứ mệnh quan trọng này? Theo tôi thì có hai lực lượng chính có thể làm tốt được việc này đó là ‘đảng cộng sản Việt Nam’ và ‘lực lượng trí thức dân chủ Việt Nam’.
Trước mắt thì quả bóng đang ở trong chân đảng cộng sản. Trong tài liệu: “Cải cách toàn diện để phát triển đất nước’ do 14 trí thức lớn, có tên tuổi của Việt Nam tại hải ngoại ký tên, có viết: ‘Chúng tôi cho rằng ở thời điểm này chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới thực hiện được cuộc cách mạng này. Đảng Cộng sản Việt Nam cần tự thay đổi để lãnh đạo dân tộc bước vào một thời đại mới, thời đại củng cố và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc để đất nước trở nên giàu mạnh, tự chủ’. Đây là mong muốn và thông điệp rất có thiện chí của nhóm trí thức Việt Nam, bài viết được chuẩn bị rất công phu và nghiêm túc. Lời lẽ ôn hòa và giản dị nhưng vẫn khái quát được bức tranh tổng thể của Việt Nam hôm nay. Những đề nghị của nhóm trí thức đều rất hợp lý và cần thiết. Những đề nghị đó chính quyền có thể hoàn toàn thực hiện được. Tuy nhiên điều mà tài liệu này còn thiếu vì chưa thấy đề cập đến đó là ‘thái độ và sự chọn lựa mà đất nước và nhân dân Việt Nam nên có’, trong trường hợp đảng cộng sản Việt Nam không chịu ‘tự đổi mới’. Bài này được viết với mong muốn bổ xung cho phần còn thiếu đó.
Nếu đảng cộng sản chấp nhận tự thay đổi để tồn tại và đi tới thì đó là điều rất tốt cho chính bản thân đảng và sau đó là cho cả đất nước, cả dân tộc. Để làm được điều này thì đảng cộng sản cần một nghị lực phi thường mới vượt qua được chính mình. Không ai đang (được) độc quyền lại muốn có kẻ cạnh tranh nhưng tình thế đã đến lúc phải thế, không muốn cũng không được. Bước đi đầu tiên cho phương án này là chính quyền Việt Nam cần nhìn nhận một vài tổ chức chính trị đối lập ôn hòa và có trách nhiệm, sau đó là mở các cuộc đối thoại và hợp tác với họ để cùng xây dựng một lộ trình dân chủ cho đất nước. Đây là phương án tối ưu cho Đảng cộng sản và cho đất nước. Không ai muốn đất nước thay đổi theo hướng bạo lực và đổ vỡ như trường hợp Libya. Với đảng cộng sản thì đàm phám và đối thoại khi đang ở thế mạnh sẽ có lợi hơn là khi không còn gì để mặc cả như trường hợp cố đại tá Gaddafi.
Tuy nhiên khả năng để tự chính quyền thay đổi là rất khó xảy ra vì thế vai trò của lực lượng trí thức dân chủ Việt Nam rất quan trọng. Để đảng cộng sản chấp nhận thay đổi thì phải có tác động (hoặc thúc đẩy) mạnh từ phía đối lập dân chủ và người dân Việt Nam. Và để có một đối lập dân chủ có tầm vóc và sức mạnh để buộc đảng cộng sản ngồi vào bàn đàm phán thì trí thức Việt Nam thay vì viết kiến nghị và thư ngỏ hãy cùng nhau ủng hộ cho các tổ chức đối lập dân chủ có tiềm năng. Đã nhiều năm trôi qua và bằng nhiều nỗ lực lẫn cố gắng nhưng trí thức Việt Nam vẫn chưa làm được được việc gì khiến chế độ Việt Nam thay đổi. Lần này trí thức Việt Nam hãy hành động bằng một cách khác đó là cách đấu tranh có tổ chức, có đội ngũ, có sự phân công và phối hợp rõ ràng.
Trí thức Việt Nam hình như quên đi một điều rất giản dị đó là nếu giả sử đảng cộng sản muốn đối thoại với nhân dân Việt Nam thì đằng nào cũng buộc phải có một tổ chức ‘đối lập dân chủ’ đứng ra làm đại diện, vậy thì tổ chức đó sẽ là tổ chức nào? Không lẽ chính quyền phải đi nói chuyện với từng người dân một? Một đặc tính (mang đậm tính truyền thống Khổng Giáo) của trí thức Việt Nam là họ muốn làm người trung lập, người phản biện với chính quyền chứ không muốn làm người đối lập với chính quyền. Điều này cũng không có gì là xấu, là sai nhưng với điều kiện là đất nước đã có dân chủ. Khi đất nước chưa có dân chủ thì ai sẽ làm trọng tài và giữ cho trí thức cái quyền phản biện và trung lập? Vì vậy trong giai đoạn này việc dấn thân cho dân chủ là trách nhiệm của trí thức Việt Nam. Họ phải chọn cho mình một con đường hoặc một lập trường thật rõ ràng. Một trong những lập trường cần có của trí thức Việt Nam là họ phải đi trước và dẫn đường cho quần chúng chứ không phải ngược lại. Trí thức phải là đầu tàu. Những gì đang diễn ra tại nước láng giềng Miến Điện không thể không khiến cho giới trí thức Việt Nam suy nghĩ và tự hỏi mình rằng: Tại sao trí thức Miến Điện đứng đầu là bà Aung San Suu Kyi họ làm được việc dân chủ hóa đất nước mà trí thức chúng ta thì không?
Nếu hai lực lượng trên (đảng cộng sản và trí thức dân chủ Việt Nam) không đảm nhận được vai trò tiên phong của mình thì vẫn còn một thành phần nữa có thể làm nên lịch sử, đó là tầng lớp nhân dân nghèo khổ đứng dậy làm cách mạng. Khi lực lượng này làm cách mạng thì không nói chúng ta cũng đều biết đó là sự thảm khốc và đổ vỡ vô tiền khoáng hậu. Đất nước của chúng ta đã quá nhiều đau khổ và đổ vỡ rồi nên không ai muốn có thêm bất cứ sự đau thương nào nữa, thế nhưng muốn là một chuyện còn nó có xảy ra như ý muốn hay không lại là một chuyện khác, rất khác.
Việt Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét