3 tháng 12, 2011

Những tách trà xương máu

Những tách trà xương máu

Tác giả/Nhân vật: Nguyễn Thanh Khiết |31-01-2011| 600 lần xem | |
Cuối năm, hai cái con chữ làm tôi bực dọc, mất ngủ nhiều đêm, bởi vì nó là cái điểm mốc thời gian để người ta chuẩn bị cho ngày Tết. Cái ngày của bao dung, thương yêu, chia xẻ, cởi lòng ra để đón những thứ tốt đẹp, rước cái hạnh phúc vào nhà.

 Tôi cũng phải chia xẻ, hơn nửa thế kỷ làm người, tôi có vô vàn thứ phải chia xẻ, mà cái ưu tiên một của tôi vào những ngày này là những thằng thương binh, tụi nó có một thời lớn lên trong lửa đạn với tôi, có một màu cờ để chết sống và có một thân phận gần như tận cùng trong cái dành giựt để sống còn. Lũ bạn thương binh của tôi, những thằng đui, què, sứt mẻ, tang thương đang lây lất khắp cùng cái quê hương chết tiệt mà chúng tôi đang sống, phải sống, và sống như đã chết từ 35 năm vàng đá đã qua.

 Thói thường, đến cuối năm đám bạn hữu của tôi cũng chạy vạy, gom góp, xin xỏ một chút để làm quà cho những thằng mà chúng tôi vẫn thường coi tụi nó kém may mắn hơn mình. Năm nay tôi gần như tuyệt vọng, cơ hội đào bới tìm cho ra một ít đó bị thời gian nuốt dần, năm sắp hết, tết gần tới, cạn kiệt, tôi vùng vẫy như con báo đói mồi trong cái vũng lầy nhỏ xíu chung quanh và nhìn ngày từ từ xuống, cô đơn và mệt lả.
 Đ. gọi cho tôi một sáng trong lúc tôi dật dờ ngủ không ra ngủ, nghe hắn đề nghị sẽ gởi cho tôi một ít tiền như một ngày hướng về thương phế binh. Tôi nhảy khỏi giường, bật dậy như cái lò xo bị nén lâu ngày. Trời ! Tôi có nghe lầm không hở? Cái vết ung nhọt tự dưng được cắt lìa khỏi thân thể con bệnh nhiều ngày luôn đau đớn, làm tôi tỉnh như sáo, nói năng trình bày lưu loát chưa bao giờ thấy trong cuộc đời lu bu của mình.
  Tôi không thể tưởng được mình sẽ có trong tay một khoản tiền tương đối có thể giải quyết cái chuyện mà tôi và đám bạn lấn cấn hàng tháng trời qua. Hắn, cái thằng cha gọi cho tôi đó, chỉ là một người bạn chưa bao giờ ngó thấy mặt nhau, hắn chỉ biết và có một chút cảm tình với tôi trên mấy trang thơ văn tạp nhạp mà tôi làm theo kiểu mì ăn liền, có lẽ hắn thích cái ngang ngược và thẳng như cán cuốc của tôi, nên đã đề nghị tôi thay mặt hắn, thay mặt những người còn chút lương tâm từ ở một nơi xa lắc, cũng chắt chiu gom góp gởi về cho những thương binh, những phế nhân của cuộc chiến, những người phải đành lòng bỏ lại, sau nhiều  năm tháng  chia lìa của hàng triệu người đã ra đi và trở thành ngoại nhân trên chính quê hương của họ.
 Tôi bắt đầu cái việc hơi đau lòng mà buộc phải có. Thu thập xong tất cả những chi tiết cần thiết trong việc trao và nhận, rồi chờ đợi từng giờ và nín thở không dám hé môi cho những thằng thương binh mà tôi biết tôi sẽ phải thay mặt gởi quà cho nó.
 Tôi từng làm cái chuyện cho và nhận này nên luôn ở trong cái thế cực kỳ khó chịu. Nói với những người được nhận về xuất xứ món quà thì không thể rõ ràng như hai với hai là bốn được. Khi không nêu chỉ danh những nguồn đóng góp thì thật là bất nghĩa trong cái nhìn chung của tha nhân, mà nói huỵch tẹt ra thì hằng hà sa số tai ương sẽ đến và đến ngay trên những người thọ nhận. Nếu không bạch văn thì làm sao chứng minh được cái chắt chiu, cái vỗ về đó đến tận nơi, chính xác và thanh bạch.
   Thêm một cái nhức đầu nữa… cách cho như thế nào để kẻ nhận không cảm thấy mình bị khinh miệt, bị xem như rác rưởi. Trời! tôi y như sứ mạng trao trả tù binh với hàng đống thứ phải chứng minh và thực hiện trên một điều khoản khắc khe, khó khăn xoay chuyển.
   Tôi chợt nhớ Tr., một thằng bạn lính sau nhiều chục năm gặp lại. Một buổi tâm sự theo kiểu dân quân cá nước, hắn khều tôi khi chỉ đám trẻ con đi học quàng khăn đỏ trên đường phố:
 - Mày biết không, tao là một thằng hướng đạo theo phong trào từ lúc tao còn chút xíu, bây giờ về già tao vẫn đeo đuổi vì tao nghĩ nó là cái để tao nguôi ngoai, nhất là trong thân phận một thằng bị quên lãng. Một bữa tao bị xách cổ lên phường. Bằng một câu hỏi mà tao đ.. hiểu họ muốn cái gì!
-  Anh là thương phế binh, người của bè lũ ác ôn,  có nợ máu với nhân dân….
Tôi chặn Tr.:
- Cái vụ này mày nghe mấy chục năm rồi còn gì?
- Mầy sao cái tật lớn hơn cái tuổi, từ từ tao nói cái bực là ở chỗ ừ …. có nợ máu với nhân dân, có chứng cớ thương tích trên người. Anh theo lệnh ai? Đoàn thể nào mà mỗi chủ nhật anh đưa đám con nít tập họp, để làm gì? Anh là thương binh ai tài trợ cho anh? ai gởi tiền nước ngoài về ? Để anh có đủ cơ sở làm cái toan tính đầu độc trẻ con theo con đường Mỹ Ngụy ?
- Chết mẹ chưa? bố bảo tao cũng phải chưng hửng vì cái vụ nầy?
 Hắn kể xong, cũng cái kiểu nhà binh cố hữu, chửi đổng một câu.
 Câu chuyện đó cho tôi thêm một bài học, để sống còn trong cái cộng đồng DA BEO nầy mình phải ngó tứ hướng. Mà trời ạ! ai mà ngờ những câu hỏi vô duyên chết mẹ như vậy?
   Năm ngày nữa là cuối năm. Tôi nhờ một thằng bạn, nó thuộc loại bạn cùng mâm với tôi một thuở quân trường, từng chạy vạy cùng tôi để thực hiện cái việc phải làm như vầy năm trước, tụi tôi làm một tiệc trà, nói là tiệc cho có vẻ xôm tụ, thiệt ra mượn một cái bàn trong một cửa tiệm mà chủ nhân đi vắng, mời mấy thằng thương binh ngồi lại với nhau, uống tách trà, ăn cái bánh thay cho bữa nhậu tốn kém và chuyển khoản tiền như một uỷ nhiệm mà tôi đã nhận từ Đ..
Nội cái việc gởi quà cũng làm tôi khốn đốn. Thương binh có thằng què, có thằng phế, mỗi người trong họ có một hoàn cảnh khác nhau, có cái khó khác nhau, cái đó làm tôi phải tính toán thật vuông tròn. Nói chung căn cứ cái vết thương lớn nhỏ, cái thân phận cùng cực sắp theo một thứ bậc như xã hội làm tôi muốn điên lên, thằng thì nghèo, thằng thì khó, thằng thì rách ôi thôi hằm bà lằng.
Chiều xuống thành phố, một chút gió đông làm phải kéo cao cổ áo, tôi ngồi đợi những thân thể què quặt trộn trong dòng xe cộ bên ngoài, rẽ vào căn tiệm, tôi biết tôi sẽ buồn khi năm này nhìn lại khuôn mặt chịu đựng của từng thằng mà tôi quá quen thuộc, thêm vài nếp nhăn, thêm một vài căn bệnh tuổi già, thêm nhiều mỏi mệt in trên đó.
   M. nó quẹo xe vào trước, chiếc xe ba bánh gắn máy chuyên dùng cho thằng tàn tật, không thể đứng hoặc không còn hai cái chân để trụ trên đất giữ cho thân thể trong cái thế mà con người gọi là đứng. Chiếc xe nó có được do hàng mấy chục cuộc hùn hạp từ mọi hướng thân quen, hàng chuỗi thời gian chờ đợi và nó phải LẾT trên hai cái chân teo nhỏ dần vô cảm giác, với mảnh đạn thù kẹt cứng ở cột sống lưng, thằng nhỏ tàn phế ở cái tuổi 23 đầy nhựa sống, và nhựa đã chảy hết trên chiến trường miền Tây oan nghiệt, để cuối cùng thằng con bị đuổi ra khỏi bệnh viện Phan Thanh Giản khi ông tư lệnh nghĩa khí tự sát. Căm phẩm trút xuống đám thương binh còn lại vào ngày N+1.
Chúng tôi xúm lại bồng M. lên khỏi chiếc xe, một cảm nhận đầu tiên làm lòng tôi se lại, nó nhẹ hơn 5 tháng trước, lần tụi tôi đưa nó ra Vũng Tàu ngó biển.

Thằng V. tới, nó là cái thằng mất hẳn hai chân, nó nhẹ hều, kê vai cõng một phát là thoải mái mà đi. Thằng V. này, nó từng nói với tôi vào năm trước khi gởi quà cuối năm cho nó, bằng cái giọng muốn khóc: 
 ”Tao còn khá hơn thằng M., tao có thể đi bằng mông, thằng khác cụt đi bằng đầu gối, nhưng thằng M. thì không, tao có vợ con giúp đỡ ẳm bồng, thằng M. vô phương, tụi bây hãy ưu tiên cho nó“.
   Trời! thằng cụt bảo thằng lành hãy thương thằng liệt. Có cái đau nào hơn? có tủi nhục nào hơn?
   Lần lượt sáu thằng thương binh vừa què vừa cụt đã được bế bồng an vị quanh cái bàn có dăm miếng bánh kẹo vớ vẩn cho có cái gọi tiệc trà.
 Lần nầy, sáu cặp mắt nhìn cái bộ mặt “long trọng” của tôi, nó khác những lần trước, những lần gặp nhau thăm hỏi nhau, nhắc nhớ cái thời yên cương lẫm liệt ngày xưa. C. run tay khi tôi trao cái phong bì cho nó, lần đầu tôi thấy cái thằng lì lợm đó xúc động khi nghe tôi cố gắng diễn đạt xuất xứ của món quà và như một lời xin lỗi anh em. Hãy nhận nó như một tình thương từ ngàn dặm, đừng cầm nó như một đền đáp máu xương.
Chúng tôi tám thằng hai nguyên sáu què nhìn nhau, thấy trong nhau một thứ tình người từ đâu đó ve vuốt, vỗ về chúng tôi, một bàn tay ấm áp từ đâu đó đang vươn về che cho những phận người đang tàn lụn.
  Tôi nhìn những khuôn mặt đã từng chịu đựng kia, từng đong đếm mỗi ngày, mỗi giờ trên cái thân thể không còn đủ năng lượng để nhúc nhích đó, tôi thấy mình may hơn họ và hèn hơn họ. Họ vẫn sống sống lây lất và dĩ nhiên là phải có chút niềm tin mới sống được trên cái xác đã như chết, còn tôi, tôi rời rạc lâu rồi, tôi vỡ vụn lâu rồi.
 Những khuôn mặt bừng lên một niềm vui, khi nhận được một sự đoái hoài của tha nhân trong cái xã hội có quá nhiều lừa lọc, họ không vui mừng vì chút tiền được nhận. Họ sửng sờ vì có một người, một nhóm  nào đó ở tuốt bên trời xa đã nghĩ đến họ, tưởng đến họ, nhìn thấy họ là những con người hiện hữu, mà bao năm qua hình như không còn ai nhắc đến, họ bị gạch tên trên cuốn sổ đời thấm quá nhiều xương máu.
  Chiều nay, cuối năm, 28 tết, một vài cái nhớ tôi ghi vội như một lời cám ơn. Đ., thằng anh em ở xa, xa không rớ tới được, đã chắt chiu, chạy vạy như tôi, không biết chừng hắn cũng như tôi đang nở nụ cười với đám thương binh ngày cũ, đang lừng lửng đi vào cái thăm thẳm của một đời người.
  Tôi cám ơn những chân tình đã gởi về tôi, cho tôi có cái cơ hội làm nghĩa cử của một con người trước cái mất còn, trước cái tình da vàng máu đỏ trong cơn khát thèm được sống và sống thực của đời người, dù bây giờ tôi đang đứng trên mảnh da beo trong cái nhìn cầu may và trong một ngày đợi sáng.
 nguyễn thanh khiết
chiều 28 tết 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét