Huế, 40 năm sau Tết Mậu Thân, vết thương vẫn chưa lành
2008-01-31
Thiện Giao, phóng viên đài RFA
Cách đây đúng 40 năm, trong chiến dịch Đông Xuân 1967 – 1968, Quân Đội Bắc Việt, dưới danh nghĩa là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đã đồng loạt tấn công vào 41 tỉnh, thành phố, thị trấn và hàng trăm thị xã miền Nam Việt Nam. Thời điểm cuộc tấn công diễn ra đúng vào giao thừa trong bối cảnh hai phía Bắc – Nam và cả quân đội đồng minh đã thoả thuận hưu chiến 36 giờ đồng hồ để người dân được yên hưởng một Tết truyền thống trong hoà bình.
Vi phạm thoả ước, Việt Cộng đã tấn công đúng vào giao thừa để dành phần bất ngờ. Chiến trường Huế, một địa điểm chính yếu trong toàn cuộc chiến, đã diễn ra ác liệt và kéo dài đến 25 ngày đêm. Khi quân đội Bắc Việt bị đánh bật ra khỏi thành phố, người dân Huế nhận ra rằng, nhiều ngàn người dân thường đã bị thảm sát, để rồi từ đó về sau, mỗi năm, Tết nguyên đán trở thành ngày giỗ người thân của hàng ngàn gia đình ở cố đô Huế.
Tưởng niệm 40 năm biến cố Mậu Thân, đài Á Châu Tự Do xin kể lại cuộc thảm sát thông qua ký ức của chính những người trong cuộc, qua đối thoại trực tiếp hay tài liệu lưu trữ. Loạt bài gồm 5 phần, do biên tập viên Thiện Giao thực hiện.
Khuya mùng Một, rạng sáng mùng Hai Tết Mậu Thân, tức là ngày 31 tháng Giêng năm 1968, Huế bắt đầu những ngày vui, nhưng bất ngờ chuyển thành ngưỡng cửa vào địa ngục, khi tiếng súng bỗng hoà vào, rồi thay hẳn tiếng pháo…
Huế bị tấn công trong Chiến Dịch Đông Xuân 1967 – 1968 của quân đội miền Bắc chỉ một ngày sau các tỉnh, thành phố, thị trấn khác của miền Nam.
Bị tấn công sau, nhưng Huế đã trở thành chiến trường tàn khốc nhất, dai dẳng nhất.
Nếu chấp nhận một định nghĩa, rằng những tiếng đạn pháo đầu tiên qui định giờ khắc bắt đầu cuộc chiến, thì Huế bắt đầu trở thành chiến trường vào đúng 2 giờ 33 phút rạng sáng ngày 31 tháng Giêng.
Ông Nguyễn Phúc Liên Thành, Phó Trưởng Ty Cảnh Sát Đặc Biệt Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia tại Thừa Thiên, kế lại:
“Cuộc tấn công Huế chính thức vào đêm mồng Một, ngày 31 tháng Một, 1968, rạng sáng Mồng hai Tết, lúc 2 giờ 33 phút. Những quả đạn Việt Cộng đầu tiên bắn vào phi trường Tây Lộc, bộ Tư Lệnh và một số địa điểm Quận 3, thị xã Huế.”
Huế đã nằm trong tay địch 25 ngày đêm liên tiếp. Khi quân đội Việt Nam Cộng Hoà cùng đồng minh Hoa Kỳ vãn hồi an bình cho Huế, với cao điểm là các trận tái chiếm Đại Nội, hạ cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, dựng lại cờ Việt Nam Cộng Hoà tại Kỳ Đài ở Phu Văn Lâu ngày 22 tháng Hai, Huế đã trải qua hơn 3 tuần kinh hoàng.
25 ngày thảm sát kinh hoàng
Những kinh hoàng không dừng lại với hình ảnh của chiến tranh và âm thanh của đạn pháo.
Huế, bắt đầu một cơn ác mộng khác nữa, khi người dân Huế bàng hoàng nhận ra, rằng nhiều ngàn người dân đất thần kinh đã bị thảm sát, bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có cả việc cột người ta lại thành từng xâu, rồi đẩy xuống hố chôn sống. Đây là lời kể của những người chứng kiến tận mắt cảnh khai quật tử thi nạn nhân.
Theo nhà báo Vũ Ánh, đương kim Chủ Bút Nhật Báo Người Việt, Cựu Phóng Viên Mặt Trận Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà, thì: “Ngay tại Phú Thứ, bác sĩ Lê Khắc Quyến nói với tôi là: “Đây là cách giết người của người ở thời Trung Cổ.
Ông Võ Văn Bằng, Trưởng Ban Truy Tìm và Cải Táng Nạn Nhân Cộng Sản Tết Mậu Thân, hồi tưởng: “Các hố cách khoảng nhau. Một hố vào khoảng 10 đến 20 người. Trong các hố, người thì đứng, nào là nằm, nào là ngồi, lộn xộn. Các thi hài khi đào lên, thịt xương đã rã ra. Trên thi hài còn thấy những dây lạt trói lại, cả dây điện thoại nữa, trói thành chùm với nhau. Có lẽ, họ bị xô vào hố thành từng chùm. Một số người đầu bị vỡ hoặc bị lủng. Lủng là do bắn, vỡ là do cuốc xẻng.”
Mức độ kinh hoàng dâng lên, từ từ, từng ngày, từng tuần, từng tháng. Rồi, đến ngày 19 tháng Chín năm 1969, tức là 20 tháng sau trận Mậu Thân, Huế vỡ oà với những phát hiện về vụ thảm sát tại Khe Đá Mài thuộc quận Nam Hoà. Người ta tìm ra khoảng 400 bộ hài cốt. Những hài cốt chỉ còn xương và sọ. Thịt da đã rữa và trôi đi theo dòng nước.
Huế 1968, là Huế của “chiều đi lên Bãi Dâu, hát trên những xác người.”
Huế 1968, là Huế của “đàn con nay lớn khôn, mang gươm đao vào xóm làng.”
Huế 1968, là Huế của khăn sô vào áo tang trắng. Đó là những hình ảnh không thể nào quên với những ai đã một lần chứng kiến: “Mỗi lần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế làm lễ, dân chúng đi lễ, cả nhà thờ mặc đồ trắng và để tang trắng cả nhà thờ.”, Trần Tiễn San, Trung Uý Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân vào năm 1968.
“Dọc đường, từ đường Lê Lợi, các quận lên mồ chôn tập thể Ba Đồn toàn khăn tang áo trắng.”, Nguyễn Phúc Liên Thành, Phó Trưởng Ty Cảnh Sát Đặc Biệt Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia tại Thừa Thiên.
Những địa danh của Huế, vốn chỉ được biết trong cộng đồng cư dân Huế, nay bỗng chốc, trở thành đề tài bán tán của dư luận, trên báo chí quốc gia, và cả quốc tế. Một Gia Hội, một Cồn Hến, một Chợ Thông, một Phú Thứ, một Khe Đá Mài, một Bãi Dâu. Ai đã thắng trận chiến dành lấy từng căn nhà, từng con đường của thành Nội, kéo dài trong 25 ngày tại Huế? Ai thắng, có lẽ, không phải là điều quan trọng? Hay ít nhất không phải là điều quan trọng nhất.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Người dân Huế quan tâm hơn đến câu hỏi: Ai đã giết, ai đã chết, ai sẽ chịu trách nhiệm những gì xảy ra trong gần 4 tuần lễ kinh hoàng của Huế?
Học giả Douglas Pike, thuộc Phòng Thông Tin Hoa Kỳ, trong bản báo cáo hoàn tất vào ngày 1 tháng Hai năm 1970 tại Sài Gòn, đã viết, chỉ trong một trận Mậu Thân tại Huế, gần 4,800 thường dân đã chết và mất tích. Ông Pike kết thúc lời mở đầu của báo cáo bằng một khẳng định:
“Nếu báo cáo của tôi là một bản án đối với thái độ của người Cộng Sản, thì thật sự nó là như vậy đấy. Đơn giản vì thái độ ấy đáng bị lên án.”
Trong khi đó, trong một bài viết đăng trên số 33 tạp chí Indochina Chronicle, ngày 24 tháng Sáu năm 1974, tiến sĩ Gareth Porter phản bác lại tất cả những gì ông Pike đã viết. Tiến sĩ Porter nhận định rằng, vụ thảm sát Mậu Thân 1968 tại Huế, với chữ thảm sát để trong ngoặc kép, chỉ là một câu chuyện hoang đường phục vụ lợi ích của Hoa Kỳ và chính quyền miền Nam lúc bấy giờ.
Đây là một kết luận đáng ngạc nhiên, vì ngay một cơ quan chính thức của nhà núơc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là Cục Văn Thư và Lưu trữ nhà nước từng gọi việc những người miền Nam di tản hồi cuối tháng tư năm 1975 là một “tội ác cưỡng ép di cư” cũng không dám đưa ra một kết luận tương tự như thế.
Có lẽ, không ai, xin nhấn mạnh, không có bất cứ ai, có đủ tư cách và thẩm quyền để trả lời câu hỏi: Ai đã giết người dân Huế? Chỉ có thành phố Huế và người dân Huế, những nạn nhân trực tiếp của cuộc thàm sát, và những người trực tiếp tham gia công tác truy tìm, mai táng xác nạn nhân mới có thẩm quyền trả lời, và cả thẩm quyền để lên án.
Những nhân chứng của 40 năm trước hồi tưởng: “Theo những báo cáo của các cuộc cảnh sát các xã thuộc 13 quận của thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, do các xã báo cáo, khoảng 5,300 nạn nhân bị chôn sống tại tỉnh Thừa Thiên.”,Nguyễn Phúc Liên Thành, Phó Trưởng Ty Cảnh Sát Đặc Biệt Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia tại Thừa Thiên.
“Vết thương đó vẫn chưa khô máu, vết sẹo đó mỗi lần trái gió trở trời vẫn đau xót xa.”, Huy Phương, cựu Phóng Viên Cục Tâm Lý Chiến.
Người Huế nói gì về biến cố Tết Mậu Thân?
Và hôm nay, người dân Huế thế hệ Mậu Thân, đang sống tại Huế, nói gì?
“Gió Nam thì vỗ về gió Nam, gió Nồm thì vỗ về gió Nồm. Ngã mô cũng khổ. Không theo thì chết. Không theo thì chôn…”
“Nó xô xuống, nó dập, khổ lắm. Ở Huế đây chết nhiều cái thê thảm!”
“Toàn dân không à. Mà họ nói là ác ôn, ri khác. Ai chết thì chết. Tui chừ tui cũng sợ, tui không dám về làng.”
40 năm qua là 40 năm người dân Huế đón Xuân cùng lễ giỗ. Bốn mươi năm nhưng vết thương chưa lành. Năm nay, người dân Huế ở hải ngoại lại tổ chức lễ tưởng niệm 40 năm thảm sát Mậu Thân. Ở trong nước, giới chính quyền, giới quân sự thì tổ chức hội thảo khoa học về chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Một trong các hội thảo được tổ chức tại Huế.
Đến nay, đứng trước những cáo buộc suốt 40 năm của những Việt Nam Cộng Hoà cũ, và của cả giới nghiên cứu quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, Hà nội vẫn chưa bao giờ có câu trả lời chính thức: Ai, bằng cách nào, và tại sao, đã giết hàng ngàn người Huế, trong đó có cả sinh viên, thanh niên, học sinh và phụ nữ.
Nhân kỷ niệm 40 năm biến cố Mậu Thân, ban Việt ngữ đài Á Châu Tự do chúng tôi xin được tái hiện lại, trong chừng mực có thể, dựa trên lời kể của những người trong cuộc, về những gì đã xảy ra tại Huế trong năm 1968.
Đó chẳng những là một cách để ghi lại những gì thực sự xẩy ra trong chuỗi ngày kinh hoàng ấy, mà còn là để tưởng nhớ những con người đã chết oan khuất, đớn đau trong một sự kiện lịch sử mà không ít người muốn chôn vùi hay gây nhiễu.
Loạt bài này gồm 4 chủ đề, trình bày các khía cạnh dân sự lẫn quân sự của trận Mậu Thân trên nền những ký ức về vụ thảm sát. Cũng trong nội dung này, hành trình truy tìm và cải táng các mộ chôn người tập thể những tháng sau đó cũng sẽ được trình bày lại, theo lời kể của các nhân chứng, người Huế và cả các nhà báo theo dõi sự kiện này.
Trên đây là bài thứ nhất trong loạt bài “Cuộc thảm sát Tết Mậu Thân 40 năm trước” do Thịên Giao thực hiện. Trong bài kế tiếp, chúng tôi xin gởi đến quí vị những hồi ức về Huế, những ngày trước Tết Mậu Thân. Đối với người dân thường, Mậu Thân là một cái Tết bình thường như bao cái Tết khác. Nhưng, họ đã không ngờ niềm vui và những ngày hoà bình hiếm hoi đang nằm trong nỗi kinh hoàng đang đến dần. Huế, những ngày ấy, như lời nhà văn Nhã Ca trong hồi ký “Giải Khăn Sô Cho Huế,” “Đang mở cửa địa ngục.” Mong quý thính giả đón nghe.
© 2008 Radio Free Asia
Thông tin liên quan
Các tin, bài liên quan
- Tưởng nhớ tài tử Lê Quỳnh
- Hà Nội xin lỗi một cách không chính thức phong trào Nhân Văn Giai Phẩm?
- Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức hội thảo về tác phẩm “Ba Người Khác”
- Lần đầu tiên VN cho xuất bản tiểu thuyết viết về Cải cách Ruộng đất
- Hành trình đi theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam của một số trí thức miền Nam (phần 3)
- Hành trình đi theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam của một số trí thức miền Nam (phần 2)
- Hành trình đi theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam của một số trí thức miền Nam(phần 1)
- Nhận định của những nhà nghiên cứu về vụ án Nhân Văn Giai Phẩm (phần 10)
- Vai trò của nhạc sĩ Văn Cao trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm (phần 9)
- Hình thức kỷ luật trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm (phần 8)
- Những nhân vật trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm (phần 7)
- Sắc lệnh Báo chí bóp chết các tờ Trăm Hoa, Giai Phẩm, và Đất Mới không kèn không trống (phần 6)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét