Thứ Sáu, 09 tháng 12 2011
Đêm Nhân quyền Việt Nam 2011
Kỷ niệm Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12 năm nay, các bạn trẻ Việt Nam tại Mỹ cùng phối hợp tổ chức Đêm Nhân Quyền Việt Nam, quy tụ sự tham gia của 10 hội đoàn thanh niên gốc Việt tại bang California, Hoa Kỳ.
Hình: Thanh Nien Cong giao
Trong cuộc gặp gỡ hôm nay với 4 thành viên Ban Tổ chức, chúng ta sẽ nghe các bạn chia sẻ các sinh hoạt trong sự kiện này, ý nghĩa, nguồn gốc của Ngày Quốc tế Nhân quyền, cũng như quan tâm của giới trẻ hải ngoại về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Phong Lý: Mình là cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Nam California, trưởng ban tổ chức Đêm Nhân quyền Việt Nam 2011.
Dũng Trương: Mình là phó ban tổ chức, Chủ tịch Đoàn Thanh Niên Việt-Mỹ.
Thu Hà: Mình là thủ quỹ trong ban tổ chức, Đoàn trưởng Đoàn Thanh Thiếu niên Thủy quân lục chiến Việt Nam ở Nam California.
Đông Giao: Em là Đoàn phó Ngoại vụ Đoàn Thanh niên Phan Bội Châu, phụ trách ban chương trình của Đêm Nhân quyền 2011.
Trà Mi: Đêm Nhân quyền năm nay có sự tham gia của các đoàn thể ở những nơi khác ngoài các đoàn thể ở Nam California không?
Phong Lý: Đây là một sinh hoạt truyền thống hằng năm của những hội đoàn trẻ tại miền Nam bang California tổ chức ngay vùng Little Sài Gòn.
Trà Mi: Bạn nói đây là sinh hoạt thường niên, vậy xin hỏi lần này là năm thứ mấy?
Phong Lý: Có thể nói ít nhất là năm thứ 6.
Trà Mi: Xin các bạn cho biết kế hoạch cụ thể của sự kiện này ra sao, gồm những hoạt động gì đánh dấu dịp này?
Phong Lý: Đêm Nhân quyền gồm 3 mục đích chính. Thứ nhất, đánh dấu ngày ra đời Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế. Thứ hai, đánh động sự quan tâm của cộng đồng và thế giới về tình hình nhân quyền Việt Nam. Thứ ba, trao dồi kiến thức cho giới trẻ, giúp các bạn tìm hiểu các phương cách đấu tranh cải thiện nhân quyền cho người dân Việt Nam. Thường sinh hoạt Đêm Nhân quyền thường chấm dứt bằng nghi thức thắp nến, cầu nguyện cho hòa bình, nhân quyền, tự do cho quê nhà.
Trà Mi: Như vậy, mỗi đoàn thể tham gia đều chuẩn bị cho mình 1 tiết mục để đóng góp trong chương trình?
Phong Lý: Vâng. Thành viên trong ban tổ chức sẽ thuyết trình về tình hình nhân quyền Việt Nam, tiêu biểu là các sự kiện mới xảy ra trong nước như vụ bắt giam 15 thanh niên Công giáo hay sự kiện đàn áp giáo dân Thái Hà, chẳng hạn.
Trà Mi: Nói về Đêm Nhân quyền, chúng ta hãy bàn một chút về Ngày Quốc tế Nhân quyền. Các bạn có tìm hiểu Ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12 xuất xứ như thế nào không?
Phong Lý: Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế ra đời vào ngày 10/12/1948 do Liên hiệp quốc thông qua vào cuối thế chiến thứ hai vì tình hình nhân quyền trên thế giới. Trước đó, thế giới chứng kiến những tình trạng tiêu diệt chủng tộc dã man như Phát xít Đức..v..v.. Cho nên, nhiều quốc gia đã ngồi lại cùng thảo ra Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, gồm những quyền của mọi công dân trên khắp thế giới được các nước công nhận, và Việt Nam là một trong những quốc gia đã ký vào. Đại đa số những quyền có trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế đều có trong Hiến pháp Việt Nam, nhưng vẫn không được tôn trọng từ nhiều năm nay.
Trà Mi: Và đó là lý do tại sao các bạn tổ chức Đêm Nhân quyền Việt Nam hằng năm. Theo các bạn, tại sao chúng ta cần vinh danh nhân quyền hoặc đấu tranh đòi hỏi nhân quyền cho người dân tại các nước vi phạm nhân quyền?
Dũng Trương: Nhân quyền là những quyền tự do căn bản nhất của một con người. Khi con người mất nhân quyền chẳng khác gì trở thành một nô lệ.
Trà Mi: Nhân quyền có lợi ích thế nào đối với cá nhân, xã hội, và đất nước?
Thu Hà: Mỗi người sinh ra đều phải có quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng. Đó là quyền của con người, nhưng chế độ độc tài lại muốn điều khiển các quyền đó. Đây là một sự bất công và vi phạm. Cho nên, giới trẻ ở hải ngoại chúng em muốn làm một điều gì đó để nói lên tiếng nói cho những người trong nước.
Trà Mi: Từ lợi ích cá nhân, chúng ta có thể suy rộng ra những lợi ích nào khác nữa không?
Dũng Trương: Nhân quyền rất quan trọng để thay đổi một quốc gia. Nếu người dân được quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu, và tự do báo chí, đó sẽ là những động lực để đẩy quốc gia phát triển mạnh hơn.
Trà Mi: Các bạn khác nghĩ thế nào về ý kiến của Dũng? Theo các bạn, nhân quyền có quyết định sự phát triển của xã hội, của đất nước không, hay chỉ trong phạm vi quyền lợi cá nhân thôi?
Phong Lý: Một xã hội có nhân quyền cho phép người dân nói lên suy nghĩ mà không sợ bị đàn áp. Cần có các cơ quan truyền thông, báo chí độc lập để phản ánh sự thật về những gì tốt và chưa tốt trong xã hội chúng ta. Từ đó, mọi người sẽ thấy được vấn đề của đất nước là gì và cần phải làm gì. Quyền tự do lập hội hay tự do tham gia các đảng phái chính trị rất quan trọng. Chúng ta không nên nhìn sự cai trị quốc gia là điều độc quyền cho một tổ chức hay một đảng phái như hiện nay ở Việt Nam. Một đất nước có nhiều tổ chức đảng phái. Đó là một sự lành mạnh vì cho phép các tổ chức chính trị cùng cạnh tranh với nhau, đưa ra những chính sách tốt hơn.
Trà Mi: Việt Nam là một nước độc đảng, làm sao cho phép tự do lập hội, lập đảng? Các bạn có thấy đòi hỏi của các bạn mâu thuẫn với Hiến pháp của Việt Nam không?
Phong Lý: Mâu thuẫn do chính chính quyền Việt Nam gây ra. Hiến pháp cho phép người dân được lập hội và tham gia các tổ chức, đoàn thể..v..v.., nhưng Hiến pháp lại có điều 4 cho phép đảng cộng sản quyền độc tôn cai trị. Chính Hiến pháp Việt Nam có mâu thuẫn lẫn nhau. Ngoài ra, với các quyền căn bản khác mà Hiến pháp Việt Nam cho phép, chính quyền lại ra điều 88 hay 79 Bộ Luật Hình sự, cho phép nhà nước dùng bất cứ biện pháp nào đối với những ai mà họ cho là ‘chống phá nhà nước’ hoặc ‘âm mưu lật đổ chính quyền’.
Trà Mi: Các bạn cho rằng nhân quyền có góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội, của đất nước. Thế nhưng nếu có người đưa ra ví dụ như trường hợp của Trung Quốc chẳng hạn, một quốc gia thường bị chỉ trích là vi phạm nhân quyền, nhưng Trung Quốc vẫn được ghi nhận là một nước phát triển nhanh, đang trổi dậy, ngấp nghé hàng nhất nhì trên thế giới đó thì sao?
Phong Lý: Sự phát triển không chỉ dựa vào GDP vì khi chỉ nhìn vào tổng sản lượng quốc gia, chúng ta không thể thấy khoảng cách giàu-nghèo thế nào. Nếu quốc gia phát triển mà người dân không được hưởng những sự phát triển đó thì cũng là một sự vi phạm nhân quyền về kinh tế.
Trà Mi: Những nhân quyền mà các bạn cũng như quốc tế đang đòi hỏi Việt Nam cải thiện cụ thể là những quyền nào? Các bạn có thể liệt kê những nhân quyền căn bản nhất mà Việt Nam cần cải thiện?
Dũng Trương: Đó là quyền tự do tôn giáo, tự do phát biểu.
Thu Hà: Quyền được chọn người lãnh đạo, đưa những người xứng đáng vào chức vị để họ nói cho mình, phục vụ cho đất nước, cho ước nguyện của người dân.
Đông Giao: Theo em, quyền tự do ngôn luận rất quan trọng. Trong một xã hội mà mình không nói được ý kiến của mình, thì không thể làm được những điều mà xã hội cần.
Trà Mi: Các bạn có những bằng chứng cụ thể nào cho thấy ở Việt Nam, nhân quyền vẫn còn hạn chế, khiến các bạn quan ngại và cổ võ?
Phong Lý: Có biết bao nhiêu nhà báo, nhà văn, trí thức ở Việt Nam bị bắt giam, như Điếu Cày chẳng hạn, chỉ vì đã bày tỏ ý kiến bất đồng trước những chính sách của nhà nước. Hiện nay ở Việt Nam, mạng xã hội Facebook vẫn bị chặn. Quốc tế phản ánh nhiều và khá tệ về ‘thành tích nhân quyền’ của Việt Nam. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch, Ân xá Quốc tế, hay Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong các báo cáo đưa ra, lúc nào cũng nêu lên những quan ngại về nhân quyền Việt Nam. Gần đây nhất, nhóm làm việc của Liên hiệp quốc về tình trạng bắt giam trái phép cũng vừa lên tiếng.
Dũng Trương: Một ví dụ nữa, khi các thanh niên trí thức ở Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc, đảng cộng sản Việt Nam thay vì phải ủng hộ người dân, thì ngược lại, họ lại chống lại các cuộc biểu tình này. Đây là sự chà đạp quyền tự do ngôn luận của công dân.
Trà Mi: Biểu tình ở Việt Nam phải xin phép. Ở Mỹ cũng vậy, khi các bạn tổ chức biểu tình, các bạn phải xin phép nhà chức trách địa phương. Có gì khác biệt không?
Phong Lý: Xin phép biểu tình ở Hoa Kỳ là chúng ta thông báo cho địa phương biết ngày, giờ và yêu cầu cơ quan công lực yểm trợ, giúp giữ trật tự, tránh những tình trạng đáng tiếc xảy ra. Ở Mỹ, không có lý do nào mà chính quyền lại không cho phép biểu tình. Còn ở Việt Nam, quy định xin phép biểu tình chỉ là một cái cớ, vì khi chúng ta xin phép, điều gì sẽ xảy ra, chính quyền có chấp nhận hay không?
Trà Mi: Người trẻ ở Việt Nam theo dõi tin tức quốc tế có thể đặt câu hỏi rằng những cuộc biểu tình rầm rộ như phong trào ‘Chiếm Wall Street’ cũng bị cảnh sát Mỹ dẹp vậy?
Dũng Trương: Sau nhiều ngày, nhiều tháng xảy ra các cuộc biểu tình đó, cơ quan công lực chỉ yêu cầu giải tán để họ làm sạch các khuôn viên đó. Họ không cấm từ nay trở đi không được biểu tình như hành động của chính quyền Việt Nam. Chính phủ Mỹ chưa bao giờ đưa ra chỉ thị cấm người dân không được tiếp tục biểu tình.
Trà Mi: Nhà nước Việt Nam lập luận rằng nếu cho phép tự do biểu tình, tự do báo chí tư nhân mà không có sự kiểm soát hay quản lý của nhà nước thì khó tránh những xáo trộn trong xã hội, tạo điều kiện cho ‘các thế lực thù địch’ gây rối an ninh, như các phong trào biểu tình ở Trung Đông và Bắc Phi chẳng hạn. Các bạn nghĩ thế nào?
Phong Lý: Chúng ta được tự do không có nghĩa muốn làm gì thì làm. Chúng ta có một số điều lệ để giữ trật tự xã hội. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là ở mức độ nào. Các cuộc biểu tình ở Ai Cập tuy hơi rối loạn, nhưng phần lớn các cuộc biểu tình đó diễn ra trong tinh thần ôn hòa, giúp đưa dân Ai Cập từ thể chế độc tài sang thể chế dân chủ. Một chính phủ bất tài, bất lực, không đem lại lợi ích cho dân, cơ chế đó cần phải thay đổi. Một khi người dân muốn thay đổi cơ chế đó, vai trò của quân đội và công an là phải bảo vệ người dân để dân có quyền thực thi những điều họ mong muốn.
Thu Hà: Duy trì trật tự xã hội hầu như các nước dân chủ đều có cái đó, nhưng để đàn áp dân thì hoàn toàn đi ngược lại lý tưởng của tự do ngôn luận, tự do internet.
Trà Mi: Chúng ta vừa bàn về những lợi ích của nhân quyền cũng như tình hình nhân quyền hiện nay ở Việt Nam qua ánh mắt của người trẻ hải ngoại. Theo các bạn, giới trẻ Việt Nam có thể làm gì và cần phải làm gì để thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam?
Dũng Trương: Thanh niên Việt Nam nên tiếp tục đoàn kết và dấn thân, cần phải nói lên tiếng nói tư tưởng của mình, mạnh dạn nói lên những điều mình suy nghĩ về chính quyền, về nhân quyền để thúc đẩy tự do-nhân quyền cho Việt Nam. Không gì bằng tiếng nói của chính người dân trong nước.
Thu Hà: Chúng ta cùng bắt tay nhau thành một khối đòi hỏi cho một đất nước dân chủ.
Phong Lý: Hy vọng các bạn trẻ tại Việt Nam cố gắng tìm hiểu thêm về các quyền căn bản của mọi công dân trong Hiến pháp quy định là gì, đấu tranh, bảo vệ các quyền đó. Khi chúng ta có được nhân quyền, chúng ta sẽ có biện pháp giải quyết những bất công và vấn nạn trong xã hội một cách ôn hòa. Chúng ta đừng thờ ơ trước những việc không đúng để giúp cho xã hội ngày càng tốt hơn.
Trà Mi: Đó cũng là thông điệp của Đêm Nhân quyền Việt Nam mà các bạn tổ chức hằng năm. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian cho chương trình hôm nay.
Mời quý vị và các bạn chia sẻ ý kiến và bình luận với độc giả khắp nơi về câu chuyện này trong mục Tạp chí Thanh Niên trên trang www.voatiengviet.com. Tạp chí Thanh Niên nằm trong phần ‘Chuyên mục đặc biệt’ giữa trang chính. Xin quý vị bấm 2 lần vào mũi tên bên phải của 3 khung hình ở giữa trang.
Tạp chí Thanh Niên xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong một câu chuyện mới, vào giờ này, tuần sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét