Dù bất toàn, dân chủ vẫn là điều tốt nhất
Nguyễn Hưng Quốc (VOA Blog) - Nói đến dân chủ, không thể không nghĩ đến mô hình dân chủ. Để tìm mô hình dân chủ, cho đến nay, có hai cách chính: dựa trên ước mơ và dựa trên thực tế.
Dân chủ kiểu cộng sản (thực sự là cộng sản chứ không phải chỉ là chủ nghĩa xã hội hoặc trên đường quá độ sang chủ nghĩa xã hội), ở đó, mọi người làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu, không có người bóc lột và người bị bóc lột, không có giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, như Karl Marx từng vẽ vời, chỉ là một ước mơ. Trong tưởng tượng. Và vĩnh viễn chỉ là tưởng tượng.
Dựa trên thực tế, nhìn quanh trên thế giới, người ta có thể chọn một trong các mô hình dân chủ có sẵn, từ Mỹ đến châu Âu. Đó là những hiện thực. Sờ sờ trước mắt. Là kết quả của quá trình tranh đấu và xây dựng của nhân loại trong nhiều thế kỷ, thậm chí, nhiều thiên niên kỷ, từ những ước mơ và phán đoán của các nhà hiền triết Hy Lạp thời cổ đại, cách đây đã trên hai ngàn rưỡi năm.
Nhưng nhìn vào các mô hình dân chủ trên thế giới, người ta thấy gì? - Thấy cả những thành tựu lẫn những bất toàn. Những người ủng hộ dân chủ thường nhìn vào các thành tựu còn những người chống đối dân chủ thì nhìn vào khía cạnh bất toàn.
Mà bất toàn lại đầy dẫy. Nơi được xem là dân chủ nhất thế giới như Mỹ cũng đầy những bất toàn. Dân chủ, trên nguyên tắc, là quyền lực của nhân dân. Nhưng quyền lực ấy, thành thực mà nói, ở đâu cũng đầy giới hạn. Đã đành người dân có quyền ứng cử và bầu cử. Nhưng khả năng ứng cử, ai cũng biết, cần vô số điều kiện mà chỉ có một thiểu số mới có. Bầu cử thì rộng rãi hơn, công dân trưởng thành nào cũng làm được. Nhưng bầu xong thì sao? Dĩ nhiên dân chúng vẫn có thể kiểm soát chính quyền bằng nhiều biện pháp. Xuống đường biểu tình. Viết thư kiến nghị. Gặp gỡ các dân biểu và nghị sĩ. Vận động báo chí. Không ai cấm cả. Nhưng còn hiệu quả? Không thể lạc quan để bảo là nhiều. Hầu hết các quyết định quan trọng của chính phủ đều được tiến hành ở đâu đó, trong im lặng, dưới áp lực của nhiều nhóm quyền lực khác nhau, trong đó, dân chúng, những người bình thường, làm ăn cần mẫn và đóng thuế đều đặn, chỉ là một yếu tố nhỏ. Cực nhỏ.
Một trong những sức mạnh lớn nhất của dân chủ là truyền thông. Nhưng càng ngày truyền thông càng được tập trung. Ở nước nào cũng có vô số các cơ quan truyền thông khác nhau, từ truyền thanh đến truyền hình và báo in. Mỗi sáng, mở năm bảy tờ báo khác nhau, chúng ta dễ tưởng nghe được những tiếng nói khác nhau và độc lập với nhau. Không phải. Phần lớn các tờ báo cũng như các cơ quan truyền thông ấy đều nằm trong tay một số đại công ty nhất định.
Tại Úc, chẳng hạn, hầu như tất cả các bản tin phân phát và truyền đi từ mọi kênh thông tin trong ngày đều xuất phát từ một tổ chức duy nhất: Australian Associated Press vốn được hình thành từ bốn công ty chính: News Limited (của Rupert Murdoch), John Fairfax Holdings, West Australian Newspapers và Harris Group (trong đó hai công ty đầu chiếm vị trí chủ yếu). Trong các tờ nhật báo nổi tiếng của Úc, các tờ The Australian, Herald Sun, Telegraph Mirror, Courier Mail, Advertiser, West Australian và Hobart Mercury là thuộc gia đình Murdoch; các tờ Sydney Morning Herald, The Age và Financial Review là thuộc Fairfax. Trong khi các tờ báo giải trí như Women’s Day, Women’s Weekly, Cleo, Cosmopolitan, New Weekly, Dolly, House & Garden, People, The Bulletin thì lại thuộc gia đình Packer.
Ở Mỹ, hầu hết các bản tin dưới mọi hình thức mà người dân được nghe, nhìn và đọc mỗi ngày đều xuất phát từ sáu đại công ty truyền thông: Time Warner, Walt Disney, Viacom, Rupert Murdoch's News Corp., CBS Corporation và NBC Universal. Mỗi đại công ty có vốn liếng cả hàng mấy trăm tỉ đô la, quản lý nhiều cơ sở truyền thông thuộc nhiều loại hình và dưới nhiều tên thương mại khác nhau, từ truyền hình đến truyền thanh, báo in, tạp chí, phim ảnh, v.v... Không ai có thể tranh được ảnh hưởng của họ.
Đó là chưa kể các nhóm vận động âm thầm có ảnh hưởng sâu sắc đến các cơ quan truyền thông và hậu trường chính trị, góp phần quyết định phần lớn các chính sách của chính phủ.
Tuy nhiên, dù vậy, cũng không thể nói các đại công ty hay các nhóm vận động này cướp đoạt toàn bộ quyền làm chủ của người dân. Không ai giành được quyền bỏ phiếu của mọi người. Và không có lá phiếu nào hơn lá phiếu nào. Mỗi lá phiếu mang theo nó những nguyện vọng và nhu cầu riêng. Chính vì vậy, trong các cuộc bầu cử, nhiều lúc ứng cử viên được sự ủng hộ nhiệt tình của các đại công ty truyền thông vẫn có thể thua.
Ảnh hưởng của các đại công ty truyền thông và các nhóm vận động chính trị, do đó, chỉ hạn chế dân chủ nhưng lại không tiêu diệt được dân chủ. Chúng làm cho dân chủ không hoàn hảo như ước mơ của những người sáng lập và nguyện vọng của những người dân bình thường.
Nhưng bất chấp những bất toàn ấy, so với các nước phi dân chủ, các nước dân chủ vẫn có nhiều ưu điểm và ưu thế rõ ràng. Ở các nước dân chủ, người ta có thể ảnh hưởng lên dân chúng, nhưng không ai có thể quay lưng hẳn lại với họ. Tiếng nói của người dân, ngoài các cuộc bầu cử, tuy không phải là yếu tố quyết định nhưng người ta không thể không lắng nghe. Và không ai dám chà đạp lên dân chúng.
Dân chủ không bảo đảm sức mạnh công dân của mọi người. Nhưng ít nhất nó bảo đảm tư thế làm người của mỗi người. Nó không biến người ta thành súc vật. Cũng không thể bắt buộc ai phải quỳ gối.
Đã đành người ta cần phải làm nhiều điều để hạn chế cũng như giảm thiểu những bất toàn của dân chủ. Nhưng trong lúc chờ đợi, không nên so sánh các chế độ dân chủ hiện nay với mô hình lý tưởng của nó. Mà hãy so sánh với các chế độ độc tài.
Như so sánh với Việt Nam bây giờ, chẳng hạn.
Nguyễn Hưng Quốc
. Bookmark the permalink.
*
Người yêu nước phải quyết tâm giữ nước
Kẻ thương dân hãy bảo vệ nhân dân
Dưới gông xiềng liềm búa bọn vô thần
Đảng thổ phỉ phá đền thờ chùa miếu
*
Lòng quả cảm giống tiên rồng không thiếu
Khí anh hùng dân tộc VIỆT NAM dư
Diệt quỷ ma dù lũ giả nhà sư
Hay linh mục quốc doanh vờ chống cộng
*
TÂM THANH