Vinashin: chuyện phải đến, đã đến!
Mạnh Quân - Trong mấy tháng gần đây, với sự nỗ lực của nhóm làm truyền thông (PR) của tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), những tin tức về Vinashin đa phần là tin tốt đẹp: liên tục là những tin hạ thủy các con tàu trọng tải lớn cho các đối tác trong và ngoài nước của các tổng công ty Nam Triệu, Bạch Đằng… Xen kẽ có những tin nơi này nơi kia xin giảm thuế, miễn thuế cho Vinashin… Tất cả làm cho người ta tưởng như, mọi thứ đang dần trở lại tốt đẹp cho hãng tàu đã chòng chành suýt đắm này.
Thế nhưng, bản tin từ BBC và một số hãng truyền thông nước ngoài khác như RFI, Financial times… chuyện công ty Elliot Vin (Hà Lan) B.V khởi kiện Vinashin cùng 22 tổng công ty, công ty con của tập đoàn này cũng khiến không ít người ngỡ ngàng. Mặc dù khả năng đó biết trước là có thể xảy ra: nếu không phải Elliot thì cũng là một thằng chủ nợ khác. Nhưng suốt nhiều tháng, chỉ thấy nghe tin hay mà chưa thấy tin xấu thì làm sao nó không gây ít nhiều bất ngờ? Dù sao, chuyện phải đến, đã đến!
Được biết là đơn kiện được Tòa Thương mại, chi nhánh Queen’s Bench thuộc Tòa Thượng thẩm tại London nhận và mở hồ sơ ngày 1.11.2011.
Mặc dù chưa chắn chắn nhưng có thông tin cho rằng, đơn kiện có liên quan đến khoản 600 triệu USD Vinashin đi vay các chủ nợ nước ngoài qua trái phiếu, với khoản trả lần đầu 60 triệu USD đã đáo hạn hồi tháng 12 năm ngoái mà Vinashin chưa thanh toán. Nhưng bây giờ cũng có cái phức tạp là trong các doanh nghiệp của Vinashin bị kiện, nếu như có những công ty đã bàn giao về tổng công ty Hàng hải (Vinalines) hay tập đoàn Dầu khí thì việc đòi nợ các công ty này thế nào nhỉ? Chẳng nhẽ chủ nợ kiện lây sang cả 2 “anh cả đỏ” này?
Vì sao đơn kiện lại gửi đến tòa án Anh chứ không phải nơi nào khác? Vì khoản cho vay được khống chế theo luật Anh. Có lẽ chẳng còn hy vọng gì vào việc đàm phán, đòi nợ thông thường được với Vinashin nên Elliot gửi đơn ra tòa chăng? Có lẽ thế lắm vì có ai đang đâu muốn ra tòa cho mất công, mất sức, mất thời gian làm gì?
Có nguồn tin nói rằng, trước đây 4 tháng, khoảng tháng 6.2011, Elliott đầu tiên thì có lời mời các ông chủ nợ của Vinashin để cùng chiến đấu, kiện Vinashin ra tòa ở London rồi. Nhưng chắc luật sư tư vấn nên đơn phương khởi kiện để khỏi phải chia tiền với các chủ nợ khác nếu thắng kiện theo phán quyết của tòa tại Anh.
Thế mới biết, ở trong nước, người ta có thể làm mọi thứ để thông tin được như ý mình, để chỉ có thông tin tích cực về Vinashin đến với công chúng, để mọi tin tức xấu bị ém nhẹm. Nhưng ngày nay, là thời buổi toàn cầu hóa, thông tin không có đường biên giới nên chỉ mất vài tiếng, thông tin vụ kiện đã tràn lan trên mạng. Chuyện một tập đoàn Việt Nam làm ăn kém cỏi, không trả được nợ đúng hạn không thể nào giấu nhẹm được mãi. Vấn đề bây giờ là xử lý hậu quả của vụ kiện thế nào cho nó khỏi đau hơn.
Tất nhiên là bị kiện thì phải theo kiện. Vinashin cùng các đơn vị thành viên sẽ lại phải chuẩn bị tiền của, thuê luật sư, có thể cả tiền bị phạt chậm trả nợ… vô cùng tốn kém, bét ra cũng vài chục ngàn USD, nặng thì hàng trăm ngàn USD để theo một vụ kiện mà khả năng thua cuộc có rõ hay không, mọi người đều có thể đánh giá. Còn nếu không, cứ mũ ni che tai, chẳng thèm sang hầu kiện thì cầm chắc tòa phán thắng kiện cho Elliot ngay. Mà không khéo hậu quả còn tai hại bằng mấy lần cái vụ Vietnam Airlines thua kiện thằng luật sư gì ở Ý ngày trước.
Vấn đề là nếu thua thì thì ngoài số tiền nong phải trả nợ, các khoản chi phí cho họ theo hầu kiện ấy thì ai chịu? Hay tiếp tục dẫn đến là phải giãn thuế, miễn thuế… cho Vinashin để tập đoàn này còn có cái mà trả nợ. Như ngài Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Phó thủ tướng, nay là Chủ tịch Quốc hội, khi còn là Trưởng ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin nói, ngân sách nhà nước không bỏ tiền ra trả nợ thay cho Vinashin. Nhưng hỡi ôi, các khoản giảm thuế, giãn thuế… ấy, chẳng phải là một cách – dù là gián tiếp mà ngân sách đã giúp cho Vinashin hay sao?
Mấy cái ông luật sư ngoài nước có nói rằng, cái phán quyết của vụ kiện tụng thế này có thể khó thi hành ở Việt Nam, nơi mà Vinashin và các tổng công ty, công ty con của nó còn có tàu bè, nhà xưởng, đất cát… thì những thằng chủ nợ vẫn có thể có những cách như yêu cầu tòa án phong tỏa các tài khoản của Vinashin, các khoản chuyển khoản, giữ thư tín dụng của tập đoàn này ở nước ngoài. Và nếu Vinashin thua kiện, cầm chắc là các chủ nợ khiến cho tập đoàn này khó còn làm ăn được tử tế với bất cứ đối tác nào ở ngoài biên giới Việt Nam. Rồi đây, ngay cả chuyện Vinashin định đi tìm thằng nào ở châu Âu để nó bán cho thiết bị, máy móc… rồi bán tàu cho thằng A, thằng B nào đó ở nước ngoài xem, e hèm, chuyện xem chừng không đơn giản!
Thế đấy, giá mà bây giờ ngoài mấy thông tin bàn giao tàu bè, có cơ quan nào công khai các thông tin Vinashin và các công ty con đã làm ăn thế nào kể từ hồi công bố kết quả tái cơ cấu đợt I lần trước, hồi cuối năm 2010 xem đã trả được bao nhiêu nợ, còn bao nhiêu, khả năng giả hết mà không cần cần hỗ trợ từ ngân sách không… để bà con bớt giận tý nhỉ?… E rằng là hơi khó đấy.
Lại muốn hỏi: với vụ kiện này xảy ra, nó giáng một đòn mạnh thế nào vào những cố gắng TCC Vinasink (tái cơ cấu – từ này nghe phổ biến đến phát nhàm rồi nên từ nay viết tắt cho nó… hiểm)? Ai sẽ trả lời cho tôi đây: hỏi anh Đinh La Thăng, anh nói, tớ chưa biết chuyện này. Hỏi Vụ trưởng Vụ Tài chính Đối ngoại Bộ Tài chính thì bẩu: vấn đề này thuộc chức năng của Cục Tài chính Doanh nghiệp (có người tham gia vào Ban tái cơ cấu của Vinashin). Hỏi Cục trưởng Cục Tài chính DN, thì Cục bảo không nắm được gì hết, muốn hỏi thì phải hỏi bên Cụ Tài chính Đối ngoại. Vậy hỏi ai giờ?
Tạm viết một bài. Nào ai dám đăng? Bèn tự đăng báo (báo blog) của mình vậy. Hê hê.
M.Q.
Nguồn: vn.360plus.yahoo.com
Về vụ Vinashin bị kiện
Thông tin về vụ kiện này không bất ngờ. Ngày 17/10/2011, một bài báo đăng trên tờ báo tài chính nổi tiếng Financial Times đã cho biết:
“Elliott resigned last week from the steering committee for Vinashin’s USD 600m loan, signaling that the hedge fund plans to go ahead with litigation against the state-owned shipbuilder to recover interest and principal on the defaulted debt, said three creditors and a Hanoi-based source close to the company.
Việc Elliot tuần vừa rồi rút lui khỏi ủy ban chỉ đạo (của các chủ nợ) về giải quyết khoản nợ 600 triệu USD của Vinashin báo hiệu cho thấy rằng quỹ dự định khởi kiện tập đoàn đóng tàu quốc doanh để thu hồi nợ gốc và lãi, ba chủ nợ và một nguồn tin Hà Nội thân cận với Vinashin cho biết”.
Khoản vay này do Credit Suisse đứng ra dàn xếp, bao gồm nhiều chủ nợ cho vay hợp vốn mà Elliot là một trong số đó. Về mặt pháp lý, chính phủ Việt nam chỉ phát hành một thư ủng hộ (Letter of Comfort), không có thư bảo lãnh (Letter of Guaranty) nên không có nghĩa vụ trả nợ thay. Tuy nhiên, chính phủ lại là chủ sở hữu 100% Vinashin nên cũng có trách nhiệm “chỉ đạo” Vinashin giải quyết vụ kiện này.
Cũng theo bài báo trên, đây là một khoản vay không thế chấp (unsecured loan), trả thành 10 kỳ sáu tháng một lần cho tới năm 2015. Đã có một vài phương án giải quyết do hai bên đưa ra (xem bài báo đã dẫn) nhưng có lẽ không đạt được thỏa thuận.
BBC là nơi đầu tiên đưa tin về vụ kiện này (Elliot khởi kiện tại một tòa án của Anh). Các báo lề phải cho đến nay duy nhất có hai tờ Sài Gòn tiếp thị và Diễn đàn doanh nghiệp đưa lại tin của BBC. Tìm hiểu kỹ hơn mới thấy rằng đây là một vấn đề phức tạp về nhiều mặt, mỗi bên hành động, phát ngôn đều có cái lý của họ mà những người bình thường như chúng ta không thể suy diễn theo cảm tính thông thường được.
Tuy nhiên, đây cũng là một sai lầm của truyền thông lề phải. Né tránh vấn đề lẽ ra có thể giải thích được, để đất cho truyền thông lề trái tung hoành. Cũng may là trong đó có những người rất nghiêm túc, có thiện chí và có nghề.
Vài năm trước đây, tình hình này cũng xảy ra khi loạt bài kiểu “Việt nam đồng đi về đâu” xuất hiện. Đọc kỹ thì thấy nhiều luận điểm suy diễn chủ quan, thiếu logic và số liệu hỗ trợ. Nếu tôi viết một bài “Hiểm họa Internet” cũng kiểu như thế, chen vào nhiều thuật ngữ chuyên môn cho ra vẻ thì chắc chắn nhiều người đọc bình thường không dám dùng Internet nữa. Nhưng người có nghề thì biết là cố tình thổi phồng.
Dưới đây điểm qua vài nguồn tin có ích về vụ kiện này. Đọc hiểu và tiếp thu, đánh giá là trách nhiệm của bạn đọc.
Nhà báo Nguyễn Vạn Phú (hình như viết cho tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn) có một blog với khá nhiều bài viết về Vinashin năm 2010 (xem tại đây). Trong bài “Cứng rắn trước sức ép”, ông lên án các định chế tài chính nước ngoài cho Vinashin vay theo tâm lý ỷ lại vào chính phủ sẽ trả nợ hộ, cho vay vô tội vạ, không cần đếm xỉa gì đến quy trình thẩm định dự án vay một cách bình thường (trái với nguyên tắc kinh tế thị trường mà họ thường rao giảng). Và ông cũng đề nghị chính phủ cứng rắn trước sức ép, thà chịu đau một lần còn hơn có hệ lụy lâu dài. Đúng là hồi đó tôi có đọc một bài báo nước ngoài không còn nhớ rõ nguồn có nói đại ý “Bố nó to, nhiều tiền và cưng nó lắm. Cứ cho nó vay đi không sợ đâu”. Không cứ ngân hàng nước ngoài, ngân hàng trong nước cũng vậy. Chỉ cần tập đoàn bảo lãnh là các đơn vị thành viên vay thoải mái. Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụp đổ của Vinashin mà hệ thống ngân hàng phải chịu trách nhiệm, không đổ lỗi cho ai được.
Blogger giangle (hình như là một chuyên gia kinh tế) cũng ủng hộ quan điểm cứng rắn của nhà báo Phú. Trong hai bài viết (1 và 2), ông cho rằng cơ may thu hồi nợ của các chủ nợ trót dại cho vay tín chấp là không cao và ảnh hưởng của vụ này đến kinh tế vĩ mô cũng không nặng như suy diễn. Bằng chứng là có những nước đã từng vỡ nợ và bị hạ bậc tín dụng, nhưng khi họ ổn định được kinh tế vĩ mô thì các nhà đầu tư nước ngoài lại quay trở lại, trích: “Nếu sắp tới VN bị downgrade, tôi nghĩ phần nhiều sẽ là lý do macro không ổn định chứ không phải vì Vinashin default hay phá sản. Cứng rắn trong vụ này thậm chí sẽ có lợi trong dài hạn vì các tập đoàn/tổng công ty sẽ không trông chờ vào bảo lãnh của chính phủ nữa, các chủ nợ nước ngoài cũng vậy. Đồng vốn đi vay sẽ phải làm ăn hiệu quả chứ không phải cứ đem đầu tư lung tung như Vinashin đã làm. Tôi hi vọng chính phủ sẽ quyết định đúng”.
Hai bằng chứng cụ thể khác là vào tháng 4/2011, năm ngân hàng nước ngoài cho PetroVietnam vay 904 triệu USD, Hoàng Anh Gia Lai huy động thành công 90 triệu trái phiếu quốc tế vào tháng 5/2011 (tất nhiên lãi hơi chát 9,875%). Tóm lại các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cẩn thận hơn, nhưng có lãi là họ vẫn làm.
Tiếp sau BBC, đài phát thanh quốc tế Pháp RFI có một bài dài phân tích các thiệt hại trước mắt của vụ kiện này. “Trước mắt là các công ty Việt Nam sẽ phải tốn nhiều tiền cho hệ thống luật sư và chi phí tòa án tại Luân Đôn, mà mức giá khởi đầu có thể là vài chục ngàn USD, lên đến vài trăm ngàn USD cho một vụ trung bình”. Tuy nhiên, nhận định này thì mang tính suy diễn “Việc tòa Thượng thẩm của Anh nhận hồ sơ này sẽ mở đường cho nhiều công ty khác trên thế giới cân nhắc đến phương án này khi đòi nợ Việt Nam”. Nếu kết quả vụ kiện cho thấy Elliot thu được không bõ thì các công ty khác cũng không theo.
Còn một bài viết nữa cũng có chút thông tin.
Còn nhiều nguồn thông tin khác, như đã thấy không phải cái nào cũng có ý đồ xấu cả. Muốn định hướng dư luận thì phải nhìn thẳng vào sự thật, phân tích có tình có lý chứ không phải bưng bít, đánh lừa dư luận. Chiến lược truyền thông về vụ Vinashin nói chung… “còn nhiều bất cập”. Và nhận định cá nhân của những người thiếu thông tin, kiến thức chuyên môn về Vinashin (kể cả của các lãnh đạo) cũng… “còn nhiều bất cập”.
Đối với Vinashin đây là một đòn nặng mà nó không thể và không có quyền giải quyết. Chờ xem ở “trển” chỉ đạo như thế nào.
P.V.T.
Nguồn: phanvinhtri.wordpress.com
––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––
Vinashin bị kiện và những hệ quả
Blogger Lý Toét
Vinashin đã chính thức bị chủ nợ nước ngoài khởi kiện. Tuy nhiên tin này không được mọi người quan tâm lắm.
Xin nhắc lại những sự kiện liên quan. Năm 2007 Vinashin vay 600 triệu Mỹ kim (thu lãi trước) từ một nhóm chủ nợ trong đó có Elliot do Credit Suisse cầm đầu. Khoản nợ này được trả góp làm 10 kỳ mỗi kỳ 6 tháng, 60 triệu kỳ đầu tiên đáo hạn vào ngày 20/12/2010. Trước hạn Vinashin bắn tiếng đe dọa chủ nợ: Nếu dồn Vinashin vào cảnh vỡ nợ, phá sản, các ngân hàng chủ nợ 600 triệu USD cũng không thu được đồng nào. Đàm phán sao đó, chủ nợ cho Vinashin vay 60 triệu đô trong một năm với lãi trả trước 6,8 triệu đô. Sự việc diễn ra như vậy cho đến hốm nay một mình Elliot đâm đơn kiện Vinashin tại tòa Anh quốc.
Sự việc không chỉ liên quan đến một mình Vinashin mà sẽ có tác động đến mọi công dân mang quốc tịch Việt Nam.
Các chủ tàu Việt Nam khi neo đậu tàu ở cảng nước ngoài có nguy cơ bị giam tàu, đòi những khoản nợ không liên quan gì đến con tàu hay công ty vận tải biển của họ. Nghe vô lý nhưng rất tiếc thực tiễn quốc tế lại cho phép bắt vạ tàu của một nước để đòi tiền đối tác cùng quốc tịch.
Tín dụng quốc gia bị đánh sụt, những doanh nghiệp tư nhân phát hành trái phiếu sẽ phải chịu phân lời cao do phải gánh thêm bảo hiểm. Năm ngoái trái phiếu của Hoàng Anh Gia Lai phải tăng phân lời từ 8% lên 9,875%.
Trong tổng số nợ 4,4 tỷ đô la của Vinashin có 600 triệu từ nhóm Credit Suisse, 750 triệu từ bán trái phiếu chính phủ. Nếu 600 triệu không trả được thì số phận của 750 triệu kia sẽ ra sao. Xin nhắc lại 750 triệu này dân Việt Nam phải trả cho trái chủ.
Chính phủ đã tuyên bố không có liên quan đến việc nợ nần của các công ty quốc doanh. Việc này tạo ra tiền lệ một ông quan đầu tỉnh vùng biên bán đi vài ngàn km vuông đất cho nước ngoài thì chính phủ cũng không có trách nhiệm gì và những ai biểu tình đòi chủ quyền quốc gia sẽ phạm tội gây rối.
L.T.
Nguồn: xacbacxangbang.blogspot.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét