Đổ vỡ tín dụng và bất ổn thị trường tài chính
Tác giả: Lê Khắc
(VEF.VN) - Hàng loạt vụ lừa đảo thông qua huy động vốn với lãi suất cao đỗ vỡ. Những đổ vỡ này đã cho thấy những cảnh báo liên quan đến ngân hàng cũng như bất ổn đối với các thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản.
BĐS - Chứng khoán: bất ổn
Nhận định mới đây từ các cơ quan điều tra cho thấy, đã có khoảng 60 vụ lừa đảo, đổ bể tín dụng từ đầu năm đến nay đều ít nhiều liên quan đến bất động sản, vàng và chứng khoán. Đó là những thị trường bùng nổ mạnh mẽ và có nhiều bất ổn nhất ở Việt Nam trong thời gian qua.
Lý giải về điều này, chuyên gia từ Ngân hàng Tienphongbank cho biết, thời gian trước, thị trường chứng khoán, bất động sản bùng nổ, kiếm tiền có vẻ quá nhanh và quá dễ. Vì thế mà không chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp mà người người, nhà nhà bung ra kinh doanh, thị trường phát triển quá nóng, có bao nhiêu vốn vay mượn dồn hết vào một giỏ. Thậm chí có người còn lạm dụng đòn bẩy tài chính khi trong tay chỉ có 7-8% vốn thực.
Sau thời điểm các cơ quan quản lý thực thi chính sách ngăn dòng tiền vào chứng khoán, bất động sản, những người đầu tư quá lớn, vay mượn nhiều đứng trước nguy cơ một mất một còn.
Chuyên gia từ Viện Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội cho biết, chứng khoán và bất động sản là hại thị trường tăng trưởng cực mạnh và thu hút một lượng vốn lớn của các nhà đầu tư đổ vào. Như một vòng xoáy, trong giai đoạn đầu, tiền càng đổ vào nhiều thì sự tăng trưởng càng mạnh mẽ. Tiền đẻ ra tiền với mức lợi nhuận không lồ khiến người ta không ngại dốc toàn bộ tiền tự có, nhưng phần lớn là tiền đi vay, cộng thêm các đòn bẩy tài chính, các mánh kích cầu đã khiến cho hai thị trường này phát triển nhanh trở thành một nơi hút tiền lớn. Trong cơn say đó, nhiều người dân, rồi hầu hết các DN và không ít tổ chức tài chính đều "dây máu ăn phần" vào bất động sản và chứng khoán.
Sư hưng phấn đã hút một lượng vốn lớn của rất nhiều người can dự vào BĐS và chứng khoán nhưng đáng kể nhất chính là sự tham gia hậu thuẫn của giới tài chính, ngân hàng đã khiến cho thị trường như một "vòng xoáy" ngày càng lên cao, trong kỳ vọng lợi nhuận lớn nhưng lại trên một nền tảng nguồn vốn vay mượn và các thủ đoạn kiếm lời ngắn hạn.
Nhưng khi lạm phát cao, tín dụng phi sản xuất bị siết lại, thi trường mất nguồn dinh dưỡng và bắt đầu suy kiệt. Để kéo lại nguy cơ đổ vỡ, người ta bắt đầu vay chỗ này, đập chỗ kia với hy vọng sẽ qua giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, khi các chính sách tiền tệ, tài chính được quyết tâm thắt chặt, ngân hàng - chỗ dựa lớn nhất cũng trở thành đối tượng bị soi xét và thậm chí phải hỗ trợ thì những nhà đầu tư phải tìm mọi cách để cứu mình nếu không muốn sự đỗ vỡ và phá sản đến sớm hơn.
Trong trường hợp đó, một mánh lới cũ nhưng hiệu quả là chấp nhận vay tín dụng đen với lãi suất cao và cả lừa đảo để kiếm tiền trả nợ nóng đã đẩy nhiều nhà đầu tư vào bước đường sai phạm. Hậu quả cuối cùng, khi hết sức chịu đựng mà thị trường chưa có khả năng hồi phục, dẫn tới vỡ nợ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia Viện Kinh tế Việt Nam, sự hưng phấn và những sai lầm về đầu tư trên sàn chứng khoán hay BĐS; lòng tham, sự cả tin và mánh lới của các vụ lừa đảo vừa qua thì đã rõ nhưng đằng sau đó đã cho thấy sự phát triển bất ổn của những thị trường BĐS và chứng khoán. Thay vì đây là những thị trường cao cấp, kiểm soát chặt thì nó lại phát triển quá nóng và nhiều khi vượt qua sự kiểm soát để thành như một cái chợ, một canh bạc.
Nhờ lại thời điểm chứng khoán lên 1200 điểm, mọi cảnh báo phát triển nóng, nguy cơ đổ vỡ cũng đã được đưa ra, bất động sản tăng cao nhiều lần hơn giá trị thực, vượt xa nhu cầu mua bán cũng đã được khuyến cáo... Tuy nhiên, những cảnh báo dường như đã bị bỏ qua vì tất cả đều đang say máu và có lợi cộng với sự "thăng hoa" của thị trường khiến cho không ai nghĩ mọi việc lại rơi vào kết cụ xấu.
Nhưng qua tác động khủng hoảng kinh tế 2008, chứng khoán bắt đầu đi xuống, và rồi liên tiếp lạm phát, bất ổn trong nước khiến cho nó trượt dài xuống mốc dưới 400 điểm. Những con số giao dịch, tăng điểm, lợi nhuận ấn tượng đã thay bằng màu sự thua lỗ và tê liệt dần của hầu hết nhà đầu tư như ngày hôm nay.
Minh họa: Khều (TBKTSG) Tình trạng như thế cũng đến với bất động sản. Đã có lúc, giá bất động sản tưởng như không bao giờ ngừng tăng, vì thế tâm lý cứ đổ vào đất, bỏ càng nhiều càng thắng lớn đã kéo người người làm bất động sản, DN nào cũng làm bất động sản... Nhưng rồi lạm phát, hãm phanh tín dụng đã khiến cho thị trường đóng băng. Bất động sản tiền tỷ nhưng đóng băng không giao dịch và nhà đầu tư bắt đầu ôm nợ.
Chính nhiều chuyên gia tài chính đã từ sớm bày tỏ những phát triển lệch lạc trên nền kinh tế. Trong khi các thị trường cơ bản như nhân lực, công nghệ chưa được xác lập thì những thị trường cao cấp như chứng khoán, BĐS lại nóng quá mức. Nó thoát ra ngoài chức năng cơ bản của mình mà trở thành một nơi buôn bán, nhưng cú đầu tư ngắn hạn và canh bạch trao tay tiền tỷ...lôi kéo toàn bộ người dân, DN và cả hệ thống tài chính vào một vòng xoáy.
Những bất cập và nguy cơ đã được chỉ ra nhưng dường như chỉ đến hôm nay mới được nhận rõ thì với nhiều người, đã quá muôn. Còn với nền kinh tế thì phải chịu những tác động không nhỏ. Từ đây, chính chứng khoán và BĐS cũng đang gánh chịu những khó khăn và buộc phải tính cơ cấu lại nếu muốn phát triển cao hơn.
Ngân hàng: Hệ lụy khó chối
Trong những vụ lừa đảo vừa qua, đã có bóng dáng của những nhân viên hay các đơn vị ngân hàng có liên lụy. Tuy tất cả đều phủ nhận sự can dự của mình mà xem đó chỉ là những sai phạm cá nhân, mượn danh ngân hàng.
Tuy nhiên, trong một lĩnh vực kinh doanh đòi hỏi chặt chẽ sự kiểm soát về pháp lý và đạo đức nhưng ngân hàng đã không kiểm soát được, để danh tiếng, địa vị pháp lý và cả nguồn vốn của mình bị lợi dụng. Điều đó, dù dưới góc độ nào thì chính các ngân hàng cũng đã bị ảnh hưởng, ít nhất là về chất lượng và niềm tin trong mắt người dân.
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn chính là dư nợ tín dụng bất động sản của các ngân hàng vào chứng khoán. Trong mấy năm gần đây, khi các ngân hàng thương mại liên tục tăng cho vay phi sản xuất mà chủ yếu là BĐS và chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục cảnh báo rồi cả áp dụng các biện pháp kỷ luật để ngăn chặn.
Trước đây, lo ngại cho vay chứng khoán, định mức cho vay chứng khoán 20% tín dụng đã được đưa ra. Nhưng tỷ lệ này vẫn còn quá cao và tiếp tục được siết lại ở mức 20% vốn điều lệ vào năm 2008. Tại thời điểm đó, sự thay đổi đã khiến cho các ngân hàng không hài lòng và phản đối vì cho rằng bị mất đi một cơ hội làm ăn.
Đối với cho vay bất động sản cũng vậy, năm nào Ngân hàng Nhà nước cũng phải nhắc nhở về hạn chế cho vay nhưng xem ra, sự nhắc nhở này chẳng có mấy tác dụng khi cho vay bất động sản vẫn ở trong mức cao và nguy hiểm và được đánh giá là một nguy cơ đối với an toàn hệ thống.
Sự việc căng lên khi đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước buộc các tổ chức tín dụng phải giảm dư nợ phi sản xuất xuống 22% vào tháng 9 và 16% vào cuối năm thì nhất loạt các ngân hàng kêu ca khó thực hiện rồi lộ ra hàng loạt ngân hàng cho vay bất động sản, chúng khoán rất cao, có ngân hàng lên đến trên 50%.
Sự thực là đến hạn tín dụng phi sản xuất nhưng vẫn có đến 5 ngân hàng không thể đáp ứng tiêu chí này. Thông tin sau đó từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, có đến hàng trăm, ngàn tỷ đồng đang cho vay BĐS và một con số lớn khác đang dính vào chứng khoán.
Đây thực sự là điều đáng lo ngại cho chất lượng tín dụng trong bối cảnh hai thị trường hiện nay. Sự thực rất nhiều khoản cho vay trong hai lĩnh vực này bị rơi vào tình trạng xấu. Ngân hàng nông nghiệp mới đây đã phải thừa nhận đa phần trong tỷ lệ nợ xấu hơn 6% của họ là từ bất động sản. Theo nhận định của các chuyên gia từ Công ty chứng khoán Thăng Long, tình hình tương tự sẽ đến với nhiều ngân hàng khác.
Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu có sự liên hệ nào giữa những vụ vỡ nợ và các khoản cho vay của ngân hàng? Và có bao nhiêu phần cho vay của ngân hàng đang rơi vào tính trạng có thể mất vốn vì đầu tư thua lỗ trên thị trường chứng khoán và BĐS? Câu trả lời từ các chuyên gia trong ngành là có và không hề nhỏ. Và tình trạng nợ xấu gia tăng nhanh trong thời gian gần đây chính là một biểu hiện cho tình trạng này.
Các ngân hàng cũng có thể trả lời là họ không lo lắm trước các khoản vay này vì được đảm bảo bởi tài sản. Tuy nhiên, tài sản đảm bảo liệu có được chuyển hóa để bù đắp thanh khoản cho các ngân hàng khi mà thị trường sụt giảm và đóng băng như hiện nay.
Nguy hiểm hơn trong tình trạng hiện nay, khi các khoản vay ngân hàng ngày càng đến hạn, khả năng trả nợ không có... để tránh phá sản và đổ vỡ họ tiếp tục leo theo các khoản tín dụng đen. Thậm chí, rất có thể, những chính sách về ưu đãi mới về lãi suất, tín dụng sẽ lại bị lợi dụng để đảo nợ. Mà chuyện này đã xảy ra nhiều trong những chính sách ưu đãi trước đây.
Dầu khí bán tháo căn hộ: Có gì bất thường? Tác giả: Trường Sơn (VEF.VN) - Nếu đợt giảm giá của Petro Land (PVL) không thể trở thành một cú sốc đúng nghĩa mà bị lợi dụng để gom hàng giá thấp như thủ đoạn "rung cây nhát khỉ", thì thị trường BĐS quận 2 sẽ biến động ra sao khi hầm Thủ Thiêm thông xe - rất gần với thời điểm PVL phải trả nợ?
Điều gì đang xảy ra ở thị trường BĐS TP.HCM?
Với thị trường bất động sản (BĐS), quý IV/2011 hứa hẹn nhiều bất ngờ đầy bĩ cực nhưng cũng có thể không kém thú vị. Ở TP.HCM, tuy chưa hiện hình bóng ma tín dụng đen BĐS như hình ảnh rất sống động đã hiện ra ở Hà Nội trong tháng 10/2011, nhưng tình thế của giới chủ đầu tư căn hộ trung - cao cấp lại càng trở nên tồi tệ hơn với một sự kiện gây chấn động vào những ngày kết thúc tháng 10: Công ty cổ phần địa ốc Dầu khí (PVL) đã quyết định giảm rất mạnh giá bán căn hộ.
35% là tỷ lệ giảm giá của PVL đối với dự án căn hộ trung cấp Petro Vietnam Landmark (dự án PVL). Mặt bằng chung của giá căn hộ tại dự án này được kéo giảm từ 23,8 triệu đồng/m2 xuống còn 15,5 triệu đồng/m2.
Nằm ngay tại Tiểu khu 7 của Khu đô thị mới An Phú - An Khánh (quận 2), dự án PVL đã lại một lần nữa tạo nên điều mà người ta phải dùng cụm từ "siêu giảm giá', "bán tháo" và gọi là "cú sốc" đối với giời đầu tư dự án căn hộ.
Rõ ràng, hoạt động bán tháo của PVL không chỉ là cú sốc đối với các dự án căn hộ trung cấp khác như An Cư, An Thịnh, An Hòa, Bình Minh, An Phú - An Khánh, mà còn có hàm ý hơn cả một cú sốc đối với các dự án "ngoại" như Cantavil và Estella trong cùng khu vực, bởi mức giá bán mới của PVL chỉ bằng phân nửa giá những dự án nước ngoài đó.
Giá mặt bằng căn hộ trung cấp Petro Vietnam Landmark (dự án PVL) được kéo giảm từ 23,8 triệu đồng/m2 xuống còn 15,5 triệu đồng/m2.
Cộng hưởng với việc giảm giá căn hộ, cổ phiếu PVL trên sàn chứng khoán Hà Nội cũng lập tức giảm sàn với gần 2 triệu cổ phiếu dư bán với giá thấp nhất trong phiên giao dịch 31/10/2011.
Cùng với thời điểm PVL tung ra cú sốc siêu giảm giá căn hộ, lại có thông tin về một dự án khác nằm sát khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở khu Nam TP.HCM cũng chuẩn bị giảm giá bán căn hộ trung cấp đến 5 triệu đồng/m2 so với các dự án trong cùng khu vực. Điều gì đang xảy ra ở thị trường BĐS TP.HCM? Bình thường và không bình thường Sẽ là khá bình thường cho hiện tượng trên nếu lý giải vấn đề theo những lý do của PVL: thị trường BĐS quá trầm lắng, đặc biệt là công ty này đã rơi vào tình trạng quá khó khăn về tài chính với số nợ vay 100 tỷ đồng của Ngân hàng Liên Việt sẽ đáo hạn vào ngày 23/11/2011, mà nếu không thanh toán được thì toàn bộ hoạt động kinh doanh của PVL sẽ bị đình đốn. Hiện tượng một vài hoặc một số chủ đầu tư BĐS nào đó rơi vào nguy cơ vỡ nợ tài chính là khó tránh khỏi khi thời điểm cuối năm 2011 đang đến gần, chưa kể việc các ngân hàng thương mại phải kéo giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất về mức 16% theo yêu cầu gắt gao của Ngân hàng Nhà nước.
Nhưng không hoàn toàn bình thường khi xét đến lợi thế của PVL. Dự án này đang tọa lạc ngay tại vị trí rất đắc địa ở quận 2, mà quận 2 lại có ý nghĩa lớn lao trong quy hoạch xây dựng chung của TP.HCM trong những năm qua và đến năm 2025.
Hơn nữa, một yếu tố thuận lợi đang đến rất gần với khu vực này khi ngày 20/11/2011 sẽ là thời điểm mà Hầm Thủ Thiêm chính thức được thông xe, mang lại hy vọng tăng giá cho BĐS ở khu Đông TP.HCM.
Cũng có một chi tiết không mấy bình thường là trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, đồng thời được công khai trên trang web của PVL, công ty này đã quá "thật thà" khi trần tình hết nỗi khổ từ nợ vay ngân hàng mà do đó phải quyết định giảm giá bán căn hộ.
Câu hỏi cần đặt ra là với cách làm như thế, liệu PVL có tiêu thụ được 85 căn hộ nhanh chóng, khi doanh nghiệp này đã "vô tình" vạch áo cho người khác xem lưng và do vậy càng làm cho người mua nắm được yếu điểm của mình mà ép giá, hoặc chờ giá giảm hơn nữa rồi mới mua, hoặc nghi ngờ vào chất lượng những căn hộ ế ẩm của PVL?
Sự việc càng trở nên khó hiểu khi lật lại hồ sơ dĩ vãng của PVL. Vào tháng 4/2011, PVL đã trở thành doanh nghiệp BĐS đầu tiên trên địa bàn TP.HCM triển khai giảm giá căn hộ trung cấp, với mức giảm lên đến 30%, đưa giá căn hộ về mức 19,9 triệu đồng/m2. Động tác này càng như đổ thêm dầu vào lửa trong bối cảnh lạm phát và lãi suất cho vay tăng vọt, hầu hết các chủ đầu tư căn hộ trung - cao cấp ở TP.HCM như ngồi trên lửa khi không thể tiêu thụ được sản phẩm nhằm thanh toán phần nào cho ngân hàng vào thời điểm cưối quý II/2011.
Cũng sau động tác giảm giá của PVL vào tháng 4/2011, đã không ít dư luận trong giới BĐS hoang mang về việc liệu có một đợt sóng giảm giá trên diện rộng. Khi đó, nhiều người mua để ở cũng hy vọng sẽ có một biến chuyển nào đó khiến cho chủ đầu tư căn hộ phải bán tháo hàng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, điều ngạc nhiên là đã không hề có một chủ đầu tư nào chịu giảm giá bán căn hộ, dù tình hình tiêu thụ vẫn gần như bằng không. Thậm chí một số chủ đầu tư còn có biểu hiện găm hàng.
Khoảng thời gian tháng 4-5/2011 cũng chứng kiến hiện tượng dự án Rừng Cọ Ecopark ở Hà Nội đã giảm giá đến 12%, làm rúng động giới chủ đầu tư căn hộ phía Bắc và cũng tạo dư luận về sóng giảm giá căn hộ có thể hình thành. Tuy vậy cũng như tại TP.HCM, không một chủ đầu tư căn hộ nào tại Hà Nội chịu nhún nhường người mua.
Còn với đợt giảm giá của PVL vào tháng 10/2011, lại đang xuất hiện dư luận về hiệu ứng domino có thể lan tới các chủ đầu tư khác. Nếu hiệu ứng này xảy ra, dù chỉ trong phân khúc căn hộ trung cấp, khả năng tác động của nó đối với phân khúc căn hộ cao cấp là lớn. Trong tâm lý người mua, giờ đây họ chỉ thu xếp khoản tiền cá nhân theo tiêu chí của mức giá căn hộ PVL chứ không phải của dự án căn hộ nào khác ở khu Đông và khu Nam. Cũng nếu hiệu ứng domino trên biến thành dây chuyền, thị trường BĐS TP.HCM có thể sẽ bị phá vỡ thế cân bằng, đường biểu diễn chỉ số BĐS của phân khúc đất nền thậm chí còn trượt xuống sau khi đã kéo ngang từ hơn một năm nay. Khi đó, thảm họa sẽ hiển hiện, hiện tượng đổ vỡ tín dụng đen BĐS rất có thể xảy ra, nhưng nhắm vào đối tượng chủ yếu là khối doanh nghiệp BĐS và ngân hàng hơn là các cá nhân. Quận 2: thảm họa hay biến động nào khác? Thế nhưng theo nguồn tin từ một văn phòng môi giới chuyên bán dự án VPL, sẽ hầu như không có hy vọng cho người mua lẻ tiếp cận được mức giá 15,5 hay 16 triệu đồng/m2 trong kế hoạch đại hạ giá của PVL. Thay vào đó, toàn bộ 85 căn hộ trung cấp của PVL nhiều khả năng được chuyển nhượng cho một chủ đầu tư nào đó có khả năng mua trọn gói và thanh toán 100%. Sau đó, chủ đầu tư mới sẽ phân phối lại cho khách mua lẻ với mức giá ít nhất là 17-18 triệu đồng/m2. Phương thức bán hàng có thể diễn ra của PVL đã dẫn dắt vấn đề sang một khía cạnh khác: thay cho việc tung hàng bán lẻ ồ ạt và được xác nghiệm về lượng giao dịch giá thấp, dự án PVL có thể sẽ không có giao dịch lẻ nào, mà như thế thì cũng không thể kích cầu đại chúng mua giá thấp, không tạo ra tâm lý đại chúng về mặt bằng giá thấp có giao dịch. Hệ quả của sự dẫn dắt này là việc PVL giảm mạnh giá bán căn hộ có thể sẽ không tác động đến thị trường chung như hiệu ứng một cú sốc. Cũng như Hà Nội, đang có dấu hiệu các ngân hàng ở TP.HCM cho giãn nợ đối với một số chủ đầu tư doanh nghiệp BĐS. Do vậy, có thể thấy trước là tình hình cuối năm 2011 không quá khó khăn, chưa có cơ sở rõ ràng để doanh nghiệp BĐS phải bán tháo hàng để trả nợ hoặc chịu cảnh phá sản. PVL có lẽ chỉ là một trong số ít doanh nghiệp không chịu được "nhiệt". Trong khi đó ở một cách nhìn khác, lại có một suy luận trái chiều về hiện tượng PVL: có một cái gì đấy không bình thường trong chuyện giảm giá. Có thật PVL sẽ lỗ đến 70 tỷ đồng như công bố, khi với mức giá 19,9 triệu đồng/m2 vào tháng 4/2011, công ty này vẫn cho là còn có lời? Chẳng lẽ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, quá mạnh về vốn, lại để cho PVL "chết"? Ba tuần liên tục gần đây, chỉ số giá căn hộ ở quận 2 đều tăng nhẹ. Nếu đợt giảm giá của PVL không thể trở thành một cú sốc đúng nghĩa, làm cho các doanh nghiệp khác phải hạ giá mà sẽ bị ai đó lợi dụng sự việc này để gom hàng giá thấp như một thủ đoạn "rung cây nhát khỉ" , thì thị trường BĐS quận 2 sẽ biến động ra sao vào thời điểm hầm Thủ Thiêm thông xe - rất gần với thời điểm mà PVL phải thanh toán nợ cho ngân hàng?
Cổ phiếu địa ốc Dầu khí bị bán tháo Cập nhật: 31-10-2011 11:34 Sau tin chấp nhận bán dự án bất động sản và lỗ 70 tỷ đồng, sáng nay cổ phiếu của Công ty địa ốc Dầu khí (PVL) bị bán tháo, giá giảm sàn và còn dư tới 1,8 triệu không bán được ở cuối phiên.
Những chiêu huy động vốn của con nợ "nghìn tỷ" "Thực tế là mọi người tự gom tiền mang đến cho tôi, tôi không phải thế chấp bất cứ tài sản nào cho ai cả. Lúc đó, nhiều người còn vay tiền ngân hàng mang đến gửi nhưng tôi không nhận", chủ nợ Nguyễn Thị Cúc (32 tuổi, trú tại xã Văn Nhân, Phú Xuyên, Hà Nội) biện bạch.
Được sự đồng ý của Đại tá Phạm Văn Nôm, Trưởng Công an huyện Phú Xuyên, chiều 28/10, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Cúc. So với hôm đầu gặp tôi, sắc mặt của Cúc đã khá hơn nhiều do có sự ổn định về tâm lý. Chúa chổm Nguyễn Thị Cúc
"Từ ngày bỏ trốn, tôi sụt mất 8 cân. Cứ bưng bát cơm lên lại nghĩ đến hai đứa con. Chỉ vì tôi mà tương lai các con và gia đình bị ảnh hưởng… Thằng cu bé chưa biết gì, nhưng đứa lớn đi học thường bị các bạn túm vào trêu trọc nên cháu về nhà khóc suốt. Tôi xin chịu tội trước pháp luật", Cúc giãi bầy.
- Lĩnh vực Cúc đầu tư là gì?
- Ban đầu, tôi kinh doanh vàng bạc. Sau đó, tôi chuyển sang buôn bán bất động sản. Thời gian này, Cúc đã vay tiền của 11 người, trong đó có ông Nguyễn Viết Phơ là bố đẻ và chị gái Lê Thị Siêng, với khoản tiền là 3 tỷ đồng. - Cúc làm gì với số tiền này? - Tôi đầu tư vào bất động sản, mua sắm đồ dùng trong gia đình và trang trải các khoản tiền lãi khoảng 100 tỷ đồng. Cúc giãi bầy: "Chị tính xem, từ đầu năm đến giờ mỗi tháng tôi phải trả 10 tỷ đồng tiền lãi. Trước đó, cũng mất vài tỷ… cứ nhân lên thì ra ngay và năm 2010, tôi đã lỗ khoảng 70 tỷ”.
- Nếu Cúc dừng lại ở đó thì sự việc sẽ không đi xa như hôm nay?
Trước câu nói này của tôi, Cúc im lặng một lúc lâu:
- Lúc đó, tôi biết mình đã không còn khả năng trả nợ nhưng đã "cưỡi trên lưng hổ" thì chẳng thể xuống được. Hơn nữa, lúc đó tôi đang mang thai thằng Huy (Cúc nói đến cậu con trai vừa sinh) nên nghĩ rằng nếu để sự việc bại lộ thì chắc chắn tôi sẽ phải đi tù, con tôi sẽ khổ… Vì thế, tôi tiếp tục tìm cách huy động tiền, kéo dài được ngày nào hay ngày đấy.
- Cúc huy động tiền bằng cách nào ?
- Thực tế là mọi người tự gom tiền mang đến cho tôi, tôi không phải thế chấp bất cứ tài sản nào cho ai cả. Nhiều người còn vay tiền ngân hàng "xách" đến gửi nhưng tôi không nhận. Mới đầu, tôi chỉ "làm ăn" với Vân Anh, chị Ưng Hưng và Thủy. Khi bị thua lỗ nặng, tôi mới đứng ra vay tiền của một số người khác.
- Hiện tại chị đã trả được bao nhiêu tiền gốc và lãi, có giấy tờ gì chứng minh không? - Tôi không thể nhớ cụ thể số nợ và số tiền lãi đã trả vì hàng tháng đều thanh toán đúng kỳ. Khi trả nợ, tôi và chủ nợ chỉ gạch sổ của chủ nợ, thanh toán tiền lãi hàng tháng là trả đứt nên chẳng cần có sổ sách theo dõi… Để bưng bít thông tin, tiếp tục huy động vốn của các đại lý cấp hai và cấp 3… Cúc đánh bóng bản thân bằng cách mua sắm những đồ dùng đắt tiền và mua thêm một số bất động sản tại Phú Xuyên. Đến ngày 28/10, cơ quan điều tra xác định Cúc đã mua được 9 mảnh đất. Nhưng thực tế cho thấy, các mảnh đất này đều đã đem đi cầm cố, thế chấp cho các chủ nợ để vay tiền, nhiều mảnh chưa có giấy tờ hợp lệ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của Cúc. Khi Cúc bị bắt, những chủ nợ thực sự là những người dân lao động nghèo đang mong ngóng từng ngày để được trả lại tiền. Họ đa phần là những người dân nghèo, cả đời chắt chiu dành dụm để kiếm được số tiền trên… (Theo Công An Nhân Dân)
Doanh nghiệp thép hoang mang vì lỗ Tác giả: Phạm Huyền
(VEF.VN) - Ngành thép hoang mang vì tiêu thụ chậm, lỗ cuối năm "ăn" hết lãi đầu năm. Đã có chuyện doanh nghiệp bán phá giá nhau, dẫn tới kiện cáo nội bộ. Chấp nhận khó khăn còn kéo dài, phải tự cứu mình trước là thông điệp chung của cộng đồng doanh nghiệp ngành này.
Một số doanh nghiệp thép hiện không bán được hàng, dừng sản xuất (ảnh minh họa - Phạm Huyền) Bán chậm, lỗ cuối năm ăn hết lãi đầu năm Với mức tăng trưởng dự kiến âm 7,69%, năm 2011 sẽ lả năm đặc biệt khó khăn của ngành thép. Tại cuộc họp mới đây tại Bộ Công Thương, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, tính đến nay, tổng tiêu thụ thép đã giảm gần 10%. Những chính sách cắt giảm đầu tư công, cắt giảm chi tiêu, ngân hàng siết chặt tín dụng khiến cho các dự án bất động sản đóng băng, kéo theo, ngành vật liệu xây dựng như thép chịu ảnh hưởng rất lớn.
Đầu năm, ngành thép còn đang tiêu thụ tốt, nhưng sau khi Nghị quyết 11 ra đời, tiêu thụ sản phẩm ngành thép bắt đầu giảm dần.
Ông Chủ tịch Hiệp hội Thép tính toán, hiện nay, thép giảm giá 200.000-300.000 đồng/tấn. Giá thép bán tại nhà máy không kể VAT ước khoảng 15 triệu đồng/tấn trong khi gia phôi trên 14 triệu đồng/tấn. Đáng ra, để hòa vốn, sản phẩm thép phải bán giá 15,5 triệu đồng/tấn. Như vậy, hiện nay các doanh nghiệp đều đang phải chịu lỗ.
"Bên cạnh đó, lãi suất vay cao như hiện nay thì không doanh nghiệp nào có thể trả nợ, hay tiếp cận được vốn. Doanh nghiệp thép lãi được 10% là mừng lắm rồi, nhưng hiện tại lãi vay là 20%, thậm chí hơn thì chỉ có lỗ", ông Cường cho biết.
"Nếu 3 tháng nữa, tình hình thị trường vẫn thế này toàn bộ lãi của doanh nghiệp thép ở giai đoạn đầu năm sẽ trở về con số 0 hoặc sẽ "âm" vốn. Đây là hiện tượng đã lặp lại 2-3 năm nay trong ngành, cứ vài tháng đầu năm các doanh nghiệp lãi lớn, đến cuối năm lại âm vốn và có thể chịu lỗ tới cả năm sau", ông Phạm Chí Cường lo lắng.
Cho đến nay, mặc dù chưa có doanh nghiệp thép nào công bố phá sản, nhưng thực tế doanh nghiệp không bán được hàng, dừng sản xuất đã có. Ví dụ, công ty thép Vạn Lợi trong cuộc họp Đại hội đồng Cổ đông gần đây đã tuyên bố bán cơ sở của mình. Phá giá cả trong thị trường nội địa
Theo câu chuyện của ông Phạm Chí Cường, thị trường thép đang xuống dốc một cách thảm hại trong khi các doanh nghiệp thì hoang mang và thậm chí, đã cạnh tranh không lành mạnh.
Phía xuất khẩu, 2 sản phẩm chính là thép cuộn cán nguội xuất sang Indonesi đã bị kiện bán phá giá, ống thép mới đây nhất cũng bị kiện bán phá giá tại Mỹ. Không dừng lại ở đó, có thể sản phẩm tráng tôn, mạ kẽm cũng bị kiện.
Tại thị trường trong nước, đã xuất hiện hiện tượng bán phá giá ở một vài doanh nghiệp nên đã lỗ còn lỗ thêm. Nhu cầu chung về xây dựng của nền kinh tế không cao nên doanh nghiệp có giảm giá bán cũng không thể tăng lượng bán được là bao. Khi không xuất khẩu được, doanh nghiệp trong nước không có sự bàn bạc chia sẻ khó khăn chung, chia sẻ thị phần, nên giá cả chào các đối tác rất khác nhau, dẫn tới những kiện cáo trong nội bộ các đơn vị.
Trong ngành, những đơn vị mạnh, sở hữu công nghệ lò cao như Tổng công ty Thép Việt Nam, công ty Thép Hòa Phát thì còn có thể vận hành tốt, do có đủ nguyên liệu, vốn. Còn các công ty khác như Vạn Lợi, Đình Vũ đều đã cạn kiệt nguyên liệu đầu vào, sản xuất cầm chừng. Khi chỉ có vài doanh nghiệp có lò cao mua quặng nên ngay cả việc bán quặng sắt ở các địa phương cũng rất khó. Ông Nghiêm Xuân Đa, Phó Tổng giám đốc Tổng công Thép Việt Nam cho hay, 10 tháng đầu năm, lượng tiêu thụ thép của tổng công ty đã giảm 2,7% so với cùng kỳ, là mức giảm sút đáng kể. Trong đó, thép xây dựng giảm giảm 6,7% so với cùng kỳ. 10 tháng qua, 50% đơn vị trong Tổng công ty Thép chỉ đạt 60% kế hoạch sản xuất năm, nhiều đơn vị phải điều chỉnh kế hoạch 2011 và hiện đã có 3 đơn vị bị lỗ.
Vị Phó Tổng giám đốc này băn khoăn: "Mặc dù phía Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách giảm lãi suất huy động, cho vay nhưng thực tế chúng tôi không thấy giảm. Hiện, lãi suất đi vay vẫn hơn 20%/năm chứ không có chuyện đã xuống 17-19%".
Các DN thép phải tự cứu mình là chính (ảnh P.H)
Khả năng tiếp cận vốn nói chung vẫn rất hạn chế vì các ngân hàng chọn lọc khách để tránh tăng trưởng tín dụng. "Bên cạnh đó là khó khăn ngoại tệ vẫn còn là nỗi lo lớn cho doanh nghiệp. Hai ngày hôm nay, thị trường ngoại tệ lại đóng băng do bị kiểm soát gắt gao. Hiện, trên thị trường đã xuất hiện tình trạng hai tỷ giá khiến cho chi phí vốn của các đơn vị tăng cao lên. Trong 10 tháng, chúng tôi có lãi nhưng có thể chênh lệch tỷ giá trong quý 4 sẽ vét hết khoản lãi này", ông Đa nói. Giảm sản xuất để tự cứu mình trước
Rất thẳng thắn và điềm tĩnh, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, bày tỏ: "Khó khăn cho ngành thép sẽ còn kéo dài nữa. Vì những chính sách của Chính phủ theo Nghị quyết 11 là đúng và sẽ còn duy trì trong thời gian dài tới, thị trường bất động sản đi xuống là do vài năm trước tăng trưởng quá nóng nên cũng sẽ không thể phục hồi nhanh trong ngắn hạn. Nhu cầu giảm nên nguy cơ thép thừa là có".
Theo ông Dương, chúng ta phải học theo thế giới, phải tiết giảm sản lượng cho phù hợp thị trường đang bị thu hẹp. Thep Hòa Phát chiếm thị phần lớn thứ hai ở Việt Nam nhưng hiện cũng chỉ chạy 80% công suất. Co hẹp sản xuất lúc này vừa là để giảm tồn kho, vừa giảm được chi phí năng lượng, tài chính...
Ông Nghiêm Xuân Đa cũng đồng tình cho rằng, các doanh nghiệp cần tiếp tục khảo sát mở rộng thị trường xuât khẩu để hỗ trợ cho phần nội địa bị giảm, đồng thời, tranh thủ tái cấu trúc chính mình, sắp xếp lại các cơ sở lưu thông thép để tiết giảm chi phí. Trong khi đó, ông Hoàng Văn Tòng, Chủ tịch Công ty Gang thép Thái Nguyên cũng cho hay, tiêu thụ thời gian qua của đơn vị chỉ bằng 70-71%. Chúng tôi bắt buộc phải giảm giá thành, từ đầu năm đến nay đã tiết kiệm được tới 150 tỷ đồng so với giá thành kế hoạch đặt ra. Ông Lê Minh Hải, Chủ tịch Công ty thép Việt Đức cho rằng, vấn đề bán phá giá thép trong nước phải được bàn sâu, kỹ. Hiện chúng ta đang lỗ nên phải đi đến vấn đề mấu chốt là phải xây dựng mang lưới bán hàng. Các doanh nghiệp thép lớn nên thành lập nhóm G để bàn bạc và từ đó các công ty nhỏ sẽ theo nhóm G...Do mạng lưới phân phối hiện rất lủng củng, ai cũng chứng minh năng lực sản xuất cao và đưa ra giá không hợp lý. Việt Đức cho rằng, nên đưa ra mức giá có lợi nhuận nhất định.
Trước nhiều giãi bày của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng chia sẻ, khó khăn về lãi suất cao thì Chính phủ đã có nhiều biện pháp. Nhưng phía chủ quan, ngành thép phải tính toán lập hàng rào kỹ thuật phù hợp với đặc thù trong nước, để cạnh tranh được với thép nhập khẩu. Nếu không là ngành sẽ rơi vào cảnh "chúng ta chặt chân chính mình". Các doanh nghiệp phải có đề xuất cụ thể để chúng tôi có tổng hợp hiệu quả.
Phía Bộ Công Thương sẽ cố gắng thương lượng tiếp với Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ cho các doanh nghiệp mặc dù, thép không thuộc diện ưu tiên ngoại tệ.
Năm 2012, tình hình sẽ không khá hơn ngay nên các doanh nghiệp thép phải có liệu liệu mà ứng phó.
"Đương nhiên, Chính phủ và bộ ngành sẽ phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tương lai ngành thép vẫn sáng sủa chứ không phải quá đen tối vì nhu cầu của sản phẩm này trong quá trình phát triển đất nước còn rất lớn, còn nhiều cơ hội phát triển. Mỗi doanh nghiệp cần có giải pháp cụ thể tùy đặc thù của riêng đơn vị mình, nhưng trên tinh thần chung là chấp nhận sắp tới còn khó khăn. Chúng ta phải tự trông mong vào sức mình là chính", Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang nhấn mạnh.
Tái cấu trúc kinh tế: Hóc bài toán lợi ích Tác giả: TS TRẦN VINH DỰ Bài toán thống nhất lợi ích sẽ xuất hiện trong tất cả mục tiêu cải tổ của Chính phủ, từ câu chuyện cắt giảm đầu tư công, cải cách DNNN đến sắp xếp lại hệ thống ngân hàng. Với bất kỳ mục tiêu gì, sẽ có các nhóm lợi ích tìm cách ngăn cản không cho nó thành công - TS. Trần Vinh Dự. Tái cấu trúc kinh tế thật ra đã được nhắc đến ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Và cũng đã có nhiều ý kiến phân tích, đánh giá, góp ý, tư vấn về tái cấu trúc kinh tế Việt Nam, tựu trung ở yêu cầu tăng hiệu quả (và vì thế tăng tính cạnh tranh) của nền kinh tế.
Điều đó thể hiện sự đồng điệu giữa tầm nhìn của xã hội với tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách. Câu chuyện còn lại là làm như thế nào?
Cuộc đổ vỡ trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2007 đã làm nhiều người dần thức tỉnh khỏi giấc mộng dài về triển vọng một sớm một chiều hóa rồng của nền kinh tế. Cộng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu dai dẳng tới tận ngày nay... Dao động cộng hưởng của cả các yếu kém nội tại lẫn môi trường quốc tế bất lợi đã khiến cỗ máy kinh tế Việt Nam liên tục trong bốn năm trải qua rất nhiều khó khăn.
Việt Nam đang phải đương đầu với những cặp nghịch lý như tăng trưởng thấp nhưng luôn quá nóng, tiền tệ và tín dụng bị thắt chặt nhưng lạm phát vẫn cao, nhập siêu vẫn là hội chứng mãn tính và có xu hướng ngày càng nặng.
Áp lực về chi phí liên tục tăng và thị trường đầu ra bị thu hẹp khiến hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, bị ép cả từ hai phía và phần đông hầu như chỉ còn thoi thóp thở. Trong khi đó, một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, thậm chí thua lỗ nặng nề như trường hợp Vinashin hay EVN. Đời sống của đại bộ phận dân chúng đang ngày càng trở nên vất vả hơn do sức mua bị bào mòn vì trượt giá đồng tiền.
Để năng suất nền kinh tế hiệu quả hơn, đòi hỏi tỉ lệ thất thoát trong đầu tư xây dựng phải giảm mạnh. Trong ảnh: cảng Phú Hữu, Q.9, TP.HCM (là cảng mới để di dời cảng Bến Nghé) đến nay vẫn chưa có đường vào cảng, mỗi năm vẫn phải trả 50 tỉ đồng nợ gốc và lãi vay.
Người đứng đầu Chính phủ hôm khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII đã nêu ra một trong những mục tiêu trọng điểm của các năm tới là "đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh".
Riêng trong năm 2012, Chính phủ coi nhiệm vụ hàng đầu là tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát động phong trào tiết kiệm trong toàn xã hội. Mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2012-2015 đã được giảm xuống, trung bình còn 6,5-7%, trong đó riêng năm 2012 chỉ đặt mục tiêu 6-6,5% (trong đó ưu tiên cho phương án 6%).
Tái cấu trúc thế nào?
Trong rất nhiều ý kiến phân tích, đánh giá, góp ý, và tư vấn về tái cấu trúc kinh tế Việt Nam, câu chuyện được nhiều người bàn tới nhất là cắt giảm bớt đầu tư công (trên cơ sở cho rằng đầu tư công là thiếu hiệu quả), cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước (đặc biệt là các tổng công ty và các tập đoàn kinh tế), cải tổ thị trường tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế từ tăng trưởng dựa vào thâm dụng vốn và tài nguyên sang mô hình dựa vào tăng năng suất lao động và giá trị gia tăng, thay đổi hệ thống luật về đất đai (bao gồm cả việc nhìn nhận lại vấn đề quyền sử dụng đất), cải cách hệ thống tiền lương và thi tuyển công chức...
Một phần lớn các nội dung này đã được Nhà nước nhìn nhận và đưa vào chương trình hành động. Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã chỉ ra rằng trong năm năm tới cần tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất là tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.
Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tuần qua cũng cho thấy với nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ xác định ba khu vực trọng tâm là đầu tư công (tập trung thực hiện nghị định 11), doanh nghiệp nhà nước (tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty) và hệ thống tài chính (tập trung vào ngân hàng).
Đây là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự đồng điệu giữa tầm nhìn của xã hội với tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách. Câu chuyện còn lại là làm như thế nào?
Động cơ và lợi ích của các bên tham gia
Những gì thể hiện ra tính tới thời điểm này vẫn là các mục tiêu hơn là một kế hoạch hành động. Ngay cả khi có một kế hoạch hành động thì vẫn chưa có gì bảo đảm là sẽ thành công. Thí dụ, khi đội tuyển bóng đá quốc gia tham gia giải đấu vô địch Đông Nam Á với mục tiêu giành cúp vàng. Kế hoạch hành động trong trường hợp này là sơ đồ chiến thuật chiến lược về sử dụng các cầu thủ của huấn luyện viên trưởng.
Kinh nghiệm mà người Việt Nam thấy được ở đội tuyển bóng đá nước nhà là thua nhiều hơn thắng trong các giải này. Và vấn đề được nhắc tới là chuyện cầu thủ đá không hết mình, thậm chí bán độ.
Đây chính là vấn đề cần bàn: động cơ của các cầu thủ, nói cách khác, lợi ích của các cầu thủ có gắn chặt với lợi ích của đội tuyển hay không? Các cầu thủ có phải có động cơ mạnh mẽ nhất, và duy nhất, là giành chiến thắng cho đội tuyển hay không? Họ có thể gắn bó với nhau để thay vì chơi cuộc chơi tỏa sáng của từng cá nhân, tập trung vào chơi cuộc chơi của đội bóng với tư cách là một tập thể thống nhất hay không?
Một cơ chế cho phép thống nhất các lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm với lợi ích của cả đội tuyển, hay trong trường hợp tái cơ cấu kinh tế, là lợi ích của cả quốc gia, là chìa khóa để bảo đảm rằng các mục tiêu và kế hoạch cải tổ có thể đạt được. Nhưng khi nói tới lợi ích, không thể duy ý chí giống như việc kêu gọi các phong trào và tinh thần tự nguyện của các bên tham gia. Để thống nhất lợi ích, cần có cơ chế nối kết.
Trong trường hợp của đội tuyển bóng đá, đó là cơ chế thưởng nhiều dựa trên thành tích đạt được của cả đội, phạt nghiêm khắc nếu có tinh thần rã đám, chơi cá nhân hoặc bán độ. Quan trọng không kém nữa là tạo hành lang an toàn, bí mật và có lợi để các cầu thủ khi phát hiện đồng đội chơi xấu có thể báo lãnh đạo đội tuyển xử phạt.
Một trong những điều có thể nói là thành công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình gần đây là việc giữ lãi suất tiền gửi ở đúng mức trần 14%/năm. Trước ông, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần muốn thực hiện việc này nhưng không làm được. Hai trong những bí quyết quan trọng của thống đốc là quyết định xử phạt thật nặng tất cả vi phạm và tạo đường dây nóng để bất kỳ ai khi phát hiện vi phạm lãi suất tiền gửi có thể ngay lập tức phản ảnh lên Ngân hàng Nhà nước.
Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước còn khuyến khích và bảo vệ các ngân hàng dám đứng ra "tố" ngân hàng bạn vi phạm. Thống đốc đã thành công trong việc tạo một cơ chế, trong đó lợi ích của các ngân hàng thương mại gắn chặt với mục tiêu của chính sách: các ngân hàng thương mại tuân thủ quy định 14% chắc chắn không muốn các ngân hàng khác cạnh tranh bằng cách huy động trên 14%, vì thế, việc "tố" các hành vi vi phạm này là lợi ích của họ, và lợi ích này trùng khớp với lợi ích của chính sách mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra.
Bài toán thống nhất lợi ích sẽ xuất hiện trong tất cả mục tiêu cải tổ của Chính phủ, từ câu chuyện cắt giảm đầu tư công, cải cách doanh nghiệp nhà nước đến sắp xếp lại hệ thống ngân hàng. Với bất kỳ mục tiêu gì, sẽ có các nhóm lợi ích tìm cách ngăn cản không cho nó thành công. Trong trường hợp đầu tư công, nó là câu chuyện lợi ích của ngành, lợi ích của địa phương, thậm chí là của các nhóm cá nhân hưởng lợi từ các dự án của Nhà nước.
Trong trường hợp sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước, đó là sự mâu thuẫn giữa lợi ích của các bộ ngành chủ quản, của các bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp này, thậm chí là của các cá nhân có trách nhiệm dẫn tới những sai lầm, thất thoát, thua lỗ của các doanh nghiệp này trong quá khứ. Trong trường hợp của hệ thống ngân hàng, đó là lợi ích của các "quyền lực ẩn" đằng sau các ngân hàng này và các doanh nghiệp mà sự sống chết của họ gắn liền với sự hưng vong của các ngân hàng có chức năng bơm máu.
Và như vậy, sau khi Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định về các mục tiêu cải tổ nền kinh tế, hai câu chuyện tiếp theo, quan trọng không kém, là có những kế hoạch triển khai thông minh và tạo ra các cơ chế để đảm bảo sự thống nhất giữa lợi ích của các bên chịu tác động từ các chương trình cải tổ. Không có sự thống nhất này thì các nỗ lực và mục tiêu vênh nhau chắc chắn sẽ làm chương trình cải tổ bị lệch đường ray.
(Thep Tuổi trẻ CN
Bác sĩ đã quen với “văn hóa phong bì”?
Sau khi clip “em bé bị bác sĩ từ chối chữa bệnh vì nghèo” được phát tán, rất đông đảo bạn đọc đã bày tỏ thái độ bất bình, bức xúc. Họ cho rằng, không phải tâm lý “tát nước theo mưa” mà do nhiều câu chuyện từ tai nghe mắt thấy đã khiến họ mất niềm tin với một bộ phận “từ mẫu”.
“Không có lửa làm sao có khói?”
Những ngày qua cư dân mạng truyền nhau đoạn clip ghi lại hình ảnh một bé gái cụ thể là em Lương Thị Kim Thúy (10 tuổi) ở xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi đau ruột thừa bị bác sĩ Bệnh viện Đặng Thùy Trâm (Quảng Ngãi) từ chối chữa bệnh vì không có tiền và hết hạn thẻ bảo hiểm y tế. Clip có thời lượng 4 phút 19 giây được nickname duyhoa.dieuhuyen đưa lên youtobe. Clip đã gây một luồng dư luận phẫn nộ của người dân về thái độ, trách nhiệm làm việc của đội ngũ y, bác sĩ. Trong khi đó y, bác sĩ Bệnh viện Đặng Thùy Trâm cho biết đã xem clip và "bị sốc bởi video sai sự thật" và tất cả “chỉ là hiểu nhầm”.
Hình ảnh trong clip “Em bé bị bác sĩ từ chối chữa bệnh vì nghèo” Hầu hết các comment đều bất bình và kể lại những câu chuyện “mắt thấy tai nghe” của họ về nhiều câu chuyện “chướng tai gai mắt” ở các bệnh viện. Bạn đọc có nickname Hoamoclan cho hay: “Tôi là người dân Quảng Ngãi và tôi cũng đã từng chứng kiến nhiều cảnh bác sĩ thờ ơ ở quê mình nên tôi nghĩ tất cả những gì bạn nhìn thấy là sự thật 100%”.
Bạn đọc Nguyễn Đô bức xúc: "Nhiệm vụ của y bác sỹ là phải cứu người và nhất là trong trường hợp cấp cứu thì cứu người phải đặt lên hàng đầu. Xem qua đoạn clip ta cũng đủ thấy sự tắc trách vô trách nhiệm coi đồng tiền quan trọng hơn tính mạng của một vài người mặc áo blue được giao nhiệm vụ tại bệnh viện này. Cũng may trường hợp xấu nhất cũng chưa xảy ra và em bé đã được mổ".
Bạn đọc Nguyễn Xuân Sơn cũng đồng tình: “Chúng ta có thể chứng kiến những cảnh tượng tương tự ở bất cứ bệnh viện nào hiện nay. Có một lần, tôi vào bệnh viện lớn TP HCM thăm bệnh. Chứng kiến cô gái trẻ bị tai nạn máu chảy ra đầm đìa từ miệng, mũi, tai. Cô gái cứ bị để nằm thoi thóp ngoài hành lang vì không có người nhà ( chỉ có một người đi đường tốt bụng đưa cô vào viện). Chưa có tiền đóng viện phí nên chưa được cấp cứu…”. Bạn đọc Trần Minh Phương không giấu nổi sự bất bình: “Tôi có cô cháu gái bị nhập viện vì đau bao tử, do mẹ cháu nóng ruột vội đi ko mang theo tiền nên bệnh viện nói không đủ thủ tục nên không cho xét nghiệm, cấp cứu. Thế là người nhà của tôi phải chạy ra ngoài cầm đỡ chiếc nhẫn cưới mới lo cho con được khám bệnh. Kể từ đó gia đình chúng tôi không ai muốn vào bệnh viện cả khi nào bất dắc dĩ lắm mới phải vào, con cháu chúng tôi có đau ốm gì thì đi bác sĩ tư hoặc bệnh viện tư nhân”.
“Một lần, anh trai tôi bị tai nạn xe, vỡ xương cằm vào viện chiều thứ 6. Sau khi chụp phim…các bác sĩ kết luận là vỡ xương cằm dưới làm nhiều mảnh cần mổ gấp. Nhưng họ bảo tối thứ 6 thì hết lịch rồi mà thứ 7, chủ nhật thì nghỉ, thứ 2 thì giao ban, bảo anh tôi nằm đó rồi tiếp nước tiêm giảm đau chờ đến thứ 3 thì mổ. Tuy nhiên, khi “có tiền” thì ngay tối đó anh trai tôi được lên bàn mổ, hỏi mọi người như thế thì người bệnh có đặt lòng tin vào bác sĩ nữa không ?, một bạn đọc khác chán nản cho biết.
Cần một cuộc cách mạng về y đức?
Phong bì bệnh viện là nỗi ám ảnh của người bệnh (Ảnh: VietNamNet) Trên báo VietNamNet một bạn đọc ở địa chỉ maimai…@yahoo.com bình luận: “Chuyện clip này đúng sai chỉ có người trong cuộc mới biết nhưng những người dân như chúng tôi, từ câu chuyện này, lại càng thêm bất bình, mất niềm tin về một bộ phận đội ngũ y, bác sĩ hiện nay”.
Trên báo VietNamNet, bạn đọc Quang lam cũng chia sẻ: “Nếu giả sử em bé đó không có bảo hiểm thì chuyện gì xảy ra, cái chết sẽ chờ đợi em nhỏ à? Tôi không phải kẻ cực đoan nhưng những thông tin về y đức của các bác sĩ gần đây thì hình như các người được gọi "bác sĩ như mẹ hiền" ấy không đúng như tên một chút nào?”. Một bạn đọc khác cho rằng: “Dù clip này có sai sự thật, các bác sĩ cũng nên tự hỏi mình vì sao mà người dân ngày càng sợ bệnh viện và bất bình về bác sĩ?”. Trên diễn đàn dành cho các bậc phụ huỵnh, độc giả MinhMinh cho rằng: “Làm sao xóa bỏ được nạn chạy chức chạy quyền trong các bộ ngành rồi hãy nói tới lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Xin vào một bệnh viện, y tá, bác sĩ vừa ra trường cũng tốn cả trăm triệu... Vậy làm sao hỏi họ không nhận phong bì cho được?”.
Bạn đọc ở địa chỉ langtoi..@gmail.com bất bình: “Có lẽ phải có một cuộc cách mạng trong ngành y mới xóa bỏ được tình trạng phong bao, phong bì. Nếu mãi vẫn không có sự thay đổi về chất lượng phục vụ ở các bệnh viện như thế này, thì người dân hoàn toàn mất lòng tin về phẩm hạnh cũng như y đức của các bậc “từ mẫu” này”.
Lê Ngọc (Tổng hợp)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét