7 tháng 11, 2011

MỘT CÂU HỎI XIN ĐƯỢC GỬI ĐẾN CÁC VĂN NGHỆ SĨ LƯU VONG

MỘT CÂU HỎI XIN ĐƯỢC GỬI ĐẾN CÁC VĂN NGHỆ SĨ LƯU VONG TẠI HẢI NGOẠI: “MÁU” NÀO ĐÃ ĐỔ XUỐNG, “MỰC”NÀO ĐÃ VIẾT RA TRONG CUỘC “BỂ DÂU” NÀY?



NGUYỄN THIẾU NHẪN
Dẫn nhập

: Theo tin báo chí, cách đây 2 năm, ngày thứ Hai 4-8-2008, các nhà lãnh đạo Âu Châu đã bày tỏ lòng thương tiếc đối với người đoạt giải Nobel Văn chương Alexander Solzhenitsyn, một nhà đối lập với chế độ cộng sản sống lưu vong, đã nổi danh thế giới qua những tuyên bố lên án chế độ cộng sản.

Ông Solzhenitsyn qua đời vì bệnh tim tại Moscow hôm Chủ nhật, thọ 89 tuổi.
Lãnh tụ cộng sản cuối cùng Mikhail Gorbachev đã mô tả ông Solzhenitsyn là một trong những nhà văn đầu tiên dám nói hết lời về sự vô nhân đạo của chế độ cộng sản dưới thời Joseph Stalin.
Tổng thống Nga Dmitri Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin cũng gởi lời phân ưu. Nữ Thủ tướng Angela Merkel của Đức, người từng lớn lên tại miền Đông Đức cộng sản, đã công bố thông báo ca ngợi nhà văn Nga, đã đóng một “vai trò quyết định” trong sự cáo chung của chế độ Liên bang Sô Viết.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói ông Solzhenitsyn giúp thế giới “mở mắt ra” về thực tế của hệ thống cộng sản Sô Viết.
Tờ Observatore Romano của Tòa Thánh Vatican đã gọi ông là “người chống lại sự ác.”
Sự phản kháng của ông Solzhenitsyn đối với chế độ cộng sản Sô Viết đã khiến Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, năm 1988, thách thức Chủ tịch cộng sản Mikhail Gorbachev cho phép dân Nga đọc các tác phẩm của người mà ông Reagan gọi là “một sử gia và một người vĩ đại”.
Ông Solzhenitsyn đã được chôn cất tại nghĩa trang Donskoye tại Moscow.
Chúng tôi xin đăng tải lại bài viết của nhà văn Nguyễn Thiếu Nhẫn đề cập đến thái độ SÔNG và VIẾT của nhà văn Alexander Solzhenitsyn và các nhà văn lưu vong nổi tiếng của Việt Nam tại hải ngoại 
Và câu hỏi: “MÁU” NÀO ĐÃ ĐỔ XUỐNG, “MỰC” NÀO ĐÃ VIẾT RA TRONG CUỘC “BỂ DÂU” NÀY?”dùng làm tựa bài viết cũng xin được gửi đến nhà văn Võ Phiến và tất cả quý văn thi hữu lưu vong tại hải ngoại.
*
Trải qua một cuộc bể dâu (Kiều)
Máu nào đổ xuống, mực nào viết ra?!
*
Theo ký giả Fred Kaplan của tờ Boston Globe thì dường như văn hào Solzhenitsyn đang bị dư luận trong nước không còn chú ý đến ông như lúc đầu ông mới trở về quê hương nước Nga cách đây một năm.
Khi mới đáp máy bay xuống miền Đông tỉnh Vladivostok vào ngày 27 tháng 5 năm 1994 sau hai mươi năm phải sống lưu vong tại đất nước người, vì bị Đảng Cộng Sản Liên Xô kết tội phản quốc và tống xuất ra nước ngoài, dư luận tò mò quan tâm không biết tương lai sẽ có gì thay đổi: văn hào Slozhenitsyn hay đất nước Nga? Câu trả lời rõ ràng là chẳng có gì thay đổi sáng sủa, tất cả đều giậm chân tại chỗ, ù lì như cục đá nằm yên tại chỗ.
Một năm trước đây, dư luận quần chúng đặt nhiều kỳ vọng nơi văn hào Solzhenitsyn, người được giải thưởng Văn chương Nobel khi nhà văn này tuyên bố không có ý định tìm kiếm một địa vị nào trong bộ máy chính quyền, mà chỉ nuôi tham vọng giữ một vai trò tạo ảnh hướng chính trị thôi. Ông tuyên bố trong buổi họp báo đầu tiên rằng: “Tôi tha thiết muốn được đóng góp cho quê hương, đất nước. Qua những hoạt động công khai, những buổi gặp gỡ tiếp xúc, thuyết phục, và những bài báo phổ biến trên các tạp chí… tôi sẽ cố gắng nói ra thật nhiều những điều mà tôi nghĩ có lợi cho đất nước và dân tộc Nga.”
Ông Gleb Yakunin, một nhà lập pháp thuộc khuynh hướng tự do nói với mọi người khi đề cập đến Solzhenitsyn rằng nếu ngã theo chủ trương quốc gia cực đoan, ông này sẽ có cơ may trở thành một ông Khomeini Nga. Nếu ôn hòa, ông có thể trở thành nhà lãnh đạo tinh thần. Cả hai điều nói trên đều là ảo tưởng không hiện thực.
Lúc mới trở về quê hương, Solzhenitsyn phản ứng tỏ vẻ rất giận dữ về một bài báo đăng trên tờ Moskovsky Kimolest viết rằng ông đã “lỡ mất chuyến tàu”, trước đây bốn hoặc năm năm, có cơ hội để ông có thể đóng một vai lãnh đạo, nhưng nay thì đã quá trễ. Ông bảo rằng: “Tôi nghĩ tôi chọn thời điểm và quyết định trở về đất nước rất đúng lúc. Người ta phải trở về đúng lúc khi thấy người ta có thể nghĩ tới định mệnh của cuộc đời mình.”
Năm nay, Solzhenitsyn 76 tuổi, không đóng được vai trò đối thoại chính trị ngay trên đất nước của ông sinh sống. Một vài nhà báo Nga, khi được hỏi có nghe tin tức gì về Solzhenytsin trong vòng 6 tháng qua không, tất cả đều trả lời là không. Ông ta ít được dư luận quần chúng chú ý tới, chỉ xuất hiện trên một chương trình nói chuyện trên vô tuyến truyền hình diễn ra hai tuần lễ một lần nhưng lại ít khi nào có sự thảo luận.
Nhà văn Solzhenytsin giữ thái độ im lặng hoàn toàn trước vấn đề chiến tranh ở xứ Chechnya, việc Tổng Thống Yeltsin của Nga đã cho quân đội Nga đổ quân tấn công vào xứ Cộng Hòa Chechnya khi xứ này đấu tranh quyết định ly khai, rút khỏi Liên bang các xứ Cộng Hòa Nga. Yegeky Kiselev, một khuôn mặt rất quen thuộc của chương trình truyền hình được quần chúng chú ý theo dõi nói rằng: “Tôi thấy có cái gì kỳ cục, xa lạ đối với một người tự xem mình như là một nhà lãnh đạo tinh thần của quần chúng mà ngậm họng không lên tiếng cho quần chúng biết về thái độ của mình về vấn đề Chechnya.”
Trong cuộc phỏng vấn do một tờ báo thực hiện vào tháng 1 năm 1995 vừa qua, thì
Solzhenytsin tiết lộ một chút ít về lập trường bảo thủ của ông đối với vấn đề các xứ Cộng Hòa trong Liên Bang Xô Viết cũ đấu tranh đòi độc lập. Ông bảo lãnh thổ Nga phải được thống nhất, tuyệt đối không thể chấp nhận việc các xứ Cộng Hòa Miền Bắc nước Nga tách ra đòi độc lập, mà phải xem đó là phần đất của nước Nga.
Trên chuyến xe lửa hành trình kéo dài 8 ngày của ông trên đường tới thủ đô Mạc Tư Khoa, tại Vladivostok, ông có tuyên bố rằng chế độ hiện nay tại đất nước Nga là một chế độ dân chủ giả hiệu, việc cải cách kinh tế tiến hành một cách ngu xuẩn (brainless). Ngay cả về phương diện văn chương, khuôn mặt tác giả của những quyển sách Gulag Archipelago và One Day in the Life of Ivan Denisovich, những tác phẩm đóng góp rất nhiều vào việc đấu tranh làm thay đổi nền tiểu thuyết Nga mà còn góp phần cải tạo lịch sử nước Nga hiện đại cũng không còn là vấn đề trọng tâm nữa. Trong tháng 5 năm 1995, Solzhenytsin cho phổ biến hai truyện ngắn đăng trên tạp chí Novy Mir, nhưng cũng không được độc giả chú ý theo dõi nữa. Các nhà văn trẻ tuổi của Nga ngày nay đặt trọng tâm vào tinh thần hài hước, châm biếm và làm mới cách hành văn, không còn thích thú đọc văn của Solzhenytsin nữa. Nhiều nhà văn còn tỏ ra không thiện cảm với việc nhà văn đoạt giải thưởng Nobel trở lại với văn đàn Nga. Nhà văn Lev Anninsky, một bình luận gia, Chủ tịch Ban Giám khảo Giải Thưởng Văn Chương Tiểu thuyết Nga, vẫn xem Solzhenytsin như “một nhà văn lớn của thế kỷ 20” cho biết những truyện ngắn mới đây được đăng trong Novy Mir ở dưới mức trung bình, không gây được ảnh hưởng lớn lao nữa.
Yuri Buida, một nhà văn trẻ nổi tiếng cho biết ông ta vẫn kính trọng tài năng của Solzhenytsin, “nhưng Solzhenytsin đã thuộc về một thế hệ khác, ở một thời đại khác.”
Như chúng ta đã biết, Solzhenytsin, nhà văn được giải thưởng Văn Chương Nobel với toàn bộ tác phẩm như Quần Đảo Ngục Tù, Một Ngày Trong Đời Ivan Denisovich. Bằng một lời văn sáng sủa nhưng hàm xúc chuyển hết tất cả vĩ đại của một người tù trong việc đối kháng lại chế độ chính trị khủng khiếp, toàn bộ tác phẩm của nhà văn là những lời tố cáo trước dư luận thế giới tội ác man rợ của chủ nghĩa cộng sản phi nhân. Cuối cùng, chế độ đó đã sụp đổ ngay tại cái nôi của nó là đế quốc đỏ Liên Xô,
 Trong suốt thời gian bị trục xuất, nhà văn đã viết quyển Red Circle (Vòng Tròn Đỏ) 5 ngàn trang để tiếp tục tố cáo tội ác man rợ của chủ nghĩa cộng sản. Và nhà văn đã giữ lời hứa chỉ trở về quê hương khi chế độ cộng sản tại quê hương của ông ta sụp đổ.
Việt Nam cũng có một nhà văn đoạt giải thưởng Văn chương Quốc Gia (dĩ nhiên không thể so sánh với giải thưởng Văn chương Nobel) nhưng cũng là giải thưởng văn chương của một quốc gia. Theo tin tức báo chí được viết ra ở nước ngoài thì, sau 30 tháng 4 năm 1975, nhà văn này đã “đeo băng đỏ”, hướng dẫn “công an nhân dân” đi bắt “văn nghệ sĩ… phản động” để lập công với nhà cầm quyền Việt Cộng. Rốt cuộc chẳng được trả công bèn buồn tình dẫn vợ con xuống thuyền vượt biển Đông. Tàu bị cướp Thái Lan. Chuyện tàu bị cướp Thái Lan thì thân phận đàn bà, con gái trên tàu ra sao mọi người đã rõ. Sau một thời gian ở quê người nhà văn này lại tuyên bố sẽ trở về Việt Nam “để tìm chất liệu sáng tác”, vì, ra nước ngoài nhà văn đã cạn nguồn sáng tác, cả chục năm chỉ in được vài tập truyện. Chuyện “Trăm hoa vẫn nở trên quê hương” như thế nào, mọi người đều đã biết. Chuyện “giao lưu, hợp lưu” như thế nào, mọi người đều đã biết. Năm rồi, nhà văn này lại đứng tên chung với người em là một nhà văn ở trong nước để xuất bản một tập truyện (1). Chuyện này trong họ ngoài làng đều đã biết. Người tôi vừa đề cập trên là nhà văn Nhật Tiến.
*
Tuần qua, theo tin báo chí có cuộc hội thảo “Bể Dâu” ở San Francisco do Vũ Đức Vượng tổ chức. Tưởng cũng nên nhắc lại là năm rồi Vũ Đức Vượng đã tổ chức triển lãm VietExpo và bị đồng bào biểu tình phản đối. Theo tin báo chí thì “nhóm văn học với danh hiệu là “Ink and Blood (Mực và Máu)” dự trù sẽ trình bày hai chủ đề. Phần thứ nhất có tựa là A Soldier Named Tony D. thực hiện bởi Nguyễn Quý Đức dựa vào câu chuyện ngắn của nhà văn Việt Nam còn ở trong nước tên là Lê Minh Khuê. Nhà văn này cũng có mặt vào dịp hội thảo này. Phần thứ hai là bình văn lấy từ cuốn tuyển tập truyện ngắn “The Other Side of Heaven” (Phía Bên Kia Thiên Đường) phần này trình bày bởi các nhà văn Hoa Kỳ Wayne Karlin, George Evans và các nhà văn Việt Nam Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái.
Cuốn “The Other Side of Heaven” là một tuyển tập gồm 18 truyện ngắn nguyên bản Anh ngữ và có một số dịch ra từ Việt ngữ. Nhà văn Hoa Kỳ Wayne Karlin đã cùng Trương Vũ (tại Hoa Kỳ) cùng tuyển chọn các truyện ngắn của các nhà văn Mỹ và nhà văn Việt Nam, cả trong lẫn ngoài nước để phát hành. Nhà xuất bản Curbstone Press bình luận rằng đây  là một tuyển truyện về hậu chiến Việt Nam “đau thương nhưng cũng kỳ diệu.”
12 truyện ngắn của tác giả Việt Nam thì gồm có 4 truyện ở trong nước (Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái) và 8 truyện của nhà văn Việt Nam hải ngoại (Võ Phiến, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Mộng Giác, Trần Vũ, Nguyễn Xuân Hoàng, Andrew Lâm, Phan Huy Đường và Lai Thanh Hà).
Tại vùng Vịnh Cựu Kim Sơn, các ông Nguyễn Quý Đức, Andrew Lâm thường được coi là các cây viết Anh ngữ còn trẻ, có khả năng, có quan niệm phóng khoáng về các lãnh vực chính trị kể cả chính trị Hoa Kỳ hay Việt Nam. Cả hai đều tự cho là không bị ràng buộc bởi những ân oán xưa cũ của chiến tranh Việt Nam.
Đặc biệt, ông Nguyễn Quý Đức là con trai của cụ Hoàng Liên, tác giả hồi ký “Ánh Sáng và Bóng Tối” đã viết về thời gian lâu dài mà cụ bị kiên giam bởi Cộng sản Việt Nam. Cụ bị bắt từ trận Mậu Thân tại Huế lúc đang giữ chức Đại biểu Chính phủ Miền Trung Việt Nam. Hiện cư ngụ tại San Francisco (hiện nay đã qua đời). Còn ông Andrew Lâm, ký giả viết cho báo giới Hoa Kỳ đã được nhiều giải bình luận nổi tiếng lại là con trai của cựu Trung tướng Lâm Quang Thi nguyên là Tư lệnh phó Quân Đoàn I và hiện cư ngụ tại Milpitas.”
*
Viết là một cách bày tỏ thái độ chính trị. Ai cũng có quyền thương yêu, thù hận trong đời. Ai cũng có tự do chọn lựa đi bên này sông hoặc bên kia sông. Cũng có người chọn giữa dòng mà đi.
Tôi xin “chào thua” cách xuất xử của nhà văn Nhật Tiến – người mà nhà văn Mai Thảo gọi là “người đứng ngoài nắng” – nhưng bây giờ ông lại chọn đứng vào bóng tối!
Tôi cũng xin bày tỏ lòng “cảm phục” với các ông Nguyễn Quý Đức, Andrew Lâm – những người “tự cho là không bị ràng buộc bởi những ân oán xưa cũ của chiến tranh Việt Nam (sic!)”; nhưng cụ Hoàng Liên Nguyễn Văn Đãi và cựu Trung Tướng Lâm Quang Thi chắc hẳn phải có niềm cay đắng với “những ân oán xưa cũ của chiến tranh Việt Nam!?”
Tôi cũng rất cảm phục thái độ thẳng thắn của nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã chọn làm người-đi-vào-bên-trong để đọc tham luận về vai trò của văn học hải ngoại. Phải công nhận nhà văn Nguyễn Mộng Giác rất can đảm và thẳng thắn khi viết trong bài tham luận những dòng chữ sau đây:
“… Khi nhận lời mời của Đại học San Francisco đến tham dự cuộc hội luận này, tôi biết rõ những gì bạn bè của tôi đang nghĩ và sẽ làm. Cái chỗ tôi đang ngồi, những điều tôi sắp nói, nhiều nhà văn có uy tín xứng đáng hơn tôi để ngồi ở đây. Nhưng không ai muốn tự đưa mình vào tình thế khó khăn, không ai muốn bận tâm về những chuyện tranh luận thị phi, nên cuối cùng tôi trở thành một người hết sức bất thường: không ai ủy nhiệm, cũng không đại diện cho ai cả, tôi lấy tư cách cá nhân của một người cầm bút trình bày một đôi điều về sinh hoạt văn chương của người Việt hải ngoại. Đúng hay sai, cá nhân tôi chịu trách nhiệm cho quan niệm này: Thay vì tẩy chay, vắng mặt trong các cuộc hội thảo về các vấn đề liên quan đến Mỹ và Việt Nam, người Việt hải ngoại cần có mặt để trình bày quan điểm của mình.”
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác là người đã can đảm viết trong tác phẩm “Mùa Biển Động” về hình ảnh người lính Nhảy Dù của quân đội miền Nam đã cắt tai Việt Cộng xỏ xâu để đeo. Nhà văn Lê Minh Khuê cũng là người đã can đảm “cho một nữ nhân vật là thanh niên xung phong miền Bắc ngẩn ngơ vì nụ cười của một tù binh sĩ quan miền Nam” – theo như bài tham luận của nhà văn Nguyễn Mộng Giác đăng tải trên báo chí Việt ngữ ở hải ngoại. Hai nhà văn “can đảm” của hai miền Nam, Bắc gặp nhau tại cuộc thảo luận có “mục đích hàn gắn những vết thương cũ, tiến tới sự thông cảm để tăng cường các giao lưu về văn hóa giữa Mỹ và Việt Nam” là việc nên làm lắm chứ. Có điều gì không ổn để nhà văn Nguyễn Mộng Giác viết: “… cuối cùng tôi trở thành người hết sức bất thường…”?
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác là người đã viết và in hai bộ trường thiên tiểu thuyết Mùa Biển Động và Sông Côn Mùa Lũ (2) và nhiều truyện ngắn, truyện dài ở hải ngoại. Tôi cảm thấy có điều gì không ổn khi ông viết những dòng chữ sau cùng trong bài tham luận như sau:
“Cho nên theo tôi, vấn đề chính là những người có trách nhiệm về chính sách văn hóa Việt Nam có thực sự muốn hàn gắn những vết thương xưa cũ và hòa giải dân tộc hay không? Nếu còn cấm đoán không cho sách báo hải ngoại phổ biến trong nước, hay ít nhất không tạo điều kiện cho những người cầm bút tiếp cận với văn học hải ngoại, thì những lời tuyên bố như trên chỉ là những lời tuyên truyền chính trị.”
Chọn làm người-đi-vào-bên-trong chỉ để đọc bài tham luận có đoạn kết như trên cho mấy nhà văn Mỹ gốc Mỹ, Mỹ gốc Việt và hai nhà văn ở trong nước nghe, theo tôi, nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã làm phí đi nhưng quyển sách mà ông đã viết và in ra, từ bấy đến nay. Tự nhận mình là một người “hết sức bất thường” vào dự một cuộc hội luận chỉ để than van:
“Người miền Nam, một bộ phận quan trọng của dân tộc, vẫn vắng mặt. Họ vẫn bị liệt vào đám đông nhếch nhác của nhân vật phản diện. Họ không được quyền ‘đẹp trai’, càng không được quyền làm mềm lòng cô bộ đội miền Bắc!” và “bắn tiếng” với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam về cái cách “hàn gắn những vết thương xưa cũ và hòa giải dân tộc” với hai nhà văn qua từ Việt Nam là Lê Minh Khuê và Hồ Anh Thái, theo tôi, nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã phí công và phí cả… lòng can đảm! Vì những điều ông Giác nói nhà cầm quyền Cộng Sản đã biết – như ông Giác đã viết: “… Các cơ quan kiểm soát văn hóa theo dõi tường tận sinh hoạt văn chương hải ngoại, nhưng những người cầm bút trong nước biết rất ít về sách báo ngoài này.” Hai nhà văn đi từ Việt Nam phải có giấy phép của Cộng sản Việt Nam. Nếu họ “thực sự muốn hàn gắn những vết thương xưa cũ và hòa giải dân tộc” thì họ cũng phải trở về đạo đạt lên nhà cầm quyền CSVN.
Việc nhà văn Nguyễn Mộng Giác chọn làm người “bất thường” đi-vào-bên-trong đã tạo cho Cộng sản Việt Nam có diễn đàn để tuyên truyền giao lưu văn hóa trong trận “vận động chiến” tấn công vào “mặt trận giao lưu văn hóa” ở hải ngoại.
Khi nhà văn Nguyễn Mộng Giác ung dung đọc bài tham luận đầy những lời hoa mỹ trong cuộc hội luận thì, bên ngoài hàng trăm người “đã phải đối phó với nhiều thử thách khác: cuộc đời tù tội, cảnh gia đình phân ly tan nát, những bi thảm của cuộc vượt biển tìm đường sống, cố gắng làm lại cuộc đời trong một môi trường hoàn toàn khác biệt” đứng trong  trời giá rét của vùng Vịnh Cựu Kim Sơn đưa cao biểu ngữ, hô to khẩu hiệu tẩy chay cuộc hội thảo “Bể Dâu”:
“Ai gây ra chuyện ‘Bể Dâu’
Việt gian, Việt Cộng làm đau dân mình!”
Họ là những máu lệ của đời sống trở thành chữ nghĩa văn chương – theo cách nói của nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Việc làm “can đảm” này của nhà văn Nguyễn Mộng Giác đúng hay sai xin để dư luận phê phán.
Người mà tôi muốn đặt vấn đề trong bài viết này là nhà văn Võ Phiến – người mà theo nhà phê bình Thụy Khuê ở Pháp là người có “uy thế văn nghệ ở hải ngoại”.
Nhà văn Võ Phiến vừa được nhóm Thân hữu Miền Đông tổ chức ngày vinh danh một nhà văn lớn của văn học Việt Nam vào ngày 30 tháng 9 vừa qua.
Sở dĩ tôi đặt vấn đề vì qua cuộc phỏng vấn của chương trình phát thanh Khoa học Kỹ thuật và Nhân văn trên làn sóng 96.7 FM tại Orange County, ông Võ Phiến đã trả lời rằng có người xin phép dịch truyện của ông để đăng trong một tuyển tập và ông bằng lòng.  Vấn đề đặt ra ở đây là tên tuổi của một nhà văn có “uy thế văn nghệ ở hải ngoại” – như ông – lại có tác phẩm xuất hiện bên cạnh những nhà văn ở trong nước nhằm cổ võ việc giao lưu văn hóa. Trường hợp nhà văn Võ Phiến có quyết định làm người-đi-vào-bên-trong – như nhà văn Nguyễn Mộng Giác thì không có gì phải bàn tiếp. Trong trường hợp vô tình vì “có người xin phép dịch truyện của ông để in vào một tuyển tập và ông đồng ý”, xin đề nghị ông lên tiếng về việc làm trí trá này. Chẳng lẽ “tên biệt kích văn hóa” [chữ dùng của Vũ Hạnh để kết tội và mạt sát Võ Phiến ngay khi Cộng sản Bắc Việt chiếm xong miền Nam] đã đổ ra không biết bao nhiêu là MỰC để ghi lại những trang sử đẫm MÁU của suốt chiều dài cuộc nội chiến, ngoại khiển vừa qua là ông mà lại đi dùng “uy thế văn nghệ đầy mình” của mình để tiếp tay cộng sản mở màn chiến dịch giao lưu văn hóa, hay sao? Tôi không tin điều đó.
*
Yuko Mishima, tác giả Kim Các Tự, nhà văn Nhật Bản có tên trong danh sách đề nghị  dự giải văn chương Nobel, người chủ trương nước Nhật phải phục hồi chế độ quân phiệt. Nhà cầm quyền Nhật không thực hiện, nhà văn đã mổ bụng tự sát để bày tỏ thái độ vào năm 1972.
 Solzhenytsin – Kẻ Sống Sót Vĩ Đại – đã giữ tròn lời hứa “chỉ trở về nước khi đất nước không còn chủ nghĩa cộng sản. Vậy mà khi trở về chưa làm được gì cho đất nước đã bắt đầu rơi vào quên lãng của dư luận quần chúng. Điều đáng nói là ông nhà văn nhà này được giải thưởng Nobel về văn chương và bị nhà cầm quyền Xô Viết trục xuất ra khỏi đất nước.
Những người cầm bút các nước khác là như vậy. Còn những nhà văn, nhà thơ “uy thế văn nghệ đầy mình” của chúng ta thì sao?
“Máu” nào đã đổ xuống, “mực” nào đã viết ra trong cuộc “bể dâu” này?!
*
Bài viết này được viết vào tháng 10 năm 1995, và được phổ biến trên rất nhiều báo chí từ California đến Virginia, từ New York đến Houston. Vào  năm 2002 đã được Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Nam Hải Ngoại in và phát hành trong tập tạp luận “Máu Mực Bể Dâu”.
Nhà thơ Thái Tú Hạp, người chủ trương tuần báo Sàigòn Times phát hành tại Los Angeles, đã phổ biến bài viết này. Ông cho biết là nhà văn Võ Phiến đã có đọc bài viết này và vì đang bị bệnh nên nhà văn Võ Phiến hứa sẽ trả lời khi khỏi bệnh.
Mười hai năm qua, không thấy nhà văn Võ Phiến trả lời câu hỏi mà chúng tôi đã nêu ra. 
Người lên tiếng về bài viết này lại là nhà văn Nhật Tiến. Trả lời phỏng vấn của nhà báo Vị Giang của báo Ngày Nay ở Houston, nhà văn Nhật Tiến đã chê bai tôi là: “Một người thiếu kiên nhẫn”, “một ngòi bút bất xứng”, “cho rằng hễ cứ nhân danh chống Cộng là có quyền sử dụng mọi phương cách, xem chuyện bất hạnh vì nạn hải tặc của thuyền nhân như một thứ võ khí dùng để tấn công hay hạ nhục chính những thuyền nhân đó (sic!)”
Tôi đã có bài viết trả lời nhà văn Nhật Tiến và bài viết này cũng được in trong tập tạp luận “Máu Mực Bể Dâu.” Những việc làm xum xoe, bợ đỡ đạo diễn VC Trần Văn Thủy trong quyển “Nếu Đi Hết Biển”, nhà văn Nhật Tiến đã lộ rõ bộ mặt hôn đít bạo quyền (kiss asser) của mình. Trước kia tuyên bố Việt Cộng là những kẻ “không có tâm địa con người”, nay, lại xách mé gọi những người Việt Quốc Gia tỵ nạn cộng sản là “những cái đầu đong đá”. Những việc làm này chứng tỏ Nhật Tiến là một nhà văn hoạt đầu!
Cùng một giuộc với nhà văn Nhật Tiến, nhà văn Hoàng Khởi Phong, (kẻ đã cùng với Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Hữu Liêm, Đặng Tiến, bác sĩ Nguyễn Ý Đức, Phan Huy Đường… đã được William Joiner Center “trả công bội hậu” bằng cách cho tham dự việc viết lại căn cước đỏ cho người Việt Quốc Gia tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại) đã tự nhận mình là “kẻ trốn chạy tổ quốc” (sic!).
Cùng với nhà văn Nguyễn Mộng Giác, kẻ đã được cán bộ văn hóa cao cấp của VC là Mai Quốc Liên cho phép in và phát hành trường thiên tiểu thuyết “Sông Côn Mùa Lũ”, nhà văn Nhật Tiến cũng đã được VC cho phép in chung với người em là nhà văn Nhật Tuấn một tập truyện ngắn.
*
Theo tin báo chí thì, “Võ Phiến Tuyển Tập”  của nhà văn Võ Phiến vừa được ra mắt tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt vào chiều Chủ nhật 28 tháng 1 năm 2007 vừa qua .
Buổi ra mắt sách này đã thu hút khoảng hai trăm văn thi hữu từ nhiều nơi tới…
Nhiều văn thi hữu đã lên bầy tỏ những điều mình hiểu, mình biết về nhà văn Võ Phiến như Nguyễn Mộng Giác, Mai Kim Ngọc, Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Tường Thiết, Trần Dạ Từ.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác, tác giả của hai bộ trường thiên tiểu thuyết đã có nhận xét rằng:
“Truyện ngắn của Võ Phiến đọc xong thấy ngơ ngác bần thần, không là niềm vui mà là những nỗi buồn ngổn ngang. Nhân vật của ông (Võ Phiến) là những người dân quê xấu xí, vụng về. Họ đã ám ảnh chúng ta vì họ không tìm được nơi trú sở giống như chúng ta… Võ Phiến muốn cảnh tỉnh chúng ta về hiểm họa Cộng Sản.” [sic!]
Và “Sau cùng nhà văn ngoài 80 tuổi đời, trên 60 tuổi viết đã lên tình tự cùng văn giới và đồng hương. Ông khá xúc động mà đưa ra sự phân vân rằng: “Xưa, như cả Nguyễn Du  chẳng có ai ra tuyển tập mà sao bây giờ thì ào ạt. Phải chăng là nhằm để bảo toàn văn phẩm đương đại , trước những chấn động thời thế với ‘chiến tranh cách mạng’ từ chủ nghĩa CS với ý thức hệ khác đã làm tốn hao xương máu và phá hủy đi nhiều nền văn hóa khi chủ trương tiêu diệt những nền văn hóa khác. Nên “Tuyển Tập” đã là hầm trú ẩn trước những tàn phá này.”
Và nhà văn Võ Phiến kết luận: “Dù là tuyển tập tác phẩm hay tác giả thì sau này cũng sẽ kéo về hồi hương.”
Theo ký giả Nguyên Huy, người tường thuật buổi ra mắt sách thì “Toàn thể trên hai trăm người tham dự đã đứng cả dậy vỗ tay khi Võ Phiến chấm dứt phát biểu, để biểu tỏ tấm lòng chân (trân?) quý của mình với một nhà văn có tài đã bỏ nhiều tâm huyết mà “nói hộ”cho cả một thế hệ trong một giai đoạn lịch sử quá nhiều thương đau, bi thiết cho dân tộc và đất nước.” (Tuần báo Việt Tribune số 40 từ 02 đến 08-02-2007).
*
Nhà văn Võ Phiến, người “có uy thế văn nghệ đầy mình” – nói theo cách nói của nhà phê bình Thụy Khuê, rất xứng đáng được hưởng những tràng pháo tay của những người tham dự buổi ra mắt “Tuyển Tập Võ Phiến” vừa được tổ chức vào cuối tháng 1 năm 2007 tại Nam Cali.
Có điều tôi không hiểu, cũng như tôi đã nêu thắc mắc trong bài viết này cách đây 12 năm khi nghe nhà văn Võ Phiến trả lời với chương trình phát thanh Khoa học Kỹ thuật và Nhân văn phát trên làn sóng 96.7 FM tại Orange County là “có người xin phép dịch truyện để đăng trong một tuyển tập và ông bằng lòng.” Vấn đề tôi đặt ra ở đây là tên tuổi của ông, một nhà văn “có uy thế văn nghệ ở hải ngoại” – như ông – lại xuất hiện bên cạnh những nhà văn ở trong nước (như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái) trong tuyển tập The Other Side of Heaven ( tạm dịch Phía Bên Kia Thiên Đường) được đem ra thảo luận trong cuộc hội thảo “Bể Dâu” tại  Đại học San Francisco do tên tay sai VC Vũ Đức Vượng tổ chức để mở màn trận “vận động chiến” tấn công vào mặt trận giao lưu văn hóa tại hải ngoại. (Xin được không đề cập đến việc làm của những nhà văn có truyện in chung trong tuyển tập này như Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Xuân Hoàng, Trần Vũ… trong bài viết này. Để biết về việc làm của các nhà văn này, độc giả có thể tìm đọc quyển “Thiên Hạ Phong Trần” của Nguyễn Thiếu Nhẫn do nhà xuất bản Tiếng Dân phát hành vào năm 2005).
“Dù là tuyển tập tác phẩm hay tác giả thì sau này cũng sẽ kéo về hồi hương”.Chúng tôi có thắc mắc về câu phát biểu đã được cả trên 200 người vỗ tay tán thưởng này của nhà văn Võ Phiến. Theo chúng tôi được biết thì, cả hai nhà văn Nguyễn Mộng Giác, Nhật Tiến đã phải xum xoe, bợ đỡ, cạy cục xin xỏ mới được VC cho phép in và phát hành tập truyện ngắn “Quê Nhà, Quê Người” và truyện dài “Sông Côn Mùa Lũ” ở trong nước. Và theo nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, người đã bị VC không cho vào Việt Nam khi dẫn phái đoàn du sinh từ một đại học ở Úc đến Việt Nam, đã phát biểu trong cuộc hội thảo Văn Học Việt Nam Hải Ngoại được tổ chức tại tòa soạn Việt Báo ngày 27-1-2007 (mà chính nhà văn Võ Phiến có tham dự), đã phát biểu như sau: “Không nên chờ đợi trong nước nhắc nhở tới văn học hải ngoại bởi chính quyền CS đã phủ nhận văn học hải ngoại và ngay cả nền văn học của miền Nam trước đây.”
Và nếu là vậy thì, không biết chừng nào “Dù là tuyển tập tác phẩm hay tác giả thì sau này cũng sẽ kéo về hồi hương?” 
Năm nay nhà văn Võ Phiến, theo bài báo thì đã trên 80 tuổi đời. Mười hai năm trước, năm 1995, chúng tôi có lên tiếng về việc ông đã để ai đó lợi dụng “uy thế văn nghệ đầy mình” của ông để dịch và in một truyện ngắn trong tuyển tập “Theo Other Side Of Heaven” cùng với các nhà văn ở trong nước để mở màn trận vận động chiến tấn công vào mặt trận giao lưu văn hóa tại hải ngoại.
Nhà văn Võ Phiến đã im lặng từ bấy đến nay.
Đến nay các bộ mặt hôn đít bạo quyền của các nhà văn Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Khởi Phong, Nhật Tiến, Trương Vũ (tức Trương Hồng Sơn, người đã dịch các truyện ngắn từ Việt ngữ sang Anh ngữ để in trong quyển “Phía Bên Kia Thiên Đường”)… đã lộ rõ trong vụ Trung tâm William Joiner Center do tên Việt gian Nguyễn Bá Chung thuê mướn hai cán bộ VC Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Huệ Chi viết tờ “căn cước đỏ” cho 3 triệu người Việt tỵ nạn Cộng Sản và đã bị “người tù kiệt xuất” Nguyễn Hữu Luyện và 11 nguyên đơn đứng ra kiện WJC.
Nay, ra mắt “Tuyển Tập Võ Phiến”, nhà văn 80 tuổi với “uy thế văn nghệ đầy mình” lại nói lời tự ru mình và ru người: “Dù tuyển tập tác phẩm hay tác giả thì sau này cũng kéo nhau hồi hương!
Sau này là bao giờ? Chẳng lẽ lại “hồi hương” theo cái kiểu của ông Nguyễn Cao Kỳ hay nhạc sĩ Phạm Duy? Hay là nhà văn Võ Phiến sẽ gửi “Tuyển Tập Võ Phiến” hồi hương trước theo cách làm của các nhà văn Nguyễn Mộng Giác, Nhật Tiến, Bùi Vĩnh Phúc (3)?!
NGUYỄN THIẾU NHẪN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét