6 tháng 11, 2011

Mặc Áo Dài Đi …Yêu Nước

Mặc Áo Dài Đi …Yêu Nước

Trần Mạnh Hảo
Hình ảnh cô gái trẻ trong đoàn biểu tình đã làm thẫn thờ các PV nước ngoài

Thân mến tặng các hoa hậu áo dài biểu tình yêu nước : Minh Hằng, Phương Bích, Kim Tiến
Khi chảy qua Hà Nội, sông Hồng mặc áo dài hồng đào đi tết biển Đông. Nước ta trên bản đồ thon dài, nửa như cánh võng mắc trên bờ Thái Bình Dương, nửa như một tia chớp trên bầu trời nhân loại. Nước ta dài như thế nên các sông cũng rất dài. Thời gian một nghìn năm bị mất nước của dân tộc ta cũng rất dài. Các cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược của nhân dân ta từ chống Hán,  Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh , bành trướng Bắc Kinh…cũng là trường kỳ kháng chiến, nghĩa là rất dài. Con chim Lạc trên trống đồng biểu tượng dân tộc Việt có cái cổ kiêu sa đầy thẩm mỹ rất dài. Bên cạnh tứ tuyệt thất ngôn bát cú, cha ông ta xưa kia còn sáng tác nhiều truyện thơ Nôm rất dài, vũ khí là nỏ thần và ngọn giáo dài, những cọc nhọn cắm sông của Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo rất dài. Người Việt ra biển đi cà kheo làm chân rất dài. Những điệu hò đêm trên sông nước như mái nhì, ví dặm, hò khoan thường cũng rất dài; với tâm thức của triết lý nhân sinh : "Thức lâu mới biết đêm dài"... Nếu phải ngồi điểm danh về các món "dài học", thì kẻ học trò dài lưng tốn vải này có thể kể ra hàng nghìn dẫn chứng. Chừng như hồn vía của thẩm mỹ dài đất nước nghìn năm cùng dồn tụ trong mùa xuân mưa bụi thả vạt áo đài đi tết trời xanh ?...
Tùy bút áo dài của tôi xin mở đầu với khởi nguồn văn hóa dài ấy. Áo dài làm phụ nữ Việt Nam kéo dài sự trẻ trung, duyên dáng, kéo dài sắc đẹp ra tới vô cùng trời đất. Áo dài làm người phụ nữ đi mà như bay, đứng mà như liệng, vừa kín đáo lại phô bày, vừa đoan trang vừa quyến rũ... Nhìn hàng trăm nữ sinh trong áo dài trắng đến trường buổi sáng, tôi hình dung ra mây trắng bay là là trên đường phố: Mây trắng trôi vào lớp học, mây trắng quần tụ những sân trường, mây trắng ngồi trên xe đạp, phóng trên honda, mây trắng về nhà hiện thành những cô Tiên, cô Tấm. Biết đâu người đầu tiên biến đổi chiếc áo tứ thân thành áo dài đã lấy mây trắng làm cảm hứng thời trang. Những chiếc áo dài trắng mắc trên đỉnh trời, vắt qua đèo, vắt qua sườn núi, khiến núi non trời đất cũng diện áo dài trắng mùa xuân.
Nhưng có khi chính là dòng sông chảy qua làng uốn lượn mềm mại... có thể đã khiến cho người đầu tiên nào đó muốn cắt thế tung bay của đòng sông ra làm hại vạt áo mà thiết kế ra chiếc áo dài Việt Nam chăng ? Cũng có thể chiếc áo dài đẩu tiên ấy lại hồng hào ửng đỏ phù sa pha giữa các gam màu đỏ hoa đào và nâu đất ? Người Việt mình bao giờ cũng mang hình ảnh dòng sông trên người trong hai vạt áo dài tung bay sau trước, phỏng không thi vị và giàu ý nghĩa triết lý lắm sao ? Hai khúc sông hòa theo nhịp bước trên đường thiên lý của lịch sử, hai vạt áo tiền hô hậu ủng tạo thế âm dương hài hòa cân bằng, khiến con người như được chắp thêm đôi cánh của hư và thực, quả là nét đẹp vô cùng của văn hóa Việt Nam. Khi người bước đi, vạt áo dài trước đã bay về phía tương lai, khi đôi chân đang thì hiện tại và vạt áo dài sau vừa trở thành quá khứ mất rồi. Mặc chiếc áo dài trắng bước đi, người Việt Nam đã đồng thời mang theo mình ba thì của thực tại, thì tương lai và quá khứ tung bay trước sau, nâng đỡ đôi chân hiện tại một cách hào hoa làm nên triết lý áo dài Việt Nam thâm thúy và lãng mạn biết chừng nào ? Ẩn mình trong chiếc áo dài đầy ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc ấy, người Việt Nam tìm lại gốc gác mình, tìm lại những vật tổ lông của mình là con chim bay trên trời kết hợp với giao long bay dưới nước. Chiếc áo dài làm con người vừa là mình, vừa giống như chim bay trên mặt đất và giống cá bơi trên cạn, lại vừa là mây bay, vừa là gió thổi, là hài hòa kết hợp văn hóa núi và văn hóa nước, văn hóa trời và văn hóa đất, văn hóa chim và văn hóa rồng, thành văn hóa áo dài muôn năm Việt Nam.
Ngay từ thời thơ ấu, tôi đã nhìn thấy mẹ mình mặc chiếc áo dài mà quê tôi gọi là áo chùng đến nhà thờ đi lễ. Chiếc áo dài mẹ mặc chỉ chút xíu là chạm đất, tôn dáng mẹ lên cao gầy uyển chuyển. Đồng thời thi thoảng đi chợ hay đi giỗ chạp ma chay, mẹ tôi vẫn mặc chiếc áo tứ thân nghìn xưa dân tộc. Chiếc áo tứ thân cũng là một kiểu áo dài xưa với hai vạt trước đều nhau, thường buộc chéo nhau theo tinh thần thắt lưng buộc bụng của dân tộc Việt Nam bao đời chịu thương, chịu khó. Cái nết buộc chéo của hai vạt áo tứ thân ngoài biểu trưng của chiếc thắt lưng, của sự nén lại, ấn xuống theo tinh thần hướng nội nghĩ bằng bụng Việt Nam. Nó còn nhắc nhở người phụ nữ luôn nhớ tới bổn phận, giới tính mình với bao nhiêu ràng buộc, bao nhiêu cấm kỵ của xã hội phong kiến, của nếp gia đình, chồng chúa vợ tôi. Và cái nút buộc phận số trước eo thon của thân hình "dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên" kia còn có ý che đi cái đẹp thân xác, giấu đi nét nở nang taọ hóa của thẩm mỹ người đàn bà. Hai vạt trước buộc chéo vào nhau của áo tứ thân đã buộc người phụ nữ vào chế độ phong kiến trọng nam khinh nữ, vào bổn phận thấp hèn, đầu hè xó bếp của thân phận đàn bà xưa như chiếc lạt buộc đóm mạ mà Nguyễn Du đã phải kéo lên: "Đau đớn thay phận dàn bà". Chiếc áo dài hôm nay thoát từ chiếc áo tứ thân dân tộc nhưng đã biết các phá tan hai nút buộc của hai vạt trước, nối chúng lại thành một vạt dài lênh đênh theo thân hình uốn lượn "Đứt thôi lại nối thấp đà lại cao" của thân thể người đàn bà Việt Nam mà tung bay với tinh thần đề cao, tụng ca phụ nữ. Chiếc áo dài thon thả hôm nay chính là phản ánh tinh thần giải phóng phụ nữ, đưa vẻ đẹp người đàn bà Việt Nam lên đỉnh điểm mây trời, khoe dáng vẻ và tâm hồn phái đẹp cho cỏ hoa còn phải mê man, ghen ty.
Ngay từ thủa một mình biết tự đi nhà thờ mẹ tôi đã may cho tôi một chiếc áo chùng trắng (áo dài). Ở xứ đạo chúng tôi thời ấy, đàn ông con trai cũng mặc áo chùng đi nhà thờ như phái nữ. Tất nhiên áo dài con gái thì phải may ẻo lả và duyên dáng hơn áo dài con trai. Nhưng đàn ông lớn tuổi mặc áo dài the thì gọi là áo lương, áo thụng, với đầu đội khăn xếp (khăn đóng). Tôi đã mặc áo chùng đi nhà thờ khi sáng sớm và buổi tối mỗi ngày. Cho tới ngày sống trong rừng, rồi suốt những năm ở rừng tôi không có dịp được ngắm chiếc áo dài tung bay trước gió. Trong tôi những ngày nằm hầm tránh bom đạn trong rừng, ngoài bưng biền, hình ảnh chiếc áo dài bao giờ cũng đồng nghĩa với hình ảnh hạnh phúc, sum họp của hòa bình. Có lúc, nhớ áo dài đến dài cổ, tôi ngồỉ một mình ngắm con suối tung bay muôn tà áo dài trắng của rừng xanh núi thẳm. Tôi nhìn thấy những vực núi mặc áo dài trắng ào ạt đổ thác xuống thời gịan vĩnh cửu mây ngàn. Tôi đã thấy đôi chim công mặc áo dài vũ hội xòe vạt thiên nhiên ra hình quạt phía đuối với những hoa văn mà Sỹ Hoàng, Minh Hạnh thời nay dù có phép tiên cũng không thêu dệt nổi, nhảy múa bài ca tình ái cực kỳ quyến rũ của loài công. Tôi đã nhìn thấy cây gùi, một loài cây leo khá lớn trong rừng trang trí chiếc áo dài của mình bằng màu chín đỏ của trái chín rừng rực đổ từ ngọn cây cổ thụ xuống như mưa gló... Tôi mang chiếc áo dài của rừng xanh trên lưng mình trong hình ảnh chiếc dù bông màu cỏ úa ngụy trang về thành phố Sài Gòn giữa ngày 30-04-1975. Những ngày đầu thống nhất đất nước ấy, tôi bị biển áo dài trên các giảng đường đại học vây bủa trong những lần đến đọc thơ, áo dài miền Nam, áo dài Sài Gòn với tôi lúc ấy thật lạ lùng khêu gợi.
Áo dài thủa trước gần chấm đất đã được cuộc cách mạng lưng lửng Sài Gòn kéo lên dưới đầu gối chừng mười lăm hai mươi phân, làm cho vẻ áo dài chợt chông chênh, lắt lẻo như cầu tre gập ghềnh khó đi của thon thả, của đứt đoạn mây trời pha chút buông thả hớ hênh. Chiếc áo dài lưng lửng xuân, lưng lửng gió, lưng lửng kín, lưng lửng hở Sài Gòn đã chinh phục cả nước gần hai mươi năm, tạo ra nét thẩm mỹ chông chênh chìm nổi của bồng bềnh tung hứng gió bay và mắt nhìn cũng theo gió, theo vết đứt đoạn của cách tân áo dài bay đi cùng cảm hứng xuân xanh. Những ngày đầu giải phóng, cơn lũ lụt áo dài trắng sinh viên cuốn tôi đi tý nữa chìm nghỉm, tý nữa chết đuối trong vạt áo dài văn khoa đầy hoa bướm của khung trời Duy Tân đại học.
Hai mươi năm qua áo dài lưng lửng phủ đầu gối chừng như nhớ thuở ngày xưa gần chấm đất nên nó đột ngột quay về nẻo Diễm xưa, nẻo gái tân thời 32-45 cùng tân thời thơ mới, tân thời thư tình và tân thời lưu bút của văn chương mực tím xa xôi thời Đồng Khanh, Trưng Vương, Gia Long... lồng lộng tà áo dài tung bay cùng buổi tan trường. Người ta lại kéo áo dài xuống gần chấm đất để đôi chân hay đôi giò cao chân sếu nữ sinh viên được tham dự vào dòng chảy thẩm mỹ áo dài mà thêm yêu kiều nữ tính. Áo dài lưng lửng lãng mạn sau khi trôi dạt trong đứt đoạn khoe chân, theo thẩm mỹ hơ hớ nay bỗng nhuần nhụy quay về nét cổ điển xưa mà mộng mơ trong ẩn dụ đa tình, trong vỏ bọc của mây bay gió thổi. Áo dài như sông chảy qua mùa khô của thời gian cạn nước, nay lại quay về mang hồn vía mùa mưa mà tràn đầy hai vạt mến yêu. Tôi đã viết bài thơ tặng người đẹp càng đẹp hơn trong chiếc áo dài thi ca, áo dài hội họa, và áo dài của sông nước chiêm bao :
Dòng đời con nước vào qua
Trái tim mắc cạn trong tà áo bay !
Cỏn con một sợi lông mày
Mà đem cột trái đất này vào anh
Chiếc áo dài như dòng sông thời gian, dòng sông của cái đẹp chảy qua người đàn bà làm trái tim nàng bị mắc cạn hay chính vì có dòng sông tuyệt vời kia làm cánh đàn ông phải chết đuối trong tà áo dài, để trái tim đa tình mình muôn năm bị mắc cạn trên đó ? Xem cuộc biểu diễn thời trang của mùa xuân đi tết, tôi biết thêm rằng áo dài đang hóa thân vào cuộc sống hôm nay, như niềm tự hào cho cái đẹp vĩnh cửu của một đất nước mặc áo dài với hai vạt Trường Sơn, Biển Đông làm nên lịch sử Việt Nam. Chiếc áo dài ấy không chỉ là triết học sống mà còn là văn hóa, là lịch sử thẩm mỹ Việt Nam trôi chảy trên thân hình con cháu bà mẹ Âu Cơ kiều diễm. Chiếc áo dài ấy là tâm hồn tôi vừa hoá mây trời, hóa mùa xuân gió thổi lênh đênh đi tết cùng sông Hồng yêu dấu...
Sông Hồng đang mặc chiếc áo dài dân tộc mà đi…yêu nước ngoài biển Đông, giữ nước ngoài biển Đông, giữ lấy Hoàng sa, Trường Sa như giữ lấy những gì mà Minh Hằng, Phương Bích, Kim Tiến …đang dấu yêu và gìn giữ.,.
TRẦN MẠNH HẢO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét