20 tháng 11, 2011

DÂN TỘC TÍNH VIỆT NAM

DÂN TỘC TÍNH VIỆT NAM

Trên Báo Tổ Quốc, tác giả Nguyên Thạch viết: Bản tính dân tộc? Ai biết xin giải thích. Tôi đọc rồi ngẫn ngơ! Suy nghĩ cả buổi mà không ra. Cái ông Nguyên Thạch nầy đúng là đá nguyên con, hay nguyên chất. Ông chơi cắc cớ, ném một phát mà trúng cả làng.
Nghe câu hỏi tỉnh bơ của ông thấy phát nực. Thuở đời nhà ai, mình là người Việt Nam rặt lại đi hỏi dân tộc tính nhà mình là gì? Nhưng mà nghĩ lại thấy ông Đá nầy cũng có lý. À, chắc là ông Thạch muốn nói: Quí ông cứ nói tới nói lui về cái dzụ “ Truyền thống Dân tộc “. Vậy nó là cái giống gì, nói thử tui nghe!? Con mẹ nó ( Xin lỗi ông Thạch, tui gốc nhà quê, ưa nói ba chữ đó như tiếng cằn nhằn khi cực chẳng đã phải làm việc gì trái khoáy chớ chẳng phải chửi thề ) đã thế thì tự kiểm điểm bản thân, xem từ thuở cha sanh, mẹ đẻ đến ngày lưu lạc xứ ngươi, ông, bà, cha, mẹ, thầy cô, làng, xóm, nghĩa là cả xã hội VN đó dạy dỗ, rèn cặp mình những gì!?
                                                  TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC
Tôi sanh ra nơi quê ngoại, làng Bưng Cầu, tên chữ là Tương Bình Hiệp, quận Châu Thành, Tỉnh Thu Dầu Một, tên chữ là Bình Dương. Ba đi mần thầy ký dưới Chợ Thủ, ở nhà với má. Má tui là gái quê, chỉ đọc thông quốc ngữ. Nhưng bà lo dạy dỗ con từ thuở còn thơ. Bà chỉ dạy tui hai điều: Một là không được dối trá. Hai là sống cho có nghĩa, có nhân. Cho nên thuở nhỏ chơi rắn mắt chuyện gì cũng được, nhưng mà hể nói láo là bị đòn nứt đít. Còn chuyện sống cho có nghĩa, có nhân thì thuở nhỏ chưa biết, lớn lên, ra đời làm việc, đối đải với người mới biết.
Năm lên sáu, cắp cặp đệm, học trường làng. Cậu tui học lớp nhì, trường Tỉnh, kêu cháu lại dạy. Hể vô trường mà thấy hai chữ Quốc Gia thì phải hiểu: Quốc là nước, gia là nhà. Quốc gia là nước nhà mình, là ơn thủy, thổ, tấc đất, ngọn rau. Phải ráng lo học, mai sau đáp đền. Tui nghe vậy thời hay vậy, nhưng chuyện nầy to tác quá, cứ để đó, tính sau.
Vô lớp chót, chưa rành mặt chữ nên thầy dạy đọc ca dao cho dễ thuộc rằng:
                                    Công cha như núi Thái sơn
                                    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
                                    Một lòng thờ mẹ, kính cha
                                    Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Lên lớp nhi trường làng đã đọc thông chữ nên thầy dạy cách ngôn bằng chữ hán việt:
                                        Ấu bất học, lảo hà vi
Thầy diễn nôm là: Nhỏ mà không học, lớn lần sao ra. Thằng Cu, con dì năm, ra giờ chơi,lên mặt song tàng, phụ đề cho thằng Đực tui rằng: Nhỏ mà không học, lớn làm cu li. Nó nói như vậy là rõ ràng. Đúng là học thầy không tày học bạn!
Hồi đó, học lớp hai là đã bặp bẹ tiếng Tây. Thầy dạy: Mình là người Việt Nam. Tụi Tàu đô hộ khinh thị kêu là An Nam. Tây dịch là anamite. Vậy, đừng nói Je suis anamite mà phải nói là Je suis Vietnamien.
Một bửa, Tây đi “bố” (hành quân) về, dừng quân ở rừng me trước trường. Thằng Đực thấy lính Marốc cầm súng trường Mas 36 giống như có hai nòng ngồ ngộ nên mon men lại ngó nghiêng. Thấy vậy, thằng lính Marốc nghi ngờ, ngoắc lại gần, hỏi: Es-tu vietminh?
Thằng nhỏ nghe lời thầy dạy, dõng dạc đáp: Non, je suis Vietnamien. Thằng lính săn đá thất học, biết cóc gì vietnamien. Nó chỉ biết chữ Anamite thôi, cho nên nó trợn cặp mắt trắng dã, một tay thộp cổ thằng nhỏ. Tay kia rút dao găm sáng giới, kề cổ đứa nhỏ, nạt: Es-tu vietminh? Thằng Đực sợ quá khóc ré, vừa khóc vừa la: Non, je suis Vietnamien.
Biết rằng, chỉ cần nói Anamite thay vì Vietnamien là yên thân, nhưng vì không chịu để người khinh thị trẻ em Việt Nam nên dù sợ vẫn không lùi bước!
Thoát nạn rồi, về khoe với cậu. Cậu biểu: Được, mầy làm vậy được!
Qua năm sau, ban đêm việt minh lần mò về xóm, ba dời nhà về chợ Thủ. Thằng Đực bây giờ là thằng Nhơn, học lớp ba trường Tỉnh. Lúc nầy đã đọc, viết được chút ít tiếng Tây nên thầy dạy cách ngôn tiếng Pháp: Aides-toi toi même et Dieu t’aidera. Giảng nghĩa nôm là: Hãy tự giúp mình trước, rồi Trời mới giúp mình sau. Cũng giống như phải học chính tả, ngữ pháp cho thông trước, đừng đợi khi ra thi gặp bài “trúng tủ.”
Lên lớp nhất là lai rai Truyện Kiều:
                                   Trăm năm trong cỏi người ta             
                                   Chữ tài chữ mạng khéo là ghét nhau
Thì cũng giống như học tài, thi mạng vậy mà!
Rồi là Đồ Chiểu, Lục Vân Tiên:
                                    Trai thời trung hiếu làm đầu
                                    Gái thời tiết hạnh là câu trau mình
Cái dzụ hiếu để thì nghe tới, nghe lui dài dài. Còn như cái vụ trung với ai thì thầy dạy thật kỷ:  Hai chữ “trung quân” cần phân biệt : Minh quân thì trung, Bạo chúa thì diệt. Lại nữa cũng cần phân biệt: Vua với nước. Đối với Đất nước thì lúc nào cũng phải trung.
Cho nên, lớn lên gặp thời xã nghĩa, tà quyền VC, vâng lời dạy già Hồ hô khẩu hiệu: Trung với đảng, hiếu với dân, mới tức mình … chửi.
Học mệt quá rồi, mong mau tới ngày bãi trường, nghỉ hè:
                                       Năm năm mỗi lần nghe hè tới
                                       Khi ve sầu rã rít bên song cửa lớp
                                       Cây điệp già trỗ bông đỏ ối trước sân trường
                                       Lòng trẻ thơ rộn rả bôn chôn
Rộn rả là khi còn ngồi lớp dưới, trông mau tới ngày lễ bãi trường để xem các anh các chị lớp trên diễn kịch. Bôn chôn là khi học lớp nhất, tự mình sắm vai diễn để các em lớp dưới xem. Mà có gì đâu! Năm nào cũng như năm nấy, gái thời diễn kịch Hai bà Trưng, trai thời Hội nghị Diên Hồng. Nhưng mà tâm trạng người xem mỗi năm mỗi khác.
Ở tuổi 7, 8 khi thấy quân Bà Trưng rượt Tô Định chạy sút giày, sút dép, quăng cả mủ mảng, áo bào thì reo cười hỉ hả. Lớn lên ở lớp nhì, lớp nhất, nghe lời truyền Hịch của Hai Bà đâm ra suy nghĩ:
                                            Một xin trả sạch nước thù
                                            Hai xin thu lại nghiệp xưa họ Hùng
                                            Ba kẻo oan ức lòng chồng
                                            Bốn xin vẽn vẹn sở công lịnh nầy
Tuy phạn nữ nhi nhưng làm tướng cầm quân, chỉ rõ mục đích ra quân có lớn có nhỏ, có trước có sau: Trước tiên là thù nước, kế đến sự nghiệp dòng họ, sau rốt mới thù nhà. Chỉ xin được bấy nhiêu thôi!
Về kịch Diên Hồng thì cũng như vậy. Lúc nhỏ, chỉ biết reo hò “quyết chiến” để  đáp lại câu vấn “hòa hay chiến” trong điệp khúc Diên Hồng. Lớn lên, khi nghe câu mở đầu ca khúc, thấy rúng động trong lòng;
                                                 Toàn dân nghe chăng
                                                 Sơn hà nguy biến
                                                 Hận thù đằng đằng
                                                 Biên thùy rung chuyển
Vậy đó, tuổi thơ của tôi được dạy dỗ là như vậy: từ học hỏi tính tốt làm người cho đến lòng tự hào dân tộc chí đến truyền thống yêu nước, chống xâm lăng. Từ gia đình, cha mẹ, họ hàng cho chí đến thầy, cô đều hết lòng dạy bảo.
Lên trung học thì cũng như vậy, nhưng được dạy dỗ cho biết suy luận, thấu hiểu sâu hơn. Có khi đặt vấn đề về thái độ sống trực tiếp tiếp hơn. Tôi còn nhớ câu chuyện có quan hệ dến vận mạng chính mình  vào năm học Đệ tứ niên. Ai đi học cũng biết Lục Vân Tiên là tập thơ mộc mạc giảng về luân lý. Có những câu bình dị đến phải mĩm cười:
                                               Khoan khoan ngồi đó chớ ra
                                               Nàng là phận gái ta là phận trai
Vậy mà không hiểu sao Thầy dạy Việt văn lại chọn hai câu làm đề tài nghị luận:
                                               Người nay có khác xưa nào
                                               Muốn ra ai cấm muốn vào ai ngăn
Quí cô, quí cậu mà không thuộc bài gặp hai câu nầy ắt lâm vào cửa tử. Cái dzụ đi dzô, đi ra tự do tầm phào làm sao “nghị luận” cho thành bài văn đây?! Thật ra, hai câu nầy nói về quan niệm “xuất, xử” của kẻ sĩ thời xưa. Sau khi “đại đăng khoa”, nghĩa là đỗ cử nhơn tiến sĩ rồi thì làm gì? Xuất chính, ra làm việc quan hay lui về ở ẩn, dạy học, vui thú gió trăng? Hồi đó, gã thanh niên gốc nhà quê tui còn hăng hái lắm nên lý luận đứng về lập trường xuất chính theo kiểu ngạo nghễ của Uy Viễn Tướng công:
                                                Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
                                                Lưu thử đan tâm chiếu hãn thanh
Cho nên năm 1959, sau khi thi đậu tú tài toàn phần, liển nạp đơn thi tuyển vào Học viện Quốc Gia Hành Chánh Saigon. Ngày khai giảng, gặp thằng bạn người Bắc cùng học Đệ nhất Pe’trus Ký mới hỏi: Học món nầy ra làm cái gì, mày? Nó nghênh mặt bảo: Ra làm “quan huyện”, mầy. Quan quyền đâu chưa thấy chỉ thấy như vầy. Câu đầu tiên về môn Công vụ, Thầy Tôn Thất Trạch giảng: Bổn phận người công bộc là: Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu. Rồi suốt giảng khóa Thầy cứ nói đi nói lại về phục vụ “công ích, công thiện”, nghe mà phát nản. Nhưng khi ra đời làm việc mới nhớ ơn thầy. Ở đời, kẻ có quyền thường hay lạm dụng. Nhờ nhớ lời Thầy dạy nên ráng giữ mình cho ngay chính. Còn nữa, cụ Đốc phủ sứ Bùi Quang Ân, khi đó là Giám đốc Thực tâp khuyên: Trong nghề Hành chánh, có hai con đường tiến thân. Một là con đường tắt, tiến tới mau lắm, nhưng phải khuất thân, lòn cúi. Con đường kia thì gian nan hơn, có khi đi hoài không tới nhưng giữ được tư cách làm người. “Qua” khuyên các em chọn con đường thứ hai mà đi! Tui nghe lới cụ khuyên, cày một hơi suốt hơn 11 năm vẫn ở y một cấp chức vụ Phó quận trưởng, Trưởng ty. Mãi đến năm 1973 mới phủi chân lên làm Phó Tỉnh. Cái vụ Phó tỉnh nầy cũng lắm gian nan.
Một bửa trên đường đi công tác, ông Tổng trưởng Bộ Nội vụ vui miệng kể: Khi đi du hành quan sát Đoài Loan, ông hỏi một ông xã trưởng: Nhiệm vụ xã trưởng là gì? Ông xã trưởng xứ Đài mau mắn đáp: “Y, thực, trú, hành”. Diễn nôm là Ăn-Mặc-Ở và Đi lại.
Nghe nói vậy tôi bổng thấy thương các bác già trưởng Ấp của tôi. Học hành chữ nghĩa thì ít mà huấn thị, công tác thì nhiều. Ở xứ người ta giàu có, thanh bình, xã trưởng chỉ lo có bốn việc. Ở xứ VNCH khốn khổ của tôi, Trưởng Ấp được giao cho toa thuốc làm việc ấp kêu là kế hoạch xây dựng ấp gồm 3 tiêu chuẩn, 8 công tác theo câu thiệu như vầy:
Ba Tiêu chuẩn là: Tự phòng-Tự quản-Tự túc phát triển ấp.
Tám công tác gồm có: I/TỰ PHÒNG 2 công tác 1/ lập hàng rào bảo vệ ấp 2/ tổ chức đội Nhân dân tự vệ.   II/TỰ QUẢN 3 công tác: 1/ lập hương ước 2/ bầu Ban Trị sự 3/ xây dựng trụ sở ấp   III/ TỰ TÚC PHÁT TRIỂN 3 công tác 1/ Dự án tự túc chăn nuôi heo, gà, ao cá 2/ xây trường học sơ cấp ấp 3/ xây dựng bệnh xá ấp  (1)
Đành rằng công việc có cán bộ lo nhưng bác già trưởng ấp mà không lo đốc thúc, nhất là  giữ cho được an ninh, không thôi là du kích VC kéo vô phá phách, thì công việc khó hoàn thành.
Đáng lẽ ra tôi còn có thể kể lể đôi điều về các chương trình Phát triển cộng đồng, Khẩn  hoang lập ấp, Người cày có ruộng, nhưng sợ rườm lời nên xin vắn tắt như vầy:
Thầy dạy, trò học vốn là Khoa Quản trị Hành chánh Công quyền Âu Mỹ nhưng vẫn lồng
vào đó một số quan niệm đạo lý theo truyên thống Việt Nam, thể hiện qua công tác:
        Lập Hương Ước: Tái lập truyền thống “Phép vua thua lệ làng” hay nói theo ngôn ngữ hiện đại là nguyên tắc “ Địa phương phân quyền”. Một yếu tố quan trọng bảo đảm cho chế độ dân chủ.
         Nhà họp dân: Thể hiện lại truyền thống “Cái Đình”, nơi kỳ hào, dân làng họp nhau bàn việc làng, việc nước. Đó là tinh thần dân chủ truyền thống.
         Tỉnh Điền: Thiết kế đồ án khu khẩn hoang theo mô thức Tỉnh điền truyền thống nghĩa là mỗi  khu gồm 50 hộ dân, với  một giếng khơi dùng chung,thể hiện tình làng, nghĩa xóm. Nói theo kiểu hiện đại là tinh thần cộng đồng.
                                             ĐÔI LỜI BỘC BẠCH
Tôi vừa đem việc học, việc làm của cả đời mình, vẽ nên đôi nét về nhân cách, truyền thống Việt, chỉ kể mà không dám xác quyết đâu là tự tính dân tộc. Nhưng bỗng nhiên trực nhớ câu lẩm liệt Bình Ngô Đại Cáo:
             “Đem Đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy Chí Nhân mà thay cường bạo”
Trong phần đầu thuật lời mẹ dạy: Sống cho có nghĩa, có nhân, những tưởng là việc nhỏ giữa mẹ con. Nhưng trên đây là lời Đại cáo của nhà Vua ban bố cho toàn dân, nêu cao Đại nghĩa và lòng Nhân hậu Dân tộc, thiết tưởng có thể xác định tự tính NHÂN NGHĨA của dân tộc.
Như vậy coi như đáp ứng một phần câu hỏi của tác giả Nguyên Thạch: Bản tính dân tộc là gì? Còn mệnh đề thứ hai: Ai biết xin giải thích thì như vầy. Gã nhà quê tui thiệt tình là không dám giải thích mà chỉ giải bày theo như mình biết. Nhân là tình thương ấp ủ trong lòng. Đem tình thương từ trong lòng ra đối đãi với người cho phải lẽ thời kêu là nghĩa. Vậy, giữa người và người lấy tình thương đối đãi nhau cho phải lẽ là thực hành đạo lý Nhân Nghĩa. Biết bao nhiêu thì nói bấy nhiêu, thật không dám cho rằng mình thật biết.
Tôi lớn tuổi, chậm lụt rồi, phải mất mươi bửa vừa suy nghĩ vừa gõ máy viết bài nầy, không phải đơn thuần là để đáp lời ông Nguyên Thạch. Sở dĩ viết bài nầy đóng góp với ông vì thấy ông nói phải cày thêm job để kiếm  tiền in sách về tự  tính dân tộc để biếu cho đồng bào trong nước đọc. Cũng xin nói thêm, tôi viết nửa chừng, mệt quá tính xù. Nhưng đọc bài “ Chỉ dấu ngày tàn của một chế độ” của ông, tôi thấy ông với tôi chừng như cùng một ý: Mong muốn mau lật đổ bạo quyền VC để sớm gầy dựng lại truyền thống Nhân Nghĩa của dân tộc nên mới nắn nót kết thúc bài viết nầy. Nhưng mà ông Thạch đừng lo. Đồng minh của ông trong nước nhiều lắm. Các lời bình trên trang mạng trích dẫn Diên Hồng, Bình Ngô Đại cáo nhiều lắm. Có người viết nguyên bài đề tựa “ Hãy vực lại truyền thống Diên Hồng” hẳn hoi. Khi các cuộc biểu tình gặp khó khăn, nhiều ngưới đọc ca dao, “mong sao chân cứng đá mềm” dài dài. Để kết thúc, tôi cũng đọc câu ca dao nầy nhưng tích cực hơn:
                                 Quyết cho chân cứng đá mềm
                              Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng
                                              Nguyễn Nhơn
                                                 20/11/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét