Blogger trong nước viết thỉnh nguyện thư đòi trả tự do cho Điếu Cày
...Ủng hộ anh ấy, mình muốn nói với nhà cầm quyền rằng cho dù có bắt bớ và đàn áp, những tiếng nói sự thật sẽ không bao giờ mất đi, sẽ cùng lên tiếng tạo lên sức mạnh để đè bẹp những sự dối trá. Hãy cùng nhau lên tiếng và ủng hộ những người bị nhà cầm quyền bắt giữ trái phép... Nếu vì ký tên mà bị ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc hằng ngày, mình vẫn chấp nhận. Mình nghĩ sự hy sinh của mình rất nhỏ so với 3 năm trời anh Điếu Cày đã phải ở trong trại giam. Mình chấp nhận tất cả những hệ lụy gì nếu có. Nếu mình không lên tiếng vì sự oan sai của người khác, đến lúc nào đó, sự oan sai đến với mình, ai sẽ là người lên tiếng? Mình cứ lên tiếng đi. Thể hiện đúng con người, bản chất của mình thì vẫn tốt hơn là phải câm nín.
Trà Mi - VOA - Cộng đồng blogger tại Việt Nam phát động chiến dịch thu thập 1 ngàn chữ ký trong nước trong vòng 1 tháng cho thỉnh nguyện thư gửi tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, yêu cầu trả tự do cho blogger Điếu Cày, người bị giam giữ quá hạn tù hơn một năm nay, không rõ nguyên do, không rõ tung tích.
Hình: http://danlambaovn.blogspot.com/
Anh Điếu Cày thọ án 30 tháng tù về tội danh ‘trốn thuế’ sau những bài viết và các hoạt động phản đối Trung Quốc xâm lấn chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa. Đồng sáng lập ra Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, anh được biết đến như một tiếng nói chống tiêu cực mạnh mẽ, bất khuất, một trong những người đi đầu phong trào dân báo trong nước từng nhận được giải thưởng nhân quyền quốc tế Hellman/Hammett do tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch trao tặng. Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Thanh Niên hôm nay, 3 bạn trẻ nằm trong số những người ký tên đầu tiên vào thư thỉnh nguyện chia sẻ tình cảm của họ đối với blogger Điếu Cày và bày tỏ bức xúc trước việc làm khuất tất của chính quyền.
Quốc Anh: Mình là Quốc Anh, ở Nha Trang.
Nhật Thành: Tôi là Nguyễn Huy Nhật Thành, ở Sài Gòn.
Sỹ Hoàng: Mình tên Vũ Sỹ Hoàng, đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn.
Trà Mi: Nằm trong số 100 người đầu tiên ký tên vào thỉnh nguyện thư kêu gọi tự do cho Điếu Cày, các bạn biết đến anh Điếu Cày như thế nào?
Nhật Thành: Mình mới biết anh Điếu Cày trong năm nay. Khi mình nhận thức về vấn đề chủ quyền và nguy cơ ngoại xâm, mình biết được anh Điếu Cày như là một người tiên phong vào năm 2007 đã lên tiếng nói bảo vệ chủ quyền, chống lại nguy cơ ngoại xâm.
Sỹ Hoàng: Điếu Cày có các bài viết thể hiện chính kiến về việc bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa- Trường Sa. Mình rất nể phục con người quả cảm như anh. Việc anh đã quá hạn tù mà vẫn không được trả tự do và cũng không biết tin tức về anh khiến mọi người bức xúc. Pháp luật Việt Nam đáng lẽ phải bênh đỡ người dân yêu nước, đằng này lại vi phạm trắng trợn như vậy thì không được.
Quốc Anh: Năm ngoái, mình biết đến anh Điếu Cày từ trên mạng. Giờ mình biết rõ hơn về anh qua việc nhà cầm quyền giữ anh quá hạn tù.
Trà Mi: Anh Điếu Cày bị tuyên án 30 tháng tù về tội ‘trốn thuế’. Lên tiếng ủng hộ một người phạm tội về kinh tế, các bạn có thắc mắc và tìm hiểu kỹ về việc này không?
Sỹ Hoàng: Anh là một blogger dám nói lên những điều nhiều người không dám. Mình ủng hộ anh vì quyền tự do ngôn luận. Có thể anh vi phạm ‘trốn thuế’, nhà nước có thể bắt, nhưng phải trả tự do đúng hạn định.
Trà Mi: Giả sử có vấn đề nào đó nảy sinh trong thời gian anh bị giam cầm, khiến anh bị giữ lại để tiếp tục điều tra. Ý kiến các bạn thế nào?
Sỹ Hoàng: Điều gì xảy ra cũng phải công khai cho mọi người biết, không thể ém nhẹm như thế, phải công bố thông tin.
Quốc Anh: Muốn giữ tiếp phải công bố công khai cho người ta biết chứ sao lại ém nhẹm như vậy? Vụ án ‘trốn thuế’ cũng chỉ là mạo danh. Nhà nước mình không dám công khai trực tiếp bắt anh về tội yêu nước, nên nghĩ ra một tội danh nào đó để bắt anh. Đó là hành động rất hèn của nhà nước mình, giống vụ án 2 bao cao su của ông Cù Huy Hà Vũ. Mọi người đều biết.
Quốc Anh: Anh Điếu Cày qua các bài viết đã nêu lên chính kiến về chủ quyền đất nước. Anh đã đi biểu tình chống Trung Quốc. Năm 2008, anh chống rước đuốc Bắc Kinh qua Việt Nam, giăng biểu ngữ trước nhà hát thành phố. Một người dám sống hết mình, dám lên tiếng khẳng khải và không bẻ cong ngòi bút thì rất xứng đáng để mọi người, nhất là giới trẻ, tôn trọng và noi gương theo.
Trà Mi: Ký tên vào thỉnh nguyện thư, ở Việt Nam, là điều không mấy phổ biến và hơi nhạy cảm. Nhiều người cũng ngại không muốn tham gia vì sợ bị ‘để ý’. Vì sao các bạn dám ký tên vào bức thỉnh nguyện thư đòi trả tự do cho một nhân vật bị chính quyền ‘lưu ý’ như vậy? Các bạn có e sợ điều gì bất lợi cho bản thân mình không?
Nhật Thành: Anh Điếu Cày thật sự là người vô tội và yêu nước, là người có công khơi dậy tinh thần yêu nước. Là người gắn bó với quê hương Việt Nam, không lý do gì mình không ủng hộ một người yêu nước và vì yêu nước, dám hy sinh tự do của bản thân, như anh Điếu Cày. Biểu lộ sự lên tiếng của mình thông qua 1 chữ ký kiến nghị là một đóng góp rất nhỏ, không là vấn đề gì đối với mình. Nếu vì ký tên mà bị ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc hằng ngày, mình vẫn chấp nhận. Mình nghĩ sự hy sinh của mình rất nhỏ so với 3 năm trời anh Điếu Cày đã phải ở trong trại giam. Mình chấp nhận tất cả những hệ lụy gì nếu có. Nếu mình không lên tiếng vì sự oan sai của người khác, đến lúc nào đó, sự oan sai đến với mình, ai sẽ là người lên tiếng? Mình cứ lên tiếng đi. Thể hiện đúng con người, bản chất của mình thì vẫn tốt hơn là phải câm nín.
Sỹ Hoàng: Mình đồng ý với Thành. Mình luôn cố gắng sống theo sự thật, tôn trọng sự thật. Mình ủng hộ và noi gương Điếu Cày, dám sống cho những điều đúng đắn. Khi mình ký tên như vậy, mình đang làm chuyện đúng, không gì sai phạm cả.
Trà Mi: Mời Quốc Anh. Ngoài sự ủng hộ dành cho anh Điếu Cày, đối với nhà cầm quyền, những người bắt giữ anh, cũng như đối với công luận, đặc biệt là những người trẻ, Quốc Anh muốn gửi thông điệp gì?
Quốc Anh: Ủng hộ anh ấy, mình muốn nói với nhà cầm quyền rằng cho dù có bắt bớ và đàn áp, những tiếng nói sự thật sẽ không bao giờ mất đi, sẽ cùng lên tiếng tạo lên sức mạnh để đè bẹp những sự dối trá. Hãy cùng nhau lên tiếng và ủng hộ những người bị nhà cầm quyền bắt giữ trái phép.
Trà Mi: Ở Việt Nam từng có một vài trường hợp gửi thỉnh nguyện thư tập thể, nhưng không mang lại kết quả gì, ngoài việc người ký tên hoặc người đề ra thỉnh nguyện thư bị ‘để ý’. Các bạn có hy vọng nhiều không cho thỉnh nguyện thư của mình?
Quốc Anh: Thật sự mình không hy vọng nhiều vào việc họ thả anh Điếu Cày. Rất nhiều người biết anh ấy bị bắt trái phép và oan ức, nhưng chỉ dừng lại ở sự thông cảm thôi mà không hành động. Ký tên vào thỉnh nguyện thư có thể bị làm phiền, nhưng mình không thể nào chỉ dừng lại ở sự cảm thông, chờ đời. Hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất là ký tên. Mọi người hãy cùng ký tên đi. Quan trọng là mọi người dám thể hiện mình. Đơn giản một chữ ký mà mọi người không hành động thì tất cả đều vô nghĩa.
Trà Mi: Nếu được sự hồi âm của người nhận thư, điều này có ý nghĩa thế nào đối với các bạn. Còn trong trường hợp không có được sự hồi âm nào cả, điều đó có ý nghĩa ra sao?
Nhật Thành: Nếu nhà cầm quyền có hồi âm thì đó là điều đáng mừng vì bấy lâu nay họ chỉ im tiếng là chính. Còn ngược lại, cũng không sao vì người dân Việt Nam chỉ muốn nói một điều là những người quan tâm, những người yêu nước không chấp nhận hành động của chính quyền.
Sỹ Hoàng: Điều mình làm, nếu thấy đúng, mình cứ làm. Nếu cứ trông đợi có kết quả mới làm thì bao giờ mới bắt tay vào hành động?
Trà Mi: Mình đặt giả thiết là trong trường hợp không may Điếu Cày tiếp tục bị giam giữ vì một tội danh nào khác nữa, sự tự do cho anh không sớm gần, các bạn suy nghĩ gì về điều này và sẽ có hành động cụ thể thế nào hơn nữa?
Nhật Thành: Gửi thư đến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vì tụi mình còn một niềm hy vọng mong manh. Thông qua tất cả các lãnh đạo, chỉ thấy ông Sang là người hiện tại thể hiện chính kiến về chủ quyền biển, đảo thông qua các phát biểu của ông và việc gần đây nhất là ông đi Ấn Độ tìm kiếm sự hợp tác về dầu khí. Mọi người đang rất trông chờ vào duy nhất Chủ tịch Trương Tấn Sang có hành động rõ ràng và lắng nghe người dân. Sự tồn vong của dân tộc quan trọng nhất là hợp lòng dân.
Quốc Anh: Nếu anh Điếu Cày tiếp tục bị giam, mọi người sẽ đặt câu hỏi nghi vấn rằng nhà cầm quyền đã làm gì anh rồi chăng mà không chịu trả tự do ngay cho anh?
Trà Mi: Trong trường hợp đó, các bạn có thể làm gì hơn nữa, hữu hiệu hơn, nếu nỗ lực này không thành?
Sỹ Hoàng: Mình vẫn tiếp tục viết bài thể hiện chính kiến của mình trên blog, noi gương Điếu Cày, sống hết mình cho những gì mình tin là đúng. Nếu ai cũng như Điếu Cày thì thật sự xã hội mình sẽ quá tốt. Nhà cầm quyền không thể bắt hết tất cả mọi người.
Trà Mi: Ý Hoàng là cộng đồng mạng sẽ tiếp tục lên tiếng qua những bài viết trên mạng. Các bạn khác có ý kiến nào khác không?
Nhật Thành: Nếu việc lên tiếng cũng không thành, vấn đề còn lại chỉ còn phải đi đòi người thôi, và việc này còn tùy thuộc vào sự thể hiện của mỗi người.
Trà Mi: Sự giam giữ đối với anh Điếu Cày tới nay vẫn kéo dài và bí ẩn. Suy nghĩ của người trẻ về việc này thế nào?
Nhật Thành: Mình cho rằng người ta đang ù lì vì không đủ cơ sở, chứng cứ để kết tội. Còn nếu thả anh sau thời gian quá hạn giam giữ như vậy sẽ thể hiện sự vô trách nhiệm và không thỏa đáng. Cho nên họ bắt buộc phải giam anh tiếp vì chưa biết phải đối diện với dư luận sau khi thả anh ra như thế nào.
Trà Mi: Thành cho rằng nguyên nhân do sự ‘tiến thoái lưỡng nan’ của chính quyền. Các bạn khác có suy nghĩ nào khác không?
Quốc Anh: Có thể nhà cầm quyền đã làm hại anh Điếu Cày. Mình có đọc thông tin rằng anh đã bị mất tay. Mình càng nghi ngờ hơn khi thấy chính quyền giữ anh lâu như vậy.
Sỹ Hoàng: Mình cũng nghĩ là nhà cầm quyền đang lúng túng không biết xử lý thế nào. Thứ hai, lý do anh bị bắt cũng liên quan đến việc anh chống Trung Quốc liên quan đến Hoàng Sa-Trường Sa. Hiện thời điểm này, ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng đang rất căng thẳng. Nếu thả anh ra vào lúc này sẽ ảnh hưởng ngoại giao. Ngoài ra, do sức ảnh hưởng của anh Điếu Cày đối với cư dân trên mạng, nếu anh được tự do lúc này, có thể anh sẽ có những việc làm khiến nhà nước không thích.
Trà Mi: Trong trường hợp dự đoán của Quốc Anh đúng sự thật, người trẻ có suy nghĩ thế nào? Phản ứng của các bạn ra sao?
Quốc Anh: Chắc chắn giới trẻ càng thêm phẫn uất vì nhà cầm quyền đã bắt người vô tội mà còn làm hại như thế, chứng tỏ nhà cầm quyền quá nhỏ bé, hèn yếu, và nhẫn tâm. Chắc chắn dư luận sẽ không để yên cho chuyện này.
Trà Mi: Vụ án anh Điếu Cày nhìn chung có ý nghĩa, tác động, ảnh hưởng thế nào đối với người trẻ?
Quốc Anh: Nó lột tả được sự thật rằng nhà nước này là nhà nước thế nào. Bộ mặt của chính quyền được phơi bày cho toàn thế giới thấy. Và một ý nghĩa khác nữa là vụ án này làm cho mọi người thức tỉnh trước hiện tình của đất nước. Nhiều người sẽ biết đến sự thật hơn.
Sỹ Hoàng: Anh Điếu Cày là một người tiên phong và mọi người sẽ nhìn vào để thấy được đâu là điều cần phải noi theo. Lý tưởng mình đặt ra, dù chông gai, dù khó khăn vẫn đi. Đó là niềm khởi hứng để mọi người dám sống cho những điều họ biết chắc là đúng. Sẽ có nhiều người nhìn ra điều đó, và như vậy, sẽ tạo thành một phong trào lây lan, mọi người dám bảo vệ và nói lên những điều đúng đắn.
Nhật Thành: Điếu Cày là tảng đá lót đường cho phong trào bảo vệ chủ quyền, chống xâm lược. Dù anh bị giam, nhưng tinh thần của anh vẫn duy trì đến bây giờ. Bây giờ nhiều người nhận thức về vấn đề chủ quyền hơn. Đó là thành công mà mọi người phải nhớ đến anh, một nguồn cảm hứng rất lớn trong phong trào bảo vệ chủ quyền.
Trà Mi: Mời quý vị và các bạn chia sẻ ý kiến và bình luận với độc giả khắp nơi về câu chuyện này trong mục Tạp chí Thanh Niên trên trang www.voatiengviet.com. Tạp chí Thanh Niên nằm trong phần ‘Chuyên mục đặc biệt’ giữa trang chính. Xin quý vị bấm 2 lần vào mũi tên bên phải của 3 khung hình ở giữa trang. Tạp chí Thanh Niên xin hẹn mang đến quý vị và các bạn một câu chuyện mới, vào giờ này, tuần sau.
Blogger trong nước yêu cầu Chủ tịch nước phóng thích blogger Điếu Cày
. Bookmark the permalink.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét