7 tháng 8, 2011

Thêm một số thông tin về bà Nguyễn Thị Năm và tỉ lệ địa chủ trong Cải cách Ruộng đất

Thêm một số thông tin về bà Nguyễn Thị Năm và tỉ lệ địa chủ trong Cải cách Ruộng đất

Tác giả/Nhân vật: Nguyễn Văn Kiến |22-09-2010| 868 lần xem | |
1. Theo cuốn Trần Huy Liệu – Cõi đời của Trần Chiến, Nhà xuất bản Kim Đồng 2009, thì ông Trần Huy Liệu, lúc đó là uỷ viên Thường trực Quốc hội, thanh tra Cải cách Ruộng đất tại hai xã Đồng Bẩm, Dân Chủ (Thái Nguyên). Ông dự cả hai buổi xử Nguyễn Văn Bính (ngày 18-5-1953) và bà Nguyễn Thị Năm (22-5-1953).


Số người tới dự độ 1 vạn trở lại, ngồi chen chúc trong một khu đất dưới lùm cây hai bên là núi. Hôm nay nắng nhiều, ánh mặt trời rọi vào khiến nhiều người phải cầm cành cây vừa che cho đỡ nắng, vừa để ngụy trang chống máy bay. Nhưng làm thế thì hàng trước sẽ che lấp hàng sau, không nhìn thấy gì, nên kết cục là phải bỏ cành lá đi và khi nắng quá thì dồn người sang hai bên…Hôm nay cũng như hôm trước, chủ tịch đoàn lại phạm một khuyết điểm là ra lệnh cho quần chúng hễ thấy địa chủ vào là đả đảo kịch liệt. Một việc làm thừa! Nguyễn Thị Năm và hai con Hanh, Công cùng đầy tớ là đội Hàm, Chính, Chiêu vào. Quần chúng hô đả đảo vang dậy và đòi phải đứng lên cao quay mặt tứ phía cho ai nấy đều trông thấy mặt để đả đảo. Chủ tịch đoàn giới thiệu từng tên với một tràng lý lịch tư pháp mà không nêu tội ác. Tuy vậy quần chúng cũng chấm dứt từng đứa bằng một làn sóng đả đảo. Quần chúng ghét nhất là đội Hàm, vì tội ác đã đành, mà còn vì đôi mắt đầy khiêu khích. Nhiều người hô bắt nó phải cúi mặt xuống.
Rút kinh nghiệm lần trước, chủ tịch đoàn tuyên bố đề nghị quần chúng phải giữ vững trật tự và không cần đánh đập tội nhân hay bắt quỳ, bò. Bọn mẹ con và tay sai địa chủ được ngồi trên một cái bục dưới gốc cây. Quần chúng lần lượt vào tố, từ loại vấn đề kinh tế đến chính trị và sau hết là chống chính sách chính phủ và nói xấu cán bộ. Những người đấu tố hôm nay cũng có một phong độ và một nghệ thuật khác hôm đấu Tổng Bính. Những tiếng hò hét “Mày có biết tao là ai không?”, “Mày dựa vào thế lực nào?” kèm theo cái tát để xuống đài không còn nữa. Những người tố được quần chúng cảm động và tán thưởng nhiều nhất là bà Sâm, chị Đăng và anh Cò. Bà Sâm, với một giọng gợi cảm, kể lể vì Thị Năm mà mình phải suốt đời cô độc, có người rơi nước mắt. Nhưng sự thực, nội dung câu chuyện không có gì. Chị Đăng, một người ở với Thị Năm lâu ngày, tố lên rất nhiều sự việc bí mật và chi tiết. Nhưng, với một giọng lưu loát quen thuộc, chị trở nên một tay “tố nghề” và ít làm cho ai cảm động.
Còn anh Cò, một người thiểu số đã bị Hoàng Công, con Thị Năm, bắt vì có tài liệu Việt Minh, trước cuộc Cách mạng tháng Tám, bị tra tấn rất dã man, rồi trốn thoát trước giờ Công định lấy đầu nộp cho Cung Đình Vận. Bằng một giọng chân thành đến ngây ngô, anh đã làm cho Công không chối cãi được nửa lời.

Cũng có không ít những người nói không đạt ý, không rõ việc. Bà Minh nói việc chẩn bần tại đồn điền Đồng Bẩm năm 1945 đã làm bao nhiêu người chết đói, rồi kết luận bằng những câu: “Mày đừng nhận là chủ đồn điền có được không?”, “Mày chỉ có hình thức thôi” và “Mày nói nhân nghĩa mà mày không nhân nghĩa gì cả” khiến người nghe không hiểu tội Thị Năm ở đâu? Sự thực thì hồi ấy dân chết đói nhiều quá, bọn thống trị Pháp, Nhật muốn che lấp tội ác của chúng, bắt các chủ đồn điền phải hàng ngày xuất ra một số gạo phát chẩn cho dân. Thị Năm đã bớt và khai man số gạo này, nghĩa là ăn cắp số gạo mà dân đói đáng được hưởng để chết đói thêm. Ông Giồng tố cáo Thị Năm đã cướp gánh cỏ của ông cho ngựa nó ăn và giỏ củ mài làm cho cả nhà nhịn đói. Câu chuyện của ông đã được một văn nghệ sĩ làm thành một bài thơ tràng thiên rất cảm động Nhưng hôm nay, ông đã thuật lại một cách nhạt nhẽo. Con gái ông Giồng, hơn mười tuổi, đáng nhẽ cứ kể rành rọt cảnh đói rét của nhà mình phải chịu vì sự bóc lột của Thị Năm, nhưng nó lại nói bằng một giọng “bà cự” nên nhiều người không cảm động, mà lại phát ghét. Chị Lý, con nuôi của Thị Năm, được Thị Năm trang điểm cho để định gả cho một võ quan Nhật. Nhưng sau khi biết chị chỉ là thân phận tôi đòi, không có tiền của gì thì tên Nhật lại không lấy và chị lại bị Thị Năm bắt lột trả lại quần áo, trở lại thân tàn ma dại như trước. Chị vừa nói vừa khóc. Nhưng không ai rõ chị nói gì.

Tuy vậy, trong đám người tố, vẫn còn sót lại một ít những phong thái cũ. Câu hỏi “Mày có biết tao là ai không?” đã được chủ tịch đoàn ngắt đi bằng câu: “Cứ việc tố không cần bắt nó trả lời”. Một vài cái tát vẫn còn diễn ra. Trong khi tố tên Công, nhiều người hỏi những câu vô ý thức: “Mày có xứng đáng là cách mạng không?”, “Mày nói mày là cách mạng mà như thế à?”. Một người ở Phúc Trừu tố cáo Thị Năm về tội chiếm đoạt ruộng đất khẩn hoang của nông dân và cơi thùng thóc lên để thu thóc, rồi kết luận “Như thế mày có xứng đáng là địa chủ không?”. Một người khác tố Thị Năm, đội Hàm và Lý Nguyên Lập bảo an đoàn ở Phúc Trừu bắt nông dân gác và đánh đập tàn nhẫn, cũng để đi tới kết luận: “Mày là con chó! Chứ không phải địa chủ?”.
Một tá điền tố Thị Năm lấy ruộng của mình đương làm bán cho người khác vì mình không có tiền mua, bằng câu: “Lấy tiền ở mả bố mày mà mua à?”. Nhiều người vẫn gắn vào hai chữ “tiến bộ”: “Mày nói mày tiến bộ mà như thế à?” Đi xa hơn nữa, có người nói Thị Năm lập quán Bông Lau ở thị xã Thái Nguyên để đón gián điệp trong khi ai cũng biết đó là cơ quan sinh lợi của hội Phụ nữ liên hiệp tỉnh Thái Nguyên.
2. Ông Vũ Hưng, năm nay 77 tuổi, năm 1953 là công nhân quốc phòng ở gần Đồng Bẩm, là đại diện công nhân trong “Công Nông Binh” dự cả hai lần đấu tố bà Năm cho biết: bà bị đấu tố hai lần. Lần đầu có cả chồng là Nguyễn Sơn Hà, và hai con trai. Bài ông Liệu tả chắc là lần thứ hai, vì không thấy nói đến chồng Nguyễn Sơn Hà. Sau đó vài tháng là xử tử bà.
3. Ông Đức Phú, con bà Năm sống ở Hải Phòng như ông nói là người cho bố mẹ tôi thuê nhà ở Hải Phòng từ 1947. Ông ít tuổi hơn bố tôi, và tôi sinh ra tại căn nhà đó, nghe nói ông cũng hay bế tôi. Tôi có tấm hình ông Đức Phú chụp với anh trai thứ hai của tôi. Bố tôi rất quý chú Đức Phú, nhưng ông chưa hề hé răng cho chúng tôi biết thân phận của bà Năm. Tôi biết được chú Đức Phú là con bà Năm cũng chỉ hơn một năm nay thôi, do anh cả tôi (75 tuổi) tình cờ kể lại. Gia đình nhà tôi cũng gặp chuyện không may trong Cải cách Ruộng đất nên bố tôi không muốn cho chúng tôi biết về những gì đã xảy ra thời đó, chắc để tránh cho chúng tôi “nhìn lệch”, ảnh hưởng tới việc học hành. Tiếc là bố tôi qua đời, không thì tôi sẽ biết thêm nhiều về chuyện này, vì anh cả tôi cho biết chú Đức có đưa hai em gái về Hải Phòng nuôi dịp 1953, rồi chú đi vào Nam trước khi Hiệp định Genève ký kết, chắc chú ấy cũng linh cảm trước những gì sẽ xảy ra.

Anh trai của tác giả khi còn nhỏ chụp chung với chú Đức Phú, con trai bà Nguyễn Thị Năm (Ảnh do tác giả cung cấp)
4. Cách đây vài năm, gia đình bà Năm nhận “Tổ quốc ghi công” tặng bà danh hiệu liệt sĩ “hy sinh vì sự nghiệp quốc tế”. Hôm nào rảnh tôi sẽ tới gặp gia đình bà. Nghe nói một trong hai người con của bà bị đấu tố năm 1953, sau được phục hồi, về hưu với chức đại tá quân đội nhân dân, hiện còn sống ở phố Hàng Bạc, Hà Nội.
5. 5% số hộ hay số dân là địa chủ?
Theo ông Hoàng Nhật Tân (sinh 1928, con trai ông Hoàng Văn Hoan) lúc đó là phó ban Cải cách Ruộng đất ở Thái Nguyên (Hoàng Quốc Việt là trưởng ban) thì:
“Từ Uỷ ban cải cách trung ương truyền xuống một quy định miệng là mỗi xã phải có từ 3 đến 5 phần trăm số hộ là địa chủ thì mới tránh khỏi lọt lưới”. (trích Cái quan định luận, hồi ký của Hoàng Nhật Tân)
Năm 1981 tôi được ông Vũ Đình Địch (em ruột ông Vũ Hoàng Chương), người tham gia Cải cách Ruộng đất cũng cho biết là theo “kinh nghiệm của cố vấn Trung Quốc thì trong làng có 5% số hộ là địa chủ”.
Làng quê tôi sát Hải Phòng, là một làng nghèo, thế mà cũng phải đủ 5% số hộ là địa chủ, tìm ra được chừng 40 địa chủ. Nếu là 5% số dân là địa chủ thì còn nhiều gấp bội, phải tới con số hàng vài trăm. Ngay cả 40 địa chủ cũng đã nhiều rồi, nên những người đủ ăn, có ruộng đất cũng bị quy vào địa chủ cho đủ 5%, chứ 5% dân số trong làng là địa chủ thì có khi cả bần nông cũng bị quy thành địa chủ. Trong 40 chục địa chủ trên, có cả ông nội tôi, và đầu 1956 xử bắn 4 người cùng một lúc, trong đó có hai bố con. Ông bố là anh ruột mẹ tôi. Mẹ tôi phải đau lòng chứng kiến từ những ngày họ bị giam cho đến lúc xử tử. Hiện bà chị dâu, vợ của người con ông bác tôi vẫn còn sống, gần 90 tuổi.
Nguyễn Văn Kiến
21-09-2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét