7 tháng 8, 2011

Thế giới khẩn trương tìm cách ngăn ngừa nguy cơ khủng hoảng tài chính

07/08/2011



Thế giới khẩn trương tìm cách ngăn ngừa nguy cơ khủng hoảng tài chính
Các chỉ số trên thị trường chứng khoán Tokyo đều tụt giảm, 05/08/2011
Các chỉ số trên thị trường chứng khoán Tokyo đều tụt giảm, 05/08/2011
REUTERS
Trọng Nghĩa
Sau khi Mỹ bị cơ quan thẩm định tài chánh S&P hạ điểm tín nhiệm về nợ công, giới lãnh đạo các cường quốc kinh tế đã phải cấp tốc tìm cách trấn an giới đầu tư. Họ sợ rằng các thị trường chứng khoán thế giới có nguy cơ bị sụp đổ vào ngày mai, 08/08/2011, khi mở cửa lại sau kỳ nghỉ cuối tuần.
Từ hôm qua cho đến hôm nay, từ nhóm G 7, G20, cho đến Ngân hàng Trung ương châu Âu, chính phủ các nước, tất cả đều cố gằng liên lạc lạc với nhau, tổ chức các hội nghị khẩn cấp qua điện thoại. Nội dung là bàn về cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực đồng euro và cú sốc sau vụ Hoa Kỳ bị hạ điểm tín nhiệm.
Nguy cơ các thị trường sụp đổ vào ngày mai như đã được dự báo tại thị trường chứng khoán Tel Aviv - Isreal. Là một trong những nơi hiếm hoi mở cửa ngày chủ nhật, 07/08/2011, thị trường này đã bị mất hơn 6% trong phiên giao dịch.
Đây là hệ quả của việc Standard & Poor’s, hôm thứ sáu vừa qua, đã hạ thấp điểm tín nhiệm nợ công của Hoa Kỳ từ mức tốt nhất là AAA xuống còn AA+, với lý do là giải pháp cho món nợ công khổng lồ của nước này (hơn 14.500 tỷ đô la) bị tác động bởi các « rủi ro chính trị ».
Theo nhiều chuyên gia phân tích, dù việc S&P hạ điểm nước Mỹ là điều đã được các thị trường dự kiến, nhưng khi hành động đó thực sự xẩy ra, các thị trường sẽ không tránh khỏi bị chấn động.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, nhiều nhà kinh tế lo sợ một vòng xoáy đi xuống của thị trường. Theo ông Paul Dales, chuyên gia phân tích tại Capital Economics có trụ sở tại Hoa Kỳ thì chắc chắn là quyết định của Standard & Poor’s sẽ làm rung chuyển thị trường tài chính khi mở cửa vào thứ Hai.
Trong tình hình các thị trường chứng khoán trên đà đi xuống vào những ngày qua, tin xấu đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới, lẽ dĩ nhiên, làm cho tình hình trở nên nguy hiểm, buộc các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ phải khẩn cấp phối hợp hành động.
Bộ trưởng Tài chính và các nhà lãnh đạo của các nước G7 (Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Ý, Canada) đã tăng cường liên lạc điện thoại cuối tuần qua. Các nước G20, tập hợp các nền kinh tế lớn của thế giới, cũng tổ chức một cuộc họp qua điện thoại vào sáng nay. Vào chiều nay, đến lượt Hội đồng các thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu nhập cuộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét