5 tháng 8, 2011

Dư Chấn Bi Hùng (trong tập truyên Ngang Trời Mây Đỏ) của Ngọc Bái ở trong nước

Dư Chấn Bi Hùng (trong tập truyên Ngang Trời Mây Đỏ) của Ngọc Bái ở trong nước

Những tấm lòng nhớ về anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học và 12 Liệt Sĩ Yên Báy trong nước, nhân ngày 17-06-2011 một nhà văn trong nước cố gắng hoàn thành tập truyện “Ngang Trời Mây Đỏ” để dâng lên tưởng nhớ anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học và 12 Liệt Sĩ lên đoạn đầu đài 81 năm về trước tại Yên Báy.

Đài tưởng niệm đảng trưởng VNQDĐ Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí tại Yên Báy: Người đội mũ phớt hàng sau là ông Nguyễn Thái Nĩ - em út trong gia đình ông Nguyễn Thái Học, người đứng hàng trước chấp tay là ông Nguyễn Thái Tuấn cháu ruột ông Nguyễn Thái Học
Dư Chấn Hi Hùng
Bấy nhiêu năm nấm mộ chôn chung
Các anh bên nhau như tượng đài trong lòng đất
Các anh bên nhau trong hơi gió mát
Cùng vầng trăng khuya khoắt đến nao lòng
Nằm trong nhà lao Hỏa Lò, Nguyễn Thái Học nghĩ ngợi mông lung. Đây là thời gian dài và vô vị nhất. Chân tay đều bị cùm kẹp, chỉ còn mỗi cái đầu là được tự do, có gì nữa để mà không nghĩ ngợi?
Hồi mới bị giam ở nhà lao Yên Báy, anh đã viết bức thư gửi Nghị sĩ Hạ Nghị viện Pháp. Chẳng biết thư ấy có đến được tay các ngài Nghị sĩ không? Nhưng nội dung thì Nguyễn Thái Học nhớ như in:


“Cùng các ông Nghị!
Tôi ký tên dưới đây là Nguyễn Thái Học người Việt Nam, 26 tuổi, Chủ tịch và sáng lập viên Việt Nam Quốc Dân đảng, hiện đang bị giam ở ngục Yên Báy, Bắc Kỳ, Đông Dương, trân trọng bày tỏ như sau:
Theo công lý, ai cũng có quyền bênh vực Tổ Quốc mình khi bị nước khác xâm lược. Theo nhân đạo, ai cũng có nghĩa vụ phải cứu vãn đồng bào ở trong vòng nguy hiểm, khó khăn.
Như tôi, tôi thấy rằng Tổ Quốc tôi bị người Pháp các ông chiếm lĩnh hơn 60 năm nay, tôi thấy rằng dưới ách chuyên chế của các ông, đồng bào tôi khốn khổ vô cùng và dân tộc tôi dần dần sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn theo luật tự nhiên và đào thải. Bởi vậy quyền lợi và nghĩa vụ đã thúc giục tôi phải tìm hết cách để bênh vực Tổ Quốc tôi đương bị người chiếm lĩnh , và dân tộc tôi đương ở trong cảnh gian nguy.
Trước hết tôi định cùng các người Pháp ở Đông Dương mà làm việc cho đồng bào, Tổ Quốc và dân tộc tôi, nhất là việc mở mang trí thức cùng kinh tế. Về phương diện kinh tế, năm 1925 tôi đã gửi cho viên Toàn quyền Varenne một bức thư gồm có những nguyện vọng xin bênh vực, che chở cho nền công thương bản xứ, và nhất là lập một trường Cao đẳng công nghệ ở Bắc Kỳ.
Năm 1926 tôi lại gửi một bức thư nữa cho viên Toàn quyền Đông Dương, trong đó có một dự án giúp cho dân nghèo có thể dễ sống.
Năm 1927 tôi lại gửi cho Thống sứ Bắc Kỳ một bức thư xin ra một tờ báo, mục đích là bênh vực và khuyến khích cho nền công thương bản xứ.
Về phương diện tri thức, năm 1925, tôi đã gửi Toàn quyền Đông Dương yêu cầu:
1 – Quyền tự do mở các trường dạy không lấy tiền cho dân hạ cấp đến học, nhất là cho thợ thuyền và nông dân.
2 – Quyền tự do mở các bình dân thư xã ở các làng và các tỉnh công nghệ.
Khốn nỗi cái gì họ cũng cự tuyệt!  Thư tôi chẳng thấy trả lời, dự án của tôi chẳng thấy thực hiện, các lời yêu cầu của tôi chẳng thấy ưng chuẩn, mà đến các bài tôi viết lên báo cũng bị kiểm duyệt xóa bỏ nốt!
Cứ những chuyện cự tuyệt đó, tôi thấy rõ ràng rằng: người Pháp không hề có thực lòng với người Việt, và tôi chẳng giúp ích gì được Tổ Quốc tôi, đồng bào tôi, dân tộc tôi cả, trừ khi là đuổi người Pháp ra khỏi đất nước tôi.
Bởi vậy, năm 1927 tôi bắt đầu tổ chức một đảng cách mạng, lấy tên là Việt Nam Quốc Dân đảng, mục đích là đánh đổ cường quyền áp bức ra khỏi đất nước tôi và lập nên Chính phủ Cộng hòa Việt Nam gồm những người thực lòng tha thiết đến hạnh phúc của quần chúng.
…Hiện nay trong các miền Kiến An, Hải Phòng, Bắc Ninh, Sơn Tây, Phú Thọ, Yên Báy có hàng vạn người đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con vô tội bị giết. Hoặc bởi chính phủ dội bom xuống làng, hoặc bởi chết đói chết khát do chính phủ Đông Pháp đã đốt mất nhà mất cửa. Vậy nên tôi trân trọng lấy nước mắt, nhờ các ông làm cho tỏ rõ nỗi bất bình ấy, là cái nó làm cho dân tộc tôi sẽ hoàn toàn bị tiêu diệt; là cái nó làm mất hết danh dự của nước Pháp; là cái nó làm giảm cả giá trị của loài người!
Sau nữa tôi trân trọng bảo cho các ông biết: Tôi xin chịu tất cả mọi sự chính biến phát sinh trong nước tôi và chỉ huy bởi đảng tôi từ năm 1927 đến giờ! Vậy chỉ cần giết một mình tôi là đủ mà đừng làm tội các người khác hiện nay đương bị giam ở các cửa ngục. Vì chỉ có tôi là thủ phạm thôi, còn những người khác đều vô tội cả. Họ vô tội vì trong số đó thì một phần là những đảng viên nhưng sở dĩ vào đảng là vì họ nghe lời tôi khuyến khích cho họ biết, thế nào là nghĩa vụ của mỗi người dân đối với nước; thế nào là những nỗi khổ của một tên vong quốc nô…
Sau cùng, tôi kết luận bức thư này bằng việc nói với các ông rằng: Nếu người Pháp muốn ở yên Đông Dương mà không phải khốn đốn vì phong trào cách mạng, thì: phải thay đổi cái chương trình chính trị hung tàn và vô đạo hiện hành ở Đông Dương; phải cư xử cho ra vẻ những người bạn của giòng giống Việt Nam, chứ đừng có lên vẻ là những ông chủ bạo ngược và áp chế; phải để lòng giúp đỡ cho những nỗi đau khổ về tinh thần và vật chất của người Việt Nam, chứ đừng có khắt khe thâm độc nữa.
Thưa các ông nghị, xin hãy nhận lấy tấm lòng tôi trân trọng cảm ơn!
Kẻ thù của các ông!
Nhà cách mạng Nguyễn Thái Học”.
Còn thư nữa anh viết cho Toàn quyền Pasquier được gửi đi cùng ngày cũng biệt vô âm tín, không thấy trả lời.
Dòng suy nghĩ gần như không dứt, trừ lúc mệt mỏi ngủ thiếp đi.
*
****
Nhớ lại hôm Tòa Đề hình ngày 23 tháng 3 năm 1930, xử khép tội những người tham gia khởi nghĩa ở Yên Báy. Kể từ ngày bị bắt, hôm đó Học mới được nhìn lại những đồng sự của mình. Ai cũng hốc hác vì đau ốm, vì những đòn tra khảo tàn khốc. Nhìn nhau chỉ biết gật đầu chào. Không ai nói với ai được câu nào, chỉ ánh mắt là hiểu ý nhau rồi.
Bao nhiêu lần Tòa Đề hình xử những đảng viên Việt Nam Quốc Dân đảng, nhưng đây là phiên tòa xử tới 83 người! Có 45 binh sĩ, 37 thường dân và 1 phụ nữ. Nhiều án tử hình nhất! Có đến 39 người án tử hình! Còn lại là án khổ sai chung thân lưu đày biệt xứ, chỉ có 5 án tù giam 5 năm. Phiên toà chật cứng người xem, phải hai đội lính khố xanh võ trang dưới quyền chỉ huy của giám binh Cases và rất đông phụ tá là thám tử do thanh tra mật thám Reiner phụ trách. Viên chánh án Poulet Osier phải vất vả lắm mới điều hành nổi phiên toà.
Nguyễn Thị Bắc, người phụ nữ duy nhất bị đưa ra xét xử. Trông chị xanh xao, dáng đi thật mệt mỏi. Thương chị quá. Từ chỗ tòa đang xử đến chỗ “trại con gái” mấy tháng trước chị ở, chị đã đưa cho Học và Giang xem tấm bản đồ thị xã Yên Báy, có xa lắm đâu? Chắc chỉ dăm trăm mét thôi. Chỉ khác, hôm đó chị là người tự do. Còn hôm nay, chân xích, tay xích. Chị hãy nhìn sang Học đi, để lấy can đảm. Nhưng không. Nếu nhìn sang Học chị sẽ khóc. Mà khóc lúc này thì thật là không nên. Bỗng thấy chị rành rẽ từng câu:
- Hỡi những người đại diện Tòa Đề hình, đại diện công lý của nước Pháp, nếu xử ta thì hãy về giật đổ tượng thánh nữ Jeanne d’ Arc đi!  Jeanne d’ Arc yêu Tổ quốc Pháp chống ngoại xâm. Ta yêu Tổ quốc Việt Nam chống xâm lược, sao các người lại đem xử?
Tự dưng, Nguyễn Thái Học lại nhớ tới Giang, lúc này chắc đang khổ đau và đang cố gắng sống để tranh đấu. Anh cầu mong cho Giang vượt qua cơn hoạn nạn và từng giờ từng phút cầu mong cho Giang được an lành. Chiếc khăn thêu với lọn tóc của Giang trong túi ngực anh như đang cựa quậy. Anh cố hình dung đứa con Giang đang có với anh sẽ ra đời thế nào? Rồi đến ngày sinh nở sẽ ra sao? Không chỉ một mình Giang phải chịu đựng hi sinh. Còn nhiều phụ nữ nữa hăng hái tham gia cách mạng không hề tính toán cũng đang phải hi sinh. Như lướt qua mắt anh những gương mặt trẻ trung, hồn hậu và kiên trung của Đỗ Thị Tâm, Nguyễn Thị Tình, Nguyễn Thị Vân…mới mười bảy mười tám tuổi mà chẳng sợ gì cái chết, sẵn sàng tham gia đảng cách mạng. Phụ nữ Việt Nam thật đáng kiêu hãnh!
Anh đau đớn nhớ tới câu Giang nói lúc chia tay: “Đất nước mình sao đau khổ vậy? Chỉ thấy chia ly với chờ đợi. Nơi thì Tô Thị nơi thì Vọng Phu”.
Còn Phó Đức Chính, anh bạn yêu quý đã cùng Nguyễn Khắc Nhu, Nguyễn Thái Học và bao đồng sự kề vai sát cánh trong suốt những ngày gian khó, trẻ trung và thông minh, giờ thân hình tiều tụy thế kia. Giờ này cụ Phó Đức Chân ở quê tận Hưng Yên có hình dung nổi con cụ đang bị đày đọa thế nào? Chợt nhớ ngày được hầu chuyện cụ. Cụ đã đọc câu thơ của Chu Thần Cao Bá Quát:
“Trường sa phục trường sa
Nhất bộ nhất hồi khước”
Bãi cát dài lại bãi cát dài. Bước một bước như lùi một bước! Chao ôi! Đường đời thăm thẳm. Lúc này có phải là lúc lùi một bước? Nhưng kìa, khi Poulet Osier hỏi sao không chống án? Phó Đức Chính dõng dạc:
- Tôi không chống án. Việc tôi làm tôi nhận. Đại sự không thành. Chết là vinh. Còn chống án làm chi vô ích!
Nguyễn Thái Học cũng tuyên bố:
- Chúng tôi là những người chiến bại chứ không hề có tội! Các ngài quan tòa thử nghĩ mà xem. Chả lẽ yêu nước mình, chống ngoại xâm lại là tội lỗi?
Chúng thẩm vấn Nguyễn Thái Học trước tiên. Anh nhận hết trách nhiệm, và nhấn mạnh lý do chính trị của cuộc khởi nghĩa, bị quan toà chặn không cho nói, Nguyễn Thái Học đã lớn tiếng:
- Thì ra, toà án này là nơi đem cường quyền đàn áp công lý. Ta nói làm gì nữa? Ta cũng không cần ai biện hộ!
Nguyễn Thái Học không khỏi nghĩ tới bao chiến hữu đang bị tù đày suốt từ Sơn La, Côn Đảo, đến tận Guyane xa lắc xa lơ. Họ cũng đang phải đối mặt với bất công, đối mặt với cái chết.
*
*****
Trong những ngày ở xà lim Hỏa Lò, Nguyễn Thái Học nhiều khi phải tiếp những khách không mời. Khi thì một “bà đầm” hiếu kỳ muốn xem mặt Nguyễn Thái Học ra sao mà dám làm việc tày đình là chống người Pháp, làm chấn động cả xứ Đông Dương, lan sang tận Pháp quốc. Khi thì người đại diện tổ chức “nhân đạo” đến tỏ lòng thương xót, muốn xin ân xá cho tù nhân. Chả biết họ có thực lòng không, nhưng Học vẫn cám ơn. Lúc thì các nhà báo đến hỏi han.
Có lần, Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu vào tận xà lim gặp Nguyễn Thái Học. Ông ta là con giai Hoàng Cao Khải, khâm sai đại thần của triều đình nhà Nguyễn, một người trung thành với Pháp cao độ. Khi Hoàng Cao Khải giữ chức “kinh lược sứ” đã giúp Pháp bình định khắp các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, tiêu diệt nghĩa quân Bãi Sậy, đã cho xử trảm tới 1800 người trong 3 tháng. Công lớn nhất của Hoàng Cao Khải là năm 1893 đã xây được khu dinh thự và lăng mộ ở Thái Hà ấp cho chính ông ta! Chả lạ gì Hoàng Trọng Phu, nên Nguyễn Thái Học tỏ thái độ khinh bỉ.
- Gớm, ngài Tổng đốc thân chinh vào tận ngục thất thăm tôi? Hân hạnh quá! Ngài không định bắt tôi khai những điều phản lại đảng tôi đấy chứ?
- Đã bị bắt lại còn dở giọng mỉa mai! Thật điên rồ!
- Tôi điên rồ hay ông điên rồ? Mà nếu tôi không nhầm thì trong tiếng Pháp gọi “phu” (fou) là “rồ” phải không?
- Hỗn láo!
- Này, ông là quan Tổng đốc, ông nên ăn nói cẩn thận.
- Tao lại phải “ăn nói cẩn thận” với mày? Đồ phản nghịch! Muốn xin ân xá cho mày mà mày ăn nói vô lễ!
- Cám ơn ngài Tổng đốc quá kìa! Nhưng thà chết chứ sao tôi lại phải nhờ loại bám đít Tây như ngài xin ân xá?
- Thằng nhãi ranh, mất dạy! Tao thì vả gẫy răng.
- Này ngài Tổng đốc! Ngài có biết ngài đang nói chuyện với ai không? Ngài đang nói chuyện với Chủ tịch Việt Nam Quốc Dân đảng đấy nhé! Mà Việt Nam Quốc Dân đảng là đối thủ của thực dân Pháp, của Toàn quyền Đông Dương cơ, chứ ta không phải đối thủ của anh Tổng đốc quèn đâu!
- Tao hỏi, tại sao chúng mày giết Hoàng Gia Mô, cháu ruột tao?
- Hoàng Gia Mô tự giết hắn đấy chứ! Chỉ vì hắn gian ác! Cũng như họ tộc hắn gian ác!
- Mày nói láo! Thằng mất dạy!
- Này ngài Tổng đốc! Ngài tránh xa không nước bọt của tôi không nể mặt ngài đâu!
Nguyễn Thái Học cố tình chọc tức Hoàng Trọng Phu. Anh biết tỏng rằng, các sĩ phu đương thời rất coi thường và khinh miệt Hoàng Cao Khải, cha đẻ ra Hoàng Trọng Phu. Trong cuốn “Việt Nam vong sử quốc”, Phan Bội Châu đã từng gọi Hoàng Cao Khải là “người Việt làm chó săn…những tên côn đồ vô nghĩa vô hạnh, mặt khỉ ruột lợn mà người dân Việt rất ghét”. Thấy Hoàng Trọng Phu vẫn còn chưa bẽ mặt, Nguyễn Thái Học tiếp tục khiêu khích:
- Ngài có biết bài thơ “Vịnh Hoàng Cao Khải” cha của ngài  không? Tôi đọc hai câu cho ngài Tổng đốc nghe nhé!
“Nay hạt Hà Đông còn biếu lợn
Mai dân Nam Định lại dâng bò”
Cha của Tổng đốc đó! Có sạch sẽ gì đâu?
Chạm đúng vào sĩ diện của Tổng đốc. Không thể chịu nổi, Hoàng Trọng Phu điên tiết lấy ba toong quật mạnh vào mồm Nguyễn Thái Học. Ông ta gầm lên như thú dữ:
- Câm mồm! Câm mồm!
*
****
Không thể không chạm mặt với Arnoux, Chánh mật thám Đông Dương. Ông ta vẫn được tiếng là người Pháp nói thạo tiếng Việt nhất. Nguyễn Thái Học luôn chuẩn bị trong tư tưởng rằng thế nào cũng có lần đấu khẩu với trùm mật thám xem con người này ra sao. Cũng chả phải chờ lâu, Arnoux xuất hiện trong một buổi sớm, Hỏa Lò đang cho tù nhân dùng bữa sáng.
Nguyễn Thái Học đang uể oải nhai miếng bánh mì dai ngoách. Arnoux kéo ghế bệ vệ ngồi ngay trước mặt Nguyễn Thái Học. Nguyễn Thái Học đồ rằng ông ta chuẩn bị tư thế như vậy cốt tạo ra vẻ oai nghiêm áp đảo đối phương. Arnoux lên tiếng trước:
- Chào ông Nguyễn Thái Học, ông biết tôi là ai không?
- Là ông Tây cướp nước!
- Ồ, người Bắc Kỳ vẫn được tiếng là nói năng lịch lãm, vậy mà sao ông lại dùng những lời cộc cằn với tôi như vậy?
- Đối với thực dân cướp nước như ông, tôi không có cách nói khác!
- Người Pháp đến xứ Annam để khai hóa văn minh, sao ông lại nói chúng tôi là cướp nước?
- Khai hóa văn minh? Người Pháp các ông ưa hài hước thật! Khai hóa hay vơ vét tài nguyên? Văn minh hay ngu dân? Tù đày cướp bóc mà lại gọi là khai hóa văn minh?
- Tôi muốn nói với ông rằng chúng tôi “bần cùng bất đắc dĩ” mới phải bắt bớ tù đày. Vì các ông chống lại nhà nước Đại Pháp. Ông hiểu điều đó chứ?
- Chúng tôi không lý gì lại sang Pháp chống nước Pháp. Mà chúng tôi chống những tên thực dân xâm lược trên đất nước tôi.
- Các ông là những tên “già đòn non nhẽ”, ương bướng cục cằn. Ông bị tra tấn có đau đớn lắm không? Mà mồm ông vẫn sưng thế kia!
- Sao ông hỏi ngu xuẩn vậy? Bị tra tấn sao không đau đớn? Tôi đâu có phải là gỗ đá? Còn mồm tôi, bị chó nó cắn, ông biết rồi còn gì?
- Ồ, “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Chắc người thân của ông, đồng chí của ông, giờ này cũng đau đớn lắm!
Quả là vốn liếng tiếng Việt của Arnoux không tồi. Hắn dùng những câu ngạn ngữ dân gian Việt khá chuẩn xác để đối đáp. Nguyễn Thái Học trích huyệt kẻ đối địch:
- Các ông là những kẻ tàn ác, quân giết người man rợ!
- Thì các ông cũng giết người chúng tôi đấy thôi?
- Có cuộc cách mạng nào không phải giết người, cách này hay cách khác. Nhưng với chúng tôi không phải đấy là chuyện giết người, mà là trừ khử những tên gieo họa. Là trị cái ác, trị cái họa cho dân nước tôi.
- Thì vẫn là ác, là bẩn thỉu.
- Còn các ông là những con thú, ăn thịt cả lông cả cứt!
- Ông Học, khuyên ông đừng “cả giận mất khôn”.
- Tôi giận ông thì ích gì? Tôi căm ghét cả cái chế độ thực dân thối nát của các ông ấy chứ! Vô cùng thối!
Nguyễn Thái Học không muốn kéo dài cuộc đối thoại lải nhải, nên cố chọc tức để Arnoux phải bỏ cuộc. Quả nhiên Arnoux đùng đùng nổi cơn tức tối:
- Thằng mọi rợ cứng đầu. Tao giết mày! Tao giết mày!
- Arnoux, ngài hãy nên có lễ độ một chút!  Tôi không tin cách xử sự như ngài lại là đại diện văn minh của người Pháp!
Arnoux thét lên:
- Đồ…đồ… phiến nghịch! Rồi mày biết tay!
- Tôi biết ngay mà! Trước sau ông vẫn phải bộc lộ tính thú.
Arnoux tím mặt đùng đùng bỏ đi giữa những tiếng cười nhạo báng đuổi theo hắn.
*
*****
Ở trong đề lao Hỏa Lò, Nguyễn Thái Học không hề biết rằng có một sự kiện không kém hệ trọng, dữ dằn ở bên ngoài đang được thực hiện. Đó là những đảng viên trung kiên của đảng vẫn không ngừng hoạt động.
Lê Hữu Cảnh đã cùng Nguyễn Thị Giang, Đoàn Trần Nghiệp, Nguyễn Xuân Huân, Đỗ Thị Tâm nhóm họp nhau đề ra chủ trương hoạt động mới.
Phải mất chừng vài ngày Lê Hữu Cảnh với Nguyễn Thị Giang mới soạn thảo xong kế hoạch “hậu Yên Báy”. Kế hoạch này được thông qua các đảng viên nòng cốt, có trách nhiệm trực tiếp thi hành. Nguyễn Thị Giang phân tích:
- Mọi tội ác gây ra trên đất nước Việt Nam đều tập trung ở Toàn quyền Đông Dương, cho nên diệt được viên Toàn quyền sẽ khiến cho hệ thống cai trị nao núng, không dám ra tay đàn áp những người yêu nước.
Do lực lượng còn quá mỏng, không đủ sức làm nhiều việc, nên chỉ tập trung vào hai việc chính:
Một là tổ chức ám sát Toàn quyền Pasquier.
Hai tổ chức giải thoát cho các tù nhân đang bị giam giữ ở Hỏa Lò.
Việc ám sát Pasquier giao cho anh Tô Chấn, người rất quả cảm, anh trai của Tô Hiệu đảm nhiệm.
Việc giải thoát các tù nhân Hỏa Lò do Đoàn Trần Nghiệp và Nguyễn Thị Giang thực hiện.
Tô Chấn sẽ nhân ngày duyệt binh, có nhiệm vụ ôm bom cảm tử lao vào xe của Pasquier. Nhưng Tô Chấn chưa kịp thực hiện đã bị bắt. Còn việc giải thoát tù nhân ở Hỏa Lò cũng không thành. Mật thám tăng cường kiểm soát và lùng bắt nốt những người chúng tình nghi. Trong sổ đen của mật thám có tên Lê Hữu Cảnh, Nguyễn Xuân Huân, Ký Con Đoàn Trần Nghiệp và Nguyễn Văn Nho. Các anh tạm lánh xuống Hải Phòng. Nhưng vừa tới nơi thì bị mật thám phục bắt. Đoàn Trần Nghiệp thoát chạy về Nam Định cũng bị chỉ điểm, không còn lối thoát. Chỉ còn Nguyễn Thị Giang, Đỗ Thị Tâm vẫn được dân che chở, mật thám chưa phát hiện thấy ở đâu.
Khi Đoàn Trần Nghiệp, Lê Hữu Cảnh bị đưa vào Hỏa Lò, Nguyễn Thái Học mới biết được tin này. Anh ngửa mặt lên kêu: “Thôi rồi!”
Chiều ngày 16 tháng 6 năm 1930.
Hỏa Lò xôn xao vì có 13 tù nhân bị dồn lên xe bịt kín, không biết đưa đi đâu? Cứ hai người chung một xích. Có một người bị xích riêng, đó là Nguyễn Thái Học. Chắc hẳn không phải chuyện di chuyển tù. Nhác trông thấy chiếc máy chém cũng được chở đi theo, Nguyễn Thái Học liền hô to:
- Chào anh em! Chúng tôi đi đền nợ nước! Chào anh em!
- Đả đảo thực dân! Đả đảo nhà tù!
- Không được giết người! Đả đảo quân giết người!
Tiếng hô râm ran, náo động cả trại giam.
Một đoàn xe hơi loại fourgonnette đen bọc lưới sắt từ ngục thất Hoả Lò  chạy theo đường Jean Soler qua đại lộ Carreau ra Hàng Lọng đến ga Hàng Cỏ. Trên đường, lính kín, cảnh binh và lính lê dương nhan nhản. Tiếng hô của hàng trăm người hai bên đường âm vang, hoà theo tiếng hô từ trên xe: Việt Nam muôn năm! Việt Nam muôn năm!
Đoán được thực dân Pháp đưa tù nhân đi hành quyết, dân Hà Nội truyền tin rất nhanh, mọi người tập trung đông nghịt suốt từ nhà Đấu Xảo ra tận ga Hàng Cỏ, hô khẩu hiệu đòi trả tự do cho các tù nhân. Cảnh binh, mật thám và lê dương phải ra tay bằng dùi cui khá lâu mới dẹp nổi những người dân phẫn nộ.
Tù nhân được tức tốc đưa lên toa tàu “đặc biệt” có mật thám, cảnh binh hộ tống. Còn có cả cố đạo Méchet và Dronet đi theo “chăm sóc phần hồn”! Ngay bên cạnh toa chở chiếc máy chém, sản phẩm của văn minh Pháp thời bấy giờ.
Lúc ấy, Nguyễn Thái Học và anh em tù nhân mới biết mình bị chuyển lên Yên Báy để sớm mai ra pháp trường.
Phó Đức Chính nói to, át cả tiếng bánh sắt toa tàu bập bình, cành cạch: “Hát lên đi các anh! Chẳng tội gì chúng ta phải buồn! Hát lên! Hát lên!”. Mọi người hưởng ứng. Tiếng hát trong đêm tối mịt mù vang vọng tận triền sông Hồng khuya vắng.
Ngàn lau vi vu ngàn lau vi vu
Hồn Việt Nam muôn đời cất lên lời ca
Ôi con đường của chúng ta
Gian nan trải dài qua năm tháng
Qua bao thác ghềnh bão táp phong ba
Bóng cờ vinh quang chỉ lối ta đi
Cố đạo Dronet phải thốt lên: “Các anh còn hát được ư? Ôi những linh hồn trẻ trung chưa biết sợ?”.
Phó Đức Chính nói luôn:
- Nếu sợ thì chúng tôi đã không làm cách mạng!
Cố đạo Dronet vẫn còn nói vớt vát:
- Thật tội nghiệp! Lạy chúa!
Phó Đức Chính khẳng khái:
- Chính các ông mới tội nghiệp! Phải theo nhằng nhẵng chúng tôi làm gì? Chúng tôi không khiến các ông rửa tội!
Anh em tù lại sôi nổi:
- Không còn bài hát nào nữa thì đọc thơ đi! Đọc! Đọc!
Nguyễn Thái Học trịnh trọng:
- Vậy tôi đọc thơ nhé!
Bấy lâu mơ ước đoạn đầu đài
Như nguyện ngày nay thật chẳng sai
Máu nhỏ tốt tươi mầm cách mạng
Đầu rơi nảy nở giống anh tài…
- Đúng! Đúng! Đầu ta rơi sẽ mọc lên những mầm mống cách mạng mới.
Quá khuya, chỉ còn tiếng bánh sắt nghiến lên đường ray đều đều, tên lính áp giải ngồi sát cửa toa tầu, ngáp dài, miệng lẩm bẩm:
- Bây giờ mới đền Vĩnh Yên, còn phải ngồi chán mới đến được Yên Báy.
Bị xích chân xích tay, không thể nhìn được ra ngoài, nhưng Nguyễn Thái Học có thể hình dung từng mái nhà, từng con đường trong lòng thị xã. Nơi này hơn chục năm trước anh đã được cha mẹ cho đi học trường Pháp – Việt, có con đường nào trong thị xã không có dấu chân anh? Những lúc theo đám bạn thị xã trèo lấy nhãn, bắt chim non ở toà Công sứ trên núi An Sơn, rồi những khi qua Dốc Láp vào tận Tam Đảo chơi đùa nghịch ngợm thoả thích hết cả ngày với bạn bè. Thị xã Vĩnh Yên xinh xắn, nằm thơ mộng ngay bên Đầm Vạc, nơi có loại tép dầu rất rẻ và ngon nức tiếng, đã được ghi nhận trong câu ví ngoa ngôn “cỗ chín lợn mười trâu không ngon bằng tép dầu Đầm Vạc”! Chính nơi này, khi nhà trường bắt phải làm bài nói về sự nghiệp của Jules Ferry, Nguyễn Thái Học đã viết câu “Người Việt Nam không hề biết người này”, bị nhà trường phê là trò Thái Học “bướng bỉnh”, bị đuổi học một tuần lễ.
Chỉ còn hơn một chục cây số là đến đường rẽ vào làng Thổ Tang, nơi chôn rau cắt rốn của Nguyễn Thái Học, chắc chắn là mọi người ở quê không hề biết được mỗi giây lúc này là Học mỗi xa, để đi đến cái chết. Cha mẹ giờ đã ngủ hay còn thức? Cha mẹ có thấy nóng lòng, có thấy bồn chồn nhớ đến con?
Nhìn tên lính áp giải sắp gà gật, Nguyễn Thái Học bảo:
- Này chú lính, tỉnh táo lên chứ! Gác tù mà ngủ gà gật không sợ phạt à?
Tên lính giật mình choàng tỉnh:
- Gớm, gác sách liên miên, buồn ngủ quá!
- Thế chú lính quê ở đâu?
- Quê Phát Diệm!
- Nói đôi ba câu chuyện là hết buồn ngủ đấy!
- Ngày mai ông phải ra pháp trường rồi mà sao vẫn bình thản vậy? Ông không biết sợ à?
- Sợ thì có tránh được chết đâu chú em?
- Trời ơi, gang thép quá! Khâm phục, khâm phục!
- Tôi hi vọng đến một lúc nào đó, chú sẽ cầm khẩu súng bắn vào chính những kẻ giao súng vào tay chú. Đó là bọn thực dân Pháp dày xéo nước ta, khiến bao nhiêu đầu rơi máu chảy.
- Tôi chưa dám…
- Dù sao tôi với chú cũng là dân cùng một nước, cùng da vàng máu đỏ. Hôm nay chú chưa đủ can đảm cầm súng bắn vào đầu Tây. Thì đến một lúc nào đó, vì non sông gấm vóc, chú sẽ thấy cần phải đuổi Tây về tây, dân ta mới hết cảnh sống nô lệ.
Tàu đi hun hút vào đêm. Thi thoảng một tiếng còi tru lên như tiếng thú âm vọng trong không gian.
1 giờ 30 sáng 17- 6, tầu đến ga chặng cuối. Máy chém và 13 tử tù được chở thẳng tới đề lao, gần bờ sông, lối lên nhà thờ Yên Báy.
Đang ở nơi rất gần Hỏa Lò để bàn bạc với chị em cơ sở Hà Nội lên phương án đánh tháo tù nhân vào dịp Quốc khánh Pháp 14 tháng 7, thì nghe tiếng huyên náo trong Hỏa Lò. Nhờ thế mà Giang biết tin Pháp đem tù nhân đi xử chém ở Yên Báy. Nguyễn Thị Giang tá hỏa chạy ra ga. Giang được một đảng viên cơ sở hỏa xa bí mật giao cho tài xế cũng là người của tổ chức, giấu Giang vào kho than đốt lò đầu máy.
Nằm bên trong đống than ngột ngạt, Giang chỉ nghĩ tới Học và các đồng sự của anh. Cùng trên một chuyến tàu, chỉ cách một toa chở máy chém là có thể nhìn thấy các anh. Thế mà phải nằm ép mình lại, che chắn bởi mấy chiếc bao tải nhọ nhem. Hơi than hừng hực. Mồ hôi túa ra, Giang vẫn cố chịu đựng. Khẩu súng ngắn của Học vẫn bên mình. Mang thêm hai trái mìn tay tự chế. Ngày mai, giữa pháp trường mình sẽ liều chết giải thoát cho Học. Giang tâm niệm như thế.
Cách một toa tầu, làm sao Học có thể biết được Giang cũng đang lên Yên Báy đây. Ngày mai thân cô thế cô, làm sao tiếp cận được pháp trường? Hàng ngàn câu hỏi đảo lộn trong đầu Giang. Nóng ngột ngạt. Lại nóng nực thêm bởi  tấm áo khoác, để ngày mai còn cải trang làm đàn ông trà trộn vào những người xem hành quyết.
Nguyễn Thị Giang lật đật lẩn vào bóng tối phía sau ga Yên Báy, rồi lần theo đường tàu, lên quá gác ghi, rẽ ra phía vườn hoa nhà kèn. Địa bàn này Giang quá thuộc. Nhắm mắt vẫn hình dung ra. Bước chân Giang dò dẫm trên đá gồ ghề. Giang tìm đến nhà cơ sở để bàn cách cứu Nguyễn Thái Học.
Trong đề lao Yên Báy các tù nhân bị nhốt chung một gian nhà. Cai Công đao phủ, dáng lùn tịt, mặt lúc nào cũng tây tấy, mò đến bên các tù nhân. Trước Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính thì Công dừng lại. Cử chỉ rất lạ, đã từng giật máy chém, chém bao nhiêu người, cai Công chưa làm thế bao giờ. Hắn cảm thấy như có gì cào cấu trong ruột, mồ hôi rịn ướt trên da mặt sẫm từng vệt tàn nhang, tay chân nhức nhối như dòi bò. Hắn đã nốc bao nhiêu rượu để có quên cảm giác ghê rợn. Tự dưng hắn quỳ phục xuống trước mặt Nguyễn Thái Học, khóc rưng rức.  Hắn nói:
- Mong các ông xá tội cho. Các ông chết trẻ sẽ thiêng lắm. Tôi biết tôi trọng tội, nhưng vì miếng cơm manh áo, tôi phải làm theo phận sự. Xin các ông mở lượng hải hà khoan lượng.
Nguyễn Thái Học khuyên:
- Ông Cai Công ạ! Nghề này thất đức lắm. Ông nên giải nghệ đi. Nếu có thiêng liêng thật, chúng tôi cũng không thèm chấp với ông đâu. Ông cũng chỉ là cái máy bên cái máy chém. Giải nghệ đi kẻo tội lỗi chất chồng tội lỗi, xuống âm phủ Diêm Vương cũng không chấp nhận ông đâu!
Cai Công ấp úng nói: “vâng”, và cứ thế quỳ trước Nguyễn Thái Học đến tận lúc bọn cai nhà lao lục tục thúc giục tù nhân ra pháp trường.
5 giờ 5 phút ngày 17 tháng 6 năm 1930, bốn trăm cảnh binh, cảnh sát, mật thám và Lê Dương đã giăng ra bảo vệ khu hành quyết tù nhân. Không cho bất cứ ai lọt vào trừ những người làm phận sự. Pháp trường dựng ở bãi lính tập, trước khu nhà thờ, có hàng cây bàng và cây báng súng bao quanh. Đối diện với mấy ngôi nhà gạch mới xây.
Chiếc máy chém đen sì được đặt trên bãi cỏ. Nó vừa có chức năng chém người lại có chức năng dọa người. Lưỡi máy chém xám xịt được kéo lên theo rãnh trượt. Tử tù phải nằm trên một tấm ván, cổ bị gông lại. Chỉ cần giật nút hãm là lưỡi dao rơi tự do phập xuống. Ai yếu bóng vía chỉ trông hoặc nghe tiếng phập nhanh như thái chuối là đủ chết ngất hoặc vãi nước đái ra quần. Trong mọi cách hành hình thì đây là cách hành hình “văn minh man rợ” nhất. Nó lạnh lùng khủng bố tinh thần. Nó trấn áp, nó tra tấn thần kinh con người.
Trên đoạn đường trải đá bên cạnh pháp trường là dăm bảy chiếc xe bò chờ sẵn để chở xác người đi chôn.
Bãi bên, xếp 15 chiếc quan tài. Thấy lạ, nhà báo Louis Roubaud hỏi viên chánh cẩm:
- Sao xử chém 13 người mà lại có những 15 quan tài?
Hắn trả lời:
- Để đề phòng có người sợ quá vỡ tim mà chết tại chỗ! Tình huống này rất dễ xảy ra.
Lần lượt 13 nghĩa sĩ lên đoạn đầu đài. Tất cả đều bình thản bước tới theo danh sách được gọi tên. Tất cả đều khước từ cố đạo rửa tội. Trước khi lưỡi dao máy chém phập xuống, ai cũng hô to:”Việt Nam vạn tuế!”. Tiếng hô khản đặc đủ vang tới tường nhà thờ dội ra đường phố Yên Báy. Dòng máu phun trào từ cổ mỗi người đã đứt lìa, tia máu bắn xa hàng chục mét.
Nguyễn Thái Học phải đứng đó để chứng kiến lần lượt từng người văng đầu trên máy chém. Phó Đức Chính là người thứ 12 lên đoạn đầu đài. Cố đạo Méchet hỏi anh: “Cậu chết trẻ vậy có ân hận không?”. Phó Đức Chính trả lời thản nhiên: “Ở đời, mong làm lấy một việc lớn mà việc ấy không thành thì chết có gì ân hận”! Anh nói lớn: “Cho ta nằm ngửa để ta nhìn lưỡi dao tội ác của người Pháp”. Nhiều người ngoảnh mặt đi không dám ngó. Nhiều người lấy khăn lén lau nước mắt.
Đến lượt Nguyễn Thái Học. Anh ngậm điếu xì gà thật to. Gọi đến tên, anh phì điếu thuốc ra khỏi miệng, thong thả bước tới máy chém. Anh đọc câu thơ bằng tiếng Pháp:
Mourir pour sa patrie
C’est le sort le plus beau
La plus digne d’envie
(Chết cho đất nước của mình
Là cái chết đẹp nhất
Thanh thản tuyệt vời nhất)
Anh hô lớn: “Việt Nam vạn tuế! Việt Nam vạn tuế!”
Chiếc gông đã khớp vào cổ anh. Tiếng hô: “Việt Nam…” bị đứt đoạn. Đầu anh văng ra, cơ miệng anh theo quán tính còn mấp máy một thoáng.
Phía dân chúng đứng xem bỗng vang lên tiếng hô: “Đả đảo thực dân Pháp dã man!”. Những tiếng phụ họa “đả đảo, đả đảo” ầm ầm, buộc đám cảnh binh phải dùng tới dùi cui.
Viên công sứ De Bottini giơ tay xem đồng hồ. Đầu Nguyễn Thái Học rơi khỏi cổ lúc 5 giờ 35 phút, ngày 17 tháng 6 năm 1930 tức 21 tháng 5 Canh Ngọ.
*
****
Ký giả Roubaud đến từ Pháp, chứng kiến cuộc hành quyết đã viết: Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam! Quê hương phương Nam! Tôi nghe thấy mười ba lần hô lên như vậy, mười ba người bị kết án tử hình đã thốt ra từ miệng kẻ này đến người kia, cách nhau hai thước trên dàn máy chém ở Yên Báy”.
Đứng ở rõ xa, Nguyễn Thị Giang trong bộ ria mép, chiếc kính dâm và quần áo cải trang. Cảnh binh ngăn không sao đến gần hơn để thực hiện liều mình cứu chồng. Hai quả mìn tay tự tạo và khẩu súng lục Nguyễn Thái Học tặng nóng bỏng trong chiếc túi bên người. Định lao vào đám lính thì không được. Nổ bom tay tại chỗ thì chết dân. Không thể nào cứu được anh rồi, anh Học ơi! Anh có biết Giang đã đến tận nơi pháp trường nguy hiểm này để nhìn thấy anh trong nỗi tuyệt vọng không? Thôi thế là bái biệt! Vong linh anh hãy theo em về quê nhé!
Hàng chục chiếc xe bò chở xác tù nhân dọc theo đường bờ sông. Nguyễn Thị Giang chỉ biết đứng từ xa mà nhìn. Đoàn xe chở xác đến sau nghĩa địa thường dân, ở trong đoạn khuất nẻo um tùm rừng nứa để chôn chung cả 13 người vào một huyệt. Ở đó trước đã có 4 nghĩa sĩ một mồ chung: Nguyễn Hải Hoằng, Nguyễn Văn Thuyết, Đặng Văn Lương, Đặng Văn Tiếp bị xử trảm ngày 8 tháng 5 năm 1930. Mộ các anh bị san phẳng, không có nấm, chỉ có thể nhận ra bằng một khoang đất mới lấp, cỏ vẫn chưa kịp mọc.
Về nhà trọ, mà hình ảnh của Nguyễn Thái Học cứ hiện lên mồn một. Nỗi mất mát người thân như khoảng trống lớn, không có thể gì bù lấp. Giờ này chắc chắn ở Thổ Tang chưa ai biết về cái chết của Nguyễn Thái Học. Cái thai nhi trong bụng Giang thi thoảng lại đạp nhoi nhói. Giang nén nước mắt để viết hai bức thư tuyệt mệnh. Một bức gửi thầy mẹ Nguyễn Thái Học, bức nữa gửi linh hồn Nguyễn Thái Học.
Thư thứ nhất:
Thưa thầy mẹ!
Con chết là vì hoàn cảnh đã bó buộc, con không được báo thù cho nhà, cứu được nhục cho nước! Sau khi đã đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở Đền Hùng, giờ con tìm về chỗ quê cha đất tổ, mượn phát súng này mà kết liễu đời con.
Đứa con dâu thất hiếu kính lạy.
Bức thứ hai:
Anh đã là người yêu nước, không làm trọn được nghĩa vụ cứu nước. Anh giữ lấy tinh thần cao cả để về dưới suối vàng chiêu binh, rèn súng đánh đuổi quân thù.
Phải chịu đựng nhục nhã mới mong có ngày vẻ vang. Các bạn đồng chí còn sống lại sau anh phải phấn đấu thay anh, để đánh đuổi cường quyền mà cứu đồng bào đau khổ.
Thân không giúp ích cho đời
Thù không trả được cho người tình chung
Dẫu rằng đang độ trẻ trung
Quyết vì dân chúng thề lòng hi sinh
Con đường tiến bộ mông mênh
Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao!
Bây giờ hết kiếp thơ đào
Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây
Dẫu rằng chút phận thơ ngây
Sổ đồng chí đã có ngày ghi tên
Chết đi dạ những buồn phiền
Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình
Quốc kỳ phất phới trên thành
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ
Cực lòng lỡ bước sa cơ
Chết sầu chết thảm có thừa xót xa
Thế ru, đời thế ru mà
Đời mà ai biết, người mà ai hay.
Viết xong hai thư tuyệt mệnh, Nguyễn Thị Giang ra tàu xuôi về Bạch Hạc, rồi đi bộ về Thổ Tang, báo tin cho gia đình biết Nguyễn Thái Học đã bị xử chém tại Yên Báy. Bà Quỳnh nghe tin con bị hành hình đã ngất xỉu. Bà ngã vật xuống bên thềm nhà, đau xót quá không thể thốt lên được lời nào. Ông Hách thì kêu trời: “con tôi chết dưới lưỡi máy chém rồi ư, sao lại có quân tàn ác vậy?”
Xin phép thắp hương ban thờ tổ tiên xong, Nguyễn Thị Giang quỳ lạy thầy mẹ chồng rồi đi ngay. Giang không quên ra Miếu Trúc khấn lạy hồn thiêng Thánh Mẫu  và Lân Hổ. Người phụ nữ xổ dài mái tóc cuốn khăn trắng tất tưỡi đi về phía đường cái quan. Không còn nước mắt để khóc. Gió giữa đồng lồng lộng như giật chiếc khăn tang trên mái tóc Giang.
Ra tới quán nước gốc đa, nơi ghi dấu mối tình sử không quên. Bỗng một luồng khí lạnh sau gáy, khiến Giang rùng mình nhớ lại câu nói của Nguyễn Thái Học lần đầu đưa Giang đến nơi này: “Nếu có chết, cũng về làng để chết!”. Nguyễn Thị Giang khẽ kêu: “Nguyễn Thái Học ơi! Em đi với anh đây!” Rồi rút khẩu súng Nguyễn Thái Học tặng đưa lên trái tim xiết cò.
Được báo, nhà chức trách về ngay hiện trường. Công sứ Vĩnh Yên, tri phủ Vĩnh Tường, không cho an táng ngay, yêu cầu Cẩm Riner điện xin ý kiến chánh mật thám Arnoux. Arnoux cho người từ Hà Nội lên nhận dạng, đúng là Nguyễn Thị Giang mới được phép chôn. Thi thể Nguyễn Thị Giang nằm phơi bên đường đến hai ngày hôm sau, Công sứ Pháp ở Vĩnh Yên mới cho phép tuần đinh đem chôn ở thửa ruộng công điền, gần đường vào Thổ Tang.
Ngọc Bái
  • blogger
  • delicious
  • facebook
  • google_buzz
  • twitter
  • yahoo_buzz

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét