10 tháng 1, 2012

Bản lên tiếng toàn cầu về nhân quyền tại Việt Nam



Bản lên tiếng toàn cầu về nhân quyền tại Việt Nam

Cuộc “Đối thoại về nhân quyền” sắp diễn ra tại Hà Nội giữa đại diện của EU và đại diện của nhà nước Việt Nam. Nhân dịp này, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế cùng phổ biến bản “Lên tiếng tòan cầu” về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam.


Photo by Working Group on Arbitrary Detention
Một số khuôn mặt dân chủ còn bị giam cầm- Photo by Working Group on Arbitrary Detention

Quốc hội châu Âu hứa quan tâm

Đỗ Hiếu trao đổi với giáo sư Võ Văn Ái, một thành viên Ban Tổ Chức và ban soạn thảo "Bản lên tiếng.chung" của các tổ chức nhân quyền quốc tế gồm: Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, Liên đoàn Nhân quyền quốc tế, Tổ chức Thế giới chống tra tấn. 
Đỗ Hiếu: Thưa ông, được biết sắp tới nhân có cuộc đối thoại nhân quyền cấp cao tại Hà Nội giữa đại diện Việt Nam và Liên Âu, ba tổ chức nhân quyền quốc tế vừa ra Bản Lên Tiếng chung về hội nghị này. Ông vui lòng cho biết thêm về hoạt động, chủ trương của của các tổ chức đó?

Ông Võ Văn Ái: Ngày 12 sắp tới, sẽ có cuộc đối thoại đầu tiên giữa Việt Nam và Liên Âu tại Hà Nội. Cấp cao là bởi vì hai bên lâu nay cũng đã có những cuộc gặp gỡ để trao đổi về vấn đề nhân quyền. 
Song biển chuyển mới xảy ra gần đây là vào đầu tháng 12 vừa  có phái đoàn của nhà nước Việt Nam thăm quốc hội Âu Châu do ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu, cùng nhiều bộ trưởng và các doanh gia. Hai bên thương thảo một hiệp ước hợp tác giữa Việt Nam và Liên Âu, dự tính ký kết vào giữa năm 2012. 
Thành quả bước đầu về nhân quyền là hai bên sẽ có đối thoại nhân quyền thường niên cấp cao, luân phiên tổ chức tại hai thủ đô của Việt Nam và EU. Sắp tới là hội nghị được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội. 
Tháng trước, Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam cũng đã mở một cuộc vận động cho nhân quyền Việt Nam tại quốc hội Châu Âu. Văn phòng Chủ tịch quốc hội Châu Âu đã có văn thư hồi đáp và hứa hẹn sẽ rất quan tâm đến lãnh vực nhân quyền. 
Lần này ba tổ chức của chúng tôi, trong nhiệm vụ muốn thông tin cho thế giới thấu rõ tình trạng đàn áp những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam không ngừng tiếp diễn từ mấy năm qua, chúng tôi cũng tạo áp lực cho cuộc đối thoại, mang đến thành quả cụ thể. Ba tổ chức chúng tôi có trụ sở tại Paris, Genève, Bangkok, đã công bố bản thông cáo chung.

Dành ưu tiên cho nhân quyền


Đỗ Hiếu: 
Ông nghỉ sao khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn khẳng định trước dư luận rằng không hề có đàn áp nhân quyền mà chỉ có những vụ người dân vi phạm pháp luật và bị xử lý mà thôi?

Ông Võ Văn Ái: Hiển nhiên có tên đồ tể nào tự nhận mình là kẻ giết người đâu! Đây là một chính sách “hai mặt” về nhân quyền của Hà Nội. Một mặt trong công tác đối ngoại họ cam kết luôn bảo vệ nhân quyền, nhưng lại vi phạm quyền này trong chính sách đối nội. 
Chính vì thế mà tôi kêu gọi trong cuộc đối thoại này, đã tới lúc Liên Âu đặt vấn đề với Hà Nội về sự chênh lệch này, dành mọi ưu tiên cho nhân quyền trong quan hệ song phương. 
Bản Lên Tiếng của chúng tôi có đi sâu vào một danh sách cụ thể của những người tranh đấu cho dân chủ và đã bị bắt, bị quản lý, bị đưa ra tòa án xét xử. 
Chúng tôi mong Liên Âu lưu tâm là cuộc đối thoại lần này phải được thể hiện bằng việc trả tự do cho tất cả những nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền, hiện đang bị cầm tù, bị quản chế.

Đỗ Hiếu: Theo ông thì trước chính sách “hai mặt” về nhân quyền như vừa đề cập, “Bản Lên Tiếng về nhân quyền” mà ba tổ chức quốc tế phổ biến liệu có mang lại ảnh hưởng tích cực nào đến cuộc đối thoại nhân quyền diễn ra tới đây ở Hà Nội?

Ông Võ Văn Ái: Vấn đề chính yếu là phải nói lên sự thật, lẽ phải, để công luận có tư liệu so sánh với thực tế bị bưng bít, mờ mịt khi nói đến nhân quyền tại Việt Nam. Thế giới ngày nay chỉ quan tâm đến hai lãnh vực du lịch, phát triển kinh tế. Đảng cộng sản Việt Nam đàn áp nhân quyền, dân chủ, Trung Quốc xâm lấn biển, đảo Việt Nam… không thấy ai nhắc tới, nếu không phải là chính nạn nhân ấy phải tự mình thét to lên cho thế giới nghe thấy.

Đỗ Hiếu: Những tiếng nói, tiếng thét, tiếng hô vang của người dân trong nước có thể làm át đi sức mạnh của một chánh quyền chuyên sử dụng bạo lực để giới hạn dân chủ và bóp nghẹt nhân quyền không, thưa ông?
Ông Võ Văn Ái: Mình thấy trong thực tế thì hiển nhiên các tiếng nói đều vô vọng trước bạo lực. Thời thế nào cũng như vậy, nhưng nếu không có những tiếng nói dù là yếu ớt, nếu không có những tiếng thét trong cổ nhưng là tiếng thét cho lẽ phải, thì dân Việt Nam đã trở thành dân Quảng Đông, Quảng Tây sau 10 thế kỷ Bắc thuộc, hay thành dân Gaulois sau 100 năm thuộc Pháp. 
Phải tin vào một nền văn hóa phản quyền lực, vì từ nửa thế kỷ qua đã xuất hiện các xã hội dân sự thông qua các tổ chức phi chánh phủ. Đây chính là lực lượng toàn cầu nảy sinh từ nền văn hóa phản quyền lực này. 
Tại các nước độc tài như Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam thì tổ chức phi chánh phủ này bị cấm xuất hiện, vì quyền lập hội nằm trong tay đảng, hay bị gò bó trong tổ chức Mặt Trận Tổ Quốc. 
Hà Nội cũng muốn hội nhập vào thế giới văn minh. Gần đây tại các diễn đàn quốc tế, Hà Nội cũng cho ra mắt các tổ chức phi-phi-chánh phủ, gọi là GONGO, để làm đào, kép hát ca cho đảng, thay vì NGO là tổ chức phi chánh phủ. 
Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ, như chuyện dân chúng ở Hải Phòng nổi lên, người dân Việt cần liên kết với các lực lượng phản quyền lực, các tổ chức phi chánh phủ, để cùng nói lên thảm trạng của quê hương mình ngày nay đang bị tha hóa và vọng ngoại triền miên, từ các chính quyền phi dân tộc.

Đỗ Hiếu:
 Xin cám ơn ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét