Dự luật giúp sinh viên nước ngoài có thể định cư tại MỹCập lúc 05-06-2012.Một thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa và một của đảng Dân chủ đang hợp tác để bảo trợ một dự luật giúp sinh viên nước ngoài đang học ở Mỹ có thể ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp. Một trong hai nghị sĩ nói với VOA dự luật có tên gọi tắt là SMART này vừa có lợi cho sinh viên nước ngoài vừa có lợi cho kinh tế nước Mỹ. Thuật ngữ đại học Mỹ có từ viết tắt là STEM, dùng để chỉ những sinh viên chuyên ngành về Khoa học, Công nghệ, Xây dựng, và Toán học (Science, Technology, Engineering and Mathematics.) Tổng thống Obama đã thực hiện hoặc đề nghị nhiều chương trình nhằm đào tạo số sinh viên STEM nhiều hơn, giúp nước Mỹ có đủ chuyên viên phục vụ cho các lĩnh vực kinh tế trong những năm sắp tới. Giờ đây, cũng nằm trong hướng đó, Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lamar Alexander đang hợp tác để bảo trợ dự luật gọi tắt là SMART, the Sustaining our Most Advanced Researchers and Technology Jobs Act of 2012, ủng hộ các nhà nghiên cứu và các việc làm trong ngành công nghệ tiên tiến nhất. Thượng nghị sĩ Chris Coons giải thích tổng quát về dự luật này: “Dự luật này là để thừa nhận rằng thành phần di dân luôn luôn đóng góp một vai trò quan trọng cho nền kinh tế Mỹ. Hơn bao giờ hết, các trường đại học Mỹ đào tạo những người giỏi nhất và thông minh nhất thế giới, nhưng các chính sách hiện nay buộc nhiều người đã đậu bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ về xây dựng, toán học, khoa học và công nghệ phải trở về quốc gia gốc của họ. Do đó, dự luật này là một sự hợp tác giữa hai đảng nhằm tạo ra một lộ trình rõ ràng trong tương lai cho các sinh viên nước ngoài tốt nghiệp tại Mỹ có thể ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp để đeo đuổi các phát minh của họ và giúp tạo ra công ăn việc làm cho nước Mỹ.” TNS Coons: “Vâng, dự luật này có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, nếu được thông qua, nó sẽ tạo ra một loại visa mới, mà sinh viên có thể nạp đơn xin, ngay khi ghi danh vào đại học Mỹ hoặc khi đến Mỹ vào ngày đầu tiên, thay vì quy định bây giờ buộc họ phải nằm trong một mức trần, tùy theo họ là công dân của nước nào; hoặc buộc họ phải làm một thủ tục phức tạp, là xin cấp một loại visa có nhiều điều kiện đặt ra, một khi tốt nghiệp và muốn ở lại Mỹ. Có thể nói, mỗi năm có khoảng phân nửa sinh viên tốt nghiệp thuộc diện STEM, những người không là công dân Mỹ, bị buộc phải trở về quốc gia gốc. Dự luật của chúng tôi sẽ thay đổi cơ chế đó để cho phép những sinh viên có trình độ cao về khoa học và công nghệ có thể yên tâm rằng nếu họ tốt nghiệp và nếu trong vòng một năm, đã tìm được việc làm tại Mỹ trong ngành nghề vừa tốt nghiệp, họ có thể ở lại Mỹ và được cấp Thẻ Xanh.” PV: Dự luật này có ý nghĩa như thế nào đối với tương lai của nước Mỹ về mặt khoa học và công nghệ? TNS Coons: Hoa Kỳ Lâu nay vẫn là lãnh đạo về công nghệ, nghiên cứu, giáo dục ở cấp cao, về đầu óc doanh nghiệp và phát minh. Nhưng hiện thời Hoa Kỳ phải cạnh tranh với nhiều nước khác; như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Brazil, và Nga. Những nước này cũng muốn có những trường đại học tương đương với Hoa Kỳ, những cơ hội, những cách tạo thêm việc làm thông qua những phát minh mới, tương đương như Hoa Kỳ. Vì thế, Hoa Kỳ, dù vẫn đứng số một về kinh tế, vẫn phải tạo ra những cơ hội mới để sinh viên tốt nghiệp nào muốn tạo thêm việc làm hoặc mở công ty mới có thể thực hiện ý định đó. Hoa Kỳ cần có một chính sách di trú có thể thích ứng với không khí cạnh tranh toàn cầu. Hoa Kỳ cần cạnh tranh để thu hút những tài năng tốt nhất trên thế giới. Trong thực tế, tại Hoa Kỳ vẫn còn hàng vạn việc làm không kiếm được người, trong lúc có nhiều người tốt nghiệp thuộc diện STEM nhưng không có quốc tịch Mỹ. Sự thay đổi chính sách này là cách thừa nhận rằng Hoa Kỳ mở rộng vòng tay tiếp đón những người không chỉ đến Mỹ để học, mà còn muốn đóng góp cho kinh tế Mỹ.” PV: Theo ông nghĩ thì bao lâu nữa dự luật này sẽ thành luật? TNS Coons: “Năm 2012 là năm bầu cử, do đó nhiều người dự đoán chẳng có dự luật quan trọng nào được thông qua trong năm nay. Nhưng tôi cũng mừng khi thấy Thượng nghị sĩ Lamar Alexander đồng ý cùng tôi bảo trợ dự luật này, để Hoa Kỳ khỏi mang tiếng oan ức là bây giờ không còn hoan nghênh những đóng góp của di dân nữa. Dự luật cũng nằm trong khuôn khổ của chiến lược cải cách di trú để nước Mỹ tiếp tục là chỗ của những cơ hội lớn, cơ hội cho cả công dân Mỹ lẫn những người muốn đến nước Mỹ để mở công ty mới, để có bằng cấp cao hơn, hoặc để mang lại cơ hội cho gia đình họ và gia đình người Mỹ. Tôi hy vọng mặc dù trong năm bầu cử, cũng có những tiến bộ cho dự luật này và các dự luật khác.”
Nguồn: VOA
|
#3
| |||
| |||
Hàng chục nhà đối lập Nga bị câu lưu vì chống lại dự luật hạn chế biểu tình
Cập nhật 05/06/2012. Người biểu tình bị bắt giữ tại Matxcơva hôm 6/5/2012 REUTERS/Tatyana Makeyeva Khoảng hai mươi nhà đối lập Nga đã bị câu lưu sáng nay 05/06/2012 vì biểu tình trước Hạ viện chống lại một dự án luật về việc tăng cao mức phạt vạ đối với những người tham gia cũng như người tổ chức các hoạt động phản kháng. Cảnh sát Matxcơva cho hãng tin Interfax biết những người này - trong số đó có ông Serguei Mitrokhine, thủ lãnh đảng đối lập Iabloko - bị câu lưu vì tổ chức một hoạt động không được phép trước Hạ viện. Còn ông Mitrokhine tố cáo trên đài Tiếng vọng Matxcơva, cảnh sát đã hành động một cách tùy tiện. Những người biểu tình phản đối một dự án luật mà họ cho là xâm phạm quyền tự do biểu tình, thậm chí vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp Nga, được Hạ viện bàn thảo lần thứ hai vào hôm nay. Dự thảo này do đảng Nước Nga Thống nhất đang cầm quyền đưa ra, dự kiến tăng cao mức phạt đối với những người tham gia và tổ chức các cuộc biểu tình không được phép, hoặc đã được cho phép nhưng làm phương hại đến trật tự công cộng. Dân biểu Guennadi Goudkov của đảng Nước Nga Công lý (trung tả) cho biết, nếu không cản trở được việc thông qua dự luật trên đây do đảng Nước Nga Thống nhất đang nắm đa số, thì các dân biểu đối lập sẽ nỗ lực tối đa để quá trình này bị chậm lại. Nhóm của ông đã đề nghị hàng trăm điều sửa đổi, và đòi phải xem xét từng đề nghị một. Chiến thắng với gần 50% số phiếu của đảng Nước Nga Thống nhất trong kỳ bầu cử Quốc hội vào cuối năm qua, mà theo đối lập và các nhà quan sát là nhờ gian lận, đã gây ra một phong trào phản kháng chưa từng thấy chống lại chế độ của ông Vladimir Putin. Hôm 6/5 trước ngày ông Putin nhậm chức Tổng thống, hàng trăm người đối đầu với cảnh sát cũng đã bị câu lưu. Cuộc xuống đường lần tới của đối lập dự kiến vào ngày 12/6./Thụy My(RFI) |
#4
| |||
| |||
Pháp kêu gọi Trung Quốc thả tù nhân lương tâm
Cập nhật 05/06/2012. Quảng trường Thiên An Môn trong ngày 03/06/ 2012 . REUTERS / David Gray Hôm nay 05/06/2012, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Pháp yêu cầu Trung Quốc trả tự do cho các tù nhân lương tâm. Lời khuyến cáo của Paris được đưa ra ngày hôm qua, 04/06, nhân ngày kỷ niệm 23 năm cuộc thảm sát Thiên An Môn. Hôm qua, 04/06/2012, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Bernard Valero tuyên bố, « Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục kêu gọi chính quyền Trung Quốc chú ý đến tình trạng của những người bị bỏ tù, vì tham gia vào phong trào Thiên An Môn 1989, đặc biệt trong khuôn khổ đối thoại nhân quyền Châu Âu – Trung Quốc ». Bên cạnh việc kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho những người tham gia vào phong trào Thiên An Môn hiện còn bị giam giữ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh, một lần nữa Pháp khẳng định kiên quyết bảo vệ các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, và kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho tất cả các tù nhân lương thức. Theo hiệp hội Đối thoại (Duihua), một tổ chức bảo vệ nhân quyền Trung Quốc có trụ sở tại Hoa Kỳ, hiện còn khoảng 10 người bị chính quyền Trung Quốc giam giữ vì tham gia vào các cuộc biểu tình mùa xuân 1989. Theo nhiều nhà phân tích, Bắc Kinh lo ngại, chính phủ đảng Xã hội lên nắm quyền tại Pháp sẽ đẩy mạnh các đòi hỏi về nhân quyền ở Trung Quốc. Hơn 100.000 người Hồng Kông kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn Tối hôm qua, cũng như hàng năm vào dịp này, tại Hồng Kông, hàng chục nghìn người đã tập hợp tại công viên trung tâm thành phố, với nến trong tay, xung quanh một bức tượng nữ thần dân chủ, giống như bức tượng được dựng lên cách nay 23 năm tại quảng trường Thiên An Môn, để tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát đêm ngày 3 rạng ngày 4 tháng 6 năm 1989. Hơn hai thập niên đã trôi qua nhưng phong trào mùa xuân 1989 vẫn còn tươi nguyên trong ký ức của người Hồng Kông. Theo ban tổ chức, có đến 180.000 người tham gia vào buổi tưởng niệm hôm qua. Trước đó ba hôm, các sinh viên Hồng Kông diễn lại cảnh thanh niên tuyệt thực trên quảng trường Thiên An Môn để gây áp lực với chính quyền. Từ cuối tháng 4, một triển lãm mới về biến cố Thiên An Môn tại một bảo tàng đã đón tiếp khoảng 6.000 khách thăm. Cơ sở rộng 1000m² này là nơi duy nhất tại Trung Quốc lưu lại các hồi ức về Mùa Xuân 1989. Trong khi đó, như chúng tôi đã đưa tin, tại Hoa Lục, chính quyền kiểm soát nghiêm ngặt và đàn áp tất cả mọi biểu hiện tưởng nhớ đến vụ thảm sát 04/06 của người dân. Nhiều vụ bắt bớ diễn ra khắp nơi, internet bị kiểm duyệt. Nhiều hình thức tưởng niệm phong trào Thiên An Môn, bất chấp đàn áp Bất chấp các đàn áp, nhiều người Trung Quốc vẫn tìm cách nhắc đến phong trào dân chủ 1989 với nhiều hình thức khác nhau. Một số biện pháp đã được dùng để vượt qua hàng rào kiểm duyệt trên internet, ví dụ sử dụng các hình ảnh trò chơi (trò xếp hình người thanh niên đứng trước một đoàn xe tăng trên quảng trường) hay chai bia (với nhãn hiệu nổi tiếng « 64 »)…, để truyền đi thông điệp ngày 04/06. Theo một luật sư ở tỉnh Sơn Đôn, nhiều luật sư và nhà tranh đấu nhân quyền đã quyết định nhịn ăn tại gia một ngày vào hôm qua. Một trong các diễn biến bất ngờ khác là việc chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt chữ « chứng khoán Thượng Hải » trên mạng Weibo, bởi lan truyền đi một tin đồn cho rằng, với 2.346,98 điểm, chỉ số chứng khoán Thượng Hải, vào lúc mở cửa hôm qua, đã ngầm nhắc đến dịp kỷ niệm 23 năm ngày 4/6 năm 1989 (nếu đảo ngược hai số cuối). Trả lời phỏng vấn AFP, hai nhà phân tích chứng khoán cho rằng đây hoàn toàn chỉ là chuyện trùng hợp ngẫu nhiên, và chỉ số này chỉ liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ Châu Âu và tình trạng tăng trưởng chững lại ở Trung Quốc. Hai tuần sau khi đến Mỹ, nhà ly khai Trần Quang Thành đã khẳng định trong một lá thư ngỏ : « Không ai có thể cản được bước đi của Lịch sử. Tôi tin rằng, điều này một lần nữa sẽ lại được chứng minh với phong trào dân chủ 04/06 »/ Trọng Thành (RFI) |
#5
| |||
| |||
G7 bàn giải pháp cho khủng hoảng nợ và tình hình tài chính Tây Ban Nha
Cập nhật 05/06/2012. Tình hình tài chính ảm đạm của Tây Ban Nha đang thực sự là mối quan ngại lớn của nhóm nước công nghiệp phát triển G7 . REUTERS/Paul Hanna Hôm nay 05/06/2012 các cường quốc G7 bàn thảo về tình hình khu vực đồng euro, nhằm tìm ra các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ và những khó khăn của khu vực ngân hàng Tây Ban Nha, dưới áp lực của Hoa Kỳ và Canada. Các Bộ trưởng Tài chính và giám đốc các ngân hàng trung ương của bảy nước công nghiệp phát triển (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Đức, Pháp, Anh và Ý) sẽ hội đàm qua điện thoại vào 11 giờ quốc tế hôm nay. Nhiều nước ngần ngại khi nói về mục đích của cuộc hội nghị mà chưa chắc sẽ ra được một tuyên bố chung. Riêng Bộ trưởng Canada Jim Flaherty hôm qua cho biết, đó là về “các quan ngại thực sự” hiện nay : Châu Âu và sự yếu kém của một số ngân hàng. Đại diện Canada cho là khu vực đồng euro đã không phản ứng thích đáng trước việc các ngân hàng thiếu vốn, không xây dựng được công cụ đối phó thích hợp. Hoa Kỳ, chủ tịch G7 năm nay kêu gọi các nước châu Âu cần có thêm những biện pháp khác, vì thị trường vẫn tỏ ra ngờ vực. Một người có trách nhiệm của Bộ Tài chính Hoa Kỳ tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng châu Âu sẽ hành động nhanh chóng trong những tuần lễ tới”, đặc biệt là để “củng cố hệ thống ngân hàng châu Âu”. Trung tâm của mọi quan ngại là các ngân hàng Tây Ban Nha, mà các nước châu Âu vẫn còn bất đồng về giải pháp. Các ngân hàng này cần một đợt tái cấp vốn quan trọng – theo tờ Der Spiegel của Đức, là từ 50 đến 90 tỉ euro. Nhiều tờ báo Đức cho biết, Berlin muốn Madrid cầu viện đến quỹ cứu trợ tài chính khu vực đồng euro. Tuy nhiên chính phủ Tây Ban Nha không muốn có sự hỗ trợ của quốc tế. Madrid sợ rằng sẽ phải thương lượng về chính sách khắc khổ với châu Âu, thậm chí với Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ông Mariano Rajoy, người đứng đầu chính phủ Tây Ban Nha hy vọng sẽ được quỹ cứu trợ châu Âu linh động tái cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng đang gặp khó khăn, mà không bị các định chế quốc tế kiểm soát chặt chẽ như trường hợp Hy Lạp, Bồ Đào Nha hay Ai-len. Kế hoạch này được Ủy ban châu Âu và nhiều nước ủng hộ, trong đó có Pháp, tuy nhiên vấp phải sự chống đối của Đức./ThuỵMy(RFI) |
#6
| |||
| |||
Đặc sứ Mỹ về nhân quyền Bắc Triều Tiên đến Hàn Quốc và Nhật Bản
Cập nhật 05/06/2012. Đặc sứ Mỹ về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên Robert King trả lời báo chí Hàn Quốc tại Séoul, ngày 11/01/ 2010. REUTERS/Lee Jae-Won Đặc sứ Mỹ về vấn đề nhân quyền tại Bắc Triều Tiên, ông Robert King sẽ đến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc tuần này để tiếp xúc với các viên chức cấp cao. Hãng tin AFP dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm nay 05/06/2012 cho biết như trên. Thứ Năm tới tại Tokyo, đặc sứ Robert King sẽ gặp gỡ Bộ trưởng Nhật Bản Jin Matsubara đặc trách vấn đề các công dân Nhật bị bắt cóc, và Shinsuke Sugiyama, viên chức ngoại giao phụ trách khu vực châu Á – châu Đại dương. Tokyo không có quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng, và giữa đôi bên khá căng thẳng, một phần do những hành động thô bạo của Nhật trong thời kỳ chiếm đóng bán đảo Triều Tiên 1910-1945. Nhiều người Nhật nhìn Bắc Triều Tiên với cặp mắt thù địch, nhất là do vụ Bình Nhưỡng bắt cóc một số công dân Nhật trong thập niên 70 và 80 để buộc họ dạy ngôn ngữ và văn hóa Nhật cho các điệp viên Bắc Triều Tiên. Năm 2002, Bình Nhưỡng nhìn nhận đã bắt cóc 13 người Nhật, và cho phép 5 người trong số này trở về Nhật cùng với vợ chồng, con cái họ, nhưng nói rằng những người còn lại đã chết. Ông Robert King sẽ đến Seoul thứ Bảy tới. Trong số các viên chức ông sẽ tiếp xúc, có đặc sứ Hàn Quốc về hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên Lim Sung Nam, và cố vấn an ninh Kim Tae Hyo. Trước khi quay về Mỹ ngày 15/6, ông King sẽ phát biểu trong một hội nghị về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên, tổ chức ở Seoul. Tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên đang sa sút trong những tháng gần đây, cho dù đã có những hy vọng về cải cách sau khi Kim Jong Il qua đời. Hồi tháng Tư, một nhóm có tên là International Coalition to Stop Crimes against Humanity in North Korea ước lượng có 400.000 tù nhân đã chết trong các thập kỷ vừa qua vì đói, lao động quá sức hay bị xử tử. Một bản báo cáo vào tháng Năm về các trại tù chính trị Bắc Triều Tiên nổi tiếng cho biết, những người bị giam cầm tại đây trong thập kỷ vừa qua hầu hết là những người tuyệt vọng, tìm cách vượt biên để kiếm ăn hay tìm việc, chứ không phải là những người bất đồng chính kiến./Thụy My(RFI) |
#7
| |||
| |||
Roland-Garros 2012 : Tsonga lần đầu vào tứ kết, tia hy vọng nhỏ nhoi của quần vợt Pháp
Cập nhật 05/06/2012. Jo-Wilfried Tsonga lần đầu tiên vào tới tứ kết giải Grand Chelem trên sân nhà. Reuter Ngày hôm qua, 04/06/2012, tại giải Roland-Garros,tay vợt Pháp Jo-Wilfried Tsonga đã đạt thành tích cao nhất của mình, lần đầu tiên lọt vào vòng tứ kết sau khi hạ tay vợt Thụy Sĩ bằng 5 séc đấu. Chiến thắng của Tsonga đem lại tia hy vọng le lói cho quần vợt nam của Pháp ở giải đấu trên sân nhà. Ở vòng 1/8, trận đấu giữa Tsonga với tay vợt Thụy Sĩ Stanislas Wawrinka bắt đầu từ hôm Chủ nhật ( 3/6) vì trời tối kéo đã phải dừng lại giữa chừng ở séc đấu thứ 5 khi anh đang dẫn trước 4-2. Cuối cùng tay vợt số 1 của Pháp đã giành chiến thắng ở séc thứ 5 trong sáng thứ hôm sau. Kết qủa chung cuộc, tay vợt Pháp dẫn 6-4, 7-6 (8/6), 3-6, 3-6 và 6-4. Với chiến thắng này, Tsonga, hiện xếp thứ 5 thế giới đã chứng minh những nhận định cho rằng sân đất nện không phải sở trường của anh là sai. Như vậy Jo-Wilfried Tsonga là tay vợt Pháp duy nhất lọt vào vòng tứ kết Roland Garros năm nay, đồng thời là tay vợt Pháp duy nhất của Pháp đến nay từng lọt vào vòng tứ kết của cả bốn giải Grand Chelem. Ngay cả các tên tuổi lớn của quần vợt Pháp như Yannick Noah, nhà vô địch Roland Garros 1983, hay như Henri Leconte, Guy Forget, Sebastien Grosjean đều không có được thành tích như vậy. Phấn khích với thành tích tuyệt vời trên sân nhà, Tsonga cũng tỏ ra thận trọng với bản thân, anh nói « Thật là phi hừong. Tôi không có bảng thành tích mạnh nhất, nhưng tôi có những mục tiêu nhỏ cho riêng mình. Có mặt ở tứ kết tại đây, tôi tính sẽ thử vận may để đi xa hơn ». Để đi xa hơn nữa, Tsonga phải vượt qua được tay vợt Serbia, số 1 thế giới, Novak Djokovic trong trận đấu chiều hôm nay (5/6). Hai đối thủ đã gặp nhau 11 lần ở các giải đấu khác nhau, tay vợt Serbia mới chỉ nhỉnh ở tay vợt Pháp một trận thắng ở tứ kết giải Master Roma hồi tháng trước. Nhiệm vụ của Tsonga sẽ nặng nề hơn nhiều khi mà tay vợt Serbia đến Roland Garros lần này với mục tiêu dành danh hiệu Grand Chelem duy nhất còn thiếu trong bảng thành tích đồng thời lập kỷ lục vô địch hai Grand Chelem liên tiếp. Tay vợt Pháp nhận định, tham vọng này sẽ tạo sức ép lớn lên tây vợt Serbia, trong khi đó về phần mình Tsonga nói anh đã đạt thànht ích cao và sẽ chơi một trận tứ kết với tâm lý thỏai mái nhất. Ngày hôm qua sẽ là thành công hơn cho quần vợt Pháp nếu Richard Gasquet không bị bại trận trước tay vợt của Anh Quốc Andy Murray, xếp hạng 4 thế giới. Bước vào trận đấu bằng cách đánh áp đảo, chủ động và chính xác, Richard Gasquet đã mang lại hy vọng cho khán giả nhà bằng sác thắng 6-1. Nhưng cuối cùng, bình tĩnh, tự tin, Andy Murray đã đảo lại thế trận giành chiến thắng chung cuộc : 1-6, 6-4, 6-1, 6-2. Đây là lần thứ 11 trong tổng số 12 lần tham dự Grand Chelem, Gasquet không bước qua được vòng 1/8. Lần duy nhất vào đến tứ kết của tay vợt Pháp là tại Wimbledon 2007./Anh Vũ (RFI) |
#8
| |||
| |||
Báo chí Miến Điện ca ngợi bà Aung San Suu Kyi ngang tầm tổng thống
Cập nhật 05/06/2012. Bà Aung San Suu Kyi tới thăm trại tỵ nạn của người Miến Điện nằmbên biên giới Thái Lan hôm 2/6/2012. REUTERS/Damir Sagolj « Bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống Thein Sein là hai nhà lãnh đạo đem lại hy vọng cho Miến Điện ». Đây là nhận định của báo New Light of Myanmar phát hành hôm nay. Từ trước đến nay, chưa bao giờ báo chí Miến Điện công khai ca ngợi lãnh đạo đối lập. Lần đầu tiên báo chí chính thức Miến Điện ca ngợi bà Aung San Suu Kyi. Trong bài xã luận “Gửi các nhà lãnh đạo đem lại hy vọng cho Miến Điện”, nhật báo thân chính quyền, New Light of Myanmar nhận định là “Tổng thống và bà Aung San Suu Kyi là hai nhà lãnh đạo nhìn xa hiểu rộng hơn chúng ta. Ý thức rằng tương lai dân tộc tùy thuộc vào hai nhà lãnh đạo này, họ sẽ phải nỗ lực chung với nhau dựa trên sự tin cậy và thông cảm”. Tuy nhiên tác giả bài xã luận gián tiếp trách lãnh đạo đối lập , trong chuyến viếng thăm Thái Lan tuần trước, đã kêu gọi quốc tế thận trọng , không nên quá lạc quan về tiến trình dân chủ tại Miến Điện và tố cáo tình trạng thiếu vắng một nền tư pháp độc lập. Bài xã luận cho rằng thái độ này có thể sẽ làm cho giới đầu tư nghĩ rằng Miến Điện không phải là nhà nước pháp quyền và sẽ bỏ đi nơi khác. Cuối cùng nhật báo thân chính phủ cũng nhắc lại sự kiện chuyến viếng thăm của dân biểu Aung San Suu Kyi tại Thái Lan đã thu hút cả một đoàn quân ký giả quốc tế. Tờ báo còn nêu lên những tin đồn “đáng ngại” theo đó, Tổng thống Miến Điện đã hủy bỏ chuyến viếng thăm Thái Lan vì “khó chịu” trước sự kiện truyền thông quôc tế quá tập trung vào vị dân biểu đối lập này./Tú Anh(RFI) |
#9
| |||
| |||
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải định thu nhận Afghanistan.
Cập nhật 05/06/2012. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh Trung Quốc và Afghanistan theo dự liệu sẽ tăng cường thêm nữa các mối quan hệ khi họ ký kết một loạt các thỏa thuận chiến lược tại hội nghị thượng đỉnh hàng năm của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vị Dân cho hay hộïi nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, gọi tắt là SCO, khai mạc vào ngày mai tại Bắc Kinh, sẽ tập trung vào việc thu nhận thêm thành viên và tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế giữa các nước hội viên. Các thành viên của SCO hiện nay gồm có Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Ông Lưu Vị Dân cho biết những thành quả mà Trung Quốc trông đợi từ hội nghị này bao gồm việc làm cho SCO trở thành một khu vực hài hòa. Ông nói thêm rằng tổ chức này sẽ đưa ra một quyết định chính thức để nhận Afghanistan làm quan sát viên. Trong những thông cáo trước đây, Trung Quốc và Nga đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thu nhận Afghanistan, là nước mà theo lời một giới chức Trung Quốc “sẽ giúp SCO chống lại chủ nghĩa khủng bố, đòi ly khai và cực đoan.” Ấn Độ, Iran, Mông cổ và Pakistan hiện giờ đã có qui chế quan sát viên cho phép họ tham gia các cuộc tham khảo ý kiến bên lề các cuộc họp của SCO. Theo dự liệu, Trung Quốc cũng sẽ ký kết một loạt các hiệp định chiến lược giúp nâng cao vị thế của họ ở Afghanistan, sau khi hầu như đã đứng bên lề trong một thập niên qua trong cuộc chiến do Hoa Kỳ lãnh đạo chống lại phe Taliban. Ông Raffaello Pantucci là một nhà chuyên viên của Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về Quá trình Cực đoan hóa thuộc Đại học King’s College ở London. Ông nói rằng sự thay đổi này phát sinh một phần từ kkh của Mỹ để bắt đầu triệt thoái lực lượng tác chiến ra khỏi Afghanistan. Ông Pantucci nói: "Dần dà họ đã nhận thức được là Hoa Kỳ có thể ra đi vào năm 2014." Theo nhận định của ông Pantucci, qua việc nhận Afghanistan làm quan sát viên, các nước hội viên SCO thừa nhận những sự hạn chế trong khả năng của tổ chức để đối phó với nạn khủng bố trong khu vực. Ông Pantucci nói tiếp: "Tổ chức SCO tự cho rằng họ đã không làm gì nhiều, cho nên điều này có thể nói là một phát biểu rõ ràng để họ nói rằng “vâng, chúng tôi thừa nhận điều này và chúng tôi sẽ làm nhiều hơn.” Bắc Kinh xem SCO là một bệ phóng trong cuộc chiến đấu của họ chống lại những hoạt động đòi ly khai ở vùng Tân Cương. Trong hơn 10 năm qua, từ khi SCO được thành lập năm 2001, các nước thành viên đã tiến hành nhiều cuộc thao dượt quân sự và diễn tập chống khủng bố và tổ chức các cuộc hộïi nghị định kỳ của các giới chức ngoại giao, quốc phòng và chấp hành luật pháp. Ông Trần Vũ Vinh, chuyên gia của một tổ chức nghiên cứu hàng đầu ở Bắc Kinh, nói rằng ổn định khu vực là mục tiêu chính của SCO nhưng các nước thành viên chủ yếu là thông qua đối thoại để xây dựng các mối quan hệ. Nhiều học giả Trung Quốc cho rằng tổ chức này là một thí dụ điển hình của điều được gọi là “chủ nghĩa khu vực mới” mà Trung Quốc cố xướng như một sự thay thế cho điều mà họ nói là chủ nghĩa bá quyền Tây phương. Ông Trần phát biểu như sau: "Tổ chức SCO có những mước thành viên không có ảnh hưởng kinh tế gì cả nhưng họ được đối xử bình đẳng. Nga và Trung Quốc không phải vì là hai nước lớn mà có quyền hành nhiều hơn trong tổ chức này. Một số các nhà phân tích cho rằng SCO là một tổ chức bị chia rẽ, trong đó Nga và Trung Quốc tranh giành với nhau địa vị của cường quốc chiến lược trong khu vực. Ông Pantucci đã nhiều lần đi thăm các nước Trung Á và nghiên cứu về quyền lợi và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Ông nói rằng Nga và Trung Quốc có những mong muốn khác nhau về vai trò của SCO. Ông Pantucci nói tiếp: "Trước đây Nga có thái độ khá thụ động trong SCO. Nhưng tôi nghĩ rằng họ bắt đầu thay đổi và muốn lèo lái tổ chức này nhằm phát huy ảnh hưởng của Nga ở Trung Á.' Ông Pantucci giải thích rằng Nga muốn tăng cường hoạt động trong các tổ chức mà Moskova có thể nắm giữ vai trò lãnh đạo như Liên hiệp Á Aâu, một tổ chức kinh tế mà ông Putin đã đề nghị thành lập hồi mùa thu năm ngoái. Ông Pantucci nói: "Họ sẽ thành lập một khu vực kinh tế, giáp ranh với Trung Quốc và bao gồm tất các quốc gia Trung Á. Tổ chức này sẽ có những ảnh hưởng rất quan trọng đối với hoạt động thương mại xuyên biên giới, vì nó sẽ dựng ngay những rào cản thuế quan rất cao." Hiện chưa rõ Liên hiệp Á-Âu có được thành lập hay không, và nếu có, liên hiệp này có bao gồm Trung Quốc như một số học giả Nga đề nghị hay không. Trong khi đó, Bắc Kinh dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy cho Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, bất chấp lập trường của Nga như thế nào. Về việc này ông Pantucci cho biết như sau: "Tổ chức SCO đã thực hiện một số bước tiến rất nhỏ theo chiều hướng trở thành một thực thể khu vực, nhưng vào thời điểm này quốc gia thật sự bỏ tiền để thực hiện mục tiêu này chính là Trung Quốc." Năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn để xin làm đối tác đối thoại, trong khi Ấn Độ, Pakistan và Iran đã xin trở thành thành viên đầy đủ từ vài năm nay. Đơn xin của Iran đã bị từ khước vì những biện pháp chế tài của Liên hiệp quốc đối với nước này, trong khi Trung Quốc và Nga đã bày tỏ những mức độ hậu thuẫn khác nhau đối với Ấn Độ và Pakistan./(VOA) |
#10
| |||
| |||
Trung Quốc cảnh báo 'rạn nứt' vì chính sách 'trở lại Châu Á' của Mỹ.
Cập nhật 05/06/2012. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta phát biểu tại Hội nghị cấp cao an ninh châu Á ở Singapore, ngày 2/6/2012 Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm nay cảnh báo rằng kế hoạch chuyển dịch quân sự sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Washington có nguy cơ gây rạn nứt giữa hai quốc gia và có thể làm đảo lộn tình trạng ổn định trong khu vực. Những lời cảnh báo được đưa ra vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta phác thảo một kế hoạch chuyển phần lớn các chiến hạm Hoa Kỳ tới khu vực này vào cuối thập kỷ, trong khuôn khổ “tái cân bằng chiến lược’ hướng về châu Á của chính quyền Tổng thống Obama. Một bài bình luận đăng trên tờ Nhân dân nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc bác bỏ khẳng định của Washington rằng động thái này không nhắm vào việc kiềm chế Trung Quốc. Việc Bắc Kinh ngày càng khẳng định các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của mình đã gây bất bình cho nhiều nước láng giềng trong khu vực. Tờ báo nói rằng ‘mọi chuyện rõ ràng cho thấy’ rằng Hoa Kỳ đã nhắm mục tiêu vào Trung Quốc, và điều này có thể ‘gây chia rẽ’ trong khu vực. Ông Panetta phát biểu trước một hội nghị với sự tham gia của các giới chức quốc phòng ở Singapore hôm thứ Bảy rằng Hải quân Hoa Kỳ sẽ tái bố trí lực lượng hải quân, để 60% tàu chiến sẽ hiện diện ở khu vực Thái Bình Dương vào năm 2020, tức là tăng lên từ mức 50% hiện thời. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kết thúc chuyến công du kéo dài một tuần tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương bằng chuyến thăm Ấn Độ trong hai ngày, nơi đây ông dự trù sẽ thảo luận về việc mở rộng quan hệ quốc phòng, và về sức mạnh quân sự, kinh tế của Trung Quốc trong khu vực/(VOA) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét