Vì đâu nên nỗi ?
Lức Thê (Danlambao) - Những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, hồi đó tôi con rất bé, bây giờ ngồi ôn lại tôi chỉ nhớ những sự kiện đã xảy ra, nhưng không thể nào nhớ rõ cụ thể tháng năm cũng như điều nào xảy ra trước điều gì xảy ra sau. Với chút hiểu biết hiện tại, cũng như những câu chuyện nghe ba tôi kể lại, tôi cố gắng sắp xếp các ký ức rời rạc thành một câu chuyện cuộc đời của cha tôi từ đó đến năm ông mất.
Quê tôi nằm giữa làn ranh Quốc – Cộng. Cũng như các làng khác, làng tôi cũng được bao bọc xung quanh bởi một hệ thống dây thép gai, người ra vào làng phải đi qua cổng chính đầu làng, lúc nào cũng có nghĩa quân canh gác 24/24, gọi là ấp chiến lược. Tuy canh gác khá cẩn mật nhưng ban đêm, những cán bộ VC năm vùng vẫn lẽn vào được những gia đình nào họ cần. Đến khi tôi có trí nhớ thì ấp chiến lược đã được gỡ bỏ, một vài nơi còn sót lại những cuộn thép gai bùng nhùng hoen rỉ. Cũng từ ngày đó quê tôi trước đây vốn mất an ninh bây giờ hoàn toàn mất kiểm soát. Ban ngày mọi sinh hoạt vẫn diễn ra hết sức bình thường, bà con vẫn cày cấy gieo trồng, nghĩa quân tuần tra canh gác, chính quyền cũng đều đặn tổ chức hội họp, vận động bầu cử, hay meeting nhân có sự kiện lớn. Ban đêm thì ngược lại, những người có chút chức vị như ủy viên hội đồng xã, thôn trưởng, những người tham gia các đảng phái chính trị, như Đảng Dân Chủ, Quốc Dân Đảng... hay đôi lúc chỉ là người dân bình thường cảm thấy bất an, họ kéo nhau lên quận ngủ, nơi được coi là an toàn nhất, giao làng xóm lại cho Cộng Sản muốn làm gì cũng được. Chắc vì lẽ đó mới có câu thành ngữ "Ngày Quốc Gia đêm Cộng Sản”.
Gia đình tôi chẳng phải địa chủ, nhà có ít đất ruộng, đến thời vụ cũng có người phụ giúp việc cày cấy, gặt hái, cũng có vài chục con trâu bò phục vụ cày bừa. Cứ sau một năm đầu tắt mặt tối, ăn uống tằn tiện, trừ đi các khoản chi phí khác còn dư ít lúa cha tôi lại bán, tậu thêm ruộng hoặc mua thêm trâu bò. Nhà tôi chẳng có bạc vàng gì cả, gia tài có bao nhiêu thì phơi ra hết cho bàn dân thiên hạ thấy.
Vì lẻ này mà gia đình tôi trở thành điểm ngắm của cán bộ Việt Cộng nằm vùng.
Vào lúc trời chạng vạng tối, ờ làng tôi bắt đầu ngấm ngầm cuộc chuyển giao chính quyền, các đối tượng như trên đã nói đã rời làng đi hết, VC tiến vào làng không chút e dè. Cứ năm bảy bữa, họ lại ghé nhà tôi hỏi han trò chuyện bâng quơ, nhưng lần nào như lần nấy, sau khi má tôi đã gói ghém gạo mắm đâu đấy, trước lúc đi họ không quên để lại lời dặn dò đại loại như: "Ông bà nhớ lần sau, số gạo mắm cũng như vậy nhưng nhớ cố gắng thêm cho tụi tui vài chục cân nếp, cân thịt để anh em cải thiện”. Với câu nói có vẻ rất nhẹ nhàng thân tình, nhưng rõ ràng đây là một chỉ thị mà ba tôi phải chấp hành một cách tuyệt đối. Làng tôi ngày đó chưa có máy xay xát, lúc cần phải kéo xe kéo lên thị trấn cách 4-5 km, trừ những lúc ma chay, cưới xin, giỗ chạp, còn ăn uống hàng ngày thì xay bằng cối xay tay sau đó giã bằng chày đạp. Nếu bình thường mà nhà nào xay máy với số lượng thóc lớn thì lập tức bị chính quyền gây khó dễ, nghi ngờ tiếp tay cho VC. Chính vì vậy, cả ngày làm việc vất vả, mà nhiều hôm cả nhà tôi phải thức đến tận khuya giả gạo để kịp giao đúng giao đủ. Điều gì khiến ba mẹ tôi phải tuân phục như vậy? Lần đầu có thể qua quýt, nhưng lân 2 lần 3 thì họ dễ dàng quy kết anh là người chống đối cách mạng, là Việt gian, như vậy nghĩa là tính mạng đang bị đe dọa. Họ sẽ gõ cửa mời anh đi "họp" bất cứ lúc nào, và vĩnh viễn không trở về nữa. Làng tôi và các làng bên đã có rất nhiều trường hợp như thế.
Họ chẳng cần tuyên truyền vận động gì nhiều nhưng bà con (khá giả một chút) vẫn rất “nhiệt tình” ủng hộ cách mạng. Cứ mỗi lần thu dụng lương thực họ đều ghi vào cuốn sổ tay và nói:"sau này đất nước thống nhất cách mạng sẽ trả công xứng đáng”.
Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi tại sao chính quyền quốc gia lại để cho dân mình phải sống cảnh như vậy suốt bao nhiêu năm trời. Họ thật sự bất lực hay tại một lý do nào khác hơn?
Năm 1972 quê tôi không còn “ngày quốc gia đêm cộng sản” nữa mà là 100% cộng sản. Sau cuộc giao tranh ác liệt, nhà cửa đổ nát, ruộng vườn lỗ chỗ hố bom. Các anh tôi đều là lính nên theo đơn vị rút vào nam, cha mẹ tôi và tôi cùng một số bà con mắc kẹt lại vùng “giải phóng”.
Tôi nhớ hôm đó đi họp về cha tôi cầm lá cờ hai nửa xanh đỏ, ngôi sao vàng ở giữa, với hai tấm hình cỡ bằng tấm hình tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đang đung đưa trên vách nhà đầy dấu mảnh bom. Cha tôi gở tấm hình cũ xuống treo hai bức hình mới lên, một tấm đề là: Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và tấm khác là hình ông Huỳnh Tấn Phát, cả hai ông đều phương phi sáng láng chẳng kém gì ông Thiệu. Cái cổng chào trước nhà tôi làm bằng cọc sắt hàng rào ấp chiến lược cũ bị bom dội xiêu vẹo, ba tôi xô ngay lại rồi cắm lá cờ mới lên.
Ông vốn nông dân chân chất chắc ông cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, còn tôi hễ cứ gặp các chú bộ đội là khoanh tay chào để được cho cục kẹo mút.
Những đàn trâu bò bom đạn chạy tứ tán nay được bà con tìm về, do ruộng vườn hoang hóa, lại chưa có chuồng trại nên chúng được tự do ăn ngủ.
Điều khiến ba mẹ tôi cũng như bà con rất bức xúc nhưng không thể nào nói được, đó là việc bộ đội cụ Hồ cứ nhắm vào những con to béo nhất đàn để cải thiện bữa ăn vốn thiếu thốn của lính, tuy các chú hạ thủ những con to béo nhất đàn nhưng thường chỉ lấy mỗi hai cái đùi sau. Nhiều khi cha tôi phát hiện thì xác cả con bò đã trương sình lên, vì tiếc của cha tôi xẻ thịt đem về phơi khô sau ăn vẫn còn mùi thum thủm. Sau này có kinh nghiệm hơn, mỗi khi có vài tiếng súng vang lên giữa đồng vắng là ba tôi cùng bà con lại quang gánh đi xẻ thịt, ăn không hết, cắt miếng phơi khô đề dành. Những con bò tơ béo mộng mà sao miếng thịt cứ đắng nghét trong cổ họng.!!!
Thời gian sau dù bận bịu cỡ nào bà con cũng cố thay nhau trông chừng đàn trâu bò, nhưng sự việc trên chỉ giảm đi chứ không phải là không còn.
Một buổi trưa trời nóng bức, ba tôi mắc võng nằm dưới rặng tre già, chợt có mấy người bộ đội vào gọi dậy, kéo ông ra trước cổng chỉ vào tấm bảng treo trên cổng chào có ghi dòng chữ “Đả đảo cộng sản”. Ba tôi nói đây là cổng chào cũ, vì không để ý chứ không có ý gì cả. Họ cũng chẳng nói gì, người nọ đứng lên vai người kia gỡ tấm bảng xuống. Ngày sau họ quay lại lấy xăng tẩy đi hai chữ sau rồi thay vào đó ba chữ “Đế quốc Mỹ” rồi treo lên như trước.
Về thể chế đã hoàn toàn thay đổi nhưng phương thức làm ăn của bà con vẫn y như trước, ruộng ai nhà nấy làm, công cụ sản xuất của ai nấy giữ.
Năm 1975 đất nước thống nhất, quê hương được đoàn tụ, bà con gặp nhau tủi tủi mừng mừng, niềm vui chưa kịp nguôi ngoai thì lại phải đớn đau chia ly. Những ai có dính líu làm việc cho chính quyền Sài Gòn, binh lính, cảnh sát, tham gia đảng phái chính trị lại phải chia tay gia đình đi "học tập - cải tạo" để trở thành con người mới, tùy theo chức vụ nắm giữ trước đây mà được "học tập" thời gian ngắn hay dài.
Chừng độ một năm sau ngày thống nhất, một hôm đi họp dân về ba tôi lại mang về lá cờ và một tấm hình mới. Cờ xanh đỏ được hạ xuống, thay bằng cờ đỏ sao vàng, hình hai ông Thọ và Phát được dịch qua một bên nhường cho tấm ảnh được lồng trong khung kính sang trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cổng chào trước nhà tôi lại “vinh dự” nhận dòng chữ mới “Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh muôn năm”.
Cuộc sống quê tôi, chính thức bắt đầu đổi mới.
Sau bao nhiêu ngày họp hành cật lực, hôm đó ba tôi trở về thất thểu như một kẻ bại trận, nước mắt lưng tròng ông nói với mẹ tôi "Mất hết rồi, người ta lấy hết trâu bò, ruộng nương rồi". Mẹ tôi chẳng hiểu gì cả hỏi lại "Sao người ta lại lấy trâu bò ruộng vườn nhà mình?". Ba tôi cố giải thích trong sự tuyệt vọng cùng cực "Nhà nào cũng vậy! Cày cuốc dụng cụ… phải nộp hết cho họ, tất cả là của chung, giống nhau hết! Tui và bà sẽ được cấp thẻ “Xã viên”, còn thằng lớn nhà mình không có thẻ vì chưa có quyền công dân”. Mẹ tôi bịnh một trận trối chết.
Đàn trâu bò nhà tôi từng con một được lùa ra khỏi chuồng đi ngang qua "ban hóa giá" (ban hóa giá gồm mấy ông cán bộ tăng cường từ miền bắc và mấy ông làm thuê cuốc mướn được chọn ở trong làng) một người cán bộ trong số họ đưa ra con số cụ thể, thường là bằng khoảng 1/10 giá trị thực, dĩ nhiên các ông bần cố nông đại diện cho dân đồng ý ngay, mức "hóa giá" đưa ra càng thấp thì các ông ấy càng hả hê. Ba tôi đứng xem chẳng nói được lời nào chỉ nghĩ rằng không biết mình có gây thù chuốc oán cho ai mà bây giờ người ta nỡ đối xử tệ bạc như thế. Má tôi nằm bẹp dí trên giường khóc và khóc. Khi trong chuồng còn lại mấy con, ba tôi bước lại nói gì đó với ông cán bộ đeo xắc-cót, mấy ông chụm lại thảo luận một hồi cuối cùng họ nói với ba tôi là: trường hợp nhà tôi sẽ được chiếu cố cho để lại một con bê để “tăng gia”.
Ba tôi cầm sợi dây thừng quấn cổ con bê vàng cột vào cột chuồng, mặc cho con bê cố sức vùng vẫy đến tươm máu để chạy theo mẹ.
Ông cán bộ đưa cho ba tôi tờ biên lai và nói “Lúc nào gia đình khó khăn thì làm đơn, ban quản trị xem xét và giải quyết cho rút ít tiền, cách mạng không để bà con thiệt thòi đâu, đừng lo gì cả”.
Con bê vàng là niềm an ủi lớn giành cho mẹ tôi, nhưng cũng chính nó là nỗi khổ giành cho bà. Mẹ tôi phải hứng chịu nỗi nhớ mẹ và những cơn thèm sữa quằn quại của con bê mới mấy tháng tuổi, kết cục sự việc xảy ra khá bi thảm.
Khi mẹ tôi đang dắt bê vàng ăn cỏ bên vệ đường thì bổng từ đâu tiếng bò mẹ rống lên vì cơn đau nhức do cương sữa mấy ngày qua, bê vàng nhận ra được tiếng mẹ vội vùng chạy, sợi dây quấn vào chân kéo mẹ tôi đi một quảng dài. Bà bị sái mắt cá chân, bó thuốc cả tháng trời mới đi lại được.
Mấy ngày sau có một ông trong ban quản trị lại nhà tôi nói: đây là sự việc xảy ra ngoài ý muốn, rằng họ đã cố gắng tạo điều kiện cho nhà tôi nhưng không được thì đành chịu thôi. Ông ta lấy tập biên lai ra "hóa giá" nốt con bê rồi đưa tờ giấy cho ba tôi.
Sau này khi gia đình thực sự khó khăn, có người đau ốm, hay chạy ăn giáp hạt mẹ tôi cầm đơn lên ban quản trị xin rút tiền (mẹ thường dắt tôi theo), lúc thì họ đưa cho ít tiền tôi không biết là bao nhiêu nhưng thấy mẹ tôi buồn lắm, lúc thì họ bảo hợp tác xã hết tiền để lần sau. Đi lại như vậy mấy lần không biết lấy hết số tiền không, hay vì lý do gì mà không thấy mẹ tôi đi nữa. (Tôi nghĩ cũng có thể do trượt giá nên số tiền đó không còn giá trị nên bỏ luôn).
Lúc bấy giờ xã viên trong hợp tác xã được xếp thành ba loại A B C, những xã viên trẻ khỏe, nhanh nhẹn được xếp lao động loại A, những người ốm yếu - chậm chạp hơn xếp loại B, những xã viên lớn tuổi bệnh tật xếp loại C. Mỗi công lao động loại A được 12 điểm, B 10 điểm, C 8 điểm. Những năm được mùa thì công lao động loại A được nhận khoảng 1,2 kg lúa tươi, B được 1kg, C 0,8 kg. Gặp năm thất bát mỗi công loại A chỉ được 0,4 kg lúa tươi, B, C cũng được tính theo tỉ lệ như trên. Ba mẹ tôi cũng đã lớn tuổi nên chỉ được xếp loại B. Với cách tính đó thì dù năm đó được mùa, ăn uống hết sức tằn tiện thì một năm cũng hụt ăn 4-5 tháng, còn những nhà con cái đông thì lương thực chính là khoai sắn (có khi cũng chẳng có mà ăn). Lúc này thì mạnh ai nấy làm, người thì vào rừng đốn củi gánh bộ về thị xã bán, đổi lấy mấy kg gạo, người thì đốt than, kẻ thì lên miền ngược làm thuê làm mướn cho người thiểu số để lấy bắp, sắn mang về cứu đói... Từ người già đến trẻ nít ai nấy da xanh bủng vì đói và sốt rét rừng.
Bắt đầu từ năm 1977 nhà nước kêu gọi dân đi kinh tế mới, nhà nào đăng khí đi theo diện chính sách thì được trợ cấp 3 tháng lương thực. Chính sách này xem ra chẳng mấy mặn mà, không ai muốn rời bỏ xóm làng, mồ mả tổ tiên ông bà để lên rừng ở cả. Số người tình nguyện thì ít mà phần nhiều là bị vận động. Những ai đi cải tạo về mà đăng ký đi kinh tế mới thì được trả quyền công dân ngay, bằng không có khi phải chịu quản thúc hàng năm trời.
Tất cả tình nguyện viên được tập trung lên xe chở đến một nơi heo hút nào đó rồi bỏ xuống, họ đều bị cắt hộ khẩu, sau này vì khổ quá muốn quay về cũng không được. Tuy nhiên rất nhiều người không chịu đựng nổi đã tháo chạy khỏi những tập đoàn kinh tế mới, đi tứ tán khắp nơi, không ít người trong số họ đã tìm đường vượt biển.
Trước tình hình này ba tôi và một số người bạn thân tình quyết định đi kinh tế mới diện tự do. Nghĩa là ba tôi không nhận trợ cấp của nhà nước và ông có quyền đi tới bất kỳ vùng đất nào mà ông cảm thấy thích hợp để lập nghiệp. Ông nghỉ giản dị, rằng như vậy sẽ không dính líu đến chính quyền nữa.
Sau hơn tuần lễ bị nhồi nhét trên những ga tàu chợ, cuối cùng ông cũng đã đến được vùng núi đất đỏ bazan thuộc huyện Châu Thành - Đồng Nai, đồ đạc mang đi mất sạch, gia tài chỉ còn lại duy nhất cây rựa.
Những khoảng đất gần khu dân cư đều được những người đến trước hoặc dân địa phương cắm cọc xí phần, những trường hợp đến sau như ba tôi phải vào tận sâu trong rừng già. Sau gần một năm ăn đói nhịn khát, đốn hạ cây rừng, vật lộn với sốt rét, vừa làm công việc của mình lại phải đi làm công cho người khác để đổi lấy lương thực, dù nỗ lực hết sức ba tôi cũng chỉ khai hóa được khoảng trên dưới 1 hec-ta.
Năm đầu tiên, do mới khai phá đất còn tươi, chồi cây lên rất mạnh, việc trông trọt rất khó khăn, mà năng suất lại rất thấp. Mùa vụ đầu tiên chỉ đủ đổi gạo ăn, dù rất thương nhớ vợ con nhưng ông không thể về thăm. Năm sau, khi những cây bắp, những luống đậu bám rể tro rừng xanh mơn mởn, báo trước một vụ mùa khấm khá.
Ông viết thư về cho mẹ tôi bảo bà thu xếp, để ông ra đưa vào Nam sinh sống.
Tuy không phải là điều gì to tát quá, nhưng nghĩ đến việc gia đình đoàn tụ sinh sống dựa trên mảnh đất mình đã đổ công sức mồ hôi để có được, để khỏi đi làm theo tiếng kẻng, cuối vụ thì lại chầu chực để được còm cõi chia phần, ông cảm thấy vui vui như vừa tìm lại được cái gì mình đã đánh mất. Từ khi toàn bộ gia sản cả một đời dành dụm được bỗng nhiên không còn là của mình, ngay chính bản thân mình cũng không còn là mình nữa, ông nghĩ cuộc sống kể như chẳng còn gì cả. Đến bây giờ ông nghĩ mình đã có quyết định cực kỳ sáng suốt, ông đã đi đúng con đường cần phải đi. Sau này nơi đây sẽ thành vườn cà phê, hồ tiêu hay vườn cây ăn trái trĩu quả, tuy phải sống xa quê hương, xa bà con ruột thịt, xa mồ mả tổ tiên ông bà, nghĩ có phần không phải, nhưng ông không thể làm được gì hơn thế. Sống gần nhau mà phải đấu đá giành giật nhau từng miếng ăn, muốn làm con gà giỗ cha mẹ phải xin phép chính quyền thì quả là nhục nhã vô cùng.
Một buổi sáng ba tôi đang làm cỏ bắp trên rẫy, nghe tiếng gọi từ phía lán trại, ông cảm thấy có điều gì đó không bình thường. Thường ngày hay có những cán bộ đi lùng bắt những người trốn nghĩa vụ quân sự khắp nơi đổ về (thời kỳ này chiến tranh ở Campuchia xảy ra rất ác liệt) nhưng họ thường ập đến bất ngờ vào ban đêm. Ông quay về trại mà trong lòng cảm thấy bất an.
Một trong số ba người nói với ba tôi là họ đến đây để mời ông đi họp. Ông ta nói buổi họp rất quan trọng nên họ phải đích thân vào tận từng nhà để báo.
Sáng hôm sau, tất cả bà con trong khu đó đều phải ngưng công việc, lội bộ gần 10km ra hội trường xã. Cuộc họp chỉ vỏn vẹn mấy chục người trong khu "tân lập”, chẳng cần thưa gởi gì nhiều, sau một hồi quán triệt chủ trương làm ăn lớn của đảng, ông cán bộ đi thẳng vào vấn đề: Tỉnh ủy vừa có quyết định trưng dụng toàn bộ số đất bà con vừa khai phá để thành lập nông trường cà phê.
Mấy mươi người ngồi im lặng như tờ, tất cả đều nhìn về ba tôi, một người lớn tuổi nhất. Họ nghĩ ông sẽ đứng lên phản đối, nhưng ba tôi đã ngồi im.
Ông nghĩ cách mạng mỗi khi đã quyết định điều gì thì tiếng nói của người dân chẳng có ý nghĩa gì cả.
Ông cán bộ nói tiếp, chính quyền sẽ không để bà con thiệt thòi, bà con về làm đơn kê khai diện tích đưa lên xã xác minh, chúng tôi sẽ hoàn trả lại tiền khai hoang cho bà con một cách đầy đủ…
Từ cuộc họp trở về, ba tôi nằm liệt giường và lên những cơ ho dữ dội, anh em hàng xóm thương tình làm đơn kê khai cho ông chứ ông không còn thiết gì nữa cả. Chỉ chưa đầy một tháng sau ngày họp, mấy ông cán bộ trong ban đền bù mang tiền đến tận nhà cho cho ba tôi. Họ cầm ba- rem ra đọc rồi giải thích đại loại như, một sào bao nhiêu công chặt cây, bao nhiêu công đốt dọn, nhân với tổng diện tích, được bao nhiêu công nhân với số tiền công một ngày ra tổng số tiền. Còn cây hoa màu có sẵn giữa rẫy họ cũng tính khá chi tiết, một sào bắp, đậu bao nhiêu kg giống, nhân với số tiền mỗi kg, bao nhiêu công trồng trỉa làm cỏ nhân lên thành tiền. Họ tính toán xong đưa tiên cho ba tôi, ông chẳng buồn nhận, họ đặt xấp tiền lên bàn rồi kêu ông ký vào sổ.
Nhận được chút tiền còm đền bù, anh em một số rủ nhau đi nơi khác tiếp tục sứ mạng khai hoang, một số quay lại làm công trên chính mảnh đất của mình.
Sau này, nhận thức được vấn đề, đây chẳng phải là chủ trương chính sách gì cả mà là do một số cán bộ muốn lập đồn điền nên kết hợp với chính quyền địa phương bày trò ma giáo cướp công sức bà con, họ đã làm đơn tập thể tố cáo lên các cấp từ huyện đến tỉnh, họ còn kéo nhau ra tới Hà Nội, sự việc dây dưa đến những năm cuối thế kỷ 20.
Vụ kiện cáo kéo dài chỉ vỗ béo các ông cò luật còn bà con vốn nghèo nay càng thêm túng quẫn.
Riêng phần ba tôi, sức khỏe cũng như tuổi tác đã không cho ông một cơ hội nào nữa cả. Ông trở về quê với một thể trạng tiều tụy, và tinh thần hoàn toàn suy sụp. Khi về tới nhà thì được biết má tôi cũng vừa bán xong nhà cửa và đồ đạc để chờ ba tôi về đưa gia đình vào Nam.
Ba tôi lại nổi cơn ho.
Vậy nhà tôi bây giờ không còn gì nữa cả. Mẹ tôi khóc lóc van xin người ta để chuộc lại căn nhà, nhưng không thể. Hai ngày sau khi ba tôi trở về thì họ đến tháo dỡ nhà tôi mang đi.
Ba tôi đổ đốn, mắng nhiếc mẹ tôi dẫu biết rằng bà không có lỗi, mẹ tôi rất thương ông nên chỉ im lặng. Lúc này tôi đang học lớp 7-8 gì đó, tôi chỉ thấy thương ba mẹ tôi chứ không biết gì. Bà con thương tình người cho cây tre, tấm tranh, giúp làm cho nhà tôi cái lều nhỏ để tránh mưa, nắng...
Số tiền đền bù, chỉ đủ trả tiền tàu xe, mua cho tôi và mẹ tôi mỗi người một bộ đồ mới, còn lại đủ cắt mấy thang thuốc bắc là hết.
Má tôi đã phải dùng đến số tiền bán nhà để thuốc thang cho ba tôi, nhưng bệnh tình ba tôi không hề thuyên giảm. Ông đã phải sống trong bệnh tật, và tinh thần bấn loạn trong suốt gần 5 năm ròng.
Ba tôi mất khi mới chỉ ngoài bảy mươi.
Như vậy, cả cuộc đời ba tôi từ khi sinh ra trên làng quê cho đến lúc chết đi trên quê nhà, Ông đã cố gắng hết sức mình để làm tròn bổn phận của người nông dân đúng nghĩa, chưa bao giờ có ý định gì hơn thế, nhưng xem ra chẳng dễ dàng gì.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét