9 tháng 4, 2012

Thà chết chứ hổng chịu hy sinh!


Thà chết chứ hổng chịu hy sinh!

Cô Gái Đồ Long - Ngay sau 1975, khi thị trấn Xuân Lộc (Đồng Nai) được kiến thiết và xây dựng lại với chính quyền mới; người ta đặt tên cho con đường dài nhất là Nguyễn Văn Bé. Hồi nhỏ đi học ở đây, tui nhớ trong tài liệu từ phòng truyền thống của trường sơ lược, Nguyễn Văn Bé sinh năm 1941 quê ở Châu Thành (Sông Bé). Anh nhập ngũ tháng 7.1961, là Đảng viên ĐCSVN. Năm 1966, sau khi bị bắt trong một chuyến vận chuyển vũ khí, theo yêu cầu của Mỹ - ngụy Nguyễn Văn Bé phải giải thích công dụng của các loại vũ khí này, nhờ cơ hội đó anh đã dùng mưu cầm quả mìn Claymor đập vào một chiếc xe tăng tiêu diệt 69 tên Mỹ - ngụy và nhiều xe tăng địch; hy sinh tan xác tại chỗ. Nguyễn Văn Bé được Ủy Ban MTDTGPMNVN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 


...

37 năm trôi qua, Nguyễn Văn Bé là tấm gương sáng được nhiều thế hệ học tập. Huyện Xuân Lộc bây giờ đã là Thị xã Long Khánh nên đường Nguyễn Văn Bé cũng được mở rộng hoành tráng, chạy dọc suốt chiều ngang thị trấn như con đường huyết mạch. Nhưng, tự dưng gần đây mấy bác lãnh đạo địa phương bất ngờ cho đổi tên đường Nguyễn Văn Bé thành Hồ Thị Hương; hầu như ai cũng thắc mắc nhưng không có câu trả lời chính thức nào. Dân thị trấn xầm xì với nhau rằng: “Té ra người ta mới phát hiện cha nội này hổng có hy sinh mà là chết vì bệnh!”.“Thì thiếu gì người chết bệnh mà vẫn đặt tên đường đó thôi, miễn sao những gì họ cống hiến là xứng đáng!”. “À…chắc còn chuyện gì khó nói.”. Dân Long Khánh trà dư tửu hậu bàn tán rằng, Nguyễn Văn Bé bị thương và bị địch bắt làm tù binh trong một trận đánh, sau đó anh được đưa ra ngoài hạm đội chữa trị và chuyển qua Mỹ. Nhiều năm nay Nguyễn Văn Bé mang quốc tịch Hoa Kỳ và mới đây bất ngờ trở về (!). Tuy nhiên, theo một số tài liệu khác của quân đội Mỹ đưa ra, có thể tìm kiếm google - trong đó có cả tờ Times đáng tin cậy và nhiều tờ báo thời điểm 66-67 đăng tải hình ảnh anh Nguyễn Văn Bé còn sống, lại thế này: Năm 1966 Nguyễn Văn Bé bị bắt và đã chiêu hồi Mỹ - ngụy, tin đầu hàng của Nguyễn Văn Bé còn được in trong truyền đơn nữa. Vậy đó. Thực hư thế nào hổng chịu trách nhiệm nha, ai hỏi là tui nhất định không khai thằng cha Vixi đang núp trong bụi chuối đâu à. Túm quần lại là nhân vật Nguyễn Văn Bé có lý lịch không rõ ràng trong sáng. Hahahha… Thay vì ngồi chờ đợi các nhà sử học lật lại “Vụ án Nguyễn Văn Bé “ - mà có vẻ chuyện này hơi bị khó như “Vụ án Lê Văn Tám”, thị xã Long Khánh đã quyết định đổi tên cho chắc ăn. Thà quê còn hơn bị chê! Nhưng cũng có một trường hợp khác, đó là Trường THCS Nguyễn Văn Bé (206 Nguyễn Văn Đậu, Phường 11, Quận Bình Thạnh – TP.Hồ Chí Minh). Trường này thành lập từ năm 1976, nhiều năm liền đạt thành tích Tiên tiến cấp Thành phố. Đã từng nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi nghi vấn về anh hùng liệt sĩ mà trường mang tên chưa sáng tỏ, nơi này đã viết lại lý lịch trong đó ghi rằng anh hùng Nguyễn Văn Bé mất ngày 24.3.2002. Thà chết chứ nhất định hổng chịu hy sinh! Dù gì đi nữa, tui cũng quýnh giá cao hành động dũng cảm của mấy bác Long Khánh. Chợt nhớ tới bữa rồi đi thăm chuồng cọp Côn Đảo, nghe cô hướng dẫn viên kể về một nữ tù đã can đảm mổ ruột ném vào mặt cai ngục, phản đối chế độ sinh hoạt hà khắc ở đây. Nữ tù này tên Nguyễn Thị Bé, sao không đặt tên đường chị này ha!

…..

Đường Nguyễn Văn Bé mới đổi thành Hồ Thị Hương.

Thị xã Long Khánh nằm ngay trên trục quốc lộ 1A, chỉ cách Sài Gòn 80km về phía Đông Bắc; luôn được xem như cửa ngõ Sài Gòn. Cứ chạy qua khỏi cầu Sài Gòn phóng thẳng chừng 1 tiếng rưỡi là tới. Đây là quê hương thứ 2 của tui!

Vào lúc 5 giờ 40 sáng ngày 9.4.1975, cách đây đúng 37 năm đã mở đầu Chiến dịch tiến công tuyến phòng thủ Xuân Lộc - Long Khánh. Trận này là một mốc quan trọng quyết định tiến trình dẫn tới sự kiện 30.4.1975, vì Xuân Lộc là khu vực phòng thủ trọng yếu trong tuyến phòng thủ cơ bản (Biên Hòa - Xuân Lộc - Bà Rịa - Vũng Tàu) của QLVNCH để phòng giữ cửa ngõ phía đông của Sài Gòn. Lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam tham chiến gồm có: Quân đoàn 4 (thiếu Sư đoàn 9) tăng cường Sư đoàn bộ binh 6 (Quân khu 7), ngoài ra còn một trung đoàn tăng, thiết giáp, một trung đoàn pháo binh, sau còn được tăng cường thêm Trung đoàn 95B (Sư đoàn bộ binh 325) và một đại đội xe tăng (tổng quân số khoảng 40.000 do Thiếu tướng Hoàng Cầm làm tư lệnh và Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện làm chính ủy. "Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn" nên trận Xuân Lộc là nỗ lực cuối cùng của QLVNCH nhằm ngăn chặn bước tiến của QĐNDVN trên đường tiến vào Sài Gòn. Nhắc đến sự kiện này không thể không nhớ tới tướng Lê Minh Đảo chỉ huy sư đoàn 18 và 12 ngày đêm tử thủ cùng với các lực lượng dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, tăng thiết giáp và không quân còn lại.

Tại Xuân Lộc, một máy bay C-130 của KLVNCH đã thả một quả "bom cháy" CBU-55, loại vũ khí phi hạt nhân tàn bạo nhất trong kho vũ khí của Mỹ, xuống khu vực được cho là sở chỉ huy Sư đoàn 341 QĐNDVN. Nó đã đốt ôxy trong một vùng rộng lớn và giết chết hơn 2500 lính QĐNDVN. Đây là lần đầu tiên và cuối cùng loại vũ khí này được sử dụng trong chiến tranh. Trận Xuân Lộc kéo dài đến ngày 20.4 làm QĐNDVN thương vong khoảng 2.000 người (trong đó 1.888 người chỉ tính riêng Quân đoàn 4 theo số liệu của Việt Nam sau 1975) và theo số liệu ước tính của Mỹ tổng cộng khoảng 5.000 người. Chiến thắng Trận Xuân Lộc đã quyết định sự sụp đổ của chính phủ Sài Gòn.

Những năm gần đây, dân Long Khánh thỉnh thoảng vẫn còn đào thấy xương cốt của cả hai phe…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét