Khi lãnh đạo đất nước biết đau, biết nhục
Thein Sein (Photo: EPA)
Song Chi - Gần đây các nước láng giềng của Bắc Hàn lại lên cơn sốt vì nước này đang ráo riết chuẩn bị cho kế hoạch phóng tên lửa tầm xa trong tháng 4.
Dù Bình Nhưỡng tuyên bố, vụ phóng tên lửa chỉ nhằm đưa vệ tinh lên quỹ đạo chứ không phải vì mục đích quân sự, hành động của Bắc Hàn vẫn bị xem là vi phạm nghị quyết của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đe dọa hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Ðông Bắc Á. Chưa kể đã vi phạm thỏa thuận với Hoa Kỳ vào tháng 2 năm 2012, khi Triều Tiên đồng ý ngưng một phần các hoạt động hạt nhân và hoãn một vụ thử tên lửa để đổi lấy 240,000 tấn thực phẩm viện trợ.
Vì vậy, chính phủ Hoa Kỳ đã quyết định ngừng viện trợ lương thực. Thông qua phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Bắc Hàn, Bình Nhưỡng liền lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ “đã hành động quá đáng”.
Từ lâu, các nước chẳng còn lạ gì những cách hành xử rất bất chấp luật lệ thế giới, một mình một kiểu, rất là “Chí Phèo”, của nhà nước cộng sản Bắc Triều Tiên. Cứ khi nào kinh tế quá kiệt quệ và người dân đói khổ gần như hết chịu đựng nổi, nước này lại đem cái món vũ khí hạt nhân ra hăm dọa để đổi lấy viện trợ lương thực từ nước anh em ruột thịt Nam Hàn, Hoa Kỳ và kể cả Trung Quốc.
Khi hành xử như thế, nhà nước Cộng Sản Bắc Hàn bất cần thế giới nghĩ gì về họ. Họ cũng chẳng thèm xấu hổ khi một mặt thì cứ ra rả chửi Mỹ và Nam Hàn mà họ coi là những kẻ thù không đội trời chung, nhưng mặt khác, lại vẫn phải nhận viện trợ lương thực từ những quốc gia này.
Khốn khổ thay cho người dân Bắc Triều Tiên khi có những người lãnh đạo vừa không có lòng tự trọng, vừa không biết thương xót cho dân cho nước, vừa ngoan cố bám chặt quyền lợi. Nhất định không thay đổi, cải cách về chính trị, kinh tế để đất nước khá hơn, đời sống nhân dân đỡ khốn cùng hơn.
Làm lãnh đạo là phải nhìn ra thế giới, biết so sánh nước mình với nước khác, ta là ai, ta đang đứng ở vị trí nào, đang ở giữa dòng chảy tiến bộ hay đang lội ngược dòng, thậm chí bị gạt ra ngoài lề. Làm lãnh đạo là phải biết đau biết nhục cho cái nghèo, sự tụt hậu của nước mình, dân mình trước hết rồi mới đòi hỏi người dân phải đau phải nhục. Ðồng thời phải có lòng tự trọng, có tinh thần dân tộc.
Chính lòng tự trọng đã làm nên sự thành công thần kỳ của người Nhật. Không chỉ về kinh tế, công nghệ, kỹ thuật, về chất lượng giáo dục, chất lượng sản phẩm, uy tín của các thương hiệu… Mà cái chính là nhân cách của người Nhật, những giá trị được tuân thủ, gìn giữ trong xã hội như lòng tự trọng, tính kỷ luật, sự miệt mài học tập, lao động không mệt mỏi, tinh thần vì cộng đồng, vì xã hội…
Thế giới vị nể và quý trọng người Nhật, điều đó đã thể hiện rất rõ khi nước Nhật gặp thảm họa kép sóng thần-hạt nhân vào tháng 3 năm 2011, các nước đã nhiệt tình hỗ trợ người Nhật ra sao.
Ðối với Hoa Kỳ, có nhiều người thuộc các quốc gia khác nhau không thích, thậm chí ghét, từ chính phủ cho đến người dân Mỹ. Nhưng nước Mỹ cũng là nơi mà nhiều người muốn đến sống và trở thành công dân nhất.
Và khi có chuyện gì xảy ra, nhiều nước lại sẵn sàng đứng bên cạnh, là đồng minh của Hoa Kỳ. Quốc gia này vẫn có những chuẩn mực giá trị đáng để học tập từ mô hình thể chế chính trị, luật pháp cho đến giáo dục, còn văn hóa-quyền lực mềm của Mỹ thì tràn ngập khắp nơi.
Với các quốc gia như Anh, Pháp, Ðức, Nga… các nước cũng dành sự vị nể về những giá trị/thành tựu văn hóa lâu đời.
Các quốc gia Bắc Âu như Ðan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Ðiển… dù là những nước nhỏ về dân số nhưng luôn luôn được đánh giá cao từ sự thịnh vượng, ổn định về kinh tế-chính trị-xã hội, chỉ số tự do dân chủ, chỉ số hạnh phúc của người dân cho đến sự công bằng, cởi mở, nhân bản trong xã hội…
Thuộc loại những “con rồng nhỏ” trong khu vực Ðông Á như Nam Hàn, Singapore, Indonesia, kể cả Thái Lan cũng được xếp hạng tốt trong một số lĩnh vực.
Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, là cường quốc thứ hai về kinh tế, có một nền văn hóa lâu đời, có sức mạnh đáng ngại về quân sự và cũng là một ví dụ về sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ. Song dường như lại chưa chiếm được thiện cảm, sự nể trọng của nhiều nước.
Nhắc đến Trung Quốc, người ta lại hay nói đến nạn hàng giả hàng nhái kém chất lượng, hàng hóa độc hại, nạn ăn cắp bản quyền, sản phẩm trí tuệ của các nước; một chế độ độc tài, hồ sơ nhân quyền tệ hại cho đến thái độ trục lợi, lũng đoạn về kinh tế, chính trị trong mối quan hệ với các nước khác… Từ mô hình thể chế chính trị, những giá trị đạo đức xã hội, con người… Trung Quốc đều chưa thuyết phục được thế giới.
Thế mới biết, muốn được xem là một nước lớn, có được nhiều bạn bè, đồng minh, thì đâu chỉ lớn về dân số, lãnh thổ, tiền hay sức mạnh quân sự là đủ? Mà còn phải có lòng tự trọng, tự hào dân tộc một cách đúng đắn, quyết tâm giành được lòng tin, sự thiện cảm của các nước bằng con đường “chính đạo”.
Ðối với những quốc gia độc tài còn nghèo khổ lạc hậu, những người lãnh đạo thường không cảm thấy hoặc không muốn thấy sự cách biệt giữa nước mình với nước khác. Mối bận tâm lớn nhất của họ là làm thế nào để có thể tiếp tục ngồi lên đầu lên cổ nhân dân… vĩnh viễn.
Việt Nam dưới sự độc quyền lãnh đạo của đảng và nhà nước cộng sản từ bao lâu nay, cũng không là ngoại lệ. Chỉ tính từ ngày 30 tháng 4, 1975 khi đảng cộng sản nắm quyền lãnh đạo trên toàn nước đến nay cũng đã 37 năm. Có bao giờ những người lãnh đạo giật mình nhìn sang những nước láng giềng, nhìn ra thế giới để so sánh với Việt Nam?
Hay từ lâu rồi, niềm kiêu ngạo suốt một thời gian dài của những kẻ “chiến thắng hai đế quốc to Pháp, Mỹ” cũng không còn nữa. Bây giờ nhà cầm quyền Việt Nam trở nên rất thiếu lòng tự trọng khi cứ tiếp tục ca bài ca nước nghèo để đi vay, nhận viện trợ của các nước.
Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị thường niên ADB ngày 5 tháng 5 năm 2011, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng Việt Nam vẫn là một nước nghèo và “mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả hơn nữa của cộng đồng quốc tế, của các nhà tài trợ, trong đó có ADB và các nước thành viên” (Thủ tướng: ‘Việt Nam vẫn là nước nghèo’, VNExpress).
Trong mối quan hệ bất xứng với Trung Quốc, ngoài sự hèn nhát, khiếp nhược trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc, chính sự yếu kém, lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc của Việt Nam đã khiến Hà Nội không dám mạnh miệng với Bắc Kinh trong sự tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải và nhiều lĩnh vực khác.
Khi xảy ra vụ tham nhũng liên quan tới công ty tư vấn Thái Bình Dương (PCI) của Nhật và trước thái độ không kiên quyết xử lý của phía Việt Nam, vào tháng 12 năm 2008, chính phủ Nhật đã tuyên bố tạm ngừng cấp các khoản viện trợ ODA cho Việt Nam – vốn là nước nhận ODA nhiều nhất.
Quyết định của chính phủ Nhật vào thời điểm đó rõ ràng đã làm cho nhà nước Việt Nam vô cùng bối rối.
Khi Nhật Bản bị thảm họa sóng thần và sự cố điện hạt nhân vào tháng 3 năm 2011, báo chí Việt Nam liền đưa tin Nhật Bản cam kết sẽ không cắt giảm nguồn vốn viện trợ ODA cho Việt Nam trong thời gian tới, mặc dù đang có những khó khăn nhất định.
Chỉ như vậy là đủ thấy kinh tế Việt Nam bị lệ thuộc như thế nào vào các nguồn vốn cho vay từ bên ngoài. Và với bức tranh kinh tế ảm đạm như mấy năm vừa qua, sự lệ thuộc đó càng nặng nề hơn.
Lại nhìn sang Miến Ðiện. Sự thay đổi của nước này là từ sự thức tỉnh của Tổng Thống Thein Sein. Khi ông nhìn ra sự hạn chế của chế độ cũ đã biến đất nước Miến Ðiện từng giàu có hùng mạnh trong quá khứ trở thành quốc gia nghèo nhất Ðông Nam Á, bị cấm vận, có nguy cơ lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc.
Tổng Thống Miến Ðiện Thein Sein và Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton. Sự cải cách của Miến Ðiện dưới thời Tổng Thống Thein Sein đáng để giới lãnh đạo Việt Nam noi theo. (Hình: SAUL LOEB/AFP/Getty Images)
Muốn thoát ra, muốn đưa đất nước phát triển thì phải cải cách về chính trị.
Vị tổng thống của Miến Ðiện đã biết đau, biết nhục cho dân cho nước. Khác với những người lãnh đạo Bắc Hàn.
Còn những người lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam, có dấu hiệu gì cho thấy họ biết đau biết nhục cho dân cho nước? Hay họ vẫn đang điềm nhiên ngự trị ở Ba Ðình mà nghĩ rằng chế độ này còn tồn tại dài lâu?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét