8 tháng 4, 2012

Giấc mơ Mỹ - Hiện thực Mù Căng Chải


Giấc mơ Mỹ - Hiện thực Mù Căng Chải

Đào Tuấn - “Giấc mơ Mỹ”, một dạng thức khác của hội chứng “đi nước ngoài chữa bệnh” đã được thực hiện trên một “hiện thực Mù Căng Chải".

Một người Việt vừa bỏ 900 ngàn USD, khoảng gần 17 tỷ đồng để mua một mảnh đất bằng cái sân bóng loại trung bình, tại một nơi khỉ ho cò gáy ở miền Tây hoang dã, bên một con đường bị cấm đường khoảng một nửa thời gian mỗi năm, với không một cư dân, và tài sản là một cây xăng, một căn nhà.

Không điên chút nào. Chỉ bởi mảnh đất đó nằm ở Mỹ, có danh nghĩa là một thị trấn, và chủ nhân của nó có thể tự phong là thị trường.

Không lẽ nước Mỹ đang bi thảm đến nỗi bị nhà đầu tư Việt Nam dễ dàng mua mất một phần? Không lẽ các đại gia Mỹ, Nhật, Trung, Thổ…tham gia cuộc đấu giá lại nghèo đến không có nổi 900 ngàn mỹ kim, lại “gà” đến mức để chiến rút thắng cục về tay một người thuộc…thế giới thứ ba?

Gần đây nhất báo chí Mỹ và thế giới đưa tin về các đại gia Việt Nam là chuyện một đại gia hàng hiệu bị hạ mức tín nhiệm quanh chuyện nợ nần, mà tệ nhất là chuyện nợ thuế. Còn lần này, cũng là chuyện ồ ạt đưa tin, nhưng có lẽ là với thái độ của một kẻ bỗng phát hiện ra chuyện khỉ biết nói. Bởi ngẫm ra, số tiền này thậm chí chỉ là muỗi so với mấy đám cưới đình đám của mấy đại gia tỉnh lẻ. Bởi suy cho cùng, việc các đại gia Việt bí mật mua biệt thự tại London, tại Newyork cũng không đáng dù chỉ được “một hộp diêm” trên trang tin của các hãng thông tấn hàng đầu thế giới như CNN, BBC…

Tân chủ nhân, trả lời báo chí sau đó đã nói đến “giấc mơ Mỹ” (American dream): “Sở hữu một chút tài sản ở Hoa Kỳ là giấc mơ lâu nay của tôi. Khi đọc được bài báo về cuộc đấu giá thị trấn Buford tôi đã rất phấn khích. Vì thế tôi quyết định bay tới Wyoming để đấu giá tại chỗ. Đó là một chuyến đi dài nhưng cuối cùng tôi cũng đã đến được đích. Đó là American dream – Giấc mơ Mỹ!”. Để đạt giấc mơ này, ông đã trả gấp 9 lần cái giá được đưa ra ban đầu, và qua đó, khiến tay “thị trưởng Mỹ” phát khóc khi hay tin là mình “trúng số độc đắc”.

Tại sao người Việt nọ lại mua thị trấn này? Dân Mỹ, qua 640 bình luận trên bản tin của CNN rất vui tính mà đoán: Có thể doanh nhân nọ, đây là lần đầu tiên tới Mỹ- phát hiện dưới đất có 4 tỷ thùng dầu? Tân chủ nhân có thể kiếm bộn tiền bằng cách xây khách sạn phục vụ các bác tài mắc kẹt? Hoặc biết đâu đấy, với “tầm nhìn xa trông rộng, chẳng mấy sẽ có một thiên đường kiểu Las Vegas được tạo ra từ “thị trấn kiểu Mù Căng Chải” này!

Gần 1 triệu mỹ kim, quá bé so với một bất động sản, chuyện nhỏ so với số “phí lưu hành” ngót tỷ mỗi năm mà một đại gia phố núi có nguy cơ phải nộp, nhưng lại là số vốn mơ ước của 76 ngàn doanh nghiệp hoặc đã hoặc đang phá sản, giải thể. Hóa ra, ai chết cứ chết, ai bỏ tiền ra mơ cứ bỏ. Cần phải nói thêm “giấc mơ Mỹ”, một dạng thức khác của hội chứng “đi nước ngoài chữa bệnh” được thực hiện trong hoàn cảnh báo chí đang sôi sục nói về chuyện các đại gia trong nước nợ chồng nợ chất, các DN thì “dấu hiệu rõ rệt của đình đốn sản xuất”- vì thiếu vốn, về chuyện còn người lao động thì xanh mặt khi “Bão thất nghiệp sắp đổ bộ”. Đây là một “giấc mơ Mỹ” trên một “hiện thực Mù Căng Chải”.

“Giấc mơ Mỹ” với một sự thật là mua nhà đất ở Mỹ, dù khỉ ho cò gáy, hóa ra rẻ bèo, có vẻ sẽ tạo ra một tiền lệ tốt dành cho những người không đủ tiền mua nhà, đất ở Việt Nam. Ngày mai, một cái tên Việt có thể sẽ xuất hiện trên bản đồ hành chính nước Mỹ. Cũng có thể, lần đầu tiên sẽ xuất hiện một thị trưởng là người mang quốc tịch Việt.

Nhưng không thể vì thế mà có thể nói đến sự kiện trên bằng những từ ngữ đại loại “tình thần Việt”, hoặc “tự hào Việt Nam” trước câu chuyện “chơi chó cảnh” một cách quá ư đắt đỏ này. Bởi “niềm tự hào Việt” chỉ có thể được khẳng định khi Mù Căng Chải thật sự, là “giấc mơ Việt” đối với những nhà đầu tư nước ngoài. Bởi “tinh thần Việt” chỉ đáng được nói đến khi các đại gia Việt tự hào khi có thể “đến đích” trên chính mảnh đất Việt.

Đào Tuấn

0 Ý kiến:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét