9 tháng 1, 2012

Điều gì đi sau những cỗ xe tang?


Điều gì đi sau những cỗ xe tang?

Blog Phanthehai - Ngày cuối tuần, từ chối một trận golf ở sân Đại Lải chỉ vì phí sân quá cao, lại gặp phải những tay ham độ mà Chủ tịch đang ở triều đại Lý bí, đành ngồi ngẩn ngơ ngẫm về một năm cũ vừa đi qua. Năm được coi là khủng hoảng toàn diện, từ khu vực châu Âu già cỗi đến vùng Bắc phi đầy sức sống. Đáng chú ý nhất là việc một số đồng chí độc tài đã ra đi, dẫu mỗi người một vẻ.

Đầu tiên là đồng chí Mubarak ở Ai cập, sau ba mươi năm trị vì bỗng dưng bị hạ bệ. Dẫu chưa tịch nhưng việc đồng chí đi về cõi âm chỉ tính bằng ngày bằng tháng. Sau khi bị lật đổ, đồng chí không còn kiểm soát được truyền thông nữa, dân chúng mới tá hỏa ra rằng, thời kỳ cầm quyền, đồng chí Rak kính mến đã kiếm chác được nhiều tỷ đô. Trị giá của cải của gia đình đồng chí Mubarak có thể lên tới 70 tỷ USD, phần lớn được cất giấu trong các NH của Anh, Thụy Sĩ và bất động sản ở nước ngoài.
Đồng chí thứ hai cũng thuộc dạng anh hùng hảo hán không kém chính là Gaddafi, một đồng minh rất thân cận của chúng ta. Công bằng mà nói, khi còn đương nhiệm, đồng chí đã có mối quan hệ khá tốt với xứ thiên đường, là nơi đã tiếp nhận hàng vạn lao động VN sang bên đó kiếm kế sinh nhai, dẫu chỉ bằng nghề phụ hồ ở các công trường xây dựng nhưng cũng kiếm cỡ dăm trăm đô Mỹ mỗi tháng.
Nghĩ đến đồng chí Gaddafi, Chủ tịch không khỏi bùi ngùi khi người đã từng mang danh hiệu “Người hướng dẫn cuộc Cách mạng Vĩ đại tháng 9 đầu tiên của Đại dân quốc nhân dân xã hội chủ nghĩa Ả rập Libya” hay “Lãnh đạo và Người hướng dẫn Anh em của cuộc Cách mạng” trong các văn kiện của nhà nước và báo chí chính thức của Libya. Đồng chí Gaddafi cũng nổi tiếng bởi câu “Không có nước nào có một nền dân chủ ngoại trừ Lybia trên khắp hành tinh này”.
Thế nhưng, với sự nổi dậy của dân chúng, khiến đồng chí không còn nơi ẩn náu, đến nỗi phải chạy trốn về Sirte quê nhà mà chúng vẫn không chịu buông tha. Ngày 20/10/2011, đồng chí Gaddafi kính mến đã chết vì nhiều vết thương nặng khi đang trên đường chạy trốn và bị bắt gần Sirte. Mặc dầu, người anh hùng Gaddafi đã rời bỏ ngai vàng và trốn trong một ống cống, không những thế đồng chí đã cầu xin tha mạng và van xin các binh sĩ nổi dậy đừng bắn nhưng sau đó đã chết do bị một viên đạn bắn vào đầu.
Trên đây chỉ là những chuyện ở xứ Hồi giáo xa xôi, gần gũi hơn với chúng ta là chuyện đồng chí Kim Jong il, lãnh tụ tối cao và vô cùng sáng suốt của nhân dân Bắc Hàn. Đồng chí là một trong những vĩ nhân có công lao to lớn trong việc bảo tồn mô hình xã hội chủ nghĩa do hai ông Mạc Văn Cạc và Lê Văn Nin nghĩ ra (hai ông này đều gốc Việt). Dẫu nó bị tuyệt chủng ở chính quốc nhưng vẫn được đồng chí Kim bảo tồn thành công ở xứ Hàn.
Không chỉ thế, sùng sùng bái cá nhân được coi là một nghệ thuật của các nhà nước độc tài được đồng chí Kim nghiên cíu, kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới. Tưởng đồng chí Stalin ở Liên xô là lãnh tụ tối cao và vô cùng kính mến rồi, nhưng khi sang xứ Thần châu, đồng chí Mao lại càng vĩ đại và sáng suốt hơn. Nhưng chừng đó chưa ăn thua, đồng chí Kim còn thiên tài hơn cả các thiên tài vừa nêu.
Ở Bắc Hàn, đồng chí luôn là trung tâm của sự chú ý trong đời sống của dân chúng. Ngày sinh của đồng chí là một trong những ngày nghỉ lễ quan trọng nhất nước. Dịp sinh nhật thứ 60 của đồng chí Kim, nhiều buổi lễ đông người đã được tổ chức trên khắp đất nước không kém gì ngày quốc khánh. Những thuyền nhân Bắc Hàn kể lại rằng các trường học tại quốc gia này đã thần thánh hóa Kim Jong il và cha ông, có nơi còn dạy rằng hai người này không đi đái như người bình thường.
Ngày 17/12, đồng chí Kim qua đời, người dân Bắc Hàn khóc thương thảm thiết, báo chí xứ này cho biết, có đến 5 triệu người đã ra đường bày tỏ sự thương tiếc đối với đồng chí. Thế nhưng, một hãng thông tấn xấu bụng đã dẫn lời của một kẻ diễn biến hoà bình là Barbara Demick nói rằng: “Cả tương lai của anh tùy thuộc khả năng khóc được không. Không chỉ sự nghiệp, tấm thẻ đảng  mà cả sinh mạng. Đó là chuyện sống hay chết.
Báo chí Bắc Hàn cho biết: cả thiên nhiên và loài chim chóc cũng khóc thương lãnh tụ Kim Jong il, người được gọi là con của thánh thần. Cũng theo hãng thông tấn quốc doanh Bắc Hàn, bão tuyết đã nổi lên khi ông qua đời, băng trên hồ Chon trên đỉnh ngọn núi Paektu tại biên giới Trung- Triều nơi ông sinh ra đã vỡ tan, ánh hào quang bí ẩn hiện ra trên núi và người ta thấy một dòng chữ sáng chói: “Núi Paektu, ngọn núi thiêng liêng của cách mạng Kim Chính Nhật”
Cũng nhờ nghệ thuật sùng bái được đẩy lên một tầm cao mới mà mọi lời nói của đồng chí Kim đều là vàng ngọc, đều là chân lý. Nhờ đó, đồng chí đã vô sản hóa đựơc 24 triệu dân của nước này, không những thế, những người dân Bắc Hàn còn được dùng một loại thuốc phiện miễn phí, đó là “đi lên thiên đường XHCN”.
Các đồng chí cốt cán ý ra đi là một tổn thất vô cùng lớn lao cho phong trào độc tài quốc tế. Đồng chí Stalin ra đi, đồng chí Khrushop lên nắm quyền đã đưa Liên xô đi theo con đường xét lại. Ở Tàu, năm 8 sáu, đồng chí Mao ra đi, rồi Đặng nắm được quyền lực, đưa cả đất nước đi theo lý luận con mèo. Ngẫm lại lịch sử, thấy rằng chuyện anh Gaddafi, rồi anh Mubarak rồi anh Kim ra đi, không biết chuyện gì sẽ xẩy ra.
Sinh thời, Đặng Phong, bạn Chủ tịch nói một câu khá hay: “Đàng sau mỗi cỗ xe tang sẽ là một cuộc đổi mới”. Nếu điều đó đúng, nhân loại sẽ chứng kiến những đổi thay, chí ít cũng là sự tan vỡ của hệ thống độc tài bắc Phi. Còn Bắc Hàn, vẫn là một ẩn số.
P.T.H.
Nguồn trích dẫn (0) Điều gì đi sau những cỗ xe tang?
Đăng ngày: 09:05 08-01-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét