9 tháng 1, 2012

Đã đến lúc phục hồi phong tục đốt pháo ngày tết


Đã đến lúc phục hồi phong tục đốt pháo ngày tết

NVM (bạn đọc danlambao) - Đốt pháo ( pháo dây) là một truyền thống lâu đời của dân tộc Việt nam nói riêng và các dân tộc châu Á nói chung. Đốt pháo tết đã trở thành một nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, còn hơn thế nữa nó mang tính tâm linh và truyền từ đời này sang đời khác. Tết không thể vắng tiếng pháo.


Theo phong tục, việc đốt pháo đêm giao thừa có ý nghĩa xua đuổi tà mà, xua đuổi những điều xui xẻo, đưa tiễn những cái cũ để đón những điều mới, may mắn, tốt tươi ( Tống cựu nghinh tân), tiễn đưa một năm cũ với những nỗi vui buồn để đón năm mới với nhiều hy vọng. Tiếng pháo như tiếng vui chào rộn rả đón rước ông bà tổ tiên về vui vầy cùng con cháu sum hộp, đón ông táo về nhà giữ ấm cúng bếp nút, đón ngài Hành Khiển về phù hộ gia chủ...

Tiếng pháo đêm giao thừa như đánh mốc và tôn nghiêm thời khắc thiêng liêng, thời khắc giao thời giữa cũ và mới, giữa mùa đông giá lạnh và một mùa xuân ấm áp, giữa những buồn vui, nhọc nhằn trong năm cũ và những hy vọng tốt đẹp trong nắm mới. Thời khắc lòng người như giao hòa cùng đất trời, cùng thiên nhiên, vừa xao xuyến vừa hoan ca, như thỏa lòng mong đợi sau một năm với bao vất vả lo toan. Đêm giao thừa là những giây phúc quý báu rất thanh bình, rất riêng tư cho mỗi gia đình đòan tụ bên nhau sau một năm xuôi ngược mưu sinh, những mối dây liên kết gia đình càng thêm thắt chặt, gắn bó đằm thắm hơn. Đó là những mảnh ghép trong một bức tranh đất nước đón năm mới thái bình, an lạc.

Tiếng pháo giòn giã, mùi khét của khói thuốc súng, và xác pháo phủ khắp trên những con đường trong những ngày tết đã đi vào lòng người, đi vào thơ ca, nhạc, họa như một biểu tượng của ngày tết:

"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh".

Tú xương cũng dành cho pháo những nét yêu thương:

" Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Loẹt lòe trên vách bức tranh gà".

Thời kỳ bao cấp, những năm kinh tế còn khó khăn, nhưng ngày tết rất vui, nên có câu "vui như tết". Trẻ em mong tết như khấp khởi từng ngày, người lớn cũng rộn ràng không kém. Cái không khí đó chính là nhờ tiếng pháo, như thúc giục, như chào mời. Những ngày giáp tết không khí càng thêm háo hức bởi những tiếng pháo lúc xa lúc gần, mọi người như quên đi những nhọc nhằn, gác lại những lo toan để chăm lo cho một cái tết được sung túc và vui vẻ nhất. Ngày đó phổ biến là pháo điện quang, pháo chuột, kích thước nhỏ nhưng nổ rất giòn giã mà không gây tai nạn gì. Từ khi kinh tế mở cửa và hội nhập, cuộc sống ngày càng sung túc hơn, cũng là lúc người ta đua đòi theo kiểu "trưởng giả học làm sang", cái gì cũng muốn hơn, "con gà ghét nhau tiếng gáy", thế là cuộc đua đốt pháo bắt đầu. Cộng với sự buông lỏng quản lý về sản xuất và phân phối pháo, những cuộn pháo tống, pháo đại rất "hoành tráng" ra đời và đi kèm với nó là những tai nạn thương tâm sau những ngày tết qua đi. Và pháo được quy kết vừa không an toàn lại vừa lãng phí và dẫn tới một sắc lệnh cấm đốt pháo vào năm 1995.

Việc thực hiện nghiêm ngặt việc cấm đốt pháo, theo tôi đồng nghĩa là việc "bứt tử" một truyền thống văn hóa vô cùng quý báu của dân tộc, bức tử một sinh hoạt mang đậm tính tâm linh, và tước đoạt một sinh hoạt vui chơi giải trí lành mạnh, quý giá của người dân. Ngày tết cũng chính vì thế mà trở nên buồn tẻ, vô vị.

Các lý giải cho hành động cấm đốt pháo theo tôi là không hợp lý.

Nếu cho là lãng phí thì chưa thuyết phục, bởi truyền thống đốt pháo đã có từ lâu đời. Thời bao cấp và những năm kinh tế khó khăn, tức là nghèo vẫn có pháo đốt trong ngày tết đầm ấm của dân tộc, và chắc chắn đốt pháo không là nguyên nhân làm cho chúng ta nghèo đi. Thời kỳ đó pháo được phân phối theo tiêu chuẩn nên dĩ nhiên không có việc lạm dụng sự đốt pháo để gây lãng phí hay các tai nạn về pháo. Thủ phạm chính là sự buông lỏng quản lý, thiếu kiểm soát nên dẫn tới việc sản xuất và phân phối tự do, là nguyên nhân của tình trạng lạm dụng đốt pháo, và cùng với nó là hậu quả gây tai nạn cháy nổ, thương tích.

Và hiện nay nhiều việc chúng ta còn lãng phí gấp hàng trăm lần việc đốt pháo như tệ nhậu nhẹt, rượu bia, thuốc lá.... Nếu như làm một thăm dò thì tôi tin chắc sẽ hơn 90% người dân sẽ chọn pháo trong ngày tết cho nhu cầu tinh thần và tâm linh trong sự cân bằng với nhu cầu vật chất, trong khi đời sống vật chất chúng ta hiện nay được cải thiện đáng kể. Thiết nghĩ nhà nước phải độc quyền về sản xuất và phân phối pháo theo các tiêu chuẩn an toàn, có thể xem pháo như một mặt hàng quốc cấm, chính đó là một công cụ hữu hiệu tránh lãng phí, lạm dụng việc đốt pháo cũng chính là tránh đi các tai nạn về cháy nổ. 

Không thể nói việc đốt pháo quá nguy hiểm mà cấm. Thật ra việc gì cũng có nguy hiểm cả như tham gia giao thông, tắm biển, xài điện dân dụng, xài gas để nấu nướng...thậm chí ngay cả ăn uống ngoài quán xá cũng đều có nguy hiểm cả. Điều quan trọng là ý thức người sử dụng, ý thức cộng đồng trong thực hiện hành vi đó nhằm giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất và chấp nhận được. Không vì tại nạn giao thông hiện nay là vấn nạn mà cấm người dân không được lái xe, hoặc không vì tình trạng ngộ độc thực phẩm mà cấm các quán xá nhất là các quán vỉa hè...Cái mà chính quyền cần làm là sự tuyên truyền, giáo dục và các biện pháp khác nhằm đưa hoạt động vào nề nếp, hiệu quả, an toàn chứ không phải là cấm. Tất cả mọi hoạt động của con người ( như khi tham gia giao thông, ăn uống, giao tiếp...) nếu không được giáo dục đều sẽ dẫn tới mất văn hóa, lệch lạc chứ không riêng gì việc đốt pháo. Người lớn phải làm gương, phải giáo dục con em không nên lạm dụng việc đốt pháo hoặc các hành vi mất an toàn, mất văn hóa trong việc đốt pháo.

Pháo hoa, hay tăng thêm các loại hình giải trí trong dịp tết không thể nào thay thể việc đốt pháo truyền thống của dân tộc. Pháo hoa chỉ phục vụ cục bộ dân chúng nơi địa phương đó, không thể phục vụ đại đồng cho toàn dân trên mọi nẻo đường đất nước, điều này còn cho thấy sự mất công bằng trong việc thụ hưởng đời sống tinh thần giữa các vùng miền. Việc đốt pháo hoa chỉ do chính quyền thực hiện, rất tốn kém, trong một phạm vi nhỏ, nó khác với việc đốt pháo đón xuân, đón thời khắc giao thừa đến từng gia đình, trên mọi nẻo đường của đất nước. Tính chất, ý nghĩa và hiệu quả mang lại khác nhau.

Trong thời đại ngày nay, người ta không còn ăn tết mà đón xuân, vui tết. Tức giá trị tinh thần được đòi hỏi nâng cao, đó cũng là lý do phải trả lại những giá trị tinh thần, những giá trị thiêng liêng vốn có trong ngày tết cổ truyền, đã đến lúc trả lại tết tiếng pháo.

Thực tế ngày nay, tết không còn vui như xưa, không khí tết trầm buồn và lặng lẽ trôi qua, nhạt nhẽo. Đêm giao thừa, các miền quê im lìm trong giấc ngủ vì người ta không còn đợi, còn mong. May mắn các thành phố còn có pháo hoa, cái không khí tập nập xe cộ với khói bụi vì tất cả đều ra đường xem pháo hoa có khi mệt mỏi hơn vui, và chắc chắn cũng có nhiều hệ lụy như tình trạng tai nạn giao thông tăng lên, kẹt xe, rối loạn an ninh trật tự...Kinh phí cho việc bắn pháo hoa cũng còn nhiều điều bàn cải, tế nhị. Những người ở nhà xem đài truyền hình cũng với nhịp cầu nối đó và màn bắn pháo hoa xơ cứng trên màn hình tivi, năm nào cũng diễn lại trong buồn chán, ru ngủ, và lời chúc tết của chủ tịch nước mấy ai thức để nghe.

Tôi đang viết những dòng này trong những ngày giáp tết, một không khí buồn và yên lặng. Ký ức ngày xưa lại về, qua bao nhiêu năm giờ rất thèm nghe pháo, thèm ngửi mùi pháo, muốn nhìn xác pháo rơi trên khắp nẻo đường quê hương trong những ngày tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét