18 tháng 12, 2011

Václav Havel : Quyền lực của Không Quyền lực (Kỳ 1)


Václav Havel : Quyền lực của Không Quyền lực (Kỳ 1)

Khải Minh dịch và giới thiệu - Lâm Yến hiệu đính (Talawas)

Lời giới thiệu cho bản dịch tiếng Việt

Václav Havel- sinh ngày 5 tháng Mười năm 1936 tại Praha, trong một gia đình trí thức tư sản nổi tiếng của Tiệp Khắc. Sau Thế chiến II, sự nghiệp học hành của ông gặp trắc trở vì lý lịch. Havel tự học và trở thành nhà văn, nhà viết kịch. Sau khi cách mạng Mùa xuân Praha bị Hồng quân Liên Xô đàn áp (1968), ông bị cấm viết kịch và bắt đầu hoạt động chính trị. Là người đề xướng tuyên ngôn Hiến chương 77, ông phải ngồi tù 5 năm. Tư tưởng chính trị và đạo đức của Havel có ảnh hưởng to lớn đến phong trào dân chủ ở Đông Âu. Havel là lãnh tụ của cuộc Cách mạng Nhung của Tiệp khắc năm 1989, sau đó là người đứng đầu Diễn đàn dân sự (Civic Forum), tổ chức chính trị đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc tuyển cử tự do đầu tiên sau chế độ cộng sản. Ông trở thành tổng thống đầu tiên của nước Tiệp Khắc dân chủ, sau đó được bầu là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Czech. Sau khi rút lui khỏi chính trường, dù bệnh tật, Havel vẫn ủng hộ các phong trào bất bạo động chống chế độ toàn trị ở các nước như Cuba, và cả Việt Nam.

Quyền lực của không quyền lực” [1] (1978) là tác phẩm kết tinh tư tưởng của Havel. Tiểu luận này đã ảnh hưởng đến các phong trào chống toàn trị ở Đông Âu, định hướng lại lý thuyết chính trị về chế độ cộng sản, và góp phần tạo ra một làn sóng đương đại về xã hội dân sự.

Tiểu luận mở đầu bằng một phân tích chính trị xuất sắc: định danh thực trạng Đông Âu thời kì hậu Stalin bằng cái tên “hậu toàn trị” [2] . Havel đã vạch ra đặc điểm cơ bản nhất của hệ thống hậu toàn trị: xã hội bị tha hóa thành một hệ thống tự động vận hành. Hệ thống này nô dịch và điều khiển tất cả mọi người - từ giới lãnh đạo chóp bu cho đến từng người dân. Không có ai đứng trên hay đứng ngoài hệ thống ấy: mỗi người vừa là tù nhân, vừa là cai ngục cho hệ thống.

Trong hệ thống hậu toàn trị, “sống đời dối trá” (living a lie) bao trùm xã hội như một định mệnh. Havel đã lột tả từng chiều cạnh của bi kịch này. Havel - nhà văn - đã đúc kết sự dối trá ý thức hệ qua hình ảnh: người bán rau quả treo trước quầy hàng, cùng với những lô hành và cà-rốt, khẩu hiệu “Vô sản thế giới đoàn kết lại!”. Havel - nhà đạo đức - đã chỉ ra tình trạng mất nhân phẩm của cá nhân, và vai trò của ý thức hệ như là mạng che cho các cá nhân đỡ bị trần truồng trước thực trạng ấy. Havel -nhà chính trị học - giải phẫu sự dối trá ý thức hệ với tư cách là dung dịch điều hòa hoạt động của các cá nhân bị nô dịch và tự nô dịch trong hệ thống, để đảm bảo cho hệ thống toàn trị vận hành nhịp nhàng.

Nhưng, sự vĩ đại của Havel không nằm ở việc mô tả hệ thống hậu toàn trị [3] , mà ở việc vạch ra cái mâu thuẫn đặc thù tất yếu dẫn đến sự sụp đổ của nó: mâu thuẫn giữa nhu cầu tự nhiên, sống động và chân thực của đời sống dân sự, với những đòi hỏi phi tự nhiên, chết cứng và dối trá của hệ thống hậu toàn trị. Trong thời kì toàn trị, cá nhân đột ngột bị lột khỏi các tổ chức dân sự truyền thống (gia đình, bạn bè, các hội đoàn, tôn giáo v.v.), để lắp vào các guồng máy nhân tạo: nhà nước-đảng và các đoàn thể bù nhìn. Đến thời kì hậu toàn trị, các cỗ máy ấy dần xơ cứng, bị giả hóa dưới mặt nạ ý thức hệ; con người phải sống đời dối trá. Havel, với niềm tin sắt đá vào nhu cầu được sống thật của con người, cho rằng đời sống dân sự chắc chắn sẽ phục hưng.

Nhìn thấy mâu thuẫn chính, riêng biệt của hệ thống hậu toàn trị, Havel đã không đề ra bất kì một cuộc “cách mạng” hay “cải cách” nào về kinh tế, chính trị hay quân sự. Ông kêu gọi một chiến lược hoàn toàn mới: hãy bắt đầu từ việc giải phóng đời sống dân sự khỏi sự dối trá đang bao trùm. Chiến lược ấy được dệt nên từ những hành vi thường nhật: người bán rau đừng treo cái khẩu hiệu mà anh không hề tin tưởng. Hãy ngừng tham gia những trò hề bầu cử, những màn mit-tinh lố bịch. Hãy nói những gì mình nghĩ. Hãy làm những gì mà hệ thống giả đò là cho phép anh làm. Tức là, hãy sống trong sự thật.

Đương nhiên, tất cả đều hiểu mỗi hành động cá nhân ấy có ý nghĩa gì với một hệ thống chỉ có thể vận hành nhờ sự dối trá tập thể: nó hô lên rằng “Hoàng đế cởi truồng!” Chính vì thế mà toàn bộ hệ thống sẽ ra sức bịt miệng, đàn áp và vu khống các cá nhân ấy. Thế là một số người, do những lựa chọn rất riêng tư về cách sống, đột nhiên thấy mình trở thành các “nhà bất đồng chính kiến”. Tất nhiên, thiểu số này chẳng là các nhà cách mạng. Họ không có học thuyết, chẳng dùng bạo lực, cũng không phủ định hệ thống trên lý thuyết. Họ chỉ sống đúng những gì mà hệ thống hứa hẹn cho họ: quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do đi lại v.v., và vì thế trong mỗi hành động thực tiễn, lại không ngừng vạch mặt hệ thống. Họ chỉ là những người dũng cảm hơn một chút, sống trong sự thật sớm hơn một chút, và chỉ có ý nghĩa khi đằng sau họ là một không gian của những người sống trong sự thật.

Trong không gian công toàn trị, nơi mà dối trá được đảm bảo bằng bạo lực, đời sống trong sự thật của số đông sẽ bắt đầu một cách tự nhiên từ trong những không gian công không chính thức: các nhóm không chính thức, văn học ám chỉ, báo chui (hay ngày nay là Internet) v.v. Nhu cầu sống trong sự thật, khi được thỏa mãn trong các mảnh đất ngầm của xã hội dân sự, sẽ làm cho biên cương của nó mở rộng mãi sang các địa hạt khác như kinh tế, tôn giáo v.v., với những đòi hỏi được thừa nhận, được thể chế hóa ngày một tăng. Cho đến khi nó đụng lớp vỏ cứng của hệ thống toàn trị cứng nhắc, và những chấn động trên địa hạt chính trị bắt đầu... Có thể là hệ thống toàn trị (giờ đây bị thu hẹp vào các thể chế quyền lực chính thức: đảng, bộ máy quan liêu, cảnh sát, quân đội) sẽ thích ứng và nhường bước cho một trật tự xã hội mới tự hình thành. Hoặc là nó sẽ bị cuốn trôi.

1978, trong đêm dày của chủ nghĩa toàn trị, Havel từ chối đoán mò những diễn biến chính trị tiếp theo một khi không gian công không chính thức đã lớn mạnh. Một thập kỉ sau, các cuộc cách mạng ở Đông Âu đã hoàn tất chương cuối cùng của kiệt tác Quyền lực của Không Quyền lực. Ngày nay, được gợi hứng một phần bởi hình dung của Havel về một xã hội dân sự sống động và tự trị, Đông Âu và nhiều nơi khác trên thế giới vẫn đang thử làm giàu chế độ dân chủ truyền thống.

*

Ở Việt Nam, hệ thống hậu toàn trị đã thích ứng vừa kịp lúc, và nó chưa bị cuốn trôi. Đời sống dân sự đang trỗi dậy mãnh liệt từ địa hạt kinh tế. Trong văn hóa, không gian công phi/bán chính thức vượt trên ý thức hệ chết cứng vẫn đang âm thầm lan rộng. Nhưng liệu Việt Nam có còn đang trong khoảng kéo dài của chế độ hậu toàn trị, hay đã chuyển sang một hình thái mới? Có thể phép thử của Havel sẽ cho ta một lời gợi ý: liệu chúng ta có đang sống trong dối trá tràn lan không? Chúng ta có đang ẩn núp dưới ý thức hệ, đang làm những thứ mà ta không tin, và bằng cách đó tự nô dịch và bị nô dịch không?

Xin dành bản dịch kiệt tác chính trị, văn chương, và hơn hết là kiệt tác đạo đức này cho tất cả những người Việt Nam, những người vẫn tự hào là một dân tộc giàu đạo lý. Xin hãy tìm thêm sức mạnh từ lương tri thời đại qua Havel, để tự tìm đường đi cho mình. Xin hãy thử kiểm chứng và nắm lấy “quyền lực của không quyền lực”.

1/1/2006

Khải Minh



I.

Một bóng ma đang ám ảnh Đông Âu: bóng ma của cái mà phương Tây gọi là "bất đồng chính kiến". Bóng ma ấy không xuất hiện từ hư vô. Nó là kết quả tự nhiên và tất yếu của giai đoạn lịch sử hiện tại của cái hệ thống mà nó đang ám ảnh. Nó được sinh ra vào thời điểm mà hệ thống ấy, vì trăm ngàn lý do mà không còn khả năng dựa vào cách thực thi quyền lực tùy tiện, bạo tàn và suy đồi, tận diệt mọi biểu hiện của sự bất phục tùng. Hơn thế nữa, hệ thống đã bị xơ cứng hóa về chính trị đến mức không còn phương cách nào khả dĩ để thể hiện sự bất phục tùng ấy trong khuôn khổ những cấu trúc hợp pháp của nó.

Những người được gọi là "nhà bất đồng chính kiến" này là ai? Quan điểm của họ đến từ đâu, và nó quan trọng tới mức nào? Tầm quan trọng của các "sáng kiến độc lập" mà những "nhà bất đồng chính kiến" hợp tác trong đó, và đâu là cơ hội thành công thực sự của những sáng kiến ấy? Coi những "nhà bất đồng chính kiến" là đối lập có phù hợp không? Nếu có, thì sự đối lập ấy chính xác là gì trong cái khung của hệ thống này? Nó làm gì? Nó đóng vai trò gì trong xã hội? Các hi vọng của nó là gì và những người này dựa vào đâu? Liệu các nhà bất đồng chính kiến - với tư cách là một nhóm công dân hạng hai nằm ngoài quyền lực được thiết lập - có chút ảnh hưởng nào lên xã hội và hệ thống xã hội hay không? Liệu họ có thực sự thay đổi được gì không?

Tôi nghĩ rằng việc khảo sát các câu hỏi này - một khảo sát về tiềm năng của "không quyền lực" - chỉ có thể được bắt đầu bằng việc khảo sát bản chất của quyền lực trong môi trường mà những người không quyền lực này hoạt động.


II.

Hệ thống của chúng ta thường hay được mô tả như là nền độc tài, hay chính xác hơn, là chế độ độc tài của hệ thống quan liêu chính trị trong một xã hội đã trải qua sự cào bằng về kinh tế và xã hội. Tôi sợ rằng khái niệm "độc tài", bất kể dễ hiểu đến mức nào trong những ngữ cảnh khác, có xu hướng làm lu mờ hơn là làm sáng tỏ bản chất thực sự của quyền lực trong hệ thống này. Chúng ta thường gắn thuật ngữ này với khái niệm về một nhóm nhỏ giành chính quyền của một nước bằng bạo lực; quyền lực của họ được sử dụng công khai, sử dụng các công cụ trực tiếp của quyền lực họ nắm trong tay, và có thể phân biệt dễ dàng về mặt xã hội với số đông mà họ đang thống trị. Một trong những mặt cơ bản của khái niệm mang tính truyền thống hay cổ điển này về độc tài là giả định rằng nó là nhất thời, tạm bợ và không có những gốc rễ lịch sử. Sự tồn tại của nó thường gắn liền với cuộc sống của những kẻ tạo dựng nên nền độc tài của họ. Nó thường là cục bộ về quy mô và tầm quan trọng, và bất kể nó sử dụng ý thức hệ để khoác cho mình tính chính đáng (legitimacy), quyền lực của nó từ sâu xa vẫn bắt nguồn từ quân số và sức mạnh vũ trang của binh lính và cảnh sát của nó. Đe dọa cơ bản đối với sự tồn tại của chế độ độc tài được cảm nhận là khả năng ai đó được trang bị tốt hơn về mặt này xuất hiện và lật đổ nó.

Thậm chí xem xét khái lược và phiến diện vừa rồi cũng đã chỉ rõ rằng hệ thống mà chúng ta đang sống có rất ít điểm chung với một chế độ độc tài cổ điển. Trước tiên là, hệ thống của chúng ta không hạn chế theo nghĩa cục bộ, địa lý; thay vì thế, nó nắm quyền sinh sát trong một khối quyền lực khổng lồ được kiểm soát bởi một trong hai siêu cường. Và mặc dầu, khá tự nhiên là nó phải thể hiện một số sự biến thái nhất định về địa phương và lịch sử, phạm vi của những biến thái này về cơ bản được khoanh lại bởi một khung thống nhất và duy nhất trong toàn khối quyền lực. Không những nền độc tài ở mọi nơi [trong khối-ND] đều dựa trên cùng một hệ nguyên lý và được kiến trúc theo cùng một cách (là theo cách mà siêu cường thống trị đã tiến hóa), mà mỗi nước đã và đang bị xuyên thấu bởi một mạng lưới các công cụ giật dây điểu khiển từ trung tâm siêu cường, và hoàn toàn nô lệ cho các lợi ích của siêu cường ấy. Trong một thế giới bế tắc của sự cân bằng hạt nhân, đương nhiên, so với các nền độc tài cổ điển, tình trạng này tạo cho hệ thống một độ an toàn với bên ngoài chưa từng có. Nhiều cuộc xung đột địa phương, mà nếu xảy ra trong một quốc gia cô lập có thể dẫn tới thay đổi về hệ thống, nay có thể giải quyết thông qua can thiệp trực tiếp bằng quân sự của phần còn lại trong khối.

Hai là, nếu như một đặc tính của các nền độc tài cổ điển là sự thiếu gốc rễ lịch sử (thường thì họ chỉ xuất hiện không hơn là những quái thai lịch sử, một kết quả tình cờ từ các quá trình xã hội ngẫu nhiên hay từ các xu hướng [vận động của] quần chúng), thì không thể kết luận một cách vội vã như thế với hệ thống của chúng ta. Vì mặc dù nền độc tài của ta đã từ lâu hoàn toàn xa lạ hóa mình với các phong trào xã hội tiền thân của nó, tính hiển nhiên của các phong trào này (tôi đang nghĩ đến các phong trào công nhân và xã hội chủ nghĩa của thế kỉ 19) đã cho nó tính lịch sử không thể chối cãi. Những nguồn gốc này cho nó một nền tảng vững chãi đến mức nó có thể xây dựng trên đó mãi cho đến khi trở thành một thực tế chính trị và xã hội hiển nhiên như nó ngày nay, cái đã trở nên một phần không thể tách rời được của thế giới hiện đại. Một đặc điểm của những cội nguồn lịch sử này là "nhận thức đúng đắn" về các xung đột xã hội trong giai đoạn mà những phong trào gốc này nổi lên. Trong chính hạt nhân của "nhận thức đúng đắn" này đã tồn tại sẵn một khuynh hướng tất yếu dẫn tới những biến đổi kỳ quặc trong các giai đoạn phát triển tiếp theo của nó; tuy nhiên đây không phải là vấn đề thiết yếu. Và dù gì thì yếu tố này cũng phát triển hữu cơ từ không khí thời đại của giai đoạn đó và do vậy cũng có thể được xem là có nguồn gốc từ [thời kỳ] đó.

Một di sản của "nhận thức đúng đắn" nguyên thuỷ ấy là nét khác thường thứ ba, cái đã khiến cho hệ thống của chúng ta khác với các nền độc tài hiện đại khác: nó điều hành một ý thức hệ cực kì linh hoạt, được kiến tạo một cách lo-gic, chính xác hơn, và nhìn chung là dễ hiểu, mà trong sự toàn vẹn và chi tiết của nó, thì gần như một tôn giáo được thế tục hóa. Nó cung cấp lời giải đáp có sẵn cho mọi câu hỏi - bất kể là gì; nó hầu như không thể được chấp nhận từng phần, và việc chấp nhận nó có những hệ quả vô cùng nghiêm trọng với đời sống con người. Trong một kỉ nguyên mà sự chắc chắn siêu hình và hiện sinh đang trong trạng thái khủng hoảng, khi con người bị quật gốc và tha hóa, đang mất dần cảm nhận về thế giới này có nghĩa gì, không thể khác được là ý thức hệ này có sự hẫp dẫn an thần nhất định. Với loài người đang lưu lạc, nó hứa hẹn ngay lập tức có một mái ấm đủ đầy: tất cả những gì người ta cần làm là chấp nhận nó, và đột nhiên mọi thứ một lần nữa trở nên rõ ràng, cuộc sống đón nhận ý nghĩa mới, và mọi điều bí hiểm, mọi câu hỏi không lời đáp, sự phân vân và cô đơn biến mất. Tất nhiên, con người cũng phải trả giá đắt cho căn nhà thuê giá rẻ này: cái giá là việc anh ta phải từ bỏ các suy nghĩ duy lý, nhận thức, và trách nhiệm, vì một đặc điểm thiết yếu của ý thức hệ này là sự phó thác suy lý và nhận thức cho quyền lực cao hơn. Nguyên tắc ở đây là trung tâm của quyền lực đồng nghĩa với trung tâm của chân lý. (Trong trường hợp của chúng ta, mối quan hệ với chính trị thần quyền kiểu La Mã phương Đông là trực tiếp: quyền lực trần tục cao nhất trùng với quyền lực tinh thần cao nhất). Nhưng hiển nhiên là, bên cạnh tất cả những điều này, ý thức hệ không còn có ảnh hưởng to lớn nào lên con người, ít nhất là trong khối chúng ta (có thể với một ngoại lệ là nước Nga, nơi mà tinh thần nô lệ, với sự mù quáng của nó, sự sùng bái chết người đối với những người thống trị và sự chấp nhận ngay lập tức mọi tuyên bố của họ, vẫn còn áp đảo, kết hợp với chủ nghĩa yêu nước siêu cường - vốn có truyền thống đặt lợi ích của đế chế cao hơn các lợi ích của con người). Nhưng điều này cũng không quan trọng, bởi vì ý thức hệ đóng vai diễn của nó trong hệ thống chúng ta một cách tuyệt hảo (một chủ đề mà tôi sẽ trở lại), chính vì nó là chính nó.

Bốn là, kĩ thuật thực thi quyền lực trong các nền độc tài cổ điển bao gồm một yếu tố cần thiết là sự ứng biến. Các cơ chế dùng quyền lực phần lớn không được thiết lập chặt chẽ, và có khoảng không đáng kể dành cho sự thực thi quyền lực một cách ngẫu nhiên, tùy tiện và không bị giới hạn. Về mặt xã hội, tâm lý và vật chất, những điều kiện cho sự thể hiện một dạng đối lập nào đó vẫn tồn tại. Một cách ngắn gọn, có nhiều vết nối trên bề mặt có thể tách ra trước khi toàn bộ hệ thống đã tìm được cách ổn định hóa. Trái lại, hệ thống của chúng ta được phát triển trong hơn sáu mươi năm ở Liên bang Xô Viết, và trong khoảng ba mươi năm ở Đông Âu; hơn nữa, nhiều trong số các đặc điểm cấu trúc cổ nhất của nó đã bắt nguồn từ chế độ chuyên chế Nga hoàng. Trên khía cạnh vật chất của quyền lực, điều này đã dẫn tới việc hình thành các cơ chế được xây dựng khéo léo và tinh tế để phục vụ cho nhiệm vụ giật dây toàn bộ công chúng một cách trực tiếp và gián tiếp, mà với tư cách là nền tảng quyền lực vật chất, nó đại diện cho một cái gì đó rất mới. Cùng lúc đó, không nên quên rằng hệ thống này lại được nâng cao hiệu quả một cách đáng kể bằng sở hữu nhà nước và điều khiển từ trung ương mọi tư liệu sản xuất. Điều này tạo cho cấu trúc quyền lực một tiềm lực chưa từng có và không thể kiểm soát nổi để đầu tư cho chính nó (ví như trong các lĩnh vực hành chính quan liêu và cảnh sát) và tạo thuận lợi cho cấu trúc này, trong vai người tuyển dụng duy nhất, điều khiển sự tồn tại hàng ngày của mọi công dân.

Cuối cùng, nếu như một bầu không khí ngập tràn nhiệt tình cách mạng, chủ nghĩa anh hùng và bạo lực thẳng tay trong mọi mặt đã từng là biểu trưng cho chế độ độc tài cổ điển, thì các vết tích cuối cùng của một bầu không khí như thế đã biến mất khỏi khối Xô viết. Từ lâu, khối này không còn là một ốc đảo bị cô lập khỏi thế giới phát triển và miễn nhiễm với mọi tiến trình diễn ra trong đó. Ngược lại, khối Xô viết đã là một phần hữu cơ của một thế giới rộng lớn hơn, chia sẻ và định hình số phận của thế giới. Cụ thể hơn, điều này có nghĩa là trật tự của các giá trị tồn tại trong các nước phát triển phương Tây, theo một nghĩa nào đó, đã xuất hiện trong xã hội chúng ta (thời gian dài cùng tồn tại với phương Tây chỉ thúc đẩy nhanh tiến trình này mà thôi). Nói cách khác, cái mà chúng ta đang có đây chỉ là một dạng khác của xã hội tiêu thụ và công nghiệp, với tất cả những hậu quả tâm lý, tri thức và xã hội kèm theo. Sẽ không thể hiểu nổi bản chất của quyền lực trong hệ thống của chúng ta mà không tính đến điều này.

Sự khác biệt cơ bản giữa hệ thống của chúng ta - trên phương diện bản chất của quyền lực - với cái chúng ta vẫn thường hiểu là nền độc tài, sự khác biệt mà tôi hi vọng là đã rất rõ ràng dù chỉ từ các so sánh phiến diện vừa qua, đã khiến tôi phải tìm thuật ngữ thích hợp cho hệ thống của chúng ta, hoàn toàn chỉ để phục vụ cho tiểu luận này. Nếu sau đây tôi gọi nó là hệ thống hậu-toàn trị, thì tôi hoàn toàn hiểu rằng đây có thể không phải là thuật ngữ chuẩn xác nhất, nhưng tôi không thể tìm ra một từ nào khả dĩ hơn. Tôi không định ám chỉ tiền tố hậu (post-) có nghĩa rằng hệ thống không còn là toàn trị nữa. Ngược lại, tôi muốn nói rằng nó là toàn trị theo cách hoàn toàn khác với nền độc tài cổ điển, khác với chủ nghĩa toàn trị mà chúng ta vẫn thường hiểu.

Tuy nhiên, những bối cảnh mà tôi vừa đề cập chỉ tạo ra một tập hợp các yếu tố mang tính điều kiện, và một khung hiện tượng cho kết cấu quyền lực thực tế của hệ thống hậu toàn trị, mà bây giờ tôi sẽ cố gắng nhận diện một số mặt.


III.

Người quản lý một cửa hàng rau quả đặt trong cửa sổ, bên cạnh những lô hành và cà-rốt, khẩu hiệu: "Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại!". Anh ta đang gắng truyền đạt gì với thế giới vậy? Có đúng là anh ta thực lòng hào hứng với ý tưởng đoàn kết giữa những người vô sản trên thế giới? Có thực lòng nhiệt thành của anh ta lớn đến mức anh ta cảm thấy không cưỡng được nhu cầu khiến công chúng phải làm quen với lý tưởng ấy? Liệu anh ta đã thực sự dành một giây phút nào nghĩ về sự đoàn kết ấy có thể diễn ra như thế nào hay liệu nó có ý nghĩa gì không?

Tôi nghĩ, ta có thể yên tâm mà giả định rằng tuyệt đại bộ phận người quản lí cửa hàng không bao giờ nghĩ về khẩu hiệu họ đặt trong cửa sổ, hay dùng nó để thể hiện quan điểm thực sự của họ. Cái poster đó được cấp cho họ từ trụ sở doanh nghiệp, cùng với hành và cà-rốt. Anh ta đặt nó lên cửa sổ vì đã làm như vậy trong nhiều năm, vì mọi người đều làm thế, và vì đó là việc phải làm. Nếu anh ta từ chối, hẳn đã có rắc rối xảy ra. Anh ta có thể bị phiền hà vì không có "vật trang trí" thích hợp trong cửa sổ; ai đó thậm chí còn có thể tố cáo anh là không trung thành. Anh ta làm vậy bởi vì những điều ấy là cần phải làm nếu muốn yên thân. Đó là một trong hàng ngàn tiểu tiết đảm bảo cho anh ta một cuộc sống tương đối yên ổn, hay "hòa hợp với xã hội", như họ vẫn thường nói.

Tất nhiên, người bán rau bàng quan với nội dung chữ nghĩa của khẩu hiệu được trưng ra; anh ta chẳng đặt khẩu hiệu trong cửa sổ vì thôi thúc cá nhân muốn công chúng làm quen với lý tưởng mà nó kêu gọi. Nhưng hiển nhiên, điều này không hề có nghĩa là hành động của anh ta không hề có động cơ, hoặc chẳng có ý nghĩa gì, hoặc khẩu hiệu đó không truyền đạt tới ai thông tin nào hết. Cái khẩu hiệu chính là một tín hiệu, và theo đó nó bao hàm một thông điệp tuy vi tế nhưng rất dứt khoát. Nói nôm na, nó là thế này: "Tôi, người bán rau quả XY, sống ở đây và tôi biết việc tôi phải làm. Tôi hành xử theo cách người ta trông đợi. Tôi đáng tin và tôi đứng ngoài mọi rắc rối. Tôi phục tùng và vì thế, tôi có quyền được yên thân". Thông điệp này, tất nhiên có người nhận: nó được gửi lên trên, tới những người cao hơn anh bán rau, và đồng thời nó là lá chắn bảo vệ anh khỏi những kẻ hớt lẻo rình rập. Vì thế, ý nghĩa thực của khẩu hiệu bám rễ sâu vào sự tồn tại của anh hàng rau. Nó phản ánh lợi ích sống còn của anh ta. Vậy những lợi ích sinh tồn ấy là gì?

Hãy dừng lại để ghi chú là: nếu người bán rau được hướng dẫn bày khẩu hiệu: "Tôi sợ và vì thế phục tùng vô điều kiện", anh ta sẽ không bàng quan với nội dung của nó, cho dù tuyên bố ấy là đúng sự thật. Người bán rau sẽ cảm thấy xấu hổ và nhục nhã vì cái tuyên bố thẳng thừng về sự mất phẩm cách của anh ta trong cửa sổ cửa hàng, và cũng tự nhiên thôi, bởi anh là con người và vì thế mà có cảm nhận về phẩm giá của mình. Để vượt qua sự rắc rối này, sự thể hiện lòng trung thành của anh ta phải dưới dạng một dấu hiệu mà, ít nhất trên bề mặt từ ngữ, biểu hiện một mức độ tin tưởng không tư lợi. Nó phải cho phép người bán rau biện bạch: "Có gì sai với chuyện vô sản toàn thế giới đoàn kết đâu?" Vì thế mà dấu hiệu này giúp cho người bán rau che giấu lương tâm anh ta về cái cơ sở mong manh của sự phục tùng của mình, và cùng lúc, che giấu nền tảng yếu ớt của quyền lực. Nó giấu chúng dưới mặt tiền của một cái gì đó cao xa. Và cái gì đó ấy chính là ý thức hệ.

Ý thức hệ là một cách ngụy tạo để liên hệ với thế giới. Nó ban cho loài người ảo ảnh về một bản sắc, một phẩm giá, và một đạo đức trong khi tạo điều kiện cho họ từ giã chúng. Như là một kho chứa của một cái gì đó "siêu cá nhân" và khách quan, nó cho phép con người đánh lừa nhận thức của mình, che giấu vị trí thực và modus vivendi [tạm dịch là “cách sống”] không vinh quang của họ, cả với thế giới và với chính mình. Đó là một cách, vừa thực dụng nhưng đồng thời lại có vẻ thần thánh, để hợp lý hóa cái gì trên, cái gì dưới và cho mỗi bên. Nó hướng tới con người và hướng tới Thượng đế. Nó là bức màn mà đằng sau đó con người có thể che giấu sự tồn tại sa sút, sự tầm thường hóa và thích nghi của họ với nguyên trạng. Nó là sự biện minh ai cũng có thể dùng, từ người bán rau quả, người che giấu nỗi sợ hãi mất việc làm đằng sau cái cớ là sự quan tâm tới việc đoàn kết của vô sản toàn thế giới, cho đến những cơ cấu cao nhất, những người quan tâm đến việc ở lại ngôi cao có thể núp dưới những mệnh đề phục vụ giai cấp công nhân. Chức năng biện bạch cơ bản của ý thức hệ, do đó, là cho người ta, cả với tư cách là nạn nhân, và với tư cách là trụ cột của hệ thống hậu toàn trị, một ảo giác rằng hệ thống đang hòa hợp với trật tự con người và trật tự của vũ trụ.

Nền độc tài càng nhỏ và xã hội bên dưới nó càng ít phân tầng do hiện đại hóa thì ý chí của nhà độc tài càng được thực thi một cách trực tiếp. Nói cách khác, nhà độc tài có thể sử dụng các nguyên tắc hầu như trần trụi, tránh các quá trình phức tạp gắn với ý thức hệ nhằm liên hệ hắn với thế giới và để tự biện minh. Nhưng nếu các cơ chế quyền lực ngày càng phức tạp, và xã hội mà chúng cai trị càng trở nên rộng rãi và bị phân hóa hơn, nếu bề dày lịch sử vận hành của nền độc tài càng lớn, thì các cá nhân ngày càng bị buộc phải liên hệ với chúng từ bên ngoài, và các biện minh ý thức hệ ngày càng quan trọng hơn. Nó đóng vai trò như thể là cầu nối giữa chế độ và nhân dân, qua đó chế độ tiếp cận nhân dân và nhân dân tiếp cận chế độ. Điều này giải thích tại sao ý thức hệ đóng vai trò quan trọng đến thế trong hệ thống hậu toàn trị: thật không thể tưởng tượng nổi nếu cơ cấu phức tạp của các đơn vị, trật tự đẳng cấp, vô số van an toàn, và các công cụ gián tiếp đủ loại để giật dây - vốn đã đảm bảo cho sự hòa hợp của hệ thống bằng vô số cách khác nhau, không chừa chỗ cho ngẫu nhiên - lại có thể thiếu ý thức hệ trong vai trò như là biện minh chung cho hệ thống, đồng thời là biện minh của từng bộ phận.


IV.
Giữa các mục tiêu của hệ thống hậu toàn trị và các mục tiêu của cuộc sống có một vực thẳm luôn ngoác ra: trong khi cuộc sống, trong bản chất của nó, dịch chuyển tới đa cực, đa dạng, tự tổ chức và tự thiết chế, và tóm lại là tới sự thực hiện quyền tự do của nó, thì hệ thống hậu toàn trị đòi hỏi phục tùng, thống nhất và kỉ luật. Trong khi cuộc sống mãi mãi đòi hỏi tạo ra các cấu trúc mới và "khó đoán trước", hệ thống hậu toàn trị mưu toan trói buộc cuộc sống vào các trạng thái định trước. Các mục tiêu của hệ thống bộc lộ đặc điểm cơ bản nhất của nó là tính hướng nội, một chuyển dịch dần tới [việc phục vụ] hoàn toàn cho và không thể đảo ngược tới chính bản thân nó, cũng tức là bán kính ảnh hưởng của nó cũng phải không ngừng được mở rộng. Hệ thống này chỉ phục vụ con người trong chừng mực vừa đủ để con người phục vụ lại nó. Bất kì điều gì hơn thế, tức là bất kì điều gì dẫn con người tới việc vượt lên các vai trò định trước của họ, đều bị hệ thống coi là tấn công vào nó. Và trên phương diện này, nó đã đúng: bất kì ví dụ nào của sự lấn lướt như thế đều là sự phủ định hệ thống một cách thực sự. Vì thế, có thể nói rằng, mục tiêu nội tại của hệ thống hậu toàn trị không chỉ đơn thuần là sự bảo tồn quyền lực trong tay bè lũ thống trị, như mới nhìn thoáng qua thì có vẻ thế. Thay vào đó, hiện tượng xã hội của tự bảo tồn phải phục tùng cái gì đó cao hơn, phục tùng một kiểu tự vận hành máy móc mù quáng đang điều khiển hệ thống. Bất kể vị trí nào mà cá nhân nắm giữ trong trật tự đẳng cấp của hệ thống, họ không được hệ thống coi là có giá trị tự thân nào hết, mà chỉ là các vật nhằm bơm năng lượng và phục vụ sự tự vận hành máy móc này. Vì lý do đó, khát vọng quyền lực của một cá nhân chỉ có thể chấp nhận được nếu định hướng của nó trùng hợp với định hướng của cỗ máy tự động của hệ thống.

Ý thức hệ, khi đóng vai trò là cây cầu bào chữa nối giữa hệ thống và cá nhân, đã bắc dọc qua cái vực thẳm nối hai bờ mục tiêu của hệ thống và mục tiêu của cuộc sống. Nó giả như là các yêu cầu của hệ thống bắt nguồn từ các yêu cầu của cuộc sống. Nó là một thế giới hình thức đang tìm cách vượt qua hiện thực.

Hệ thống hậu toàn trị đụng chạm đến con người trong mỗi bước đi, nhưng nó làm thế với cái găng tay ý thức hệ. Chính vì điều này mà cuộc sống trong hệ thống mới thấm đẫm đạo đức giả tạo và những điều dối trá như thế: nhà nước của quan liêu thì lại được gọi là chính quyền nhân dân; người lao động bị nô dịch dưới cái tên giai cấp lao động; sự thoái hóa hoàn toàn của cá nhân thì được trình bày như là sự giải phóng tột bậc; bưng bít thông tin được gọi là cung cấp thông tin cho quần chúng, sử dụng quyền lực để giật dây thì được gọi là kiểm soát công cộng về quyền lực; lạm dụng quyền lực tùy tiện thì được gọi là tôn trọng luật pháp, đè nén văn hóa thì được gọi là phát triển văn hóa; sự mở rộng ảnh hưởng đế chế thì được trình bày như thể là giúp đỡ người bị áp bức; mất tự do ngôn luận trở thành hình thức cao nhất của tự do; các kì bầu cử lố bịch trở thành hình thức dân chủ cao nhất; cấm suy nghĩ độc lập thành thế giới quan khoa học nhất; chiếm đóng quân sự trở thành giúp đỡ anh em. Vì chế độ bị nhốt chặt trong những lời dối trá của nó, nó phải xuyên tạc tất cả. Nó xuyên tạc quá khứ. Nó bóp méo hiện thực và nó bịa đặt tương lai. Nó xuyên tạc thống kê. Nó giả đò như không nắm giữ các cơ quan an ninh có quyền lực vô hạn và đốn mạt. Nó vờ vĩnh tôn trọng các quyền con người. Nó giả đò như không kết án ai. Nó làm như không sợ bất kì điều gì. Nó giả vờ như không giả vờ gì cả.

Các cá nhân không cần phải tin vào tất cả những điều thần bí hóa này, nhưng họ phải hành xử như thể là họ tin, hoặc ít nhất họ phải nhân nhượng chúng trong im lặng, hoặc phải tử tế với những ai làm việc cho chúng. Tuy thế, bởi lí do này mà họ phải sống trong dối trá. Họ không cần chấp nhận sự dối trá. Chỉ cần họ chấp nhận sống cùng với nó và sống trong nó là đủ. Cũng chính vì sự thật này, mà chính các cá nhân đã xác nhận hệ thống, thành toàn cho hệ thống, làm nên hệ thống, và là hệ thống.


V.

Chúng ta đã thấy rằng ý nghĩa thực của khẩu hiệu của anh hàng rau quả chẳng liên quan gì đến cái mà những từ ngữ trong khẩu hiệu nói đến. Dù vậy, cái ý nghĩa thực này thật rõ ràng và nói chung là dễ hiểu, bởi vì mật mã thật giống nhau: anh hàng rau tuyên bố sự trung thành của anh ta (và anh cũng chẳng thể làm cách nào khác nếu muốn tuyên bố của mình được chấp nhận) theo cách duy nhất mà chính quyền có khả năng nghe thấy; tức là, bằng cách chấp thuận các giáo điều (ritual) định trước, bằng cách chấp nhận rằng cái vỏ bề ngoài chính là hiện thực, bằng cách chấp nhận các luật đã định của trò chơi. Tuy nhiên, trong khi làm việc đó, chính anh ta đã trở thành người tham gia trò chơi, và vì thế làm cho trò chơi có khả năng tiếp tục, và trước hết là làm cho nó có thể tồn tại.

Nếu ý thức hệ vốn khởi đầu chỉ là chiếc cầu bắc giữa hệ thống và cá nhân với tư cách là cá nhân, thì vào khoảnh khắc mà anh ta bước lên cầu, nó đã trở thành cây cầu nối giữa hệ thống và cá nhân ấy - với tư cách là bộ phận của hệ thống. Tức là, nếu ý thức hệ, vốn chỉ có thể tạo điều kiện (bằng hoạt động hướng ngoại) cho sự hình thành quyền lực với tư cách là một biện minh về mặt tâm lý, thì từ thời điểm mà sự biện minh ấy được chấp nhận, ý thức hệ lại tạo ra quyền lực hướng nội, trở thành một bộ phận năng động của quyền lực ấy. Nó đã bắt đầu hoạt động như là công cụ chính của việc truyền đạt tín điều bên trong hệ thống của quyền lực.

Toàn bộ cấu trúc quyền lực (và chúng ta đã thảo luận về sự thể hiện vật chất của nó) không thể tồn tại nếu không có một trật tự "siêu hình học" ràng buộc các bộ phận với nhau, kết nối chúng và quy phục chúng vào một phương pháp đồng nhất xác định tính khả tín, đặt ra các luật chơi cho sự vận hành hiệp đồng giữa tất cả những bộ phận này, tức là với các quy tắc, giới hạn và pháp lý nhất định. Trật tự siêu hình học này là căn bản và chuẩn mực của toàn bộ cấu trúc quyền lực; nó tích hợp hệ thống thông tin của nó và làm cho việc trao đổi và lưu chuyển các thông tin và mệnh lệnh trở nên khả thi. Nó cũng tương tự như một tập hợp các đèn hiệu giao thông và biển chỉ đường, tạo cho tiến trình một hình dạng và cấu trúc. Trật tự siêu hình học này đảm bảo sự cố kết bên trong của cấu trúc quyền lực toàn trị. Nó là chất keo gắn kết toàn bộ cấu trúc, là nguyên tắc bản lề, là phương tiện của kỉ luật hệ thống. Thiếu chất keo này, toàn bộ hệ thống với tư cách là cấu trúc toàn trị sẽ sụp đổ; nó sẽ tan vỡ thành các hạt nhân cá nhân va chạm hỗn loạn với nhau trong các quyền lợi và thiên hướng không được kiểm soát của họ. Toàn bộ kim tự tháp của quyền lực toàn trị nếu thiếu bộ phận gắn kết sẽ sụp đổ vào trong chính nó, như thể là một co rút vật chất [của các ngôi sao dưới trọng lực của chính nó -ND]

Là sự giải thích hiện thực mà cấu trúc quyền lực sở hữu, ý thức hệ luôn phục tùng những lợi ích của cấu trúc ấy trên hết. Vì thế, nó có xu hướng tự nhiên là li khai hiện thực, để tạo ra một thế giới của hình thức và trở thành giáo điều. Trong các xã hội có cạnh tranh quyền lực một cách công khai (và do đó có kiểm soát công khai về quyền lực), cũng tồn tại một cách khá tự nhiên [cơ chế] kiểm soát công khai- là cách mà quyền lực dùng để chính đáng hóa bản thân nó về mặt ý thức hệ. Hệ quả là, trong các điều kiện ấy, luôn tồn tại các cơ chế hiệu chỉnh nhất định ngăn chặn một cách hiệu quả việc ý thức hệ thoát ly hiện thực hoàn toàn. Nhưng dưới chế độ toàn trị, những cơ chế hiệu chỉnh này biến mất, và không có gì ngăn cản ý thức hệ ngày càng bị tách khỏi thực tiễn, dần tự biến mình thành cái như ngày nay trong hệ thống hậu toàn trị: một thế giới của vỏ hình thức, hoàn toàn giáo điều, một ngôn ngữ kinh viện đã bị tước đi những liên hệ nội dung với hiện thực và hoán cải mình thành một hệ thống biểu tượng giáo điều, hệ thống thay thế hiện thực bằng giả-hiện thực.

Tuy nhiên, như ta đã thấy, cùng lúc ấy, ý thức hệ lại biến thành thành tố ngày càng quan trọng của quyền lực, một trụ cột hứng đỡ cho nó cả tính chính đáng và sự nhất quán nội tại. Khi phương diện này trở nên quan trọng, khi mà nó ngày càng mất đi cảm nhận về hiện thực, thì nó lại thu được một sức mạnh tuy thế tục nhưng rất thực. Nó hóa thân thành hiện thực, thậm chí một hiện thực hoàn toàn độc lập. Một hiện thực mà thậm chí ở những tầng mức nhất định (chủ yếu là trong cấu trúc quyền lực) còn có trọng số cao hơn cả hiện thực ngoài đời. Cái tinh xảo của giáo điều ngày càng trở nên quan trọng hơn cả hiện thực ẩn đằng sau nó. Tầm quan trọng của hiện tượng không còn xuất phát từ bản thân hiện tượng nữa, mà từ vị trí của nó với tư cách là các khái niệm trong văn cảnh ý thức hệ. Hiện thực không quy định lý thuyết, mà ngược lại. Do đó, quyền lực dần dần xích lại với ý thức hệ hơn là với hiện thực; nó rút ra sức mạnh của mình từ lý thuyết và trở nên hoàn toàn lệ thuộc vào lý thuyết. Điều này không thể tránh khỏi dẫn tới một kết quả nghịch lý: thay vì lý thuyết hay ý thức hệ phục vụ quyền lực, quyền lực bắt đầu hầu hạ ý thức hệ. Như thể là ý thức hệ đã chiết tách quyền lực từ quyền lực, như thể là chính nó đã trở thành nhà độc tài rồi vậy. Vì thế, có vẻ như là chính lý thuyết, chính tín điều, chính ý thức hệ ra các quyết định tác động vào con người, chứ không phải ngược lại.

Nếu như ý thức hệ là đảm bảo chính cho sự nhất quán nội tại của quyền lực, thì cùng lúc ấy, nó càng trở nên là đảm bảo quan trọng cho sự liên tục của quyền lực. Trong khi sự kế nhiệm quyền lực ở các nền độc tài cổ điển thường xuyên là một biến cố khá phức tạp (những kẻ tranh đoạt ngôi vị không có gì để khoác cho những tuyên bố của chúng một sự chính đáng nhất định, và vì thế buộc chúng phải dùng đến hình thức đụng độ quyền lực trần trụi), trong hệ thống hậu toàn trị, quyền lực được truyền từ người này sang người khác, từ nhóm này sang nhóm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác theo những phương cách về cơ bản là ổn định hơn. Khi chọn lựa những người kế nhiệm, một [cơ chế] "tạo vua" khởi động: chính là tính chính đáng do giáo điều mang lại, khả năng dựa vào giáo điều, thực hiện giáo điều và sử dụng nó, sẽ quyết định ai sẽ được sinh ra ở ngôi cao. Đương nhiên, tranh giành quyền lực tồn tại trong cả hệ thống hậu toàn trị nữa, và phần lớn chúng đều tàn bạo hơn so với các xã hội mở, vì sự tranh giành không công khai, không bị các quy tắc dân chủ kiềm chế, mà đều diễn ra sau hậu trường. (Thật khó kể ra được một dẫn chứng về việc thay thế Bí thư thứ nhất của một Đảng Cộng sản đang cầm quyền mà không có sự triển khai hàng loạt các đơn vị an ninh và vũ trang, ít nhất là đặt dưới tình trạng báo động). Tuy nhiên, sự giành giật này không bao giờ có khả năng đe dọa nền tảng của hệ thống và tính liên tục của nó (như nó có thể làm trong các nền độc tài cổ điển). Cùng lắm, nó cũng chỉ khuấy đảo cấu trúc quyền lực trong chốc lát - cái rồi sẽ phục hồi rất nhanh, chính bởi lẽ cái chất kết dính là ý thức hệ đã hoàn toàn không bị khuấy động. Không kể ai thay thế ai, sự kế tục chỉ khả thi khi nó diễn ra trước phông hậu cảnh đã dàn sẵn, trong khuôn khổ của giáo điều chung. Nó không bao giờ diễn ra theo cách phủ nhận giáo điều ấy.

Tuy nhiên, chính vì nền độc tài của giáo điều mà quyền lực trở nên vô danh. Các cá nhân hầu như tan biến trong giáo điều. Họ cho phép mình bị cuốn đi trong đó, và thường thì sự thể có vẻ như chính tín điều đã đem con người từ u tối đến ánh sáng của quyền lực. Chẳng phải đó chính là đặc trưng của hệ thống hậu toàn trị, là trên mọi tầng nấc của trật tự quyền lực, cá nhân ngày càng bị đẩy sang bên lề bởi những con người không cá tính, những bù nhìn, những tên hầu mặc đồng phục của những tín điều và thông lệ của quyền lực đó sao?

Sự vận hành máy móc của cấu trúc quyền lực bị phi nhân hóa và vô danh hóa là một đặc điểm của tính tự động của hệ thống này. Dường như chính là các mệnh lệnh (diktats) của cỗ máy tự động này là cái đã chọn ra những người không có chí nguyện cá nhân cho cấu trúc quyền lực. Và cũng có vẻ như chính là các dicktats của các sáo ngữ đã triệu tập đến cho quyền lực các cá nhân biết sử dụng sáo ngữ làm [công cụ] hữu hiệu nhất để bảo đảm sự tự vận hành của hệ thống hậu toàn trị vẫn tiếp tục.

Các nhà Xô viết học phương Tây thường phóng đại vai trò của các cá nhân trong hệ thống hậu toàn trị và bỏ qua sự thật là các nhân vật lãnh đạo, bất chấp quyền lực to lớn họ có từ cấu trúc tập trung quyền lực, thường không hơn là người thực thi mù quáng các quy luật nội tại của hệ thống - các quy luật mà chính họ không bao giờ có khả năng hiểu, mà cũng không bao giờ suy nghĩ đến. Trong bất cứ trường hợp nào, kinh nghiệm đã dạy đi dạy lại chúng ta rằng sự tự vận hành này mạnh mẽ hơn nhiều lần ý chí của bất cứ cá nhân nào, và nếu ai đó có chút suy nghĩ độc lập thì anh ta buộc phải che giấu nó sau cái mặt nạ vô danh về giáo điều mới hòng có cơ hội vào được hệ thống đẳng cấp quyền lực. Khi cá nhân ấy cuối cùng giành được một vị trí trong đó, và cố gắng thực hiện hoài bão của mình, thì cái cỗ máy tự vận hành ấy (với sức ỳ vĩ đại) sớm muộn sẽ chiến thắng, và hoặc là cá nhân sẽ bị đào thải bởi cấu trúc quyền lực như là sinh vật lạ, hoặc là anh ta sẽ bị buộc phải dần dần từ bỏ cá tính của mình, để một lần nữa hòa trộn với cỗ máy, trở thành nô lệ của nó, hầu như không phân biệt nổi với những người đi trước và những người tiếp sau anh ta (cho phép chúng tôi nhắc lại, ví dụ, sự phát triển của Husák [4] hay Gomulka [5] ). Sự cần thiết phải luôn náu mình dưới giáo điều và liên hệ với nó có nghĩa là thậm chí các thành viên sáng giá của cấu trúc quyền lực cũng bị ám ảnh bởi ý thức hệ. Họ không bao giờ có khả năng lặn xuống đáy sâu của hiện thực trần trụi, và họ luôn nhầm lẫn nó, trong những kết luận cuối cùng, với các giả-hiện thực của ý thức hệ. (Theo quan điểm của tôi, một trong những lý do ban lãnh đạo của Dubcek mất kiểm soát tình hình năm 1968 chính là vì, trong những tình huống gay cấn và trong những vấn đề quyết định, thành viên của nó chưa bao giờ đủ sức giải phóng họ khỏi thế giới của các vỏ bọc hình thức.)

Do đó, có thể nói, trong hệ thống hậu toàn trị, ý thức hệ (với vai trò là công cụ truyền đạt nội bộ, bảo đảm sự nhất quán nội tại cho cấu trúc quyền lực) là cái gì đó vượt lên các khía cạnh vật chất của quyền lực, một cái gì đó thống trị quyền lực ở mức độ đáng kể, và do đó có xu hướng đảm bảo sự liên tục của quyền lực. Nó là một trong những trụ cột của sự ổn định bên ngoài của hệ thống. Trụ cột này, tuy thế, được xây dựng trên nền đất yếu. Nó được dựng trên những lời dối trá. Nó chỉ dùng được chừng nào mà con người còn sẵn sàng sống trong sự dối trá ấy.

Bản tiếng Việt © 2006 Duy Tân Trẻ (duytantre@walla.com)
 
© 2006 talawas
_________________
[1]Tiêu đề bản tiếng Anh: “Power of the Powerless”, được Bác sỹ Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ thành “Quyền lực của không quyền lực” (phụ lục bản dịch Thế nào là dân chủ?). Chúng tôi dùng cách dịch của Sơn để tỏ lòng ngưỡng mộ anh, người trí thức trẻ đã bắt đầu việc truyền tải tư tưởng dân chủ của nhân loại trước chúng tôi.

[2]Tư tưởng của Havel đã vạch đường cho lý thuyết chính trị học về chế độ toàn trị sau này. Xem một phân về hậu toàn trị trong “Chế độ hậu toàn trị-so sánh với độc tài” của Juan Linz và Alfred Stepan do nhóm Duy Tân trẻ dịch, đăng trên talawas.

[3]Để mô tả hệ thống hậu toàn trị, nhiều nhà kinh tế, nhà chính trị học ưu tú của Đông Âu cũng đã làm. Xem, ví dụ: Hệ thống kinh tế XHCN của Janos Kornai, do Nguyễn Quang A dịch; hoặc Giai cấp mới của Milovan Djilas do Phạm Minh Ngọc dịch.

[4]Gustav Husák (1913-1991): gia nhập đảng Cộng sản năm 1933, tham gia lãnh đạo chống sự chiếm đóng của Đức trong Thế chiến II. Sau chiến tranh, nắm giữ các chức vụ trong đảng và nhà nước. Năm 1951, trong chiến dịch thanh lọc của đảng, bị bắt và bỏ tù. Được thả năm 1960, được tái gia nhập đảng năm 1963, kêu gọi tự do hóa chính trị và tự trị cho Slovakia. Sau khi Antonín Novotný từ chức năm 1968, Husák trở thành Phó Thủ tướng, và là một kiến trúc sư của cải cách năm 1968. Sau khi Liên Xô đưa quân vào Tiệp, Husák trở nên ngày càng thân Sô-viết. Tháng Tư 1969, trở thành Bí thư đảng.Trong thời gian cai trị của Husák, Tiệp Khắc đã trở thành một nhà nước cảnh sát. Năm 1975 Husák hợp nhất chức vụ Bí thư đảng với Chủ tịch nước, và rồi từ chức Tổng Bí thư năm 1987 nhưng giữ vị trí Chủ tịch đến năm 1989, khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Czechoslovakia. Thay vào vị trí của Husák chính là Václav Havel, ở cương vị Tổng thống, vào ngày 29.12.1989 (talawas.)

[5]Vladyslaw Gomulka (1905-1982): gia nhập đảng Cộng sản Ba Lan năm 1926, sống sót qua cuộc đại thanh lọc năm 1938 dưới bàn tay của Stalin. Từ năm 1943, góp phần phục hồi lại đảng này với danh xưng Đảng Công nhân Ba Lan, và trong những năm đầu sau chiến tranh đã trở thành nhân vật quan trọng hàng đầu của đảng (chính ông tự gọi mình là “người bá quyền lãnh đạo của Ba Lan”). Nhưng trong những năm 1951-1954, do đấu đá phe phái trong đảng, bị lên án là “cánh hữu”, “phản động”, và bị bỏ tù. Năm 1956, khi bắt đầu tiến trình “giải Stalin”, ông được phục hồi và được bầu lãnh đạo Đảng Công Nhân Thống nhất Ba Lan, dần dần chống lại sức ép của Liên Xô một cách mềm mỏng. Tuy nhiên, với tư cách thành viên của khối Hiệp ước Warsaw, ông đã đưa quân vào Tiệp Khắc năm 1968. Gomulka cũng chịu trách nhiệm cho việc ngược đãi sinh viên và giới trí thức, cùng một chế độ kiểm duyệt ngặt nghèo đối với truyền thông. Tháng 12 năm 1970, sau vụ xung đột đẫm máu với công nhân đóng tàu, Gomulka bị buộc phải từ chức, Edward Gierek nắm quyền lãnh đạo đảng. Dù sao, sau khi chết, một số đóng góp có tính xây dựng của Gomulka cũng đã được nhìn nhận (talawas).

Nguồn: Václav Havel et al., The Power of the Powerless: Citizens against the State in Central Eastern Europe, trans. Paul Wilson, M.E. Sharpe, Inc. Armonk, New York, pp 23-96.
. Bookmark the permalink.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét