10 tháng 12, 2011

Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam


Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam


RFA 10.12.2011 - Kính thưa quý khán thính giả, hôm nay thế giới kỷ niệm 61 năm Ngày Quốc tế Nhân quyền 10 tháng 12; và cũng một lần nữa tình trạng nhân quyền tại Việt Nam lại được giới bảo vệ nhân quyền trên thế giới đề cập đến.

Source damlambao - Công an, an ninh bắt những người biểu tình chống TQ lên xe buýt tại Hà Nội sáng 21-08-2011.

Hôm thứ Năm 8 tháng 12, một nhóm 14 nhà lập pháp Australia đã đồng ký tên vào một bức thư gửi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, nêu lên những quan ngại về thực trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam trong năm qua.

Thư của các Dân biểu Úc gửi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc đến những vụ công an ra tay trấn áp các cuộc biểu tình ôn hòa của người dân Việt Nam tại Hà Nội và Sài Gòn trong mùa hè vừa qua.

Bức thư cũng đề cập đến tình trạng công an Việt Nam liên tục sách nhiễu, bắt bớ những người tiếng nói đối kháng trong nước như các blogger, các tu sĩ, sinh viên, học sinh, vân. vân…

Theo các vị Dân cử Úc, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam hiện nay là một vấn đề hệ trọng, và cũng là mối quan tâm đặc biệt của cộng đồng người Việt đang định cư tại Úc.

 Lạm dụng Bộ luật Hình sự
loretta-sanchez-250.jpg  
Nữ dân biểu Hoa Kỳ Loretta Sanchez. RFA photo.

Một ngày trước đó, tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ, nữ Dân biểu Liên bang Loretta Sanchez cũng đã đệ trình Quốc hội Mỹ một Nghị quyết yêu cầu Việt Nam tôn trọng các quyền căn bản của con người, đồng thời chấm dứt sự lạm dụng bộ luật hình sự về an ninh quốc gia.

Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do, bà Sanchez cho rằng nhà nước Việt Nam luôn căn cứ vào những điều luật mơ hồ như điều 79 hay 88 của luật hình sự để trấn áp những tiếng nói yêu chuộng tự do dân chủ, muốn bày tỏ ý kiến của mình một cách ôn hòa.

“Một khi bạn mang một chút của nền kinh tế tư bản vào đất nước thì con người sẽ cảm nhận được thêm tự do và họ cũng sẽ tham gia vào xu hướng thế giới hơn. Hoa Kỳ cũng có những chương trình giúp đỡ hệ thống tư pháp về vấn đề minh bạch trong hợp đồng. Đó là mặt tích cực.

Ngoài những sự giúp đỡ đó, Hoa Kỳ cũng có thể giúp sửa đổi những điểm bất cập trong hiến pháp và luật pháp như điều 79 và điều 88 BLHSVN chẳng hạn. Những điều này có thể gây hại cho bất cứ ai nói đến tự do dân chủ, nói đến thay đổi… Những điều này cần được thay đổi, không chỉ thay đổi để phù hợp với nền kinh tế toàn cầu mà còn thay đổi để phù hợp với nhân quyền thế giới.”

Cũng nhân dịp này, vị nữ Dân biểu đại diện cho khu vực có đông đảo cử tri gốc Việt ở California nhấn mạnh là chừng nào các tiếng nói đối kháng tại Việt Nam còn bị trấn áp, chừng nào người dân Việt Nam chưa được tự do thông tin, tự do sử dụng internet; thì chừng đó bà còn tiếp tục lên tiếng tố cáo trước công luận chính sách vi phạm nhân quyền của Việt Nam:

“Về nhân quyền, khi chúng tôi thấy tường lửa, khi chúng tôi thấy blog bị đánh sập… thì chúng tôi còn quan ngại. Nói chung, văn phòng chúng tôi cũng sẽ làm những gì đã từng làm trước đây, bao gồm cả việc quan tâm đến phụ nữ Việt Nam bị bán ra nước ngoài, việc tự do thông tin, quyền tự do tụ tập... và tự do tôn giáo. Tự do tôn giáo luôn đứng đầu trong danh kế hoạch của tôi.”


Cùng với các nhà lập pháp Úc – Mỹ, các tổ chức và quốc gia cấp viện cho Việt Nam năm nay cũng lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.

Phát biểu nhân Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam nhóm họp ở Hà Nội hôm thứ Ba 6 tháng 12, Đại sứ Na Uy Stale Torstein Risa – cũng là đại diện cho các nước Canada, Tân Tây Lan, Thụy Sĩ – cảnh báo rằng: “Những hành động đàn áp gần đây đang ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, và vấn đề nhân quyền sẽ tác động tiêu cực đến thành quả phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.”

Bị sách nhiễu đe dọa vì bất đồng quan điểm
5c00b7b8.jpg  
CA khám nhà gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn. Photo: Facebook Trầm Tử

Kính thưa quý vị, tuy nhiên trong lúc những tiếng nói bênh vực cho nhân quyền trên thế giới tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, thì ngay trong nước, nhiều tiếng nói dân chủ, các blogger, các nhà hoạt động cho quyền công nhân, quyền tự do tôn giáo vẫn gặp nhiều khó khăn với công an.

Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do vào dịp này, blogger Huỳnh Thục Vy ở Quảng Nam cho biết cá nhân cô và gia đình đã phải sống trong tình trạng bị sách nhiễu, đe dọa trong nhiều năm trời chỉ vì đã phổ biến các bài viết bày tỏ quan điểm trên internet:

“Sau hai cuộc bố ráp vào ngày 8 tháng 11 và ngày 2 tháng 12 vừa qua thì hiện tại gia đình em không mua bán làm ăn gì được. Người ta sợ, người ta không dám đến mua hàng nhà em nữa, và công an thì bố ráp khắp nơi làm cho người dân ở đây rất là hoang mang, lo sợ.

Tiếp theo, việc đi đứng, ra bên ngoài của gia đình em rất là khó khăn, việc liên lạc cũng khó khăn. Giống như là mấy hôm nay mỗi khi em vừa bước ra khỏi nhà thì đều có người theo dõi, và đi theo em suốt chặng đường đi lẫn đường về.

Liên tục từ 19 năm nay chứ không kể gì ngày hôm nay người ta đã sách nhiễu, đàn áp gia đình em từ trước đến giờ, và đã xử phạt gia đình em, ba cha con em là 270 triệu vì đã vi phạm hành chính về lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhưng mà gia đình em quyết định là sẽ không nộp phạt tại vì mình không có lỗi gì cả.

Hành động viết văn là hành động thiện chí, hành động không có lỗi. Chỉ cần mình nộp phạt thì mình đã cho người ta một tiền lệ xấu để áp đặt lên cá nhân mình, gia đình mình, và các bloggers trong tương lai. Người ta sẽ dùng hình phạt vi phạm hành chính để vô hiệu hóa sự lên tiếng của các bloggers trong nước hiện nay, và vì thế tiếng nói đối lập sẽ vì thế mà yếu đi.”

Kính thưa quý khán thính giả, Ngày Quốc tế Nhân quyền 10 tháng 12 năm nay cũng một lần nữa nhắc nhở cho dư luận người Việt cũng như quốc tế về tình trạng tù tội, giam cầm của các nhà bất đồng chính kiến từ Nam chí Bắc; như blogger Điếu Cày, Linh mục Nguyễn Văn Lý, cô Phạm Thanh Nghiên, Luật sư Lê Công Định, Giáo sư Phạm Minh Hoàng, blogger Anh Ba Sài Gòn; blogger Paulus Lê Sơn cùng nhóm thanh niên Công giáo ở Vinh, v.v…

Theo Tổ chức Ân Xá Quốc Tế và Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả CPJ thì hiện ở Việt Nam đang có hàng chục nhà bất đồng chính kiến đấu tranh ôn hòa đã bị án tù dài lâu kể từ khi Hà Nội mở chiến dịch đàn áp tự do bày tỏ cảm tưởng hồi cuối năm 2009, và kéo dài cho đến nay.

Trong khi đó, về phần mình, Việt Nam lại cho rằng, luôn tôn trọng các quyền tự do và dân chủ của người dân.

Đáp lại các chỉ trích vi phạm nhân quyền tại hội nghị các nhà tài trợ ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết “Việt Nam sẵn sàng đối thoại về vấn đề này với các nhà tài trợ để tạo sự thông hiểu nhiều hơn”, và nhấn mạnh là “tại Việt Nam các quyền như thế phải được thực thi trong khuôn khổ Hiến pháp và luật pháp”.


. Bookmark the permalink.

2 Responses to Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam

  1. Nặc danh says:
    viet nam thoi ky do deu
    lam gi co nhan quyen
    lam gi co phapluat
    chi co luat an cuop cuadan cho nen cs thang nao cung giau su
  2. Việt San Jose says:
    Tôi xin đưa một ý kiến với blog Dân Làm Báo, tạo thêm 1 menu nữa bên cạnh mục "Bắt Tay Nhau" trong đó có 1 list của tất cả những người hiện thời đang bị chính quyền sách nhiễu, đàn áp, hoặc giam cầm. Càng có nhiều chi tiết càng tốt. Với cái list này dân mạng có thể nắm vững hơn có bao nhiêu người đấu tranh, và cũng từ đó có thể giúp đỡ và vận động với thế giới để được can thiệp. Hoặc với cái list này những người Việt ở hải ngoại có đầy đủ chi tiết hơn để vận động với bạn bè người địa phương. Như chính tôi đây theo sát tin tức về Việt Nam nhưng khi tôi muốn nói chuyện với bạn bè ngoại quốc để họ hiểu vấn đề nhân quyền ở Việt Nam tôi cũng chỉ có thể nhớ được tên một vài người thôi. Muốn tranh đấu trên mặt tuyên vận chúng tôi cần thêm nhiều công cụ hơn để tranh đấu, và cần sự đoàn kết chặt chẽ hơn. Hiện thời tôi chỉ thấy vận động cho 1 vài cá nhân lẻ tẻ như gia đinh anh Tuấn chị BM Hằng anh Điếu Cày, nhưng còn chị Tạ Phong Tần, anh em giáo sứ Vinh,... đâu? Những người ít được nhắc tới hình như đã bị quên lãng. Mong yêu cầu này được DLB và dân mạng chiếu cố cho đuọc đầy đủ để tôi có thể gửi list này tới các dân biểu nơi tôi sống mà vận động cho họ. Cám ơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét