Độc ác và sự cam chịu
Hoàng Liên Sơn (danlambao) - Nếu không có sự tương trợ, giúp đỡ thì không thể có một nền văn minh như ngày nay với bao thành tựu rực rỡ, phi thường. Đáng tiếc thay tình yêu giữa con người với con người ngày nay đang bị phá hoại bởi chính con người. Ta không ác với người, nhưng sự thờ ơ vô cảm của ta chính là tội ác...
*
"Mở màn cho các cuộc thanh trừng hàng loạt sau này là vụ ám sát ông Sergei Kirov (tháng 12- năm 1934) được Stalin bật đèn xanh. Vụ Kirov kéo theo những cuộc thanh trừng trong Đảng diễn ra dữ dội vào những năm 1936-1938. Nhiều vụ xử án trong đó có một số vụ xử kín, nhiều vụ xử tử không khép án làm khá nhiều ủy viên Bộ chính trị của đảng bị thủ tiêu, nhiều UVTW, những Thủ Tướng và những quan chức cao cấp của các nước cộng hòa trong Liên Xô trừ nước Nga – tất cả đều bị ám sát hay biến mất mà không để lại dấu vết nào" (theo Crane Brinton, John B. Christopher, Robert Lee Woff).
Việc áp dụng các phương pháp luật rừng, thủ tiêu không cần tòa án được hình thành cùng với chế độ ưu việt xã hội chủ nghĩa ngay từ những ngày đầu sơ khai. Sự độc đoán của chủ nghĩa sùng bái cá nhân ở những lãnh tụ như Stalin trước đây, cộng Sản không chấp nhận đa nguyên đa đảng, không chấp nhận sự xây dựng mang tính chất dân chủ, luôn muốn xây dựng những hình ảnh theo kiểu vua chúa chuyên chế để thực hiện chính sách ngu dân thâm độc mà theo đó để người dân dễ dàng chấp nhận "con vua thì lại làm vua – con sãi ở chùa thì quét lá đa". Những người trong bộ máy cộng sản nếu có tư duy đổi mới thì sẽ nhanh chóng bị đưa vào dạng cần phải "thủ tiêu" và do vậy hình thành trong xã hội kiểu tư duy "vô cảm" trước mọi sự bất công.
Tại sao Việt Nam và Trung Quốc ngày nay lại vô cảm đến vậy? Chắng nhẽ bản chất con người là không thiện hay sao? Những vụ tai nạn thương tâm hay sự trà đạp lên con người là những nhan đề đầy rẫy trên báo chí và nổi trội hơn cả là sự thờ ơ của cộng đồng. Sự hồn nhiên bước qua những xác chết vì tai nạn hay kiểu hành hạ tập thể khiến cho thiên địa bất dung. Việc tung hô bạo lực quá mức tạo thành những cơn sốt kiểu quỷ sa tăng "Vãi Luyện", "Nguyễn Đức Nghĩa"… dường như phản ảnh một tâm lý ưa bạo lực, khát máu và cạn kiệt tình người trong một xã hội vô luân.
Nếu đấu tranh đồng nghĩa với tự sát, vậy thờ ơ có thể sống không? cháy nhà hàng xóm thì bình chân như vại, đến khi nhà mình cháy thì biết kêu ai? Con người bị xe cán chết, ta bình thản bước qua nhưng có biết đâu ngày mai ta cũng trong hoàn cảnh ấy. Chẳng nhẽ ta đã quên đi nguyên nhân mà loài người tồn tại, sinh trưởng và phát triển đến ngày nay. Nói về sức mạnh không gì dung mãnh bằng loài hổ. Khả năng thích nghi với mọi thời tiết con người cũng không bằng muôn vàn các động vật khác. Trí thông minh tuyệt đỉnh? Sẽ không có công trình nào đáng kể nếu không có các nhà khoa học đời này qua đời khác kế tục và phát huy. Căn bản của sức mạnh lòa người là tính đoàn kết, lòng yêu thương. Nếu không có sự tương trợ, giúp đỡ thì không thể có một nền văn minh như ngày nay với bao thành tựu rực rỡ, phi thường. Đáng tiếc thay tình yêu giữa con người với con người ngày nay đang bị phá hoại bởi chính con người. Ta không ác với người, nhưng sự thờ ơ vô cảm của ta chính là tội ác.
Cộng sản nắm rõ điều này và đánh vào tâm lí này của đại đa số người dân. Những hứa hẹn hão huyền nhưng thực chất là cổ động suông cho một đất nước đầy tội ác. Những con người có tâm thì trở thành kẻ thù của chế độ. Những thanh niên công giáo ưa chuộng sự thật bị bắt giam vô cớ, vô luật và người nhà thì luôn phải chịu phiền nhiễu không khiến cho cộng đồng mảy may thương xót mà chỉ là sự xa lánh, tránh tai vạ.
Truyền thông câm miệng trước bao bất công, chấp nhận sử dụng ngòi bút uốn theo những gì bậc cầm quyền mớm lời và cổ súy cho những trào lưu dâm ô trụy lạc. Truyền thông báo chí nói chỉ là đáp ứng theo yêu cầu thị hiếu của người xem, người đọc hay để nhằm mục đích răn đe xã hội nhưng sao răn mãi mà không giảm? Thị hiếu của người dân chẳng nhẽ độc ác đến mức điềm nhiên đưa cốc rượu, chén cơm lên miệng trong khi nghe tin chiếc xe bốc cháy thiêu chết hàng chục sinh mạng với câu bình phẩm "bây giờ ra đường không cẩn thận lởm khởm dễ…toi mạng "! Xã hội cần phải thay đổi nhưng lúc nào sẽ thay đổi? Đây không phải là cuộc chiến của các phe phái trong xã hội, giữa đảng này và đảng kia mà là cuộc chiến của loài người trước thói ích kỷ, cam chịu và độc ác. Ngày nào con quái vật xấu xa trong mỗi con người còn được nuôi dưỡng, những quái thai sinh ra sẽ càng nhiều và giết chết mọi thiện lương tốt đẹp của xã hội.
. Bookmark the permalink.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét