10 tháng 12, 2011

Nghe đây, nghe đây!!!


Nghe đây, nghe đây!!!

Ðảng, Nhà nước luôn chăm lo bảo đảm và bảo vệ quyền con người

TS Ðặng Dũng Chí (QĐND) Quá trình lãnh đạo cách mạng Ðảng ta luôn khẳng định, việc bảo đảm quyền con người là một mục tiêu, động lực của cách mạng, là trách nhiệm lớn của Ðảng và Nhà nước ta. Trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập, Ðảng ta chủ trương "Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia" (1).

Trong xã hội ta, quyền con người của tất cả mọi người đều được tôn trọng và bảo đảm, không phân biệt giai cấp, tầng lớp nào, quá khứ của họ ra sao. Bảo đảm quyền con người ở Việt Namnằm trong mục tiêu xây dựng xã hội "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Quan điểm nhất quán của Ðảng và Nhà nước

Ở Việt Nam quyền con người gắn với quyền dân tộc và chủ quyền quốc gia. Muốn hiện thực hóa được các quyền con người phải có các tiền đề, điều kiện nhất định. Ðiều kiện trước hết là đất nước phải được độc lập, chủ quyền quốc gia phải được tôn trọng. Thực tiễn lịch sử Việt Nam và nhiều nước vừa trải qua đấu tranh giành độc lập đã chứng minh, đất nước bị nô lệ thì người dân không thể có tự do, các quyền con người bị chà đạp nghiêm trọng. Vì vậy, các dân tộc bị áp bức đã không nề hy sinh, mất mát để giành và giữ nền độc lập. Và quyền dân tộc tự quyết đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của nhân quyền. Nói cách khác, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền con người. Không có độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, không thể nói đến các quyền con người. 

Bảo đảm quyền con người trước hết và chủ yếu thuộc trách nhiệm của mỗi quốc gia. Trách nhiệm pháp lý này đã được Liên hợp quốc quy định trong các văn kiện nhân quyền quốc tế. Mặt khác, chính Hiến chương Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh "Không quốc gia nào, kể cả Liên hợp quốc, có quyền can thiệp vào công việc thực chất thuộc thẩm quyền quốc gia"

Ngày nay, quyền con người đã được quốc tế hóa về nhiều mặt, nhưng việc bảo đảm quyền con người chủ yếu vẫn thuộc thẩm quyền của các quốc gia. Sự hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền là rất quan trọng, vì đã bổ sung thêm nguồn lực và kinh nghiệm trong việc bảo đảm quyền con người. Tuy nhiên, các cơ chế nhân quyền quốc tế chỉ nhằm bổ sung chứ không thể thay thế các cơ chế đang vận hành tại các quốc gia. Ðối với việc bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, trách nhiệm của quốc gia càng rõ - không có bất cứ một quốc gia hay tổ chức quốc tế nào có thể đảm đương được việc bảo đảm các quyền này thay cho các nhà nước. Ðây là những nguyên tắc cần được nhận thức đầy đủ; không được mơ hồ, phân vân. 

Ðộc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là đòi hỏi hàng đầu trong việc bảo đảm và thực thi nhân quyền, nhưng điều có ý nghĩa cực kỳ quan trọng là nhà nước phải sử dụng các điều kiện này để đem lại cuộc sống hạnh phúc cho mọi thành viên của đất nước. Giành độc lập cho Tổ quốc là một trong những mục tiêu lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng vừa đạt được mục tiêu này Người đã chỉ rõ, nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Ðiều này thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa quyền con người với quyền dân tộc tự quyết và trở thành định hướng chính trị quan trọng trong mọi hoạt động bảo vệ quyền con người.

Quyền con người được pháp luật bảo vệ, gắn liền trách nhiệm, nghĩa vụ công dân. Thực tiễn Việt Nam và thế giới cho thấy, bảo đảm bằng pháp luật là một trong những điều kiện quan trọng nhất để các quyền con người được thực hiện. Mọi nhu cầu hay yêu sách về quyềnnếu không được pháp luật ghi nhận và bảo vệ thì không thể có bất cứ một quyền con người nào

Trong phạm vi quốc gia, pháp luật bảo vệ quyền con người thể hiện ở việc ghi nhận các quyền trong pháp luật, hoàn thiện các thiết chế, bộ máy... nhằm bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền con người. Mặc dù luôn nhấn mạnh "quyền bẩm sinh", nhưng ngày nay, ở mọi quốc gia, quyền con người đều được ghi nhận và bảo vệ bằng các hình thức pháp luật khác nhau. 

Hiện nay đang xuất hiện một số những đòi hỏi cực đoan, rằng nhà nước phải để người dân được tự do bày tỏ quan điểm chính trị, tự do lập hội, hội họp, biểu tình, tự do ra báo tư nhân, nhà xuất bản tư nhân, tự do hoạt động tôn giáo... Nhiều người đã ráo riết tuyên truyền và hoạt động bất chấp những quy định của pháp luật hiện hành. Thậm chí họ cũng không hiểu hoặc cố tình không hiểu rằng, chính Luật Nhân quyền quốc tế cũng ghi rõ một số quyền có thể bị hạn chế vì an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe cộng đồng và tự do của người khác. 

Trong thời kỳ đổi mới, Nhà nước ta luôn coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật; củng cố các cơ quan tư pháp và cơ chế nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân. 

Phương Tây luôn nhấn mạnh quyền mà không nói đến nghĩa vụ cá nhân. Quan điểm này đã ảnh hưởng mạnh vào Việt Nam. Thậm chí đến nay, trong giới nghiên cứu lý luận nhân quyền ở nước ta, cũng có nhiều người cho rằng, nói đến nhân quyền là nói đến nghĩa vụ của nhà nước, không thể đòi hỏi nghĩa vụ cá nhân ở đây (?!). Ðiều này đã gây nhận thức mơ hồ trong xã hội về trách nhiệm cá nhân khi hưởng thụ quyền. 

Bàn về vấn đề này, Các Mác từng viết: "Không có quyền lợi nào mà không có nghĩa vụ, không có nghĩa vụ nào mà không có quyền lợi"(2). Trên thực tế, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người cũng ghi nhận: "Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng mà chính trong đó nhân cách của bản thân có thể phát triển tự do và đầy đủ" (Ðiều 29); các văn kiện nhân quyền khác cũng đều nhấn mạnh, mỗi cá nhân trong khi được hưởng thụ các quyền cần tôn trọng tự do của người khác và tôn trọng lợi ích của cộng đồng. 

Quan điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì nó chỉ ra được cách giải quyết một trong những mối quan hệ cơ bản nhất của vấn đề nhân quyền, khắc phục được cách hiểu phiến diện, cực đoan về vấn đề nhân quyền.

Các chủ trương, chính sách lớn bảo đảm quyền con người 

Từ các quan điểm cơ bản nói trên, trong quá trình đổi mới Ðảng đã đề ra một số chủ trương, chính sách, công tác, nhiệm vụ để bảo đảm quyền con người trong điều kiện mới. 

Trước hết là công tác tuyên truyền giáo dục trong nhân dân, tùy từng đối tượng cụ thể có nội dung, phương thức phù hợp để mọi người hiểu rõ quan điểm, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, nhận rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta là vì con người, vạch trần những luận điểm bịp bợm và thủ đoạn xấu xa của các thế lực thù địch trên lĩnh vực này. Khắc phục tình trạng bị động trong hoạt động tuyên truyền đối ngoại. 

Hệ thống pháp luật, từng bước thể chế hóa các nội dung về quyền con người phù hợp với điều kiện của nước ta, với các tiêu chuẩn về quyền con người đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Ðiều quan trọng nhất là Ðảng lãnh đạo toàn dân tiếp tục thúc đẩy công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhiều chính sách, quyết định lớn của Ðảng, Chính phủ về kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội đều nhằm mục tiêu vì con người.

Ðảng và Nhà nước đặc biệt chăm lo kiện toàn các cơ quan bảo vệ pháp luật trong sạch, vững mạnh, bảo vệ có hiệu quả các quyền công dân, quyền con người. Nghiêm khắc kiểm điểm, uốn nắn, khắc phục những khuyết điểm vi phạm quyền dân chủ của các cơ quan công quyền, cán bộ, công chức.

Các cơ quan lý luận khoa học, các ban, ngành bảo vệ pháp luật đã tiến hành tổ chức nghiên cứu sâu về quyền con người, phát triển các tư tưởng nhân đạo, giải phóng con người của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng ta, làm rõ sự khác nhau giữa các quan điểm đó với quan điểm tư sản về quyền con người. Trên cơ sở đó xây dựng hệ thống quan điểm của Ðảng ta về quyền con người, làm cơ sở cho công tác tư tưởng, cho việc hoàn thiện pháp luật và chính sách về quyền con người, tạo thế chủ động chính trị trong cuộc đấu tranh vì quyền con người trên trường quốc tế.

Trong hoạt động ngoại giao và tuyên truyền đối ngoại, trên cơ sở thực hiện tốt những quyền cơ bản của con người ở nước ta theo đúng đường lối, quan điểm của Ðảng, hiến pháp và pháp luật của Nhà nước đã chủ động và kiên định nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền và bảo đảm an ninh quốc gia, không thỏa hiệp trước những yêu sách gây tổn hại đến chủ quyền an ninh; đồng thời có đối sách linh hoạt, mềm dẻo trong một số vụ việc xét không phương hại đến an ninh và chủ quyền, nhằm đáp ứng yêu cầu đối ngoại, tranh thủ thêm bạn bè, phân hóa các lực lượng thù địch...

Sau 25 năm đổi mới, trong bối cảnh lịch sử mới, về bảo đảm và bảo vệ quyền con người, Ðại hội đại biểu lần thứ XI (năm 2011) của Ðảng đã khẳng định: Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách; xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực; dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm... 

Thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng, bảo đảm quyền con người trong quá trình đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, chúng ta cần tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động,giáo dục sát hợp với từng tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân về công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền trong tình hình mớiPhải nắm vững quan điểm, chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước ta,tự hào về những thành tựu to lớn về nhân quyền của Việt Nam đã đạt được trong nhiều năm qua; đồng thời phải nâng cao cảnh giác với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Dành mối quan tâm thường xuyên trong giáo dục đối với tầng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh, đồng bào theo đạo, đồng bào dân tộc thiểu số về nhân quyền. Tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản.

Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đặc biệt ở vùng chiến lược trọng điểm. Tăng cường đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, giữa cộng đồng trong nước với cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước về tôn giáo, dân tộc, quy chế dân chủ ở cơ sở, chính sách đất đai, chính sách cán bộ... Kịp thời giải quyết ngay tại cơ sở các vụ việc phức tạp, không để lây lan kéo dài, trở thành "điểm nóng". Cần tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống pháp luật đi đôi với kiện toàn các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nghiên cứu ban hành các luật còn thiếu liên quan đến quyền con người; sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật và điều luật không còn phù hợp. Tổ chức tốt việc thi hành pháp luật, nhất là công tác bắt, xét xử, giam giữ, cải tạo phạm nhân. Phổ biến rộng rãi các công ước và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết; nghiên cứu tham gia các công ước quốc tế về quyền con người.

TS Ðặng Dũng Chí (Viện Nghiên cứu quyền con người)


(1) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB CTQG, Hà Nội, 2001, tr.134.

(2) Các Mác - Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, T16, NXB Chính trị quốc gia, H, 1995, tr. 25.



. Bookmark the permalink.

7 Responses to Nghe đây, nghe đây!!!

  1. Em Là Lú says:
    Đọc xong bài này, tôi sướng lên tới mức độ "điều hiêu", phê cứng cả người, tưởng rằng mình đang lột xác, là một Việt Kiều may mắn, đang sống ở một đất nước "vạn lần dân chủ hoàn hảo nào". Ôi, đã quá đi mất! .

    Bác nào ở VN, bị bịnh mất ngũ, và hay gặp ác mộng, tôi khuyên nên đọc bài này trước khi đi ngũ .

    Tuy nhiên, khi tỉnh mộng, mà bị "đột quỵ" , Lú này không chịu trách nhiệm à nghe
  2. Beaulier says:
    Nhân Quyền & Độc Lập Dân Tộc!

    Cái Nào Cần Hơn?

    Tại Việt Nam Đã Thực Sự Có Chủ Quyền Hay Chưa ?

    Khổng Nhân Chí

    (10/12/2008)


    Hôm nay, thế giới kỷ niệm 60 năm tuyên ngôn nhân quyền thế giới trong bối cảnh thế giới có nhiều chuyển biến tích cực về tình hình an ninh chính trị. Bằng những nỗ lực không mêt mỏi của những cá nhân, những chiến sĩ đấu tranh cho hoà bình và công lý, những tổ chức đấu tranh vì quyền con người, đặc biệt là những nhà lãnh đạo các quốc gia dân chủ hàng đầu thế giới, đã thể hiện trách nhiệm đầy cao cả. Chính nhờ những nỗ lực đó cho đến nay đã có hàng trăm quốc gia người dân được hưởng các quyền cơ bản của con người và chính nhờ tinh thần của nội dung bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền ngày 10/12/1948 của LHQ làm nền tảng cho cuộc đấu tranh vì quyền con người được hiệu quả như ngày hôm nay.

    Dù không có ràng buộc pháp lý, nhưng Tuyên ngôn nhân quyền là nguồn cơ bản và cơ sở tư tưởng để xây dựng nên các văn kiện quan trọng, thành lập các tổ chức và thủ tục giám sát quốc tế về quyền con người trên quy mô toàn thế giới. Làm tiền đề cho việc xây dựng hiến pháp, luật pháp của các quốc gia vùng lãnh thổ vv…

    Những giá trị có tính vĩnh cửu của bản tuyên ngôn nhân quyền, đã xác quyết những quyền cơ bản quan trọng nhất cuả con người về quyền BÌNH ĐẲNG, không phân biệt giới tính, đẳng cấp thành phần xã hội, không phân biệt chủng tộc màu da, tôn giáo, sắc tộc vv…

    Thậm chí quyền con người được xác định và công nhận trên phạm vi toàn thế giới không phân biệt lãnh thổ quốc gia. Có nghĩa là bất kỳ ở đâu trên thế giới các giá trị về quyền con người cũng đều có một mẫu số chung và đều bình đẳng như nhau.

    Tạo hoá đã ban cho họ (danh từ chung) quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó là là những quyền cơ bản nhất để thi triển cụ thể ra những quyền khác của con người. Chẳng hạn như quyền sống đó là một trong những quyền có tính đương nhiên của tạo hoá, không ai có quyền tước đoạt cuộc sống của họ ngoài số mệnh. Quyền TỰ DO cũng vậy, mọi người ai cũng có quyền thể hiện quyền tự do cá nhân trong một cộng đồng bình đẳng và tôn trọng quyền tự do của người khác như chính quyền tự do của bản thân mình vv…

    Trên tinh thần cơ bản của Tuyên ngôn nhân quyền thế giới được chắt lọc, chỉnh sửa, bổ xung, tham khảo từ những giá trị của các bản tuyên ngôn sẵn có trong lịch sử tiến bộ của loài người, của các quốc gia dân chủ khác đã có, đặc biệt là bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ 1776 và bản tuyên ngôn nhân quyền của nước công hoà Pháp 1879, đã thi triển ra khoảng hơn 80 công ước, tuyên bố quốc tế về quyền con người đã được soạn thảo và ban hành, trong đó có những công ước quan trọng như Công ước về các quyền dân sự, chính trị, Công ước về các quyền kinh tế , xã hội và văn hóa, Công ước về chống phân biệt chủng tộc, Công ước chống tra tấn, các công ước về quyền trẻ em, phụ nữ, người tàn tật, người di cư, các dân tộc thiểu số…

    ...
  3. Beaulier says:
    Sau 60 năm ra đời, không còn nghi ngờ gì nữa tuyên ngôn quốc tế nhân quyền đã khẳng định tính đúng đắn, khẳng định sức mạnh của quyền con người, là nền tảng cho sức mạnh đồng thuận cùng chung hưởng và tôn trọng lợi ích cá nhân, lợi ích cộng đồng trong một xã hội, một quốc gia mà mọi người đều có quyền làm chủ vận mệnh của mình, trên cơ sở tôn trọng những giá trị khế ước và cam kết chung

    Ðến nay, Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế đã được dịch ra 360 thứ tiếng khác nhau, là văn kiện được các quốc gia thừa nhận, tôn trọng và truyền bá rộng rãi. Hầu hết các nước và vùng lãnh thổ đã và thực hiện các cam kết về quyền con người bằng những khả năng có thể của mỗi quốc gia.

    Những thành tích đã đạt được của cộng đồng thế giới về phấn đấu, đấu tranh vì quyền con người là hết sức to lớn. Một thế giới chan hoà yêu thương đầy tình nhân ái đã ngày càng được rộng mở. Sự thân thiện của mói quan hệ giữa con người với con người, giữa các dân tộc, giữa các quốc gia, các tôn giáo ngày càng được khẳng định và gắn bó.

    Nhưng tiếc thay, bên cạnh những giá trị to lớn mà loài người tiến bộ đã đạt được ngày hôm nay, vẫn còn không ít những thế lực đen tối, những nhóm lợi ích thiểu số trong xã hội vì quyền lợi và lợi ích cá nhân, đã gây lên những kịch bản xấu bằng những cuộc bao động, khủng bố, gây bất ổn nhằm tranh chiếm quyền lợi của nhằm lợi ích thiểu số cực đoan.

    Trước những trào lưu dân chủ trên thế giới ngày càng lớn mạnh và được khẳng định có tính tất yếu. Trước nguy cơ bị lật đổ theo xu thế tấy yếu, những thế lực đen tối này đã mưu toan toan tính dùng những âm mưu xảo quyệt không những trong chính sách đàn áp bóc lột mà còn tìm cách xoá nhoà ranh giới, đánh đồng các khái niệm về quyền con người với các quyền khác, để bao che biện minh cho hành vi tước đoạt quyền con người một cách tinh vi có hệ thống.

    Nguy hiểm hơn nữa là một số thế lực đen tối có quyền lực trong tay, đã nhân cơ hội tạo lên những đột phá, bước ngoạt có tính lịch sử mà họ cho rằng mình là kẻ có công, để rồi nắm giữ công cụ nhà nước trong tay, đã thao túng chiếm đoạt các quyền cơ bản của chính những người anh em, những đồng bào của mình, làm của riêng cho mình, coi đó như một thứ tài sản để từ đó cho mình cái quyền ban phát, quyền bố thí cho người khác.

    Hơn 60 năm nắm quyền cai trị đất nước, đưa đất nước trải qua bao cuộc chiến tranh đau thương và khốc liệt, đảng CSVN đã tự cho mình cái quyền công thần khai sinh ra nước Việt Nam, đưa Việt Nam thoát khỏi ách thực dân đế quốc, để rồi tạo lên một chế độc tài chuyên chế, tuy không tàn bạo khát máu bằng một số các chế dộ độc tài điển hình, nhưng họ đã đẩy đất nước đến những thảm hoạ về tri thức con người, về xã hội và môi trường sống một cách tồi tệ nhất.

    Họ không biết rằng, sự huyễn hoặc tự thưởng của họ với quá khứ lại là vết nhơ trong lịch sử dân tộc cũng như vết đen trong lịch sử đương đại thế giới. Đẩy một dân tộc vào lò lửa chiến tranh triền miên hơn 30 năm, với những giết chóc tàn phá man rợ đó không phải là chính nghĩa mà là phi nghĩa, đó không phải là công lao mà là tội ác. Tội ác chống lại nhân loại, chống lại dân tộc mà không có lợi biện minh bào chữa, vì cho đến ngày hôm nay cái giá trị về mục đích mà họ đề ra về quyền con người chỉ là hình thức, chỉ là trên giấy tờ mà thôi.

    Thủ hỏi tất cả những quyền con người được họ cam kết với cộng đồng quốc tế, được ghi trên hiến pháp có được họ thực thi, có được họ tôn trọng thực hiện một cách đầy đủ không, hay đó chỉ là thức bánh vẽ mà thôi. Cái khẩu hiệu mà họ đưa ra trong mấy ngày qua nhân ngày quốc tế nhân quyền, để biện minh bào chữa là “nhân quyền phải gắn liền với đôc lập dân tộc- quyền con người phải gắn liền với chủ quyền đất nước”.

    ...
  4. Beaulier says:
    Vậy họ nghĩ sao với chính lời ông Nguyễn Sát Quốc trước đây ( chứ không phải sự tiếm danh, hay mạo muội tự nhận mình là “Nguyễn Ái Quốc” như báo chí và các cơ quan tuyên tuyền của nhà nước độc tài CSVN vẫn gọi cho ông ấy ). Ông ta đã nói: “Nước có độc lập mà dân không được tự do thì nền độc lập ấy có nghĩa lý gì ? ” ( tên thường gọi của ông này chính là Hồ Chí Minh). Đúng như lời ông Quốc đã nói, nếu phải lựa chọn một trong hai cách: Đất nước bị “đô hộ” bởi ngoại xâm nhưng người dân được quyền tự do báo chí, tự do đi lại, tự do buôn bán và tự do lập hội, tự do bầu cử, ứng cử một cách thực sự như thời thuộc Pháp và thứ tự do bánh vẽ trên giấy như ngày hôm nay ở Việt Nam thì người dân sẽ chọn cách nào ????

    Tất nhiên là hiên nay chưa thể biết người dân sẽ lựa chọn cách nào bởi kết quả chỉ có được sau khi có một cuộc trưng cầu dân ý. Nhưng chúng ta có thể biết được điều đó thông qua những nước lân bang, chẳng hạn cuôc chuyển giao lịch sử quốc đảo Hồng Kông diễn ra năm 1999. Gần như toàn bộ cư dân Hồng Kông đã chuẩn bị thu xếp hành lý rời khởi nơi chôn nhau cắt rốn của mình khi đến đúng giờ G, Hồng Kông sẽ trao trả lại cho Trung Hoa Cộng sản đại lục. Buộc Giang Trạch Dân khi đó phải tuyên bố một nước hai chế độ nhằm níu giữ người dân ở lại. Đó là một bằng chứng sống động về hai chữ ĐỘC LẬP và TỰ DO CÁI NÀO QUAN TRỌNG HƠN !!!

    Ngay mới đây thôi việc người dân xứ xở Úc Châu đã thông qua việc trưng cầu dân ý, để xin được làm thần dân của nữ hoàng Anh. Tình nguyện để vương quốc Anh đô hộ quốc gia mình, nhưng được sống trong cảnh thái bình, tự do công bằng và bác ái !!!!

    Rõ ràng cái khái niệm về độc lập dân tộc mà đảng CSVN đưa ra đã trở lên lỗi thời với một thế giới văn minh và hiện đại, một thế giới coi trọng quyền con người hơn cả, thì những giá trị về ranh giới quốc gia chỉ là ước lệ mà thôi. Các quốc gia châu âu đang tiến tới điều đó, khi mà công dân của họ có quyền đi lại, sinh sống tự do trên các quốc gia khác, họ đang tiến tới sự thống nhất về mọi mặt xã hội kinh tế chính trị vì tiêu chí là quyền con người là tối thượng.

    Cái khái niệm về chủ quyền nó cũng trở lên xa lạ khi mà giao thương kinh tế, sự đồng thuận chính trị trên nền tảng của quyền con người sẽ xoá bỏ raò cản vì lợi ích chung. Những cảnh rừng già vùng nhiệt đới châu phi, vùng rừng rậm Amaron của Braxil sẽ là tài sản chung của nhân loại và mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ. Các nhà khoa học, các tình nguyện viên đã “xâm phạm chủ quyền” của các quốc gia đó để làm nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên một cách vô tư đầy nhiệt huyết, đầy trách nhiệm và cao cả của mình.

    ...
  5. Beaulier says:
    Tất cả những lời phát biểu của những kẻ có chức có quyền độ lốt trí thức, giáo sư tiến sĩ vv…như Đào Duy Quát, Lê Đức Thuý vv.. và hàng trăm bài viết của các tờ báo lá cải trong nước nhằm che đậy bào chữa cho hành động tội ác cũng như hành vi vi phạm nhân quyền của nhà nước CSVN sẽ chẳng thể nào che khuất được những gì đã và đang xảy ra hàng ngày hàng giờ trên thế giới hiện nay. Thực tiễn về giá trị nhân quyền đã được khẳng định, đã chứng minh cho loài người thấy bản chất cũng như sức mạnh của nó khi được thực thi một cách triệt để và nghiêm túc.

    Những giá trị về nhân quyền, độc lập dân tộc và chủ quyền mà Việt Nam đã thể hiện hôm nay là cái gì ???

    Một chế độ độc tài chuyên chế đã ban phát thứ nhân quyền bánh vẽ trên giấy, mà trong đó người dân như những bầy súc vật ngoan ngoãn dưới sự chăn dắt của đảng CSVN. Người dân thực sự không hề có môt chút quyền gì. Những cái quyền mà họ ban phát cho ngày hôm nay đều do họ sắp đặt và kiểm soát

    Độc lập dân tộc ư ! Nó có giá trị gì khi nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài !!!! Tư tưởng chính sách đường lối thì dập y chang chính sách độc tài của Trung Hoa và thử hỏi hiện nay trên thế giới, có quốc gia nào không có độc lập dân tộc ???

    Chủ quyền ư ! Cho đến hôm nay Việt Nam chưa bao giờ được hưởng trọn vẹn chủ quyền quốc gia theo đúng nghĩa của nó. Hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là máu thịt của Việt Nam hiện vẫn đang bị Trung Cộng chiếm giữ. Người dân đã vượt quá cái quyền được ban phát, để thể hiện tinh thần yêu nước và chủ quyền quốc gia thì bị cấm đoán bị độc chiếm chỉ giành riêng cái quyền đó cho đảng CSVN mà thôi.



    Tất cả điều đó đã nói lên thực trạng của đất nước mà hệ quả do sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của đảng CSVN đã gây ra. Cho dù họ có giở bao nhiêu mưu ma chước quỉ gì đi nữa để che đậy hòng cứu vớt chế độ, thì chỉ làm hại đất nước, làm chậm quá trình phát triển của chính dân tộc mình mà thôi. Lịch sử dân tộc sẽ lên án họ như một kẻ tội đồ, tên tuổi của họ sẽ bị nguyền rủa như Trần Ích Tắc, như Lê Chiêu Thống, Nguyễn Sát Quốc mà thôi. Xu thế tấy yếu của thời đại sẽ là động lực to lớn đẩy lùi các thế lực đen tối đến chỗ diệt vong trong một ngày không xa.


    Hà Nội, 10/12/2008

    Khổng Nhân Chí
  6. Nặc danh says:
    "Phương Tây luôn nhấn mạnh quyền mà không nói đến nghĩa vụ cá nhân."
    Bởi thế nhân dân ở các nước phương tây mới nghèo nàn , lạc hậu, mới sống không hạnh phúc, sống một cuộc sống khốn nạn không phải cuộc sống của con người.
  7. Thiên Đường Lừa says:
    Ở thiên đường lừa thì được ăn bánh vẽ là sung sướng lắm rồi. Tờ Sờ hôm nay lại tiếp tục cho dân Việt được sung sướng ăn bánh vẽ. Người nào không đồng ý với bài viết mà nói lên sự thật thì chỉ rước họa vào thân mà thôi. Thà sống như con vật còn hơn là bị giết bà con ơi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét