18 tháng 12, 2011

Mỹ sẽ đưa Chiến hạm tới Singapore, Philippines


Mỹ sẽ đưa Chiến hạm tới Singapore, Philippines

BRP Gregorio del Pilar – Khu trục hạm lớn nhất của Philippines mua của Mỹ với giá hơn 10 triệu USD Ảnh: Philippine Star.

Hải quân Mỹ cho biết sẽ triển khai một số Tuần dương hạm ( tàu tuần tra) dọc bờ biển Singapore và Philippines trong những năm tới.
Các nhà phân tích quốc phòng cho rằng, động thái này của Mỹ khiến Trung Quốc lo ngại bị bao vây và bị gây sức ép trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
“Trong những năm tới, hải quân Mỹ sẽ tập trung vào “ngã ba hàng hải chiến lược” của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”, Đô đốc hải quân Mỹ Jonathan Greenert nói. Ông cho biết hải quân Mỹ đã có kế hoạch “triển khai một số tàu chiến duyên hải mới nhất tại cơ sở hải quân của Singapore” bên cạnh kế hoạch của Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa thêm Thủy quân lục chiến tới căn cứ quân sự tại Darwin (Úc) vào năm tới.
Ông Greenert nói: “Điều này sẽ giúp hải quân Mỹ duy trì vị trí thống lãnh toàn cầu mà không cần nhiều chiến hạm và máy bay như hiện tại”. Chiến hạm duyên hải là các tàu kéo nước nông hoạt động tại vùng ven biển, có thể chống lại thuỷ lôi, tàu ngầm diesel, tàu nhỏ, có vũ trang và tốc độ cao.
“Quy mô các chiến hạm được triển khai trong kế hoạch lần này khá nhỏ song nó khiến Trung Quốc phải lo lắng và không thể làm gì để ngăn chặn kế hoạch này”, Euan Graham, quan chức cao cấp của Chương trình An ninh Hàng hải thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), nói. Thời gian đồn trú của các tàu chiến tại Singapore không được tiết lộ.
Sẽ đưa Chiến đấu cơ tới Philippines, Thái Lan
Ông Greenert cho biết các chiến hạm sẽ tập trung vào Biển Đông nhằm chống lại nạn cướp biển và buôn bán trái phép. “Năm 2025, các máy bay P-8A Poseidon hoặc máy bay tuần tra biển không người lái sẽ tới Philippines hoặc Thái Lan nhằm giúp các quốc gia này giám sát hải phận”, Đô đốc nói.
Một nguồn tin cho hay kế hoạch triển khai hải quân tại Philippines cũng đã được thảo luận. Philippines, một đồng minh của Mỹ từng vài lần va chạm với Trung Quốc vì tranh chấp trên Biển Đông, rất hoan nghênh các động thái trên. “Chúng tôi cùng ở trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương và chúng tôi đang đối mặt với các thách thức an ninh chung”, phát ngôn viên quốc phòng Philippines, Peter Paul Galvez nói.
Theo các nhà phân tích, tranh chấp chủ quyền tại những khu vực nhiều dầu mỏ và hải đảo tại Biển Đông đang là mối đe dọa an ninh lớn nhất châu Á hiện nay. Đây là tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Hơn một nửa tàu chở dầu của thế giới đi qua tuyến đường này.
Trong một hội nghị thượng đỉnh khu vực hồi tháng 10, Tổng thống Obama nói rằng Mỹ muốn đảm bảo các tuyến đường biển luôn được lưu thông và hoà bình. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tỏ ra bực mình, sau khi nhiều quốc gia châu Á khác đồng tình quan điểm của Mỹ.
Ông Ôn Gia Bảo cho biết “lực lượng bên ngoài” không có tư cách can thiệp các tranh chấp hàng hải nhạy cảm, phức tạp.
“Sự hiện diện khiêm tốn của 2.500 Thủy quân lục chiến tại Úc không phải là con số lớn và không có nghĩa là tất cả tàu chiến này đều hướng đến Trung Quốc”, Paul Dibb, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng tại Đại học Quốc gia Úc, nhận xét.
“Dù tôi không thấy có sự bao vây của Mỹ với Trung Quốc, nhưng quốc gia đang trỗi dậy của châu Á này chắc chắn là một phần trong kế hoạch triển khai hải quân lần này của Mỹ”, ông Dibb nói.
Theo kế hoạch lần này, các Tuần dương hạm duyên hải sẽ được giám sát chặt chẽ bởi hãng Lockheed Martin (Mỹ), Austal (Úc), General Dynamics Corp (Mỹ) và một số hãng chế tạo vũ khí khác đang sản xuất 2 mẫu chiến hạm mới cho hải quân Mỹ, và hi vọng bán cho các quốc gia khác trong những năm tới.
Gia Tùng
Theo Reuters>

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét