Hoa Kỳ tiết lộ vụ Hoàng Sa
Chính phủ Hoa Kỳ đã cho tiết lộ hai tài liệu mật liên quan đến quan điểm của Hoa Kỳ về Hoàng Sa và Trường Sa, đó là biên bản hai cuộc họp về vấn đề Đông Dương ngày 25.1.1974 và ngày 31.1.1974 do Ngoại trưởng Henry Kissinger chủ trì.
Trước khi trình bày về tài liệu này, để độc giả có thể nắm được vấn đề một cách dễ dàng, chúng tôi xin nói qua về tương quan lực lượng giữa Hải Quân VNCH và quân đội Trung Quốc khi biến cố Hoàng Sa xẩy ra và lý do tại sao Hoa Kỳ từ chối không yểm trợ cho Hải Quân và Không Quân VNCH chống lại Trung Quốc.
TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG
Tính đến năm 1975 Hải Quân VNCH có quân số lên tới 39.000 người, gồm 1611 tàu thuyền đủ loại, được phân thành 5 vùng Duyên Hải, hai vùng Sông Ngòi và một hạm đội Tuần Duyên có 83 chiến hạm đủ loại. Những chiến hạm có thể chiến đấu trên biển gồm các loại sau đây: 2 khu trục hạm, 7 tuần dương hạm, 8 hộ tống hạm, 9 tàu đổ bộ và 4 tàu trợ chiến. Với lực lượng như thế, Quân Lực VNCH không thể huy động để chống lại được quân Trung Quốc trên biển hay sao?
Sở dĩ QL/VNCH không thể chống lại Trung Quốc vì các lý do sau đây:
(1) Quân đội Trung Quốc vượt trội hơn Quân Lực VNCH về cả hải quân lẫn không quân. Trong trận Hoàng Sa, lực lượng hai bên chênh lệch một cách rõ rệt: Trung Quốc đã xử dụng một lực lượng Hải Quân hùng hậu gồm hơn 16 chiếc đủ loại, từ tàu đánh cá ngụy trang Nan Yu cho đến hai 2 chiến hạm loại Hainan 281, 282, 2 chiến hạm loại Jiangnan 271, 274 và 4 Phi Tiển Đỉnh Komar mang số 133, 137, 139, 145. Trong khi đó, lúc đầu HQ/VNCH chỉ có Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ 16. Những ngày tiếp theo HQ/VNCH mới tăng cường thêm các chiến hạm HQ 4, HQ 5 và HQ 10.
(2) Trung Quốc đã huy động cả hải lục không quân để áp đảo, trong khi QL/VNCH không thể huy động không quân vì Hoa Kỳ từ chối giúp đỡ (chúng tôi sẽ nói sau)
(3) Vì quyết chiếm Hoàng Sa, Hải Quân Trung Quốc đã hoạch định một kế hoạch hành quân chu đáo: Khi lâm trận, họ đã áp dụng chiến thuật “cài răng lược” khiến HQ/VNCH không thể xoay trở được. HQ/VNCH đã bị trúng kế địch.
Tuy các chiến hạm Trung Quốc chỉ trang bị đại bác 100 ly (3.9 in.) hay đại bác 85 ly (3.5 in), còn chiến hạm HQ 16 của HQ/VNCH có đại bác 127 và HQ 10 có đại bác 76,2, nhưng Trung Quốc áp dụng chiến thuật bám sát các chiến hạm của HQ/VNCH trong khoảng cách gần, nên đại bác của HQ/VNCH không sử dụng được.
Cho dù cuộc chiến xẩy ra ở tầm xa, HQ/VNCH cũng không thể thắng được vì khi thực hiện “Việt Nam hoá” chiến tranh theo đúng lịch trình của kế hoạch “Accelerated Turnover to the Vietnamese” (ACTOV), Hoa Kỳ có giao cho HQ/VNCH một số chiến hạm nhưng họ đã gỡ đi các giàn phóng phi đạn được trang bị trên đó, trong khi nhiều chiến hạm Trung Quớc có trang bị giàn phóng phi đạn và được không quân yểm trợ.
TÓM LƯỢC CÁC DIỄN BIẾN
Các bài về trận đánh Hoàng Sa được viết quá nhiều với những cách nhìn khác nhau, chúng tôi chỉ xin ghi lại các nét chính.
Trong cuốn hồi ký “Can trường trong chiến bại”, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải, người chỉ huy trận đánh Hoàng Sa, có kể lại rằng ngày 15.1.1974, Trung Tá Lê Văn Thự, Hạm Trưởng Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ 16 được lệnh đưa địa phương quân và nhân viên khí tượng ra Hoàng Sa thay toán ngoài đó đã hết nhiệm kỳ. Có hai sĩ quan công binh đi theo để sửa cầu tàu. Ông Jerry Scott thuộc văn phòng Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Đà Nẵng cũng xin cho một viên chức Mỹ là Gerald Kosh đi theo để biết Hoàng Sa. Nhưng khi người nhái của VNCH đổ bộ lên các đảo Duncan và Drummond thì đụng ngay một toán quân Trung Quốc ở trên đó.
Ngày 17 chiến hạm HQ 16 báo cáo hai tàu đánh cá của Trung Quốc không tuân lệnh ra khỏi lãnh hải Việt Nam theo lệnh của chiến hạm Việt Nam. Sau đó, lại có thêm hai tàu Trung Quốc chở quân tới gần đảo và đã có nhiều cờ Trung Quốc trên bờ. Bộ Tư Lệnh Hải Quân ở Sài Gòn đã phái thêm khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4 do Trung Tá Vũ Hữu San ra tăng cường. Sau đó hai chiến hạm Trần Bình Trọng HQ 5 và Nhật Tảo HQ 10 cũng được gởi ra Hoàng Sa. Chiều 18, các chiến hạm của hai bên chạy kế ngang nhau và chỉa súng vào nhau.
Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đã liên lạc với Bộ Tư Lệnh Hải Quân tại Sài Gòn xin cho biết có đơn vị nào của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ ở trong vùng hay không. Tin tức xác nhận các chiến hạm Hoa Kỳ đang ở rất gần các chiến hạm VNCH.
Lúc 10 giờ ngày 19, Đại Tá Hà Văn Ngạc, chỉ huy chiến thuật (OTC) tại mặt trận, đang ở trên soái hạm Trần Bình Trọng HQ 5, báo cáo các chiến hạm hai bên đang ở vị trí quá gần nhau trong thế “cài răng lược”. Toán đổ bộ của chiến hạm HQ 16 được lệnh trở ra chiến hạm. Khi toán đổ bộ đang dùng thuyền cao su chèo ra khơi thì trận chiến bùng nổ.
Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải được Tùy Viên Quân Sự Hoa Kỳ cạnh Hải Quân Vùng I cho biết, theo Tùy Viên Quân Sự ở Sài Gòn, có khoảng 17 chiến hạm Trung Quốc và 4 tàu ngầm đang hướng về Hoàng Sa. Ông ta cũng cho biết các phản lực cơ chiên đấu của Trung Quốc sắp cất cánh từ đảo Hải Nam để tấn công các chiến hạm của VNCH tại Hoàng Sa.
Trận hải chiến chỉ kéo dài trong hơn 30 phút. Các chiến hạm VNCH không đuổi theo các chiến hạm Trung Quốc và các chiến hạm Trung Quốc cũng không đuổi theo các chiến hạm VNCH. Không chiến hạm nào của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ tiến vào nơi có cuộc giao tranh.
Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ 10 bị bắn chìm, Thiếu Tá Ngụy Văn Thà với 24 quân nhân khác bị tử thương, 26 người mất tích, 23 thủy thủ trôi dạt được tàu của hãng Shell vớt.
Hai khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4 và Trần Bình Trọng HQ 5 bị hư hại, mỗi chiến hạm có hai chiến sĩ bị tử thương.
Tuần dương hạm HQ 16 do Trung Tá Lê Văn Thự chỉ huy, bị trúng đạn nghiêng một bên, được lệnh quay về Đà Nằng, có một chiến sĩ bị thương và 16 chiến sĩ khác trôi dạt trên thuyền cao su về đến Quy Nhơn.
Có 43 người đã bị bắt làm tù binh, trong đó có ông Gerald Kosh, được đưa về Quảng Châu, sau đó được trao trả cho VNCH qua Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế.
Về phía Trung Quốc, hộ tống hạm Kronkstad 274 bị chìm, hộ tống hạm Kronkstad 271 và hai trục lôi hạm 389 và 396 bị hư hại nặng, các sĩ quan chỉ huy là Vương Kỳ Uy, Triệu Quát và Diệp Mạnh Hải đều bị tử trận.
MỸ TỪ CHỐI YỂM TRỢ
Có một điều quan trọng mà Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại không biết đến, đó là Hoa Kỳ đã từ chối yểm trợ VNCH trong trận chiến Hoàng Sa.
Ngày 18.1.1974, Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH biết rõ hàng không mẫu hạm USS Enterprise của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ đang có mặt trong vùng gần Hoàng Sa. Phó Dề Đốc Diệp Quang Thủy, Tham Mưu Trưởng Bộ Tư Lệnh Hải Quân đã hỏi Đại Tá Kussan, Tuỳ Viên Quân Sự Mỹ tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân rằng phi cơ chiến đấu của Việt Nam khi đi tác chiến tại Hoàng Sa có thể hạ cánh xuống hàng không mẫu hạm USS Enterprise để xin tiếp tế nhiên liệu được không? Phó Đề Đốc Thủy cho biết Đà Nẵng cách Hoàng Sa trên 150 hải lý. Do đó, phi cơ chiến đấu sẽ không đủ nhiên liệu để có thể vừa đi vừa về. Nếu phải mang theo hai bình xăng thì không thể tác chiến được.
Sau khi nói chuyện với Toà Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn, Đại Tá Kussan đã trả lời cho Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy như sau: Các chiến hạm Mỹ không thể tiếp tế cho Quân Lực VNCH vì hai lý do sau đây:
Lý do thứ nhất, Hiệp Định Paris cấm Hoa Kỳ không được tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam (điều 4). Lý do thứ hai, Tu Chính án ngày 5.4.1973 cấm Hoa Kỳ giúp Việt Nam mà không có sự chấp thuận trước tiên và rõ ràng của Quốc Hội, và Luật ngày 21.9.1973 cấm Hoa Kỳ xử dụng Lực Lượng Quân Sự ở Đông Dương. Vì thế, các chiến hạm Hoa Kỳ không thể tiếp tế nhiên liệu cho các chiến đấu cơ VNCH được. Các chiến hạm Hoa Kỳ chỉ có thể cứu giúp quân đội VNCH khi bị các tai nạn mà thôi. Tuy nhiên, đó phải là các tai nạn bình thường, còn các tai nạn do chiến đấu, các chiến hạm Hoa Kỳ cũng không thể cứu giúp được.
Cần lưu ý, trong thời gian còn chiến tranh Việt Nam, Bộ Chỉ Huy Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (The US Military Assistance Command, Vietnam – MACV) là cơ quan chỉ huy quân sự thống nhất của Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, sau Hiệp Định Paris, cơ quan này bị hủy bỏ và được thay thế bắng Văn Phòng Tùy Viên Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (Defense Attaché Office –DAO) kể từ ngày 28.1.1973. Do đó, không còn các cố vấn Mỹ nữa mà chỉ còn các Tùy Viên Quân Sự.
QUAN ĐIỂM CỦA HOA KỲ QUÁ RÕ
Như chúng tôi đã trình bày ở trên, theo tài liệu Hoa Kỳ vừa công bố, trong hai cuộc họp do Ngoại Trưởng Kissinger chủ trì ngày 25.1.1974 và ngày 31.1.1974, tức sau khi Hoàng Sa bị mất, vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa đã được đưa ra bàn cãi. Nội dung tài liệu này đã được đài BBC trình bày ngày 3.10.2011, chúng tôi xin ghi lại những điểm quan trọng sau đây:
1.- Về trận đánh Hoàng Sa
Đô đốc Thomas H. Moorer, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân: "Chúng ta đã tránh xa vấn đề."
Ngoại trưởng Kissinger: "Chúng ta chưa bao giờ ủng hộ tuyên bố chủ quyền của họ [Nam Việt Nam]?"
Đô đốc Moorer: "Toàn vùng đó là cả vấn đề. Trường Sa và các đảo khác cũng có cùng vấn đề - đó là lãnh thổ đang tranh chấp. Chúng tôi đã ra lệnh tránh khỏi vùng đó."
Ngoại Trưởng Kissinger: "Ai khởi đầu trận chiến ở Hoàng Sa?"
Đô đốc Moorer: "Một đội tuần tra của Nam Việt Nam trong khu vực phát hiện một số tàu Trung Quốc tiến về các đảo; họ tiến đến và đưa khoảng 75 người lên đảo Duncan (Quang Hòa). Đó là một trong các đảo phía nam của nhóm Nguyệt Thiềm.
"Họ phải đối đầu với hai đại đội Trung Quốc. Phía Nam Việt Nam phải rút sang các đảo gần đó.
"Bốn tàu Nam Việt Nam và khoảng 11 tàu Trung Quốc sau đó có trận hải chiến trong khi quân Nam Việt Nam rút lui."
2.- Quan điểm của Hà Nội
Ngoại trưởng Kissinger: "Phản ứng của Bắc Việt trước toàn bộ vụ việc là thế nào?"
William Colby, Giám đốc CIA: "Họ bỏ qua, nói rằng nó nằm dưới Vĩ tuyến 17 và vì thế không có ảnh hưởng đến họ. Nói chung, họ không đưa ra lập trường, không theo bên nào."
William Smyser, thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia: "Nó đặt họ vào tình thế tế nhị. Họ không nói gì cho đến khi đã xong chuyện, và rồi chỉ nói họ lên án việc dùng vũ lực."
Ngoại trưởng Kissinger: “Tôi biết họ nói gì rồi, nhưng họ thực sự cảm thấy thế nào?”
Đô đốc Moorer: Tôi nghĩ họ lo lắng.
William Colby: “Bắc Việt có thể muốn có mỏ dầu tại đó.”
Ông Clements, Thứ Trưởng Quốc Phòng: “Đừng quá mơ mộng về khả năng có dầu tại các đảo đó. Đó vẫn là chuyện trên trời. Hiện chẳng có gì ở đấy cả, chỉ là tương lai thôi. Hiện nay dầu hỏa ở đó không khả thi. Chỉ là tiềm năng.”
Đô đốc Moorer: “Người Pháp nắm giữ các đảo trong thập niên 1930 cho đến khi Nhật chiếm trong Thế chiến. Năm 1955, người Pháp từ bỏ chủ quyền các đảo và Nhật đã làm như thế năm 1951. Nam Việt Nam và Trung Cộng kể từ đó cùng nhận chủ quyền. Philippines có tuyên bố yếu ớt, nhưng chỉ là trên giấy."
Sau đó, Đô đốc Moorer xác nhận lại với Henry Kissinger: "Chỉ thị của tôi là tránh xa khỏi toàn bộ khu vực."
3.- Chuyện bảo vệ Phillippines
Trong một cuộc họp ngày 31.1.1974 tại Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Kissinger được thông báo: "Không có dấu hiệu Trung Quốc định tiến về Trường Sa. Dẫu vậy, có sự lo ngại đáng kể từ phía Nhật, Philippines và đặc biệt là Nam Việt Nam, mà theo tin báo chí thì hôm nay đã gửi đoàn 200 người ra chiếm một số hòn đảo lâu nay không ai ở trong khu vực Trường Sa.
"Đài Loan đã chiếm ít nhất một đảo và Trung Quốc cũng vậy.
“Trong bối cảnh này, Philippines đã hỏi Mỹ liệu Hiệp Ước An ninh Mỹ - Philippines có được dùng nếu quân Philippines kéo ra Trường Sa và bị Trung Quốc tấn công.”
Các quan chức Mỹ có mặt trong cuộc họp đồng ý rằng không có câu trả lời rõ rệt và họ muốn để ngỏ sự mơ hồ trong câu trả lời cho Philippines.
Một người trong cuộc họp, ông Hummel, nói: "Tạp âm xung quanh các tuyên bố của chúng ta về những hòn đảo này hẳn đã đủ cho người Philippines hiểu rằng chúng ta không có ý định hay chúng ta không muốn."
Ngoại trưởng Kissinger kết luận: "Câu trả lời của chúng ta là đúng. Chúng ta không nên nói chúng ta sẽ bảo vệ họ."
MỘT VÀI NHẬN XÉT
Qua các sự kiện vừa được trình bày nói trên, chúng tôi có một số nhận xét như sau:
(1) Hoa Kỳ không muốn can dự vào các tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông vì sợ đụng chạm với Trung Quốc, nơi Hoa Kỳ có rất nhiều quyền lợi.
Mặc dầu trong chuyến viếng thăm Á Châu vừa qua, Tổng Tống Obama đã cho các quốc gia trong vùng hiểu rằng Mỹ sẽ “bao vây” Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quân sự, nhưng trong cuộc họp báo hôm 8.12.2011 tại Bắc Kinh, kết thúc cuộc đối thoại quốc phòng thường niên Mỹ-Trung, bà Michele Flournoy, Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, khẳng định việc Washington tăng cường các liên minh quân sự tại Á Châu không nhằm mục đích «ngăn chặn» Trung Quốc.
(2) Giữa Philippines và Mỹ có hiệp ước ngày 30.8.1951 bảo vệ các hòn đảo, tàu thuyền và máy bay của Philippines trên Thái Bình Dương khi bị tấn công, nhưng khi có đụng độ, Philippines có thực sự được bảo vệ hay không thì có thể là vấn đề khác. Ngoại trưởng Kissinger đã nói rất rõ: "Câu trả lời của chúng ta là đúng. Chúng ta không nên nói chúng ta sẽ bảo vệ họ."
Bản tin của đài VOA ngày 24.6.2011 cho biết trong cuộc họp ngày 23.6.2011, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói với Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario rằng Hoa Kỳ cam kết bảo vệ Philippines giữa lúc xảy ra vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại Biển Nam Trung Hoa. Nhưng tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời Giáo sư Pacifico Agabin, cựu Khoa Trưởng Luật Khoa của Đại học Philippines, cho biết nội dung của bản hiệp ước ký năm 1951 ghi rõ Mỹ không tự động bảo vệ Philippines một khi có xung đột trên biển Đông. Điều 4 của hiệp ước quy định trong trường hợp xảy ra tấn công trên Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ phải được sự chấp thuận của Quốc hội mới tiến hành điều quân (Căn cứ vào War Powers Resolution ngày 7.11.1973 của lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ).
(3) Hoa Kỳ từ chối tiếp tế xăng cho các phi công VNCH để tác chiến ở Hoàng Sa và nói rất rõ lý do tại sao Hoa Kỳ không thể làm như vậy. Điều này chứng tỏ Hoa Kỳ không còn muốn dính líu gì đến miền Nam Việt Nam nữa. Nhưng Tổng Thống Thiệu, người được Mỹ đưa lên cầm quyền ở miền Nam, quá yếu kém về chính trị, không thể hiểu được như vậy. Ông cứ nằng nặc đòi thêm viện trợ và cuối cùng chơi trò “tháu cáy”, rút khỏi Cao Nguyên và miền bắc Trung phần, để Mỹ hoảng sợ miền Nam mất, phải nhảy vào. Nhưng Mỹ đã không can thiệp khiến miền Nam bị sụp đổ một cách nhanh chóng, gây tang thương cho không biết bao người. Tôi ấy trời khó dung và đất khó tha.
(4) Tất cả các sự kiện được trình bày nói trên cho thấy cả Việt Nam lẫn Philippines phải tự lo lấy thân phận mình, đứng trông chờ ở Mỹ.
Ngày 13.12.2011
Lữ Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét