12 tháng 11, 2011

Sự kết thúc của Phố Tàu

Sự kết thúc của Phố Tàu



Trúc An dịch - Posted by basamnews on 12/11/2011
Có phải sự trỗi dậy của Trung Quốc đồng nghĩa với sự kết thúc của một trong những cộng đồng đã được ghi nhận nhiều nhất ở nước Mỹ?


Là một nhà quản lý của một trung tâm việc làm Phố Tàu trên đường Kearny ở San Francisco, Winnie Yu đã chứng kiến những khách hàng thuộc tầng lớp lao động đến và đi. Hầu hết họ đều có những yếu tố làm nên câu chuyện thành công của một người nhập cư Mỹ gốc Hoa, chẳng hạn như Shen Ming Fa. Shen, năm nay 39 tuổi, đã chuyển tới San Francisco cùng với gia đình anh vào mùa thu năm ngoái, với ý nghĩ cô con gái 9 tuổi của anh sẽ có được tương lai nói tiếng Anh. Điểm dừng chân đầu tiên của Shen là Phố Tàu, nơi anh tìm thấy một cộng đồng, với sự giúp đỡ về công việc và các vấn đề nhập cư. Nhưng gần đây, Yu đã thấy có sự thay đổi; thay vì kéo đến, các khách hàng của anh lại ra đi, để theo đuổi điều mà có thể được gọi là giấc mơ Trung Quốc.

“Giờ đây, Giấc mơ Mỹ đã vỡ tan”, Shen kể với tôi vào một buổi tối ở trung tâm việc làm, trong khi các ngón tay anh gõ liên hồi xuống mặt bàn. Shen nói chủ yếu bằng tiếng quan thoại, và Yu giúp tôi thông dịch. Shen gần như bị thất nghiệp, anh làm bất cứ công việc bán thời gian nào có thể tìm được. Hồi còn ở Trung Quốc, anh hành nghề bác sĩ thú y và làm tại một ngôi trường về văn hóa Trung Hoa truyền thống. ”Ở Trung Quốc, mọi người sống dễ chịu hơn: trong một ngôi nhà lớn, có một công việc tốt. Cuộc sống ở đó rõ ràng là tốt hơn“. Shen giơ ngón tay điểm một số trường hợp mà anh biết đã trở về nước kể từ khi anh tới Mỹ. Khi tôi hỏi anh có nghĩ đến việc trở về Trung Quốc hay không, Shen liếc nhìn con gái đang ngồi gần, sau đó nhìn thẳng vào mắt tôi. Anh nói, một cách thận trọng: “Con gái tôi đang phát triển tốt. Nhưng ngày nào tôi cũng nghĩ về điều đó“.
Trong những năm gần đây có rất nhiều câu chuyện về “những con rùa biển” Trung Quốc, những người được đào tạo ở nước ngoài và trở về Trung Quốc theo tiếng gọi của những chế độ đãi ngộ mà chính phủ nước này đưa ra, trong đó có hỗ trợ tài chính và nhà ở, thưởng tiền mặt và cắt giảm thuế. Năm 2008, Shi Yigong, một nhà sinh học phân tử tại Princeton, đã từ chối một khoản tài trợ nghiên cứu quý giá 10 triệu USD để trở về Trung Quốc làm chủ nhiệm ban khoa học đời sống của trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh. “Những người nghiên cứu sau tiến sĩ đang nhận được những lời đề nghị hấp dẫn”, Robert H. Austin, một giáo sư vật lý ở Princeton, nói.
Tuy nhiên, những người lao động không có chuyên môn giờ đây cũng trở về. Tình trạng thiếu hụt lao động ở Trung Quốc đã dẫn tới không chỉ mức lương cao hơn mà còn thêm nhiều lựa chọn ở nơi họ có thể làm việc. Viện Chính sách Nhập cư, một nhóm nghiên cứu có trụ sở ở Washington, D.C., đã đăng tải một báo cáo về nhân khẩu học Trung Quốc đến năm 2030, trong đó nói, nghĩ việc di cư như một sự dịch chuyển chỉ có một hướng là sai lầm: thực ra các dòng dịch chuyển này năng động hơn nhiều. “Di cư, theo cách mà chúng ta hiểu ở Mỹ là, người ta kéo đến, ở lại và qua đời ở đất nước chúng ta. Nhưng trên thực tế chưa bao giờ xảy ra như vậy“, trích lời ông Demetrios Papademetriou, giám đốc Viện nói trên. “Về mặt lịch sử, hơn 50% số người tới đây vào nửa đầu của thế kỷ 20 đã rời đi. Vào nửa sau của thế kỷ, dòng người di cư trở về giảm xuống còn 25-30%. Nhưng ngày nay, khi chúng ta nói về Trung Quốc, những gì bạn chứng kiến thật sự là ngày càng nhiều người trở về… Điều này có thể vẫn là một dòng chảy nhỏ giọt, về mặt dữ liệu của chúng tôi có thể nắm bắt điều đó, luôn có một khoảng thời gian đôi năm tụt lại phía sau, nhưng với sự kết hợp của các điều kiện lao động tồi tệ ở Mỹ, và các điều kiện được duy trì hoặc tốt hơn ở Trung Quốc, số người trở về quê hương sẽ tăng cao“.
Trong 5 năm qua, số người nhập cư Trung Quốc tới Mỹ trên đà giảm, từ đỉnh điểm 87.307 người năm 2006 xuống 70.863 người năm 2010. Bởi vì các Phố Tàu là nơi người nhập cư thuộc tầng lớp lao động xưa nay vẫn tập trung để nhờ giúp đỡ, sự lớn mạnh của Trung Quốc – và sự giảm bớt các dòng người nhập cư – rồi đây sẽ đảm bảo cho sự suy vong của các Phố Tàu.
Các Phố Tàu nhỏ hơn đang tàn dần theo năm tháng, chẳng hạn như ở Washington, D.C., nơi Phố Tàu giảm còn một vài tòa nhà có chiếc cổng chào được trang trí công phu và sự hiện diện chủ yếu là các chuỗi tiệm như Starbucks và Hooters, với các bảng hiệu bằng tiếng Trung. Nhưng hiện các Phố Tàu ở San Francisco và New York đang dần thưa người, ít cư dân hơn và thiên về dịch vụ hơn. Khi các kết quả sơ bộ của cuộc điều tra dân số Mỹ năm 2010 được công bố hồi tháng 3, cho thấy sự tụt giảm ở các khu vực chủ chốt của Phố Tàu ở San Francisco. Ở Manhattan, điều tra dân số cho thấy, sự suy giảm về dân số ở Phố Tàu lần đầu tiên trong ký ức gần đây – gần 9% tổng cộng, và dân số châu Á giảm 14%.
Làn sóng di cư khỏi Phố Tàu diễn ra một phần do tầng lớp lao động đang tách ra khỏi cộng đồng truyền thống này và hướng tới các “cộng đồng dân thiểu số”; sự phát triển tiếp tục đẩy các cư dân ra khỏi khu vực của họ và hòa vào các cộng đồng khác, các cộng đồng thứ yếu như Flushing, Queens, ở New York. Tuy nhiên, dòng người di cư cần các mạng lưới mà Phố Tàu cung cấp cũng đang giảm bớt. Đặc biệt, số phần trăm người New York gốc Hoa sinh ra ở nước ngoài đã giảm khoảng 75% năm 2000 còn 69% năm 2009.
Các Phố Tàu gần như đã suy vong một lần trước đây, vào nửa đầu của thế kỷ 20, khi các hành động ngăn chặn khác nhau đã hạn chế người nhập cư. Philip Choy, một sử gia và kiến trúc sư về hưu, lớn lên tại Phố Tàu ở San Francisco đã chứng kiến dân số nhập cư Hoa kiều của khu này đang được thay thế bởi các thế hệ mới của người Mỹ gốc Hoa. “Phố Tàu có thể biến mất nếu nó không vì các chính sách nhập cư thay đổi”, ông cho biết gần đây. Chỉ sau khi Đạo luật Nhập cư và Nhập tịch 1965 dỡ bỏ các chỉ tiêu mới thì người Trung Quốc mới phục hồi được các Phố Tàu trên khắp cả nước, đặc biệt là các cộng đồng ở New York, San Francisco, và Los Angeles.
Tất nhiên, kể từ những ngày Đổ Xô Đi Tìm Vàng, người Hoa luôn nghĩ họ sẽ trở về Trung Quốc sau khi kiếm được vận may ở nơi khác. Và như Papademetriou nói với tôi, điều gì xảy ra trước kia thường xảy ra lần nữa. Chỉ lúc này, vận may mới có thể được tìm thấy tại quê nhà.
Sự dịch chuyển này báo trước sự mất đi của một nơi từng không thể thiếu đối với người Mỹ gốc Hoa, mà Victor Nee và Brett de Bary Nee, trong cuốn sách Longtime Californ năm 1973 của họ, đã chỉ ra rằng “gần như tất cả những người Trung Quốc sống ở San Francisco đều có điều gì đó liên quan tới Phố Tàu“. Hai năm trước, khi tôi đi thực tế để viết cuốn sách về các Phố Tàu – một kiểu thư tình gửi tới khu dân cư đã đón nhận gia đình tôi khi chúng tôi đến Mỹ lần đầu tiên – tương lai của những cộng đồng này còn là một câu hỏi để mở. Nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục phát triển, các Phố Tàu sẽ không còn lý do để tồn tại, như những cảng tiếp nhận sống còn dành cho người nhập cư thuộc tầng lớp lao động. Những người lao động đó sẽ có những thứ tốt đẹp để làm hơn là tới Mỹ.
Ảnh:  David Leventi
Tác giả: Bonnie Tsui là tác giả cuốn American Chinatown: A People’s History of Five Neighborhoods.
Trúc An dịch từ ATLANTIC MAGAZINE
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét