Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữLuật lưu trữ gồm VII chương, 42 điều, đã được Quốc hội thông qua với 87% số đại biểu tán thành.
Luật Lưu trữ quy định về hoạt động lưu trữ; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ và hoạt động dịch vụ lưu trữ, quản lý về lưu trữ.
Luật áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân.
Về quản lý tài liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ quy định tại Điều 5 của Luật, trước các ý kiến đề nghị bỏ quy định quản lý tài liệu của dòng họ, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng gia phả, tộc phả là tài liệu của gia đình, dòng họ được bảo quản, lưu truyền qua các thế hệ. Đối với những gia đình, dòng họ có nhiều công lao đóng góp cho quốc gia, xã hội thì những tài liệu này không chỉ có ý nghĩa đối với gia đình, dòng họ mà còn là tài liệu lịch sử quý giá đối với quốc gia, xã hội cần được bảo quản, lưu trữ lâu dài. Vì vậy cần giữ quy định về quản lý tài liệu của dòng trong Luật.
Nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ trường hợp bắt buộc phải đăng ký thống kê và tự nguyện đăng ký thống kê tài liệu của cá nhân tại Lưu trữ lịch sử và những tài liệu lưu trữ liên quan đến an ninh quốc gia của cá nhân buộc phải đăng ký, hiến tặng hoặc bán cho Nhà nước.
Về vấn đề này, theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, một trong những chính sách của Nhà nước về lưu trữ là Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu đối với tài liệu lưu trữ, bao gồm cả quyền sở hữu của cá nhân đối với tài liệu lưu trữ của mình. Về nguyên tắc, việc đăng ký hay hiến tặng hoặc bán tài liệu lưu trữ của cá nhân do cá nhân quyết định.
Tuy nhiên, do tài liệu lưu trữ liên quan đến an ninh quốc gia là tài liệu cần có sự quản lý chặt chẽ; do đó cần ghi nhận quyền sở hữu của cá nhân, đồng thời cũng bảo đảm quyền lợi quốc gia khi quy định cá nhân có tài liệu lưu trữ liên quan đến an ninh quốc gia là “chỉ được hiến tặng hoặc bán cho Lưu trữ lịch sử”. Luật không đặt vấn đề Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài liệu của cá nhân; trong trường hợp cần thiết thì việc trưng mua, trưng dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng và đã bổ sung nội dung “tài liệu điện tử” của cá nhân, gia đình, dòng họ vào Điều 5 của Luật.
Bảo đảm quyền khiếu nại của người dânLuật Khiếu nại đã được Quốc hội thông qua với 86,80% số đại biểu tán thành. Luật gồm VIII chương, 70 điều quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tiếp công dân; quản lý và giám sát công tác giải quyết khiếu nại.
Trước ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn đối với trường hợp nhiều người cùng khiếu nại cả về số lượng người tham gia, cách thức xử lý và giải quyết, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng để bảo đảm quyền khiếu nại của người dân, đồng thời bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tránh bị lợi dụng thì những vấn đề có liên quan đến việc nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung cần phải có những cách thức xử lý linh hoạt, phù hợp với tình hình cụ thể.
Trong trường hợp này, Luật quy định chung nhất về hình thức khiếu nại (trực tiếp trình bày hoặc bằng đơn), việc tiếp dân, cử người đại diện; còn những vấn đề cụ thể khác giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Về vấn đề cử đại diện trong trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, Ủy ban thường vụ Quốc hội bày tỏ quan điểm cho rằng, do có nhiều người cùng khiếu nại nên người tiếp nhận khiếu nại không thể cùng một lúc trao đổi và xử lý yêu cầu của tất cả mọi người. Trong trường hợp này, người đại diện chỉ là người được những người cùng khiếu nại cử ra để trình bày nội dung khiếu nại cho người tiếp nhận khiếu nại tại thời điểm đó; đồng thời tiếp nhận ý kiến của cơ quan có thẩm quyền để trao đổi lại với những người khiếu nại. Người được cử làm người đại diện phải là một trong những người khiếu nại và có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật dân sự như có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và chỉ đại diện trong vụ việc khiếu nại cụ thể mà thôi.
Những quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong Luật khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2004/QH11 và Luật số 58/2005/QH11 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực. Ngoài ra, đối với khiếu nại đã được thụ lý giải quyết trước ngày Luật này có hiệu lực thì thực hiện theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2004/QH11 và Luật số 58/2005/QH11.
Duy trì hai hình thức tố cáo trực tiếp và bằng đơnLuật Tố cáo quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo.
Luật gồm VIII chương, 50 điều. Các quy định về tố cáo, giải quyết tố cáo trong Luật khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 26/2004/QH11 và Luật số 58/2005/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực. Những tố cáo đã được thụ lý, đang xem xét và chưa có kết quả giải quyết trước ngày Luật này có hiệu lực thì được tiếp tục giải quyết theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2004/QH11 và Luật số 58/2005/QH11.
Trước các ý kiến đề nghị bổ sung các hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại vì các hình thức này thực tế đang tồn tại và cũng để tránh lạc hậu so với sự phát triển của công nghệ, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng các hình thức tố cáo qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử tuy đã được quy định trong Luật P hòng, chống tham nhũng song hiện vẫn chưa được áp dụng phổ biến. Trên thực tế, việc quản lý các thông tin thuộc loại này còn nhiều khó khăn, bất cập.
Do đó, vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết trước khi cụ thể hóa trong Luật nhằm tránh bị lợi dụng để xuyên tạc, vu khống, gây rối, làm mất đoàn kết nội bộ hoặc để phát tán thông tin về việc tố cáo, nhất là trên các trang mạng điện tử, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của người khác hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước. Vì vậy, Luật Tố cáo chưa bổ sung quy định về các hình thức tố cáo này trong Luật, mà tiếp tục duy trì hai hình thức là tố cáo trực tiếp và tố cáo bằng đơn như hiện nay.
Với những tố cáo không rõ họ, tên, địa chỉ của người tố cáo nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, có bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan có thẩm quyền phải xem xét hoặc có biện pháp xử lý thỏa đáng , Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng q uy định người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo , tránh tình trạng lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật, không có căn cứ, gây mất đoàn kết nội bộ, làm tốn kém cả thời gian và công sức cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc xem xét, giải quyết.
Tuy nhiên, trong thực tế, các cơ quan, tổ chức có thể sử dụng những thông tin từ các tố cáo không rõ họ, tên nhưng có căn cứ rõ ràng nhằm phục vụ yêu cầu quản lý, song đây không được coi là hoạt động giải quyết tố cáo và không nên quy định trong Luật tố cáo. Luật chỉ xem xét, giải quyết đối với các tố cáo rõ họ, tên, địa chỉ của người tố cáo. Luật tố cáo cũng quy định các nội dung cơ bản của đơn tố cáo, đơn tố cáo phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo. Trường hợp tố cáo trực tiếp thì người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào bản ghi nội dung tố cáo.
Trường hợp nhiều người cùng tố cáo thì trong đơn phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, chữ ký hoặc điểm chỉ của từng người tố cáo và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết tố cáo.
Tăng cường mức độ răn đe, xử lý đối với các hành vi vi phạmVới 86% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đo lường. Luật gồm IX chương, 58 điều. L uật Đo lường quy định về hoạt động đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường. Luật áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường tại Việt Nam.
Trước nhiều ý kiến đề nghị cần nâng cao mức xử phạt, tổ chức, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng; chế tài xử phạt phải nghiêm minh để bảo đảm tính răn đe nhằm ngăn chặn các trường hợp tái phạm, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đo lường cũng như các lĩnh vực khác, được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và hình sự.
Tuy nhiên, trước tình trạng gian lận đo lường trong mua bán xăng, dầu, điện, nước, viễn thông... diễn ra tràn lan, gây bức xúc trong dư luận xã hội, vì vậy cần tăng cường mức độ răn đe, xử lý đối với các hành vi vi phạm nêu trên. Luật Đo lường giữ nguyên quy định trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn thấp hơn số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm thì áp dụng mức phạt từ 1 đến 5 lần số tiền thu lợi bất chính đó.
Luật quy định rõ các hành vi bị cấm bao gồm lợi dụng hoạt động đo lường để gây thiệt hại đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Cố ý làm sai lệch phương tiện đo, kết quả đo; Cố ý cung cấp sai, giả mạo kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; Giả mạo, tẩy xóa, sửa chữa nội dung trên dấu định lượng, dấu kiểm định, tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét