Những người dân trong khu vực bị lụt ở tỉnh Quảng Bình dời đồ đạc đến chỗ cao hơnLũ lụt tại vùng châu thổ sông Mekong lên đến tột đỉnh vào tháng 9 nhưng nước vẫn chưa rút hết. 

Bà Lotto Sylwander, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam, nói rằng nạn lụt ở khu vực đó tệ hại nhất từ một chục năm nay:


“Thường ở An Giang, nước lụt không đến thủ phủ, nhưng lần này thì thành phố chính ngập nước. Cơ bản toàn bộ tỉnh đều bị ngập cho nên tình hình cực kỳ xấu. Có nghĩa là tất cả các đường để đi lại đều ngập nước. Gần như tất cả các trường học đều đóng cửa, mọi người khó mà đến được các bệnh viện hay bệnh xá vì phải đi bằng thuyền, nếu không thì không có cách nào khác.”

Gần 600.000 người ở 7 tỉnh bị ảnh hưởng của lũ lụt, với mực nước có nơi lên đến 6 mét.

Liên Hiệp Quốc nói 72 trong số người chết là trẻ em, nhiều em là trẻ sơ sinh hay các em nhỏ không biết bơi.  

Bà Sylwander nói một trong các vấn đề lớn nhất là dân chúng vẫn sinh hoạt bình thường bất kể mực nước dâng cao một cách nguy hiểm:

“Họ quen đi lại trên các thủy lộ và đôi khi họ còn bơi hay trẻ em thường đội cặp sách lên đầu mà băng qua suối, nhưng vấn đề là lần này nước chảy rất xiết cho nên trẻ em bị cuốn đi trong khi thông thường các em không bị.”

Thiệt hại không chỉ riêng ở miền nam. Vài tuần lễ sau khi lụt tác hại vùng sông Mekong, thì trời mưa lớn lại gây lụt lội ở miền trung. Các giới chức Việt Nam cho hay 20 người đã thiệt mạng ở đó, đa số trong tuần vừa qua.

Khoảng 30.000 người đã được sơ tán ra khỏi nhà.

Mặc dù cũng phải đối mặt với một thiên tai tương tự, ông Bhupinder Tomar, thuộc Liên đoàn Hội chữ thập đỏ Quốc tế, nói rằng các cộng đồng ở miền trung chịu đựng dẻo dai hơn các cộng đồng miền nam.

Ông nhận định: “Ở vùng sông Mekong, dân chúng sống với lũ lụt bởi vì nước lũ có lợi cho họ. Về lâu về dài, tác động thường là tàn phá rất nhiều cơ sở hạ tầng và nhà cửa. Sự hồi phục nhanh hơn ở miền trung bởi vì khu vực bị tác động không rộng lớn bằng.”

Ông Tomar nói tác động lâu dài ở các tỉnh miền trung là sự tàn phá các cơ sở hạ tầng và nhà cửa, tuy nhiên sự phục hồi ở miền trung nhanh hơn bởi vì khu vực bị ảnh hưởng không lớn mấy. Riêng trong tỉnh Quảng Nam, thiệt hại có phần chắc sẽ lên tới khoảng 5 triệu đôla, theo tin tức báo chí.

Có phần chắc tổn phí sẽ lớn hơn ở các tỉnh trong vùng châu thổ sông Mekong. Tuần trước, báo Vietnam News nói rằng lụt lội ở châu thổ sông Mekong lên tới hơn 135 triệu đôla kể từ khi bắt đầu ngập lụt vào cuối tháng 8.

Theo ông Tomar, sự khác biệt đối với nông dân ở vùng sông Mekong là họ lệ thuộc vào lụt để đem lại sức sống cho các cánh đồng của mình. Điều này có nghĩa là tác động của lụt lội có thể sẽ có lợi cho họ về lâu về dài.

Ông nói: “Tôi chắc chắn rằng trong một năm rưỡi nữa các cơn lụt này sẽ thực sự là rất có lợi bởi vì nó bồi phù sa và đất mới rất có ích cho nông dân.”

Vào lúc nước lụt bắt đầu rút ra khỏi những nơi đất cao trong vùng sông Mekong, bà Sylwander cho rằng tình hình sẽ tốt hơn. Mặc dù nước lụt vẫn còn dâng cao ở các tỉnh xa hơn dưới hạ lựu sông Mekong, họ đã có nhiều thời giờ hơn để chuẩn bị cho tình trạng khẩn cấp.

Như thế không có nghĩa là đã qua cơn hoạn nạn. Với một mùa thu hoạch bị mất, nhiều gia đình đã bị rơi vào tình trạng không có thu nhập và các cơ quan cứu trợ phải cố gắng giúp những người thiếu thốn nhất. Nguồn nước bị ô nhiễm và có nguy cơ cao về các bệnh do nước làn truyền như bộc phát dịch tả sau các cơn lụt.