Chiutchev: một mặt trời thơ ca Nga khác?!
Trần Mạnh Hảo (danlambao) - Xin cám ơn nhà văn Thuý Toàn đã gửi tặng chúng tôi hai tập thơ do anh dịch, trong đó có tuyển thơ 52 bài thơ ngắn của thi hào Nga Chiutchev ( 1803- 1873).
Sinh thời Doxtoievxki từng gọi Chiutchev là: “Nhà thơ vĩ đại”; L.Tolxtoi từng kêu lên: “Thiếu Chiutchev khó mà sống”, rằng “Tôi thật sự hạnh phúc tìm được một tác phẩm thật sự nghệ thuật. Tôi không thể đọc mà không rơi nước mắt!”; Turgheniev đã gọi Chiutchev là: “Nhà thơ kiệt xuất của chúng ta”; Nekraxov nhận xét: “Chiutchev ở vị trí hàng đầu những tài năng bậc nhất của thơ Nga”; Afanaxi Fet nói về thơ Chiutchev: “Cuốn sách nhỏ bé này nặng hơn nhiều so với những bộ sách dày cộp”; Tsernưsevxki bảo: “Thơ Chiutchev là tuyệt vời”...Thậm chí, có nhiều người còn đánh giá thơ Chiutchev hay hơn cả“mặt trời thi ca Nga” Puskin (!)
Sinh thời Doxtoievxki từng gọi Chiutchev là: “Nhà thơ vĩ đại”; L.Tolxtoi từng kêu lên: “Thiếu Chiutchev khó mà sống”, rằng “Tôi thật sự hạnh phúc tìm được một tác phẩm thật sự nghệ thuật. Tôi không thể đọc mà không rơi nước mắt!”; Turgheniev đã gọi Chiutchev là: “Nhà thơ kiệt xuất của chúng ta”; Nekraxov nhận xét: “Chiutchev ở vị trí hàng đầu những tài năng bậc nhất của thơ Nga”; Afanaxi Fet nói về thơ Chiutchev: “Cuốn sách nhỏ bé này nặng hơn nhiều so với những bộ sách dày cộp”; Tsernưsevxki bảo: “Thơ Chiutchev là tuyệt vời”...Thậm chí, có nhiều người còn đánh giá thơ Chiutchev hay hơn cả“mặt trời thi ca Nga” Puskin (!)
Chiutchev thua Puskin 4 tuổi và sống thọ hơn nhà thơ chết vì đấu súng này những 36 năm. Chiutchev sáng tác thơ từ bé, cần cù viết trong suốt 60 năm nhưng hầu như chỉ viết cho riêng mình, không thích đăng báo. Năm 1836, lúc đã 33 tuổi khi đang là nhà ngoại giao sống bên Đức, bạn bè chép thơ ông dưới bút hiệu viết tắt là F. I. gửi về cho Puskin và được thiên tài thơ này nồng nhiệt giới thiệu hẳn một chùm thơ 16 bài trên tạp chí “Người đương thời” (Xovremennik). Sau đó, Puskin còn giới thiệu tiếp gần chục bài thơ nữa của Chiutchev dưới bút hiệu F.I. làm kinh hoàng cả giới văn học, vì ánh sáng quá chói lọi của một vì tinh tú khác đang lấp ló ở chân trời, dễ chừng chuẩn bị thay thế cho “mặt trời thi ca Nga” sắp lặn ngay sau đó : năm 1837 (năm mất của Puskin).
Nhưng Chiutchev không chịu in thơ, chỉ viết như một giải toả tâm hồn riêng của mình; nhiều khi làm xong một bài thơ ông liền vo viên tờ giấy nháp ném vào lửa hay gửi tặng thùng rác. Bận rộn với công việc ngoại giao trong suốt 22 năm ở nước ngoài, với hai lần rưỡi lấy vợ, với việc dịch thơ văn, với các bài diễn văn về xã hội, về triết học... ( Chiutchev có hai lần cưới vợ chính thức: khi bà vợ đầu nữ bá tước Nicolaevna Chiutcheva mất năm 1838, năm 1839 ông cưới nữ hầu tước Fedorovna Chiutcheva, năm 1850 nhà thơ yêu và sống ngoài giá thú với E.A. Denixieva Elena).
Chiutchev không hề quan tâm đến việc phổ biến thơ mình. Sống thọ tới 70 tuổi, nhưng cả đời, chỉ có 2 tập thơ của thi nhân được công bố. Khi nhà thơ 51 tuổi, nhờ Turgheniev - người chủ biên tạp chí “Người đương thời” cho in một chuyên san thơ Chiutchev gồm 92 bài làm cả nước Nga giật mình : may mắn thay đã xuất hiện một “mặt trời thi ca Nga” khác, có vẻ còn chói lọi hơn cả Puskin! Mười bốn năm sau, tức năm 1868, năm nhà thơ 65 tuổi, nhờ người con rể của mình (I.X. Akxacov - chồng của con gái đầu : Anna Fedorovna), tập thơ thứ 2 của Chiutchev mới được ra mắt bạn đọc. Một nhà thơ Nga vĩ đại như thế, mà mãi tới lúc kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông cuối năm 2003 vừa qua, bạn đọc Việt Nam mới có dịp biết đến nhờ công dịch và giới thiệu của anh Thuý Toàn.
Chiutchev dẫu đến Việt Nam muộn mằn như thế vẫn còn may cho chúng tôi, những bạn đọc Việt Nam yêu thơ, không chỉ biết yêu Nguyễn Trãi, Nguyễn Du của dân tộc mình, mà còn biết yêu những “Nguyễn Trãi, Nguyễn Du của dân tộc khác”.
Chiutchev- đứa con náo động và hoành tráng, ngùn ngụt và mê cuồng của thiên nhiên Nga, sinh ra và lớn lên trong một gia đình quý tộc của trang ấp Ovxtug, huyện Brianxcơ, tỉnh Orlov. Cuối năm ấy, tức ngày 23-11-1803 tiếng khóc chào đời như lời báo động của thiên tài thơ Nga mai sau vút lên mũi tên đại bàng U-ran xuyên trời, vút lên cây thông xanh được trồng bằng nước mắt trong một nước Nga làm bằng tuyết trắng, như lời thơ Chiutchev viết sau này - năm 1849: “Nước mắt con người, ôi nước mắt con người / Các ngươi chảy sớm mai và chiều tối / Các ngươi chảy âm thầm không ai thấy / Chảy vô cùng vô tận, chảy vô biên”.
Bão tuyết đã hát ru hài đồng thơ bằng bài ca xe tam mã ì ạch kéo thế kỷ thứ XIX trắng rợn người vào thảo nguyên Nga buồn rười rượi, nỗi buồn của bài ca người kéo thuyền trên sông Von-ga, buồn hơn cả gió Xi-bi-ri đang bị đi đầy. Rồi những bình nguyên cuồn cuộn cỏ xanh và lúa mạch, những rừng thu Nga vàng hơn tất cả vàng mười của toàn thế giới cộng lại, những dòng sông Nga dài hơn cả khúc ruột trời xanh...cùng hát ru tâm hồn thơ trẻ Chiutchev tiếng nôi đưa ngàn sao của Chúa Trời, tiếng hát trầm buồn của các thiên sứ mặc trang phục thiên nhiên lúc vàng thu trút lá...
Thiên nhiên trong thơ Puskin chừng như nghiêng về sự tĩnh với vẻ huy hoàng và trang nhã, tinh khôi và dịu dàng, u uẩn và diệu vợi. Còn thiên nhiên trong thơ Chiutchev động vang mang vẻ đẹp quằn quại, rớm máu, lênh láng nỗi kinh hoàng, bơ vơ niềm bão bùng rách nát. Với Chiutchev, tiếng sóng là tiếng rên: “Tiếng rên báo trước nhiều điều”; sông của ông vừa là nước lại vừa là lửa: “Sông vẫn trôi và tung toé lửa”; nàng xuân của ông khoả thân tắm trong tuyết: “Trong tuyết đông tắm rửa nõn nà”; nước chảy trong tuyết tan của Chiutchev cũng náo động ngôn từ: “Nói luôn mồn với mọi nơi, mọi chốn”; trời của ông đang khóc than, rên xiết, bỗng cười như trẻ thơ: “Trời xanh cười hớn hở”; tiếng sấm của thi sĩ là cốc rượu vô biên: “Rượu sấm đang sôi tắm cõi trần” ...
Có khi, Chiutchev là chiếc cầu vồng yên ả một cách dữ dội cắm một chân lên bầu trời văn học Nga, đứng theo dáng đứng một chân của con thiên nga đợi bạn tình bên hồ vắng, như câu thơ kỳ lạ sau:
“Và cầu vồng đã cắm xuống một chân
Trong những đỉnh tán cây xanh ngắt”
Thơ ca, đôi khi cũng cần hoá chiếc cầu vồng đứng một chân mà cõng cả bầu trời như thế. Cái cầu vồng nhễ nhại mồ hôi Chiutchev thuở ấy từng “Bị những tia sáng ban ngày xua đuổi”, dồn tới chân tường “hoàng hôn của ngôi sao máu đỏ”, để tâm hồn nhà thơ chết đuối trong đêm khi nghe một tiếng chim sơn ca gở, chính ra phải hót vào lúc ban mai thì nửa đêm đến hót vào giờ khắc chết, như những câu thơ ông viết vào cuối những năm 30 của hai thế kỷ trước: “Là vị khách tuyệt vời buổi sớm / Sao lại về vào giờ chết canh khuya ? / Giọng uyển chuyển, vút cao, lảnh lót / Giữa canh khuya giờ chết lúc này / Nó giống như tiếng cười gằn loạn trí / Sới tung lên tất cả tâm hồn tôi”...
Nhà thơ có khi là con chim sơn ca hót vào giờ khắc chết kia chăng? Con sơn ca thi sĩ đến báo ban mai ngay lúc nửa đêm nên nó thường bị xua đuổi, thậm chí bị giết thảm khốc như Nguyễn Trãi, như Fetofi...Và thơ ca, lầm lũi thức đêm dùng tiếng hót sơn ca gáy gở của mình mà “Sới tung lên tất cả tâm hồn “con người, đặng bí mật gieo hạt nhân ái dù ngay trên cánh đồng thù hận.
Chiutchev đã đi từ bóng tùng của đời sống đến bóng đêm của thơ ca: “Những bóng tùng san sát bên đường / Giờ đã tan nhoà thành một bóng”.
Đêm có thể là một tán tùng vĩ đại che lấp mặt trời, hay đêm đã ăn hết những bóng tùng- bóng râm trên đường đi của loài người mà thành vũ trụ, thành hư vô ? Nhà thơ bị xô dạt vào đáy đêm xuýt chết đuối, nếu không níu được vào một cánh bướm vô hình:
“Nghe đâu đây tiếng sải cánh vô hình
Con bướm nhỏ trong trời đêm tĩnh mịch”
Đêm có thể dìm chết đuối được mặt trời, trăng, sao, nhưng đêm lại không dìm được một cánh bướm mỏng manh đến tựa vô hình. Chừng như đôi cánh bướm nhỏ trôi trong đêm tĩnh mịch kia chính là đôi mắt của nhà thơ mất ngủ, lặng nghe tiếng đồng hồ buông từng hồi “tiếng đồng, tiếng sắt” như một nghi lễ, một Requiem (kinh cầu hồn) đưa ma thời gian, hay là “tiếng than vãn của thời gian”, thương xót con người đang chết giả trong những giấc ngủ thật, trong bài thơ “Mất ngủ”:
“Chỉ đôi khi trong đêm khuya khoắt
Cử hành một nghi lễ u buồn
Giọng đưa ma tiếng đồng, tiếng sắt
Thương khóc chúng ta chậm rãi buông”
Chiutchev trong nhiều đêm mất ngủ, đã để tâm hồn mình lẽo đẽo đi theo những “Tiếng chuông đồng hồ đêm đơn điệu” mà chôn cất thời gian chết liên tục, từng giây phút chết không ai chôn đang dồn đống lại như đêm đen, như sao trời, như nỗi tủi buồn của muôn trùng lá rụng nằm nghe gió thở dài. Chính trong đêm nghi lễ đưa ma thời gian ấy, nhà thơ của nỗi buồn Nga này đã nhìn thấy điều mà người khác không nhìn thấy, một câu thơ của thế giới khác, của một nhân loại khác, như không còn ai để chúng ta đâm bổ vào nữa, đành đâm bổ vào mình, vồ lấy mình như kẻ chết đuối vồ lấy chiếc phao:
“Bằng tất cả thiên nhiên, vật lộn
Chính chúng ta lại đâm bổ vào mình”
Bao thế kỷ trước khi Chiutchev viết ra câu thơ xuất thần này, con người từng đâm bổ vào kẻ khác để mong thoát cô đơn, mong tìm hạnh phúc, tìm một chỗ ẩn náu để khỏi bị gió cát bụi cuốn đi mất. Nhưng những kẻ khác cũng như ta, cũng hoảng hồn tìm một kẻ khác nữa mà nhảy bổ vào như cào cào châu chấu, thành ra cái hành vi “đâm bổ” vào nhau kia rốt cuộc đều bị dội lại, văng ra, rớt lại thành lá rụng làm mồi cho gió cuốn...
Trước một câu thơ hay như câu: “Chính chúng ta lại đâm bổ vào mình”, mọi sự giải thích, giải mã chừng như đều vô duyên, hãy để cho mỗi người cảm theo một cách riêng của mình. Chiutchev - nhà thơ “đâm bổ vào mình”, đâm bổ vào trang giấy mà dìm linh hồn hằng sống của mình trong mỗi câu thơ. Có thể nói, chính Chiutchev đã tan ra thành muôn tiếng dội của thiên nhiên, đặng tìm một câu trả lời cho cõi sống mà chừng như vô vọng, không lại hoàn không, Chiutchev lại hoàn Chiutchev, Chúa quyết không giải bài toán tò mò của con người đi tìm bản nguyên của vũ trụ: “Và vì sao trong dàn đồng ca chung / Tâm hồn không hát lên, như biển cả / Và bờ sậy trầm tư lại thở than? / Và tiếng kêu từ trong sa mạc / Tiếng kiệt cùng phản kháng của tâm hồn / Từ mặt đất đến trời cao xa tít / Cho tới nay lời đáp vẫn tịnh không?”.
Tâm hồn thơ Chiutchev đồng nghĩa với niềm thương khó, với khổ nạn của chính cuộc đời mình khi lúc nào cũng phải đưa đám thời gian: “Một giây thoáng, một giây sau đâu còn nữa? / Đã biến mất như rồi tan biến cả / Cái mà ta hít thở, cái nuôi ta!”. Thiên nhiên tạo ra con người để rồi dồn nó lại gò đống, mọi hiện hữu, hiện tại đang biến thành hư vô, thành quá khứ; thiên tài như Chiutchev cũng không níu nổi vạt áo thời gian, không níu nổi vĩnh hằng, đành phải kêu lên, than lên cho đỡ hiu quạnh kiếp người, ví như lần nhà thơ về thăm một làng cổ ở quê hương mình và thấy tháng ngày tuôn nước mắt: “Của cuộc sống, nơi này từng sôi nổi / Của máu đỏ, nơi này từng tuôn chảy / Còn lại gì đến được với chúng ta / Cho đến nay thấp thoáng mấy mộ gò ...”.
Chiutchev - hay là chiếc lá vàng của thế kỷ thứ XIX, bị gió tân thời của các thế kỷ sau bứt khỏi cành mà đáp xuống cùng hậu thế. Chiếc lá vàng Chiutchev vừa rụng xuống thế kỷ XXI, đáp xuống trang thơ của chính ông:
“ Và chiếc lá vàng đầu tiên góc nọ
Bứt khỏi cành, lượn đáp xuống mặt đường”
Thi ca đã làm cho những mùa thu trút linh hồn được hằng sống lá, hằng sống vàng son, hằng sống những con mắt của thiên nhiên tìm “đáp xuống mặt đường” nhân loại. Chiutchev là nỗi thở dài, là lời than vãn của rừng tai-ga, là tiếng nức nở của trăm dòng sông Nga bị đóng băng mà vẫn không muốn dìm chết sóng; ông lại cũng là nỗi buồn mê đắm của tình yêu đôi lứa, tìm trong môi hôn của hư vô niềm tiếc nuối, tìm thấy nhau mà không níu được nhau. Chiutchev yêu như là khói, như bóng nhìn thấy mà không cầm lên được, không ôm vào lòng được. Có thể đây là những câu thơ tình buồn nhất thế giới, buồn ngay cả trong hạnh phúc:
“Như cột khói trên trời cao sáng trắng
Như cái bóng tườn dưới chân không sao tóm gọn
“ấy là cuộc đời chúng ta. - em bảo với tôi
Không phải cột khói chói chang trong ánh trăng soi
Mà là cái bóng đen này lìa xa cột khói ...”
Cái bóng của lứa đôi, cái bóng của hạnh phúc đang dần “lìa xa cột khói” của đời sống mà khuất vào sinh diệt, khuất vào cõi vô tình, như thể yêu xong là chết, yêu xong là tan biến hết “cuộc đời chúng ta vậy”. Tình yêu lứa đôi trong thơ Chiutchev là một tình yêu ngậm ngùi, nghèn nghẹn, mê đấy mà tủi đấy, sung sướng đấy mà khổ đau đấy...Chừng như thiên nhiên Nga vẫn tìm đến ám tình yêu trai gái trong thơ Chiutchev bằng nỗi sầu vạn cổ, nỗi buồn rộng quá, sâu quá, xa quá của đất trời Nga thăm thẳm vô chừng.
Em cũng thăm thẳm vô chừng như rừng Nga ấy, như tiếng vỗ cánh tìm muôn trùng của bầy thiên nga đang bỏ đất về trời. Tuy vậy, thi sĩ đam mê, vẫn hết mực đa tình, nguyện làm con ong tình yêu hút mật-con tim: “Không phải rắn, chàng châm tim nọc độc / Mà như ong hút mật hút con tim”. Thơ phải chăng chính là con ong hút mật-tim -người để làm ra mật ngôn ngữ ?
Chiutchev - con ong của mật thơ Nga, đến trái đất này để yêu và để chết. Ông mất tại Hoàng thôn (Txarxcoie xelo) ngoại ô Peterburg năm 1873, khi vừa tròn 70 tuổi. Năm 1837, khi nghe tin Puskin mất vì đấu súng, Chiutchev viết bài thơ “29 tháng giêng năm 1837” để khóc “mặt trời thi ca Nga”, tôn vinh Puskin tới tột cùng: “Người chính là thân mình của Chúa”. Yêu Puskin như thế chắc không ai hơn Chiutchev, nên ông đã tìm đến chính Hoàng thôn của Puskin mà trút linh hồn vào đầu mùa thu năm 1873.
Sinh ra trong tuyết trắng và từ giã cõi đời trong mùa thu vàng, hai mầu sắc đặc trưng nhất của nước Nga đã cùng theo Chiutchev về bên kia thế giới. Và chắc từ ngoài hư vô, Chiutchev đang nhìn về trái đất chúng ta, để cùng chúng ta khám phá câu thơ thiên tài ông từng viết khi sống: “Trái đất đã lăn khỏi đầu mình”. Vâng, cho đến giờ, trái đất vẫn như một con lật đật Nga, cố gắng “lăn khỏi đầu mình”, lăn khỏi đầu của mỗi chúng ta để hi vọng không phải một mình thui thủi giữa vũ trụ cô đơn.
(Ghi chú của Trần Mạnh Hảo : Tác giả cám ơn Nina đã chỉnh sửa cách viết tên riêng trong bài. Tác giả cũng xin website Nước Nga đề tên người viết là Trần Mạnh Hảo, nếu không bài này thành ra một bài viết vô danh(!))
. Bookmark the permalink.
Sải đôi cánh u-hoài !
Trong đêm trường tĩnh mịch
Hãy đâm bổ vào nhau cho lăn ra từng hơi thở
Hãy sới tung tâm hồn cho nhịp sống bớt cô đơn
Hãy tiêm nọc độc vào tim nhau để hòa chung nhịp đập
Trần trụi giữa đời cho hoa lá mãi xanh tươi.